Nguyệt Quỳnh
16-8-2017
Ngày 8/8/17 lúc 1 giờ chiều Nguyễn Hồ Châu Linh chào đời. Lẽ ra em được chào đón bằng nụ cười hạnh phúc của mẹ và vòng tay ấm áp, chở che của bố. Thế nhưng Châu Linh đã cất tiếng khóc đầu tiên trong nỗi cô đơn và những giọt nước mắt can đảm của mẹ. Cả hai mẹ con sẽ phải chào đón một bản án bất công sắp giáng xuống người chồng, người cha thân yêu của họ. Ngày 21/8 tới đây sẽ là phiên tòa xử cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai. Anh bị gán ghép với hai tội danh “chống người thi hành công vụ” và “không chấp hành án quản chế”.
Ngay khi chỉ mới là một một mầm sống trong bụng mẹ, đêm đêm Châu Linh đã từng được nghe bố nói chuyện với em. Đây là một mái ấm nho nhỏ vừa mới bắt đầu. Mẹ em, chị Linh Châu đã chia sẻ trên facebook rằng chị cảm thấy hạnh phúc mỗi tối khi chồng về, sờ tay lên bụng nói chuyện với con và chị rất tự hào về người chồng của mình.
JB Nguyễn Văn Oai tốt nghiệp cử nhân tin học. Anh tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân trong các nhà máy xí nghiệp ở Bình Dương và biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Ngày 30/7/2011, anh bị bắt cùng với 14 thanh niên công giáo và bị tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Anh mãn hạn tù vào tháng 8 năm 2015.
Nguyễn Văn Oai chưa bao giờ nhận mình có tội. Khi ra khỏi tù anh tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực dân quyền, tiếp tục lên tiếng và hướng dẫn giáo dân đấu tranh chống lại các khoản thuế khóa và lạm thu về giáo dục,..
Anh chia sẻ với vợ: “Nếu bây giờ, anh im lặng mà tham lam cuộc sống an nhàn và vui vẻ hưởng hạnh phúc, trong khi anh biết rõ đất nước mình đang ngày bị tàn phá ở tay cộng sản, thì chính anh là người đang phá hủy tương lai của chính con cháu mình sau này”.
Chị Châu hiểu chồng và rất yêu chồng. Khi còn là một thiếu nữ, chị đã dám yêu một tù nhân chính trị và sẵn sàng gắn bó cuộc đời mình với anh. Khi Nguyễn Văn Oai bị bắt, người ta nhìn thấy rõ hơn chị đúng là một nửa của anh.
Một mình, cô đơn, thai nghén, chị vẫn thẳng thắn nói với những kẻ bắt giam chồng mình bằng những lời khẳng khái: “Tội chồng tôi là tội yêu nước và không chịu im lặng mặc cho các ông muốn làm gì dân thì làm thôi… Mấy ông thấy người yêu nước lo cho dân hơn các ông, các ông ghét các ông bỏ tù chồng tôi cho yên đó mà. Các ông nên nhớ các ông hại dân vậy thì các ông bắt Nguyễn văn Oai này thì còn nhiều Nguyễn văn Oai khác hơn thôi. Xem các ông giữ được bao nhiêu người như Nguyễn văn Oai”.
Đọc những điều chị chia sẻ, tôi bỗng dưng muốn đem cái khung cửa sổ đầy bóng đêm của cuộc đời chị và Nguyễn Hồ Châu Linh đến với chúng ta. Tình yêu của họ đã bị cắt lìa, mái ấm hạnh phúc nho nhỏ ấy đầy sóng gió, thế nhưng người vợ vẫn thì thầm với con gái, với chồng và với chính mình hàng đêm: “Chồng yêu! Anh có đang nhìn về phía cửa sổ như vợ lúc này để nhớ về mẹ con em không? Ngoài kia Đời lắm chuyện thị phi, cam go,… lúc này vợ đang cảm thấy khoảng trời thật bình yên để nhớ lại những khoảnh khắc có chồng bên cạnh. Lúc này mẹ con em cũng đang nhìn qua khung cửa sổ để nhìn về phía chồng, cứ như khung cửa này đang chia cắt gia đình chúng ta vậy. Vợ cảm nhận được sự cô đơn và nỗi nhớ của chồng qua khung cửa, vợ cũng đang nhìn về nó với sự cô đơn và nỗi nhớ. Chồng luôn dặn vợ đừng lo lắng cho chồng, hãy cố gắng sống tốt và thay chồng lo cho con để chờ ngày chồng trở về. Chồng yên tâm, mẹ con em sẽ luôn nhớ và cùng nhau đợi chồng về”.
Ngày hôm nay, không có người dân VN nào là không phải đối diện với cái bóng đêm mênh mông đó. Điều đáng buồn là các thế hệ của các bé Châu Linh, Nấm, Gấu, Tài, Phú và bao trẻ thơ khác sẽ phải sống với nó, không có chọn lựa nào khác! Đó là cái gia sản nhiều khổ đau và đầy bất trắc do chính chúng ta góp phần tạo ra cho chúng. Cái gia sản mà những trẻ thơ như Tài và Phú đã phải trải qua những giây phút kinh hoàng, khi chúng phải tận mắt chứng kiến cảnh công an dùng gậy sắt đánh gãy chân chị Trần Thị Nga, mẹ các cháu.
Nhưng rõ ràng sự gia tăng đàn áp hung bạo của chính quyền không có khả năng quật ngã những người phụ nữ như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, hay Linh Châu. Trong bóng đêm đè nghẹt ấy, người mẹ nhìn thấy có một ánh trăng nhỏ nhoi vụt sáng. Ánh Trăng đó là Nấm, Gấu, Tài, Phú, là Nguyễn Hồ Châu Linh,… và đó là sức mạnh của người mẹ.
Ngày 21/8 người cha thân yêu của Nguyễn Hồ Châu Linh sẽ phải ra tòa. Công an, CSCĐ, CSGT, an ninh thường phục sẽ lại bố ráp, phong tỏa trước cổng Tòa án. Thế nhưng, lãnh đạo CSVN làm sao ngăn nỗi tiếng nói của JB Nguyễn Văn Oai. Chúng ta đã được nghe anh nói ngày anh được trả tự do và còn đang lắng nghe nhịp đập trái tim của người thanh niên ấy: “sau khi được tự do, tôi thấy những năm tù qua thật ý nghĩa. Trong những năm tháng lao tù càng làm cho tinh thần của tôi thêm mạnh mẽ… Lúc làm thủ tục, tôi không ký giấy ra trại vì cho rằng mình không sai và việc họ bắt giam tôi đã sai trái với công lý. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ – nhân quyền ở Việt Nam dù có phải hy sinh tính mạng. Những năm tháng lao tù cộng sản không thể làm tinh thần tôi gục ngã được.”
Cám ơn JB Nguyễn văn Oai, cám ơn ánh trăng Nguyễn Hồ Châu Linh. Người cha thân yêu của em chắc chắn sẽ trở về. Ngày ấy món quà cưới cho vợ sẽ đẹp hơn, và đê Bung sẽ không còn những kẻ rình rập bắt người, đê Bung sẽ đầy những vì sao lấp lánh.
Tôi chắc không ai có thể nói về “ý nghĩa của sự sống” đẹp như JB Nguyễn Văn Oai và vợ của anh. May ra, câu nói của triết gia Albert Camus có thể quảng diễn phần nào cuộc đời của người trai Nguyễn văn Oai và những suy tư của người vợ tuyệt vời của anh nơi một làng quê còn mênh mông bóng đêm: “Thứ được coi là lý do để sống cũng là lý do tuyệt vời để chết”.