Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cổ phẩn ở sân golf Tân Sơn Nhất?

VNTB

Nguyễn Đình Ấm

14-8-2017

Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn khảo sát 21ha đất quốc phòng để bàn giao làm sân đỗ lưỡng dụng. Ảnh: báo TT

Hôm 8/8/2017 phát biểu trước báo giới, ông Trần Đơn, Thứ trường Bộ Quốc phòng đã nói về việc cơ quan này sẵn sàng giao đất cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Tôi và có lẽ toàn dân ta hoan nghênh ông Đơn đã thừa nhận sân bay Tân Sơn Nhất – cửa ngõ hàng không chủ yếu của Việt Nam đã quá tải trên không, dưới đất, và xung quanh. Thế nhưng, lời thừa nhận quá muộn đó đã đổi lại những thiệt hại không thể tính nổi cho ngành hàng không (HK) và đất nước. Bởi lẽ, ngay từ năm 2007, sân bay TSN đã quá tải sân đỗ, hàng ngày vào giờ cao điểm nhiều chuyến bay đến TSN đã phải bay vòng chờ chỗ đỗ.

Trước tình trạng này, sân bay TSN, ngành HKVN đã yêu cầu Chính phủ cho quy hoạch thêm 30ha, làm thêm 30 chỗ đỗ bên phần đất quân sự nhàn rỗi nhưng bên quân sự không “thỏa thuận”, nghe nói họ yêu cầu tính 30 chỗ đỗ đó làm cổ phần của quân đội. Tiếp đó, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại ngầm phê duyệt cho Bộ Quốc phòng 157,6 ha làm sân golf, nhà hàng khách sạn, chung cư, trường học để đến nay cửa ngõ HK lớn nhất VN rơi vào tình trạng nguy khốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông HK và sự phát triển của đất nước.

Những kế hoạch vô lý nhất – cản trở sự phát triển dài hạn đã được thực hiện mặc dù đất sân bay là của nhà nước, của 90 triệu dân chứ không phải là sở hữu của Bộ Quốc phòng.

Ông Trần Đơn liệu có cổ phần sân golf Tân Sơn Nhất?

Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người thay mặt Bộ Quốc phòng đưa ra quan điểm của tổ chức này trước công luận xoay quanh vấn đề sân golf Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, xoay quanh chuyện ông Thứ trưởng, lại là những câu hỏi về việc, liệu ông có cổ phẩn sân golf Tân Sơn Nhất hay không?

Thứ nhất, việc ông Trần Đơn yêu cầu dẹp 50 kiosque bán hàng, các kiosque bán xăng dầu dọc đường Trường Chinh, cấm các đơn vị quân đội không ký tiếp các hợp đồng cho thuê đất quốc phòng, bàn giao cho bộ GTVT 19,7 ha đất quân sự trong sân bay TSN để giải quyết sân đỗ máy bay và giao thêm 14 ha để làm nhà ga…

Dù hoan nghênh Bộ Quốc phòng đã giao thêm đất của nhà nước cho nhà nước để mở rộng khai thác sân bay của nhà nước thì tôi cũng như nhiều CBNV ngành Hàng không VN không nhất trí với những số liệu mà ông đưa ra về sân bay TSN như diện tích toàn bộ sân bay là 1.060 ha là không đúng. Năm 2010, ngành HKVN đã đo đạc chính xác sân bay TSN để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thì sân bay này có diện tích 1.150 ha. Qua theo dõi, từ khi quân đội làm dự án sân golf trong sân bay TSN và xúc tiến dự án sân bay Long Thành thì thấy có những hành vi muốn thu hẹp sân bay như kẻ nào đó đã sửa từ điển Wikipedia tiếng Việt diện tích TSN là 850 ha, loại khỏi diện tích sân bay 300 ha.

Ảnh tác giả gửi tới.

Trên thực tế có ai đó đã lấn chiếm của sân bay 300 ha hay muốn lừa dư luận là diện tích sân bay TSN quá hẹp, không thể phát triển được nên phải gấp rút xây Long Thành thay thế? Theo số liệu của ông Trần Đơn đưa ra sân bay TSN chỉ có diện tích 1.060 ha tức ai đó hay ông đã trừ đi diện tích mà doanh nghiệp bộ quốc phòng đã làm sân golf và các công trình thương mại(150 ha)?Tôi khẳng định sân bay TSN có diện tích 1.150 ha (tính cả khu sân golf) xấp xỉ diện tích sân bay Chek lap kok của Hongkong, có thể mở rộng đạt công suất 70-80 triệu khách/năm như khẳng định của các nhà khoa học và ông Nguyễn Thành Trung cựu phi công máy bay F5E, Boeing 707, 777, phó TGĐ tổng công ty HKVN…

Thứ hai, ông Trần Đơn nói: “Sân golf là đất quốc phòng, thu hồi lúc nào cũng được. Nếu chính phủ chọn phương án xây dựng thêm đường băng thì bộ quốc phòng sắn sàng bàn giao. Nếu chính phủ thu hồi thì chúng ta tính toán với nhà đầu tư cho hợp tình, hợp lý”.

Qua phát biểu này có lẽ ông Trần Đơn không hiểu gì Luật đất đai như ĐBQH Nguyễn Đức Kiên nói, “hợp đồng làm sân golf trong đất quốc phòng vô hiệu” và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ đầu tư sân golf đã tuyên bố nhiều lần “khi nào nhà nước thu hồi đất (sân golf) thì không phải bồi thường”. Cụ thể, trả lời chất vấn của đại biểu QH Đỗ Văn Đương chiều 21/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 QH khóa 13 ông Nguyễn Tấn Dũng nói: “Việc này (xây sân golf và các công trình kinh doanh trong sân bay) phải đúng quy định về đầu tư, xây dựng và thuê đất. Trường hợp nhà nước cần thu hồi đất thì phải trả lại và không được bồi thường” (VNEconomy ngày 14/11/2014).

Vậy ông Trần Đơn không hiểu pháp luật, không biết lời hứa của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay ông cũng có cổ phần ở đây?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. tôi lại thấy vui vì Việt Nam sắp bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.

Comments are closed.