Nhân sự kiện LS Nguyễn Văn Đài bị truy tố hai điều luật: Bàn về điều 79 BLHS

Nguyễn Lê Vũ

26-8-2017

Ông Nguyễn Văn Đài và Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain trong một lần gặp ở Hà Nội trước khi LS Đài bị bắt. Nguồn: Facebook

Lời mở đầu: Cách nay hơn 600 ngày, luật sư Nguyễn Văn Đài bị truy tố tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự. Đã quá thời hiệu giam giữ để điều tra, nên CSVN cáo buộc LS Đài thêm tội danh ở Điều 79. Ta thử tìm hiểu xem điều luật rất ưa dùng này của mọi chế độ độc tài CS có lịch sử và biến tướng của nó ra sao.

Một trong những điều luật danh tiếng nhất của nhà nước Việt Nam hiện nay chính là Điều 79 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 do Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 (sau đây gọi tắt là “BLHS 1999”) quy định về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tội phạm nêu tại Điều 79 đó thuộc nhóm “các tội xâm phạm an ninh quốc gia” được quy định tại Chương XI của BLHS 1999. Nguyên văn Điều 79 như sau:

Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

  1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
  2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

“Lật đổ chính quyền” – theo cách gọi nôm na của phần đông dân chúng và của nhà cầm quyền – có lẽ là tội danh xuất hiện sớm nhất trong luật hình sự của mọi nhà nước cộng sản, bởi lẽ những người cộng sản luôn lên cầm quyền bằng phương thức “cướp chính quyền” dưới danh nghĩa “cách mạng vô sản”, nên họ rất cảnh giác và lo sợ bất kỳ ai phi cộng sản có ý định tham gia hoạt động chính trị, khiến đe dọa hoặc thay thế địa vị cầm quyền của họ.

Ở Việt Nam, dù trong giai đoạn chưa kịp san định một bộ luật hình sự quy mô đúng nghĩa, nhà nước cộng sản đã ban hành qua các thời kỳ nhiều bản văn pháp lý khác nhau xác định hành vi lật đổ chính quyền và trừng trị ai bị cáo buộc tội danh này. Đến năm 1985, khi nhà nước cộng sản ban hành Bộ luật Hình sự đầu tiên, tức Luật số 17-LCT/HĐNN7 ngày 27/6/1985 (sau đây gọi tắt là “BLHS 1985”), thì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” chính thức được quy định tại Điều 73 với tội danh và nội dung hoàn toàn giống Điều 79 hiện hành.

Áp dụng Điều 79 trước năm 2007

Ngược dòng lịch sử về phong trào phản kháng nạn toàn trị cộng sản, vào ngày 8/4/2006 một nhóm các nhà hoạt động xã hội đã công bố bản “Tuyên ngôn tự do dân chủ” kêu gọi thiết lập chế độ chính trị đa nguyên và đa đảng, thay thế thể chế độc đảng lỗi thời. “Khối 8406” mặc nhiên được hình thành từ đó, khiến nhà cầm quyền Việt Nam lo sợ và quy kết hoạt động của họ là vi phạm pháp luật. Cơ quan an ninh của chế độ đã bắt giam và kết án một số thành viên Khối 8406, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân vào năm 2007, dựa vào Điều 88 của BLHS 1999 về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trước năm 2007, ngay cả trong thời kỳ chưa có BLHS 1985 đầu tiên, nhiều vụ án chính trị lớn đã xảy ra, trong đó nhà cầm quyền sử dụng tội danh “lật đổ chính quyền” để gán ghép bắt giam và trừng phạt nặng nề nhiều nhà hoạt động chính trị và tôn giáo. Tuy nhiên, cách diễn giải và vận dụng tội danh “lật đổ chính quyền” trước năm 2007 hoàn toàn khác với thời gian sau này. Thời đó, chỉ những tổ chức nào, dù hình thành trong nước hay từ hải ngoại đột nhập về Việt Nam, hoạt động có sử dụng vũ khí hoặc bị gán ghép có tàng trữ vũ khí, mới bị xem là hội đủ yếu tố cấu thành hành vi lật đổ chính quyền. Trong tất cả các vụ án “lật đổ chính quyền” trước năm 2007 yếu tố vũ trang rất quan trọng và luôn hiện diện như chứng cứ vật chất cụ thể của ý đồ và hành động sử dụng phương thức bạo động lật đổ chính quyền.

Hậu quả của hành vi lật đổ có thể chưa đạt, nhưng đã bắt đầu được thực hiện thông qua hai chứng cứ chính (có thể tạo dựng), bao gồm: hành động bàn bạc, soạn thảo “kế hoạch lật đổ”, và hành động tàng trữ vũ khí. Chỉ cần có người khai từng nghe về kế hoạch phân công công việc và, quan trọng hơn, phát hiện ra một khẩu súng hoặc dao găm được chôn trong vườn nhà, chẳng hạn, khi cơ quan an ninh ập đến khám xét, là đủ bằng chứng về hành vi lật đổ. Nói cách khác, tính chất bạo động thể hiện qua việc tàng trữ để sử dụng hoặc có ý định sử dụng vũ khí là yếu tố cấu thành chính hành vi lật đổ chính quyền. Nếu chỉ bàn bạc và soạn thảo kế hoạch không thô, thì vẫn chưa hội đủ cơ sở pháp lý, vì thiếu tính chất bạo động.

Cần lưu ý, tính chất bạo động là điều kiện cần để áp dụng Điều 79, như phân tích ở trên, có phần tương tự quy định về tội “Bạo loạn” quy định tại Điều 82 của BLHS 1999, như sau: “Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, […].” Cả hai tội phạm, Điều 79 và Điều 82, đều có khung hình phạt hoàn toàn giống nhau.

Điểm khác nhau chủ yếu của tội bạo loạn và tội lật đổ chính quyền là mục đích của hành vi hay ý chí chủ quan của người thực hiện hành vi, ở tội bạo loạn là mục đích ‘chống’ chính quyền, còn ở tội kia là ‘lật đổ’ chính quyền. Tội bạo loạn chủ yếu dùng để khởi tố và truy tố những ai xuống đường tham gia biểu tình phản kháng gây hậu quả nghiêm trọng, do đó cho đến nay hầu như ít được nhà cầm quyền viện dẫn đến để trừng phạt ai.

Áp dụng Điều 79 từ năm 2007

Từ năm 2000, phong trào phản kháng nạn toàn trị cộng sản bắt đầu gia tăng, tuy nhiên hai điều luật thường được viện dẫn đến không phải là Điều 79 và 82 nêu trên, mà là Điều 80 về tội “Gián điệp” và Điều 88 về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Lý do chính là vì những nhà bất đồng chính kiến bị bắt giam đều hoạt động phi bạo lực bằng hình thức phản kháng ôn hòa.

Do thiếu yếu tố vũ trang nên trong suốt nhiều năm, Điều 79 (và cả Điều 82) ít được viện dẫn đến như cơ quan an ninh thường làm trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, nhất là khi càng về sau trò vu vạ chôn giấu vũ khí không còn tác dụng làm nhiều người dân tin nữa, mà lắm lúc còn gây phản tác dụng về truyền thông.

Một sự kiện đánh dấu sự chuyển đổi cách diễn giải Điều 79, đó là việc bắt giam luật sư Lê Quốc Quân vào đầu tháng 3/2007 lúc anh trở về nước sau chuyến đi Mỹ dự khóa đào tạo ngắn hạn của tổ chức The National Endownment for Democracy (NED), một quỹ phi chính phủ của Mỹ hỗ trợ việc phát triển và tăng cường dân chủ toàn cầu. Quyết định khởi tố luật sư Lê Quốc Quân đã viện dẫn Điều 79.

Nhà cầm quyền Việt Nam luôn xem các định chế quốc tế hoặc tổ chức của người Việt hải ngoại hoạt động cho mục đích cổ súy dân chủ và nhân quyền là những tổ chức chính trị đối kháng chính quyền toàn trị của họ. Nên những ai tham gia hoặc liên quan đến các tổ chức như vậy đều dễ bị suy diễn và gán ghép là “thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Tính chất bạo động vốn là điều kiện cần để áp dụng Điều 79 bắt đầu trở nên không cần thiết theo lối diễn giải mới. Bất kỳ hành động phản kháng ôn hòa nào, nhưng nếu có liên quan đến một tổ chức bị quy chụp là “thế lực thù địch”, vẫn có thể thuộc phạm vi áp dụng của Điều 79, kể từ vụ án của luật sư Lê Quốc Quân vào tháng 3/2007 sau thách thức nghiêm trọng của sự kiện hình thành Khối 8406.

Cần lưu ý, những người chủ xướng và công bố bản “Tuyên ngôn tự do dân chủ” vào ngày 8/4/2006 kêu gọi thiết lập chế độ chính trị đa nguyên và đa đảng, thoạt tiên chưa bị xem là thành viên sáng lập một tổ chức, bởi đó hoàn toàn không phải là một tổ chức chính trị. Do đó, hai nhà hoạt động tiên phong của Khối 8406 là luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân vẫn bị bắt giam và xét xử theo Điều 88 về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” vào đầu năm 2007.

Tuy nhiên, dù Khối 8406 không phải là một tổ chức, sự kiện hình thành nó dẫn đến khả năng các tổ chức chính trị được khuyến khích thành lập nhiều hơn trong phong trào phản kháng nạn toàn trị cộng sản, vì thế cơ quan an ninh buộc phải tìm cách diễn giải Điều 79 khác đi để sử dụng điều luật này như một công cụ răn đe hữu hiệu những ai có ý định thành lập hoặc tham gia các tổ chức đối kháng. Và họ đã vận dụng lối diễn giải mới lần đầu vào trường hợp luật sư Lê Quốc Quân do sự kiện anh tham gia khóa học được NED tổ chức.

Dù vậy, lập luận pháp lý đầy đủ nhất dùng để viện dẫn Điều 79 phải chờ đến vụ án Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung vào giữa năm 2009. Ban đầu, cả bốn nhà hoạt động này đều bị khởi tố theo Điều 88, nhưng sau khi kết thúc điều tra họ đều bị truy tố dựa vào Điều 79, do bị cáo buộc đã thành lập và/hoặc tham gia lần lượt vào các tổ chức như “Nhóm nghiên cứu Chấn” và “Đảng Dân chủ Việt Nam”.

Lập luận pháp lý áp dụng Điều 79 ngày nay

Cơ quan an ninh cáo buộc Nhóm nghiên cứu Chấn và Đảng Dân chủ Việt Nam là những tổ chức chính trị chủ trương thiết lập một chế độ chính trị đa nguyên và đa đảng nhằm thay thế “chính quyền nhân dân” hiện nay và phủ nhận Điều 4 của Hiến pháp. Một chủ trương như vậy, dù chỉ dừng lại ở hành động bàn bạc bằng lời, chứ không cần bằng văn bản, vẫn có thể được suy đoán dễ dãi thành có mục đích “lật đổ chính quyền nhân dân”.

Tiếp theo, một cách hợp lý, ai tụ họp lại thành một nhóm có ít nhất hai người cùng bàn bạc về chủ trương đa đảng và xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ được suy đoán thành có hành vi thành lập và/hoặc tham gia tổ chức chính trị nhằm lật đổ chính quyền hiện thời và, do đó, đương nhiên phạm vào Điều 79.

Lập luận pháp lý trên tất nhiên không phù hợp với nguyên tắc Suy đoán vô tội của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự trên toàn thế giới, kể cả Việt Nam, bởi nó chỉ suy đoán hành vi của nghi phạm theo hướng buộc tội họ, thay vì chỉ áp dụng sự suy đoán nhằm gỡ tội như đòi hỏi của nguyên tắc trên. Chính Điều 13 của Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13 do Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 27/11/2015 quy định như sau về nguyên tắc Suy đoán vô tội:

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Căn cứ quy định pháp luật nói trên, rõ ràng lập luận pháp lý áp dụng Điều 79 không chỉ vi phạm chuẩn mực quốc tế về hình luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng cả Bộ luật Tố tụng Hình sự của nhà nước này. Điều đó thực sự là nỗi ô nhục của nền tư pháp cộng sản tại Việt Nam, vì không ở đâu trên thế giới nhà cầm quyền lại đi ngược tiến trình văn minh pháp lý của nhân loại và vi phạm luật pháp của chính mình như ở đây.

Biến tướng mới của Điều 79

Điều 79 và các điều luật về “an ninh quốc gia” khác được quy định tại Chương XI của BLHS 1999 đã bị các quốc gia phương Tây chỉ trích và đề nghị loại bỏ, do chúng là công cụ mà nhà cầm quyền Việt Nam dùng để trấn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến ôn hòa. Năm 2015 nhà cầm quyền ban hành bộ luật hình sự mới. Tuy nhiên, thay vì loại bỏ các điều luật về “an ninh quốc gia”, họ chỉ thay đổi câu chữ và số của các điều khoản có liên quan, và tiếp tục duy trì các điều luật bất công và bất hợp lý đó.

Cụ thể, Điều 109 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 do Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018, quy định về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, thay thế Điều 79 của BLHS 1999, như sau:

Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

  1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
  2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
  3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Điều 109, biến tướng mới của Điều 79, chắc chắn cũng sẽ được viện dẫn để chụp cái mũ “lật đổ chính quyền nhân dân” cho những nhà hoạt động ôn hòa, bằng lập luận pháp lý mông muội dành cho Điều 79 hiện hành, như đã phân tích ở trên.

Bình Luận từ Facebook