Chủ nghĩa Marx sau Polányi

Tác giả: Michael Burawoy

Dịch giả: Nguyễn Quang A

(Marxism after Polanyi, trong Michelle Williams and Vishwas Satgar, Marxisms in the 21st. Century, Johannesburg, South Africa, Wits University Press, 2013, p. 34-52.)

Chúng ta phải làm gì với chủ nghĩa Marx? Đối với đa số câu trả lời là đơn giản. Chôn nó đi! Khoa học xã hội dòng chính từ lâu đã chia tay với chủ nghĩa Marx. Talcott Parsons (1967: 135) đã gạt bỏ chủ nghĩa Marx như một lý thuyết mà tầm quan trọng của nó đã hoàn toàn bị giới hạn ở thế kỷ thứ mười chín – một phiên bản thế kỷ thứ mười chín của thuyết vị lợi không thích hợp với thế kỷ thứ hai mươi. Khá mỉa mai, ông viết những suy ngẫm này trong 1968 vào giữa một sự phục hưng lớn của tư tưởng Marxist khắp thế giới – một sự phục hưng bác bỏ chủ nghĩa Marx Soviet với tư cách một hệ tư tưởng thống trị, một sự phục hồi đòi lại di sản dân chủ và tượng trưng của chủ nghĩa Marx. Sự phục hồi đã không kéo dài mà bị thụt lùi khi hy vọng cách mạng đã bị chế ngự bởi sự đàn áp và sự độc tài và rồi bởi chủ nghĩa thị trường cực đoan. Với sự sụp đổ dứt khoát của trật tự Soviet trong 1991, và sự chuyển đổi thị trường đồng thời ở Trung Quốc, những người đào mồ đã tuyên bố chủ nghĩa Marx dứt khoát đã chết và các hồi chuông đã góng lên khắp thế giới.

Đối mặt với sự phởn phơ chống-Marxist như vậy, những người kháng cự cuối cùng thường tỏ ra giáo điều và lỗi thời. Các nhà Marxist, quả thực, đôi khi đã gia ơn cho các đối thủ của họ bằng việc chứng tỏ sự nhiệt tình sùng đạo của mình trong các lĩnh vực ít liên quan đến thực tế, bảo vệ chủ nghĩa Marx trong dạng ban sơ của nó, được khám phá trong các kinh thánh của Marx và Engels. Các môn đồ theo Marx và Engels – Lenin, Plekhanov, Trotsky, Bukharin, Luxemburg, Kautsky, Lukács, Gramsci, Fanon, Amin, Mao – đã chỉ chú giải sự đọc kinh từ các bản gốc. Các môn đồ ngày nay không đặt Marx và Engels vào bối cảnh của họ, như những người có thể sai mà tư tưởng của họ đã phản ánh thời kỳ họ sống, nhưng như các nhân vật giống đấng Christ và như nguồn của chân lý vĩnh cửu. Theo họ, các nhà sáng lập không thể nói điều sai.

Chẳng chấp nhận sự chôn vùi lẫn sự thiên khải, một cách tiếp cận thứ ba đến chủ nghĩa Marx đã có chừng mực hơn. Nhiều người trong các khoa học xã hội và xa hơn đã chiếm hữu cái họ cho là có thể sửa được, mà đã có thể bao gồm sự phân tích của chủ nghĩa Marx về sức sáng tạo của chủ nghĩa tư bản, các quan niệm về bóc lột và đấu tranh giai cấp, ý tưởng về tích lũy nguyên thủy, hoặc thậm chí các quan điểm Marxist về ý thức hệ và nhà nước. Các nhà tân-Marxist và hậu-Marxist này thường kết hợp các ý tưởng của Marx và chủ nghĩa Marx với các ý tưởng của các nhà lý luận xã hội khác – Weber, Durkheim, Foucault, Bourdieu, Habermas, Beauvoir, và vân vân. Quả thực, các nhà lý luận được nhắc đến sau cùng này bản thân họ đã hấp thu nhiều quan niệm Marxist, thường không thừa nhận sự mắc nợ của họ, ngay cả khi họ bày tỏ sự thù nghịch của họ với chủ nghĩa Marx. Các nhà tân-Marxist coi chủ nghĩa Marx như một siêu thị. Họ lấy cái họ thích và bỏ lại cái họ không thích, đôi khi tỏ sự kính trọng tại quầy thanh toán, đôi khi không. Họ không có nỗi day dứt nào về việc vứt bỏ cái không hợp thời.

Cách tiếp cận thứ tư, được chấp nhận ở đây, coi chủ nghĩa Marx như một truyền thống sống có sự đổi mới và sự tái tạo như thế giới nó mô tả và tìm cách để biến đổi theo sự thay đổi. Rốt cuộc, ở tâm điểm của chủ nghĩa Marx là ý tưởng rằng các đức tin – khoa học hay ý thức hệ – nhất thiết thay đổi với xã hội. Như thế, khi thế giới thay đổi thì chủ nghĩa Marx cũng phải thế, phản ánh các cấu trúc xã hội và kinh tế và các di sản lịch sử khác nhau. Tuy vậy, chủ nghĩa Marx không thể đơn giản phản chiếu thế giới. Nó tìm cách thay đổi thế giới, nhưng việc thay đổi một thế giới lốm đốm màu như vậy cần một lý thuyết lốm đốm màu, một lý thuyết theo kịp thời đại và thích nghi với các nơi.

Chủ nghĩa Marx như một truyền thống tiến hóa

Nếu chủ nghĩa Marx là một truyền thống tiến hóa, tất cả các biến thể của nó chia sẻ chung những gì mà biến chúng thành các phần của truyền thống đó? Cái gì làm cho chủ nghĩa Marx là chủ nghĩa Marx? Cái gì là lõi không thay đổi của nó bất chấp thời kỳ, bất chấp địa thế quốc gia? Cái gì là cái mọi nhánh của chủ nghĩa Marx có chung? Nếu chúng ta nghĩ truyền thống Marxist như một cây lớn mãi, chúng ta có thể hỏi: Bộ rễ của nó là gì? Thân của nó là gì? Các cành của nó là những gì? [1]

Bản thân các rễ phát triển trong một sự rối rắm thay đổi của bốn khẳng định nền tảng: chủ nghĩa duy vật lịch sử như được trình bày trong Lời nói đầu của Critique of Political Economy (Phê bình Kinh tế học Chính trị), các tiền đề của lịch sử như được thấy trong The German Ideology (Ý thức hệ Đức), các quan niệm về bản chất con người như được thấy trong Philosophical Manuscripts (Các Bản thảo Triết học), và quan hệ của lý thuyết và thực tiễn như được thấy trong Theses on Feuerbach (Các Luận đề về Feuerbach). Thân của cây Marxist là lý thuyết về chủ nghĩa tư bản, được trình bày trong ba tập của Capital (Tư bản luận), và được xét lại bởi những người thừa kế trong một thế kỷ rưỡi qua.

Rồi có các cành kế tiếp của chủ nghĩa Marx – chủ nghĩa Marx Đức, chủ nghĩa Marx Nga-Soviet, chủ nghĩa Marx Tây phương, chủ nghĩa Marx Thế giới thứ Ba – một số cành đã chết, một số đang bị héo đi, và còn những cành khác đang lớn mạnh. Mỗi cành xuất phát từ sự tái tạo của riêng nó với chủ nghĩa Marx, đáp ứng các hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Chủ nghĩa Marx Đức đã đáp ứng các xu hướng cải cách bên trong phong trào xã hội chủ nghĩa Đức của 1890-1920 cũng như khả năng của chủ nghĩa tư bản để hấp thu các cuộc khủng hoảng mà nó tạo ra; chủ nghĩa Marx Nga đã xuất phát từ các thế lưỡng nan của sự phát triển kết hợp và không đều của chủ nghĩa tư bản trên quy mô thế giới, và của cuộc chiến đấu về chủ nghĩa xã hội trong một nước; chủ nghĩa Marx Tây phương đã là một sự phản ứng lại chủ nghĩa Marx Soviet, chủ nghĩa phát xít và sự thất bại của cách mạng ở phương Tây; và chủ nghĩa Marx Thế giới thứ Ba vật lộn với các thế lưỡng nan của sự kém phát triển cũng như các cuộc đấu tranh thuộc địa và hậu-thuộc địa.

Khi chúng ta xem xét cây này, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa Marx có thể đã bắt đầu như một dự án nhỏ mà đã thực sự kết nối người dân xuyên qua các biên giới quốc gia – hãy nghĩ về Quốc tế Một. Khi chủ nghĩa Marx cổ điển đã có được sự ủng hộ quần chúng nó đã gắn với chính trị quốc gia (Nga, Đức, Pháp, và vân vân) từ đó nó đã mở rộng thành các khối khu vực – chủ nghĩa Marx Soviet, Tây phương và Thế giới thứ Ba. Quy mô của chủ nghĩa Marx ngày nay thế nào? Mặc dù cơ sở đại chúng của nó đã co lại, tôi sẽ lập luận rằng chủ nghĩa Marx không còn có thể đáp ứng chỉ cho các vấn đề địa phương, quốc gia hay khu vực được nữa; nó phải bao gồm các vấn đề toàn cầu, các vấn đề tác động đến toàn hành tinh. Tôi lập luận rằng, để tái tạo chủ nghĩa Marx trên một quy mô toàn cầu, đòi hỏi sự suy nghĩ lại cơ sở vật chất của chủ nghĩa Marx qua các lăng kính của thị trường, nhưng không về phương diện phạm vi địa lý của nó (vì các thị trường đã luôn luôn là toàn cầu cũng như địa phương), thậm chí cũng chẳng về phương diện uy thế tân-tự do (vì các thị trường đã luôn chuyển động qua các thời kỳ mở rộng và thu hẹp) mà về phương diện các phương thức mới của sự hàng hóa hóa (commodification).

Nói ngắn gọn, đã có ba làn sóng thị trường hóa quét qua thế giới: làn sóng thứ nhất trải suốt thế kỷ thứ mười chín, làn sóng thứ hai bắt đầu sau Chiến tranh Thế giới I, và làn sóng thứ ba bắt đầu vào giữa các năm 1970. Gắn kết với mỗi làn sóng là sự hàng hóa hóa của một lực lượng sản xuất hàng đầu, lần lượt là lao động, tiền và thiên nhiên. Đấy là ba hàng hóa giả (fictitious commodity) của Karl Polányi (1944), mà được ông cho rằng phá hủy giá trị sử dụng của chúng. Như thế, khi lao động chịu sự trao đổi không bị điều tiết, nó mất giá trị sử dụng – nó không thể là hữu ích; nếu tiền chịu sự trao đổi không bị điều tiết, giá trị của tiền trở nên dễ biến động đến mức các doanh nghiệp phá sản; và nếu thiên nhiên bị biến thành hàng hóa, nó phá hủy các phương tiện tồn tại của chúng ta – không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, đất trên đó chúng ta trồng trọt, thân thể trong đó chúng ta sống. Mỗi làn sóng hàng hóa hóa sinh ra một phản-phong trào (countermovement) được xây dựng trên một tập phân biệt của các quyền mở rộng (lao động, xã hội và con người) được tổ chức trên một quy mô ngày càng rộng: địa phương, quốc gia và, được cho là, toàn cầu. Cuối cùng, đối với mỗi phản-phong trào tương ứng với một cấu hình đặc biệt của chủ nghĩa Marx – chủ nghĩa Marx cổ điển dựa trên sự phóng chiếu của một sự không tưởng kinh tế; chủ nghĩa Marx Soviet, Tây phương, và Thế giới thứ Ba dựa trên sự điều tiết nhà nước; và cuối cùng, chủ nghĩa Marx xã hội học dựa trên một xã hội dân sự mở rộng và tự-điều tiết.

Sự phân thời kỳ của chủ nghĩa Marx có thể gắn với sự phân thời kỳ của chủ nghĩa tư bản nhưng bản thân các thời kỳ được dựng lại một cách liên tục như một lịch sử của hiện tại tiến hóa, một lịch sử làm cho hiện tại có ý nghĩa như là vừa khác vừa liên tục với quá khứ. Marx (1967) đã thấy chỉ một thời kỳ của chủ nghĩa tư bản, Lenin (1963) đã thấy hai và Ernest Mandel (1975) đã thấy ba. Chúng ta cũng thấy ba thời kỳ, không dựa trên sự sản xuất mà đúng hơn trên thị trường như kinh nghiệm nổi bật nhất ngày nay. Ở đây, quả thực, tôi đoạn tuyệt với khẳng định Marxist thông thường rằng sản xuất cung cấp nền tảng của sự đối lập với chủ nghĩa tư bản. Điều này không còn có thể giữ vững được nữa, một phần bởi vì sự sản xuất là địa điểm tổ chức sự ưng thuận với chủ nghĩa tư bản và một phần bởi vì đối diện với sự tạo ra toàn cầu của các dân cư lao động dư thừa, sự bóc lột nhanh chóng trở thành một đặc ân được săn đón của ít người. Sự bóc lột tiếp tục đóng vai trung tâm trong động học của sự tích lũy, nhưng không trong kinh nghiệm của các dân cư bị chinh phục. Trong phân tích Marxian, kinh nghiệm về thị trường có vẻ như ‘đạo tôn thờ hàng hóa-fetishism of commodities’, một sự ngụy trang cho chỗ được che giấu của sự sản xuất, nhưng nó là nhiều hơn thế nhiều, nó định hình nhiều chiều kích của sự tồn tại con người.

Dựng lại Polányi

Trong việc làm cho thị trường là một cột trụ của sự tồn tại con người, tôi dựa vào lý thuyết và lịch sử về chủ nghĩa tư bản của Karl Polanyi. Được viết năm 1944, cuốn The Great Transformation (Cuộc Biến đổi Vĩ đại) của Karl Polanyi xem xét các hệ quả chính trị và xã hội của sự lên của thị trường từ cuối thế kỷ thứ mười tám đến Đại Suy thoái. Thị trường, Polanyi lập luận, đã có các hậu quả tàn phá đến mức nó đã gây ra một phản-phong trào để bảo vệ xã hội. Phản-phong trào, tuy vậy, đã có thể tàn phá như thị trường mà nó tìm cách kiềm chế. Như thế, nó (phản-phong trào) đã gồm chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Stalin cũng như New Deal* và nền dân chủ xã hội. Thực ra, Polanyi đã kết luận rằng các hậu quả của nó đã là như thế, đến nỗi loài người sẽ chẳng bao giờ thử nghiệm lại với chủ nghĩa thị trường cực đoan nữa. Ông đã sai – chủ nghĩa thị trường cực đoan đã tấn công hành tinh của chúng ta một lần nữa trong các năm 1970, đe dọa sự tồn tại con người và tiêu diệt các cộng đồng.

Lý do cho sự lạc quan sai lầm của Polanyi là việc ông không coi logic của chủ nghĩa tư bản một cách nghiêm túc. Trong khi ông theo các bài viết sớm của Marx về sự tha hóa (alienation), ông bác bỏ lý thuyết của Marx về lịch sử, dù được hiểu như một sự kế tiếp của các phương thức sản xuất, động học tự-hủy diệt của sự cạnh tranh tư bản chủ nghĩa, hay sự tăng cường của đấu tranh giai cấp. Nhưng trong sự bác bỏ ý tưởng của các quy luật lịch sử, Polanyi cũng vứt bỏ logic của tư bản (capital), đặc biệt sự triển khai tái diễn của chủ nghĩa thị trường cực đoan như một chiến lược cho việc khắc phục các mâu thuẫn bên trong của nó. Đấy, tất nhiên, là nơi David Harvey (2003, 2005) bước vào coi ‘chủ nghĩa tân tự do’ như một sự tấn công tư tưởng của tư bản chống lại các lợi ích do lao động tạo ra trong thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới II. [2]

Sự nhận ra làn sóng đương thời của chủ nghĩa thị trường cực đoan dẫn đến việc hồ nghi lịch sử bá quyền hóa của Polanyi về chủ nghĩa tư bản như một làn sóng thị trường hóa duy nhất chịu thua một phản-phong trào độc nhất – cái ông gọi là ‘cuộc biến đổi vĩ đại’. Dựa cụ thể vào lịch sử Anh, Polanyi thuật lại chi tiết cách hệ thống Speenhamland đã bảo vệ lao động khỏi sự hàng hóa hóa cho đến sự thông qua Luật Người Nghèo Mới năm 1834, luật này đã cấm sự cứu trợ ngoài trời. Năm 1834 đã đánh dấu sự thiết lập một thị trường thuần khiết về lao động, thị trường này, suốt thế kỷ thứ mười chín, đã gây ra các phong trào chống lại sự hàng hóa hóa – từ phong trào Chartist năm 1848 tìm cách trao lá phiếu cho các công nhân, đến phong trào nhà máy tìm cách hạn chế độ dài của ngày làm việc, đến việc bãi bỏ các Bộ luật Kết hợp** tìm cách thúc đẩy các nghiệp đoàn, tới các đòi hỏi về bảo hiểm thất nghiệp và lương tối thiểu. Các cuộc đấu tranh này đã không phải về sự bóc lột, Polanyi lập luận, mà về sự bảo vệ lao động khỏi sự hàng hóa hóa của nó. Xã hội đã đấu tranh chống lại thị trường.

Trong lịch sử của Polanyi, sự hàng hóa hóa lao động đã chỉ là phần của một uy lực dài kéo suốt từ cuối thế kỷ thứ mười tám qua Chiến tranh Thế giới I đến Đại Suy thoái. Được tạo thuận lợi bởi sự hàng hóa hóa tiền, bản thân nó được bảo đảm qua sự điều tiết các tỷ giá hối đoái bằng neo chúng vào bản vị vàng, thị trường đã mở rộng vào lĩnh vực thương mại quốc tế. Việc mở ra một thị trường toàn cầu không bị điều tiết trong thương mại với giá trị thăng giáng của các đồng tiền quốc gia đã làm bất ổn định các nền kinh tế quốc gia riêng lẻ đến mức các nhà nước kế tiếp nhau đã rời bỏ bản vị vàng và đã thực hiện các chính sách bảo hộ. Các chế độ bảo hộ đã có dạng của chủ nghĩa phát xít trong các nước như Ý, Đức và Áo, đã có dạng New Deal ở Hoa Kỳ, đã có dạng chủ nghĩa Stalin với sự tập thể hóa và kế hoạch hóa tập trung của nó ở Liên Xô và đã có dạng dân chủ xã hội ở các nước Bắc Âu. Trong con mắt của Polanyi, sự hàng hóa hóa ngày càng đi lên cuối cùng nhường đường cho một phản-phong trào có thể dẫn đến chủ nghĩa xã hội dựa trên sự tự-điều tiết tập thể của xã hội, nhưng cũng có khả năng đúng như thế để nhường đường cho chủ nghĩa phát xít và sự hạn chế quyền tự do.

Biết rằng Polanyi đã sai về tương lai, tác giả đặt nghi vấn sự tường thuật của ông về quá khứ. Như thế việc xét lại lý lẽ của Polanyi tiết lộ rằng đã có không phải một quỹ đạo hướng lên duy nhất trong sự thị trường hóa mà có ít nhất ba làn sóng thị trường hóa (xem Hình 1). Làn sóng thứ nhất đưa chúng ta từ Speenhamland đến Chiến tranh Thế giới I (CTTG I) và được dẫn dắt chủ yếu bởi sự hàng hóa hóa lao động, tiếp theo bởi sự bảo vệ của nó, còn làn sóng thứ hai đưa chúng ta từ Chiến tranh Thế giới I đến giữa các năm 1970. Làn sóng thứ hai xuất phát với sự hàng hóa hóa của tiền (và một sự hàng hóa hóa mới nữa của lao động), dẫn đến một phản-phong trào kéo theo sự điều tiết các nền kinh tế quốc gia. Làn sóng thứ ba, được nhiều người biết như chủ nghĩa tân tự do, bắt đầu năm 1973 với cuộc khủng hoảng dầu mỏ và mở đầu một làn sóng thứ ba của sự thị trường hóa nêu bật lại sự hàng hóa hóa lao động và tiền, nhưng cả sự hàng hóa hóa thiên nhiên nữa. Chúng ta vẫn ở giữa sự thống trị của làn sóng thứ ba này của sự thị trường hóa. Dọc đường chúng ta đã trải qua sự điều chỉnh cơ cấu được thực hiện cho các nền kinh tế suy nhược của phương Nam và liệu pháp sốc được chế độ hậu-Soviet và các chư hầu của nó ở Đông và Trung Âu chấp nhận và thực hiện. Các thất bại kinh tế kế tiếp của các nền kinh tế được nhà nước-điều tiết đã được dùng để tiếp sinh lực cho lòng tin tăng lên vào thị trường. Sự kế tiếp của các cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á và Mỹ Latin trong các năm 1990, lên đỉnh điểm trong khủng hoảng tài chính 2008, đã được dùng để củng cố sức mạnh của tư bản tài chính. [3]

Cái độc nhất về giai đoạn thứ ba, tuy vậy, là cách mở rộng của chủ nghĩa tư bản đã gây ra sự xuống cấp môi trường, dịch chuyển theo hướng tai họa sinh thái. Dù chúng ta đang nhắc tới sự biến đổi khí hậu hay sự xả rác thải độc hại, sự tư nhân hóa nước, không khí và đất, hoặc sự buôn bán các bộ phận cơ thể người, sự hàng hóa hóa thiên nhiên ở tâm của cuộc khủng hoảng sắp xảy ra của chủ nghĩa tư bản. Phản-phong trào trong giai đoạn thứ ba sẽ phải hạn chế xu hướng của chủ nghĩa tư bản để hủy hoại các nền móng của sự tồn tại con người, kêu gọi sự hạn chế và điều tiết các thị trường và một sự xã hội hóa các phương tiện sản xuất sẽ tương thích với sự mở rộng cũng như với sự co lại của các quyền tự do.

Hình 1: Ba làn sóng thị trường hóa

Sự biến đổi vĩ đại duy nhất của Polanyi, từ sự thị trường hóa tăng lên đến phản-phong trào, nhường đường cho ba làn sóng thị trường hóa, mỗi làn sóng với phản-phong trào thực hay tưởng tượng của riêng nó. Mỗi làn sóng thị trường hóa được đánh dấu bởi một hàng hóa giả chính. Cũng như sự kết nạp một hàng hóa giả mới vào, mỗi làn sóng thị trường hóa tái hàng hóa hóa cái mà đã được hàng hóa hóa trước đó, nhưng theo những cách mới. Lao động, chẳng hạn, bị hàng hóa hóa (commodified), được giải hàng hóa hóa (decommodified) và rồi được tái hàng hóa hóa (recommodified) trong các làn sóng kế tiếp nhau. Chúng ta không được nghĩ về ba làn sóng như bị chia thành các loại và bị tách rời khỏi nhau, mà đúng hơn như một dạng của sự tiến triển hoặc, có lẽ hay hơn, sự thoái lui biện chứng.

Nhịp độ và kinh nghiệm của các làn sóng này là khác nhau trong các phần khác nhau của thế giới. Bản thân Polanyi nhận ra làn sóng thứ nhất của sự thị trường hóa trong thế kỷ thứ mười chín đã có các hệ quả tàn phá đặc biệt thế nào trong các thuộc địa nơi đã không có, theo lập luận của ông, năng lực để kháng cự lại sự hủy diệt các xã hội bản địa. Ông đã phóng đại sự tàn phá giai cấp lao động ở nước Anh thế kỷ mười chín cũng nhiều như ông phóng đại sự tàn phá các cộng đồng bản địa ở Nam Phi. [4] Bây giờ chúng ta biết rằng chủ nghĩa thuộc địa quả thực đã hạn chế sự tước quyền sở hữu đất, để tạo ra cơ sở của sự cai trị gián tiếp cũng như các đội quân lao động dự bị cho công nghiệp. Thế nhưng, trong sự thăm dò của ông về chủ nghĩa thuộc địa, Polanyi có nêu câu hỏi về các hậu quả khác biệt của sự thị trường hóa phù hợp với địa vị trong trật tự thế giới tư bản chủ nghĩa. Không kém quan trọng là bối cảnh lịch sử. Như thế Nga và Trung Quốc ngày nay, nổi lên từ một thời kỳ của chủ nghĩa xã hội nhà nước – bản thân nó là một phản ứng với làn sóng thứ hai của thị trường hóa – đồng thời đối mặt với tất cả ba làn sóng thị trường hóa, tức là, đồng thời trong sự hàng hóa hóa đất đai, lao động và tiền. Trong trường hợp của Nga, thị trường hóa, chí ít trong bảy năm đầu tiên của thời đại hậu-Soviet, đã đi cùng với sự sụt giảm kinh tế chưa từng có, trong khi ở Trung Quốc nó đã đi cùng với sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có. Ở Nga, sự phá hủy nhà nước đảng một cách bừa bãi đã được gây cảm hứng bởi chủ nghĩa thị trường cực đoan và lòng tin vào một con đường thị trường tới chủ nghĩa tư bản thị trường, trong khi ở Trung Quốc thị trường đã được ấp nuôi dưới sự hướng dẫn của nhà nước đảng. Nhịp độ choáng ngợp của sự phát triển kinh tế Trung Quốc là sự xác nhận vang dội của lý lẽ riêng của Polanyi rằng các thị trường đòi hỏi sự tổ chức chính trị.

Tóm lại, mỗi làn sóng thị trường hóa được đánh dấu bởi các sự bày tỏ về sự hàng hóa hóa lao động, tiền, và thiên nhiên, với các phản-phong trào tương ứng có quy mô khác nhau và sự bảo vệ các quyền cá biệt. Mỗi làn sóng tác động một cách khác nhau đến các nước phù hợp với lịch sử của chúng và vị trí của chúng trong nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, như tôi sẽ chỉ ra bây giờ, mỗi làn sóng cũng phản ánh các mâu thuẫn cá biệt của chủ nghĩa tư bản, và một tầm nhìn cá biệt về chủ nghĩa xã hội cũng như sự bảo vệ một tập hợp cá biệt của các quyền. Sự chuyển động này của lịch sử gây ra một sự kế tiếp của các chủ nghĩa Marx: chủ nghĩa Marx cổ điển, tiếp theo là các chủ nghĩa Marx Soviet, Tây phương và Thế giới thứ Ba, cuối cùng nhường đường cho cái mà tôi gọi là chủ nghĩa Marx xã hội học. Hãy xem xét lần lượt mỗi loại.

Làn sóng thứ nhất: chủ nghĩa Marx cổ điển

Trong làn sóng thứ nhất của sự thị trường hóa, trong thế kỷ thứ mười chín, tiêu điểm nhắm vào sự hàng hóa hóa lao động – sự tách biệt thứ nhất của lao động khỏi các phương tiện sinh tồn sao cho nó có thể được mua và bán trong một thị trường lao động, và rồi các chiến lược của tư bản để giảm chi phí của sức lao động thông qua sự giải-kỹ năng (deskilling)*, sử dụng nhiều thành viên của gia đình, và tạo ra một đội quân lao động dự bị. Việc này đã dẫn đến các cuộc đấu tranh bắt nguồn từ sự sản xuất, từ các nhà máy – các cuộc đấu tranh vì các quyền lao động như sự hạn chế độ dài của ngày làm việc, sự bảo vệ chống lại thất nghiệp, quyền tổ chức các nghiệp đoàn, sự mở rộng quyền bỏ phiếu, sự phát triển các hợp tác xã, và sự phát triển các đảng chính trị. Phản-phong trào có một đặc trưng địa phương, được xây dựng hướng tới sự tổ chức giai cấp lao động quốc gia để đảm bảo nhà nước thực hiện các quyền lao động.

Tương ứng với làn sóng này là chủ nghĩa Marx cổ điển của Marx và Engels và các năm vàng son của nền dân chủ xã hội Đức, chủ nghĩa Marx của Kautsky, Luxemburg, và Bernstein. Nó đã dựa trên ý tưởng rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bóc lột, tất yếu bị diệt vong một cách không thể tránh khỏi bởi vì các quan hệ sản xuất cuối cùng và dứt khoát sẽ trói buộc các lực lượng sản xuất. Sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản dẫn đến sự tích tụ của cải ở một cực của xã hội và và đến sự bần cùng hóa ở cực kia, mà đến lượt chúng gây ra, một mặt, các cuộc khủng hoảng sâu thêm của sự sản xuất thừa và sự phá hủy tái diễn của các phương tiện sản xuất và mặt khác, sự tăng cường đồng thời của đấu tranh giai cấp. Cái mà chủ nghĩa Marx cổ điển chia sẻ chung là quan điểm cho rằng chủ nghĩa tư bản tất yếu bị diệt vong bởi các quy luật tự tiêu diệt riêng của nó, bằng cách đó nhường đường cho chủ nghĩa xã hội.

Tranh luận giữa Luxemburg (1970) và Kautsky (1971) (xem cả Goode, 1983) là, chính xác khi nào cuộc khủng hoảng cuối cùng sẽ xảy ra, khi nào các lực lượng sản xuất cuối cùng sẽ bị trói buộc hoặc, như trong quan điểm của Bernstein (1961), liệu có khủng hoảng cuối cùng nào hay không bởi vì chủ nghĩa tư bản sẽ tiến hóa thành chủ nghĩa xã hội. Bất chấp các quan điểm khác nhau, tất cả họ đều chia sẻ niềm tin rằng sự lên của chủ nghĩa xã hội được bảo đảm bởi vì chủ nghĩa tư bản bị diệt vong. Như một kết quả, chủ nghĩa xã hội phần lớn vẫn đã không được xem xét. Nó đã được giả định để phát triển trên cơ sở của sự tự-diệt vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa qua sự tập trung tư bản và sự tập thể hóa lao động. Theo quan điểm này chủ nghĩa xã hội là một không tưởng (utopia) kinh tế và sự phủ định của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Marx cổ điển đã phụ thuộc vào các quy luật lịch sử – sự kế tiếp của các phương thức sản xuất, động học của chủ nghĩa tư bản gieo hạt hủy diệt chính nó, và lịch sử như lịch sử của đấu tranh giai cấp – mà không thể tránh khỏi sẽ dẫn chủ nghĩa tư bản tới chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa Marx cổ điển đã bị ba sai lầm chết người. Thứ nhất, lý thuyết đấu tranh giai cấp của nó đã sai – đấu tranh giai cấp không nhất thiết dẫn đến sự tăng cường chính nó mà đúng hơn, thông qua các nhượng bộ nó đạt được, giai cấp lao động trở nên được tổ chức bên trong khung khổ của chủ nghĩa tư bản. Thứ hai, lý thuyết của nó về nhà nước đã kém phát triển – nhà nước được tổ chức để bảo vệ chủ nghĩa tư bản chống lại các nhà tư bản cũng như các công nhân. Nhà nước công nhận và thực hiện các lợi ích vật chất của các công nhân, theo một cách hạn chế nhưng quyết định, thông qua các nghiệp đoàn và các đảng, nhưng nó cũng điều tiết các mối quan hệ giữa các nhà tư bản sao cho sự cạnh tranh không tiêu diệt chủ nghĩa tư bản. Thứ ba, và cuối cùng, lý thuyết của nó về chuyển đổi xã hội chủ nghĩa đã hầu như không tồn tại – trừ trong trường hợp của Bernstein người đã thấy nó như một quá trình tiến hóa dựa trên sự mở rộng không thể tránh khỏi của nền dân chủ bầu cử – bằng cách ấy nhầm lẫn sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản cạnh tranh với sự kết thúc của toàn bộ chủ nghĩa tư bản, bỏ quên con đường nhà nước có thể kiềm chế các sự tàn phá của thị trường và sự sâu sắc thêm của đấu tranh giai cấp bằng cách tạo ra một chủ nghĩa tư bản được tổ chức. Các nhà Marxist cổ điển đã thấy các dấu hiệu của chủ nghĩa tư bản được tổ chức nhưng họ đã hiểu lầm nó là chủ nghĩa xã hội. Thực ra, chủ nghĩa tư bản được tổ chức đã đặt nền móng của làn sóng thứ hai của chủ nghĩa Marx.

Làn sóng thứ hai: chủ nghĩa Marx Soviet, Tây phương và Thế giới thứ Ba

Trong tường thuật kiểu Polanyi sự thị trường hóa mở ra một một sự bùng lên mới của sinh lực sau Chiến tranh Thế giới I, một phần trong quan hệ với các phong trào xã hội chủ nghĩa. Nhưng bây giờ quy mô của thị trường hóa dính dáng không chỉ đến lao động mà đến thương mại quốc tế và sự điều tiết của nó bởi các đồng tiền gắn với bản vị vàng. Các tỷ giá hối đoái luôn thăng giáng gắn kết với lạm phát tràn lan ở Đức và sự phá sản lớn ở Hoa Kỳ, đã dẫn các nước đến bảo hộ đồng tiền quốc gia của họ, và bỏ bản vị vàng. Như thế, phản-phong trào bây giờ đã có dạng của sự điều tiết quốc gia đối với các nền kinh tế. Tại Đức và Italy nó đã có dạng của chủ nghĩa phát xít, ở Bắc Âu nền dân chủ xã hội, và ở Hoa Kỳ là New Deal. Sau nội chiến và với sự tuyên bố về Chính sách Kinh tế Mới, Liên Xô đã cũng tiếp tục với sự thị trường hóa, nhưng đã bỏ các chính sách như vậy trong năm 1928 với sự mở đầu của cuộc tập thể hóa cưỡng bách trong nông nghiệp và kế hoạch hóa tập trung. Các thị trường đã bước vào một thời kỳ rút lui khắp thế giới, và dưới ảnh hưởng của kinh tế học Keynesian nhà nước đã nắm lấy các chức năng điều tiết. Việc này đã tiếp tục cho tới giữa các năm 1970 khi một vòng mới của thị trường hóa bắt đầu khẳng định mình.

Nếu phản-phong trào đối với thị trường trong thế kỷ thứ mười chín đã nổi lên trên nền các cuộc đấu tranh địa phương, phản ánh sự trùng nhau của sự bóc lột và sự hàng hóa hóa lao động, và sự cần thiết để thúc đẩy các quyền lao động, phản-phong trào đối với sự hàng hóa hóa tiền – nguồn của làn sóng thứ hai của thị trường hóa – đến từ các chính sách bảo hộ quốc gia. Sự hàng hóa hóa tiền, được cụ thể hóa trong tính không chắc chắn của các tỷ giá hối đoái, đã tạo ra các sự rối loạn kinh tế đến mức các nền kinh tế quốc gia đã rút khỏi nền kinh tế quốc tế. Chúng đã phát triển các chính sách được điều phối để điều tiết hoạt động ngân hàng nhưng cũng thúc đẩy các quyền xã hội của lao động thông qua các nhà nước phúc lợi mà đã hỗ trợ những người đã không thể tiếp cận đến thị trường lao động qua cung cấp các trợ cấp cho tuổi ấu thơ, bệnh tật, tuổi già, mất việc làm và vân vân. Dù nó là chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Stalin hay nền dân chủ xã hội, các quyền xã hội cho lao động đã làm nền cho sự ủng hộ chế độ mới. Như thế, làn sóng thứ hai của thị trường hóa đã gây ra sự bảo hộ quốc gia của cả tư bản và lao động, và sự điều tiết sự hàng hóa hóa tiền.

Nếu làn sóng thứ nhất của chủ nghĩa Marx được đặc trưng bởi sự mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, thì làn sóng thứ hai được điển hình bởi sự đụng độ của lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực trao đổi – sản xuất thừa dưới chủ nghĩa tư bản mà đã tìm đến sự quản lý nhà nước, và sự thiếu hụt dưới chủ nghĩa xã hội nhà nước mà đã tìm đến sự tạo ra các thị trường (xem, thí dụ, Baran 1957; Sweezy 1946). [5] Chẳng hề là một khái niệm không tưởng như trong thời kỳ đầu tiên, quan niệm về chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ thứ hai đã là cực kỳ thực – dựa trên kế hoạch hóa kinh tế quốc gia và sự bảo về các quyền xã hội.

Chủ nghĩa Marx, thay vì phóng chiếu một chủ nghĩa xã hội tưởng tượng mà sẽ theo sau một sự sụp đổ theo giả thuyết của chủ nghĩa tư bản, bây giờ đã phải duy lý hóa và hợp pháp hóa một chủ nghĩa xã hội hiện tồn thực sự. Chủ nghĩa Marx trở thành một ý thức hệ biện minh cho một hình thức mới của sự thống trị giai cấp, sự thống trị giai cấp của một elite đảng, đôi khi được nhắc tới như nomenklatura. Sự biến đổi cộng sản chủ nghĩa sắp xảy ra và sự phê bình chủ nghĩa tư bản đã trở thành lời kêu gọi tập họp của các đảng cộng sản trên khắp thế giới. Chủ nghĩa Marx Soviet này đã hoàn toàn mất sự trông giống một khoa học năng động, và thay vào đó đã trở thành một giáo điều; một nhánh thoái hóa của chủ nghĩa Marx.

Nó đã gây ra một phản ứng bên trong phe Marxist – cái được biết đến như chủ nghĩa Marx Tây phương – đã không thừa nhận luận điệu của Liên Xô đối với chủ nghĩa xã hội và đã vật lộn với thất bại của cách mạng ở phương Tây, tức là, vì sao giai cấp lao động lại bị hấp thu vào chủ nghĩa tư bản hơn là lật đổ chủ nghĩa tư bản. Ở đây chúng ta thấy, một mặt, các tác phẩm của Georg Lukács và Trường phái Frankfurt nhấn mạnh sức mạnh bí ẩn của chủ nghĩa tư bản, và, mặt khác, Antonio Gramsci người khảo sát tỷ mỉ con đường đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản, và xã hội dân sự đi cùng với nó, đã tổ chức sự ưng thuận của giai cấp lao động thông qua sự mở rộng các quyền xã hội, kể cả các quyền lao động nhất định (xem, thí dụ, Gramsci 1971; Horkheimer and Adorno 1972; Lukács 1971; Marcuse 1955, 1958, 1964). Chủ nghĩa Marx Tây phương, cùng với các phong trào xã hội của các năm 1960 và 1970, đã gây cảm hứng cho một sự tái sinh của chủ nghĩa Marx, nó đã xem xét vấn đề về tính lâu bền và tính mềm dẻo của chủ nghĩa tư bản đối mặt với các cuộc khủng hoảng và các cuộc đấu tranh do nó tạo ra. [6]

Chủ nghĩa Marx Thế giới thứ Ba là nhánh thứ ba của làn sóng thứ hai của chủ nghĩa Marx – chỉ ra con đường chủ nghĩa đế quốc tạo ra sự kém phát triển, tìm đến sự cách ly khỏi chủ nghĩa tư bản thế giới và lần nữa đề xuất các hình thức chuyên quyền của chủ nghĩa xã hội nhà nước. Để Trung Quốc sang bên, Cuba bày tỏ hình thức này của chủ nghĩa Marx Thế giới thứ Ba, trong khi các nhà lý luận trường phái phụ thuộc, như Andre Gunder Frank (1966) và Samir Amin (1974), đã viết từ lập trường này. Trong bối cảnh Phi châu, Frantz Fanon (1967) là một nhân vật xuất chúng. Lấy sự phụ thuộc như điểm xuất phát của mình, Fanon phân tích sự cân bằng lực lượng giai cấp bên trong cuộc đấu tranh chống-thực dân. Sợ uy lực của một ‘giai cấp tư sản bản địa’, ăn bám vào chủ nghĩa tư bản quốc tế, theo đuổi quyền lực riêng của nó, bù cho sự không an toàn của nó bằng sự tiêu dùng phô trương, Fanon xem xét khả năng của một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được tôi luyện từ sự hợp nhất các trí thức bất đồng chính kiến và một giai cấp nông dân cách mạng. Một cuộc đấu tranh như vậy cho một chủ nghĩa xã hội dân chủ tham gia, Fanon khẳng định, đã là hy vọng duy nhất cho châu Phi.

Nam Phi Apartheid đã tạo ra chủ nghĩa Marx làn sóng thứ hai phong phú và khu biệt của riêng nó ở ngã tư của chủ nghĩa Marx Soviet, chủ nghĩa Marx Tây phương, và chủ nghĩa Marx Thế giới thứ Ba. Một mặt, Đảng Cộng sản Nam Phi đã rơi vào vòng nô lệ của Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) và đã theo các ngoắt nghéo của nó, ngay cả khi phản ứng với các điều kiện địa phương, trình bày quan niệm về chủ nghĩa thực dân nội bộ và ‘chủ nghĩa thực dân loại đặc biệt’. Như thế, Jack and Ray Simons (1969) đã viết lịch sử Marxist lớn đầu tiên của Nam Phi, cho thấy giai cấp và sắc tộc đã đan xen như thế nào trong sự hình thành giai cấp lao động Nam Phi. Harold Wolpe (1972) đã mở đầu một truyền thống rất khác của phân tích Marxist, dựa vào chủ nghĩa cấu trúc Pháp của các năm 1970 để đặt thành vấn đề chính khái niệm về sắc tộc bằng cách làm nó bén rễ vào sự bày tỏ các phương thức sản xuất tiền-tư bản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Việc này đã dẫn đến một sự chép sử Marxist mới, gắn với các nhân vật như Colin Bundy, Martin Legassick, Duncan Innes, David Kaplan, Rob Davies, Dan O’Meara và Mike Morris, tập trung vào tính khu biệt của nhà nước apartheid và mối quan hệ của nó với giai cấp tư bản chủ nghĩa. Đồng thời những người khác, như Charles van Onselen theo truyền thống của E.P. Thompson, và Edward Webster theo truyền thống của Harry Braverman, đã tạo ra công trình hết sức độc đáo về sự hình thành của giai cấp lao động bằng cách đi vào các cộng đồng và các quá trình hoạt động của nó. Truyền thống chủ nghĩa Marx làn sóng thứ hai này đã không còn hoạt động ở Nam Phi mới, nhường đường cho chủ nghĩa Marx làn sóng thứ ba, nhắm tới một sự phê phán trật tự hậu-apartheid, và đi theo các phong trào xã hội đã cho nó sự biểu đạt. Các tiểu luận trong cuốn sách này minh họa bằng thí dụ cho chủ nghĩa Marx làn sóng gần đây nhất

Làn sóng thứ ba: chủ nghĩa Marx xã hội học

Chủ nghĩa Marx làn sóng thứ hai đã liên quan đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên trái đất qua một nền kinh tế do nhà nước điều tiết, trải từ nền dân chủ xã hội đến mô hình kế hoạch hóa Soviet, các hình thức chủ nghĩa xã hội Phi châu và nền kinh tế tự quản Nam Tư. Khi các thị trường không bị bác bỏ, chúng đã được xem như một phần phụ vào dự án xã hội chủ nghĩa. Như thế, Johanna Bockman (2011) đã cho rằng lực đẩy ban đầu của kinh tế học tân cổ điển đã là để nối các thị trường với một dự án xã hội chủ nghĩa, dù điều này là việc sử dụng các thị trường để giúp giải quyết các vấn đề định giá của sự lập kế hoạch nhà nước hay việc tổ chức các nền kinh tế tự-quản. Việc tận dụng kinh tế học tân cổ điển cho chủ nghĩa tư bản là một hiện tượng gần đây hơn phân biệt với sự thị trường hóa làn sóng thứ ba, lại lần nữa đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội. Nếu chủ nghĩa Marx cổ điển đã đặt thành định đề về sự tự-hủy diệt của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, phóng chiếu một chủ nghĩa cộng sản không tưởng chưa được khảo sát để tiếp theo, và nếu chủ nghĩa Marx Soviet đã hoạt động như một ý thức hệ nhà nước để đại diện cho một chủ nghĩa xã hội nhà nước hiện tồn thực sự, thì làn sóng thứ ba của chủ nghĩa Marx tập trung không vào nền kinh tế hay nhà nước mà vào xã hội dân sự. Ở đây chúng ta dựa vào chủ nghĩa Marx làn sóng thứ hai của Gramsci, người đầu tiên tập trung vào tầm quan trọng của xã hội dân sự như một không gian định chế khác biệt với, tuy được kết nối với, nhà nước và nền kinh tế. Đúng như các tác phẩm của Lenin đã cưỡi lên chủ nghĩa Marx làn sóng thứ nhất và thứ hai, chúng ta có thể nói điều đó cũng đúng với Antonio Gramsci và do đó tầm quan trọng kéo dài của ông. Nhiều quan niệm của Gramsci, ngược với chủ nghĩa Marx Soviet, hình dung trước chủ nghĩa Marx làn sóng thứ ba lấy xã hội làm trung tâm. Sự quan tâm của Gramsci đến quan hệ của nhà nước và xã hội dân sự, tuy vậy, là quá hạn chế; chúng ta cần đưa thêm sự quan tâm của Polanyi với quan hệ của thị trường và xã hội. [7]

Ngược với Gramsci, Polanyi và Fanon, chủ nghĩa Marx làn sóng thứ ba nghĩ đến xã hội dân sự về mặt toàn cầu cũng như về mặt quốc gia – một xã hội dân sự bảo vệ loài người chống lại các tai họa sinh thái đang tăng lên mà trong phân tích cuối cùng có một quy mô toàn cầu. Sự hàng hóa hóa thiên nhiên, dù dưới dạng tư nhân hóa nước, đất đai hay không khí, gây ra các cuộc khủng hoảng tác động đến toàn bộ hành tinh. Chắc chắn, trong ngắn hạn một số người sẽ được trang bị tốt hơn để sống sót qua các cuộc động đất, bão và lụt so với những người khác, nhưng rốt cuộc tất cả chúng ta sẽ phải chịu – nguyên mẫu là các tai họa như Chernobyl hay thảm họa thay đổi khí hậu sắp xảy ra. Các việc này đòi hỏi các giải pháp toàn cầu dựa trên các quyền con người bảo vệ nền tảng sinh tồn của con người, nền tảng này đòi hỏi đóng cửa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phá hủy môi trường một cách có hệ thống khi theo đuổi lợi nhuận.

Trong làn sóng thứ ba của thị trường hóa, sự hàng hóa hóa thiên nhiên có thể tiêu biểu cho sự đe dọa mới đối với loài người, nhưng nó cùng tồn tại với sự tái hàng hóa hóa lao động, như chúng ta thấy khắp nơi trong sự phát triển của sự phi chính thức hóa (informalisation), sự khai thác linh hoạt, và sự bấp bênh, và với các hình thức mới* của sự hàng hóa hóa tiền, như chúng ta đã thấy trong khủng hoảng tài chính của các năm 1990 lên đỉnh điểm trong khủng hoảng tài chính năm 2008. Việc cứu vớt tư bản tài chính đã không làm thay đổi xu hướng hàng hóa hóa tiền mà đã củng cố nó thêm.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nhà nước ở Đông và Trung Âu trong 1989 và ở Liên Xô trong 1991 đã, một phần, là kết quả của sự thị trường hóa làn sóng thứ ba, nhưng cũng đã tăng cường sự thị trường hóa làn sóng thứ ba, cho nó sinh lực mới và làm mất tín nhiệm bất cứ lựa chọn thay thế nào cho ưu thế thị trường. Như được thấy từ bên trong quỹ đạo Soviet, các tiềm năng hão huyền của một nền kinh tế thị trường đã bị thổi phồng bởi tính dễ vỡ và các mâu thuẫn của chủ nghĩa xã hội nhà nước. Luôn tìm cách đuổi kịp chủ nghĩa tư bản, sự bất lực của nó để duy trì một nền kinh tế năng động đã dẫn tới sự sụp đổ của nó. Tuy vậy, trong thời gian tồn tại của nó, trật tự Soviet đã có tạo ra các tầm nhìn thay thế (alternative vision) của một chủ nghĩa xã hội dân chủ được thiết lập từ dưới – các hợp tác xã của Hungary, phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan và xã hội dân sự đâm chồi trong perestroika Soviet. Chủ nghĩa xã hội từ dưới này đã dựa trên ý tưởng của sự tự-tổ chức tập thể của xã hội.

Chủ nghĩa xã hội của làn sóng thị trường hóa thứ ba sẽ không nổi lên qua sự cắt đứt có tính tai họa nào đó với quá khứ như đã là trường hợp với chủ nghĩa Marx cổ điển, cũng chẳng thông qua chủ nghĩa xã hội từ trên xuống được nhà nước hỗ trợ, mà thông qua sự biến đổi phân tử của xã hội dân sự, sự xây dựng cái mà Erik Wright (2010) gọi là các không tưởng thực (real utopia) – các tầm nhìn quy mô nhỏ của các lựa chọn thay thế như các hợp tác xã, sự lập ngân sách tham gia và các trợ cấp thu nhập phổ quát, những lựa chọn này thách thức, một mặt, sự bạo ngược thị trường và, mặt khác, sự điều tiết nhà nước. Vai trò của một chủ nghĩa Marx xã hội học như vậy là kiến tạo những utopia cụ thể được thấy trong các hình thức phôi thai trên khắp thế giới. Sự phân tích tập trung vào các điều kiện tồn tại của chúng, các mâu thuẫn bên trong của chúng, và như thế tiềm năng phổ biến của chúng. Chủ nghĩa Marx xã hội học, vì thế, giữ sống động ý tưởng về một lựa chọn thay thế (alternative) cho chủ nghĩa tư bản, một alternative không hủy bỏ các thị trường hay các nhà nước mà chinh phục chúng cho sự tự-xây dựng tập thể của xã hội.

Bảng 2: Ba làn sóng của chủ nghĩa Marx

Phương pháp luận được áp dụng bởi mỗi làn sóng của chủ nghĩa Marx dính dáng đến các mối quan hệ khác nhau giữa lý luận và thực tiễn. Đối với chủ nghĩa Marx cổ điển, lý luận đã sai khiến thực tiễn: lý thuyết đã xác định sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản và sự lên của chủ nghĩa xã hội, như thế thực tiễn đã chỉ bị tác động bởi sự biết chỗ đứng của ta trong quỹ đạo lịch sử. Đối với chủ nghĩa Marx Soviet, thực tiễn – sự sống sót quốc gia bằng mọi giá – đã sai khiến lý luận. Chủ nghĩa Marx đã là một ý thức hệ được cải trang hờ của nhà nước đảng cai trị. Chủ nghĩa Marx xã hội học từ bỏ các sự chắc chắn lý thuyết và các mệnh lệnh thực tiễn và thay vào đó tìm cách để đạt một sự cân bằng hay sự đối thoại của lý luận và thực tiễn. Điểm mấu chốt không chỉ là để thay đổi thế giới bây giờ mà chúng ta đã hiểu nó, mà cũng để thay đổi nó nhằm để hiểu nó kỹ hơn. Chúng ta tìm tòi các utopia thực có thể kích động sự tưởng tượng tập thể nhưng cũng chất vấn chúng cho tính khái quát hóa tiềm tàng của chúng (xem Burawoy and Wright 2002).

Nếu chủ nghĩa Marx cổ điển đưa ra một tính phổ quát dựa trên các quy luật thiếu sót của lịch sử, và chủ nghĩa Marx Soviet đã đưa ra một tính phổ quát dựa vào một chế độ độc tài đơn nhất, chủ nghĩa Marx xã hội học đưa ra cho chúng ta không sự đảm bảo nào, chỉ sự tìm kiếm và sự xây dựng lại không ngừng, một tính phổ quát mà luôn luôn tình cờ, được tạo ra từ sự cụ thể với sự giúp đỡ của sự trừu tượng (xem Hall 1986).

Hướng tới một chủ nghĩa Marx Toàn cầu

Đối với một số người, chủ nghĩa Marx xã hội học là một phép nghịch hợp – rốt cuộc, chủ nghĩa Marx cổ điển đã gạt bỏ xã hội học như ý thức hệ tư sản, và nếu chủ nghĩa Marx Tây phương đã vay mượn từ xã hội học, đặc biệt từ Weber và Freud, nó đã không đề cao ý tưởng xã hội dân sự. Bản thân Gramsci đã bác bỏ xã hội học như chỉ quan tâm đến sự tự phát và như thế là tầm thường. [8]

Vì sao bây giờ  lại là chủ nghĩa Marx xã hội học? Nói đơn giản, chứng liệu của xã hội học như sự phê bình sự thị trường hóa và sự nhà nước hóa là không thể nghi ngờ. Dù chúng ta quay sang các tác phẩm của Weber hay Durkheim, Simmel hay Michels, Elias hay Parsons, Habermas hay Bourdieu, sự phê bình chủ nghĩa quy giản kinh tế và tính duy lý công cụ là trung tâm. Có lẽ nhà nước đã có thể được xem như một nhà trung hòa hóa tiềm năng hay một phần nhưng ngày nay khả năng đó có vẻ đã tan biến. Vì nhà nước có vẻ ngày càng trở thành nô lệ của thị trường, việc bảo vệ một ‘xã hội dân sự’ độc lập có vẻ trở nên ngày càng cần thiết. Vấn đề, tuy vậy, với xã hội học – và chúng ta có thể nói thế về Gramsci và Polanyi – là quan niệm ‘xã hội dân sự’ đã bị hạn chế bên trong các đường biên giới quốc gia. Ngày nay, chúng ta phải cho ý tưởng này một phạm vi xuyên quốc gia.

Thị trường hóa – sự hàng hóa hóa của lao động, tiền và thiên nhiên – đang tác động đến mọi phần của hành tinh. Không ai trốn thoát được sóng thần, mặc dù một số có khả năng để dựng các con đê hữu hiệu hơn. Đối diện với nó, cần đến một giải pháp toàn cầu nhưng ở đây chúng ta phải hành động một cách cẩn trọng vì các giải pháp có thể hóa ra là tồi như vấn đề chúng tìm cách sửa chữa. Cái gì có thể tồi tệ hơn một chủ nghĩa toàn trị hành tinh, được thiết lập nhân danh việc ngăn chặn sự phá hủy môi trường. Chúng ta đã có thể khấm khá hơn (nếu) kết chặt các giải pháp quốc gia mà tập trung vào xã hội. Tuy vậy, ở đây chúng ta lại thấy các vấn đề như nhà nước của các xã hội là rất khác: ở Nam Phi nó là phân lập, ở Trung Quốc nó là bấp bênh, ở Nga nó là sền sệt. Tại mỗi nước chúng ta cần trinh sát các chiến hào của xã hội dân sự, vẽ bản đồ các mối quan hệ giữa xã hội và nhà nước, xã hội và thị trường. Chỉ theo cách đó chúng ta có thể hiểu kỹ hơn các khả năng cho các mối liên kết toàn cầu. Chỉ theo cách đó chúng ta mới có thể hiểu kỹ hơn các khả năng cho các utopia thực.

Khi chúng ta nghĩ về một xã hội dân sự toàn cầu, chúng ta cũng phải nghĩ về một chủ nghĩa Marx toàn cầu, tức là, một chủ nghĩa Marx vượt quá, nhưng cũng thừa nhận các cấu hình quốc gia và khu vực. Nếu chủ nghĩa Marx làn sóng thứ nhất đã có phạm vi quốc gia, và chủ nghĩa Marx làn sóng thứ hai đã có quy mô khu vực (Soviet, Tây phương và Thế giới thứ Ba), ngày nay chúng ta có khả năng về một chủ nghĩa Marx vẫn thừa nhận quốc gia và khu vực nhưng cũng bao gồm các kinh nghiệm cấp bách được chia sẻ khắp thế giới, tuy không đồng đều. Và nếu chủ nghĩa Marx làn sóng thứ nhất đã phóng chiếu chủ nghĩa xã hội như một utopia được đảm bảo bởi các quy luật lịch sử, và nếu chủ nghĩa Marx làn sóng thứ hai đã trở thành một ý thức hệ cai trị, biện minh chủ nghĩa xã hội như chủ nghĩa Stalin – utopia-trở thành-dystopia (không tưởng sa đọa) – thì chủ nghĩa Marx làn sóng thứ ba xây dựng chủ nghĩa xã hội dần dần từng mảnh một như một quần đảo của các utopia thực trải khắp thế giới, thu hút vào bản thân chúng các dân cư bị biến ngày càng thành bấp bênh bởi làn sóng thị trường hóa thứ ba. Nhà Marxist trở thành một khảo cổ đào lên các alternative được sinh và bị tàn phá bởi các trận bão của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội nhà nước.

Cuối cùng, và đáng ngại nhất, chúng ta đối mặt với sự tạo ra một hàng hóa giả khác, cái mà Polanyi đã chẳng hề đoán trước – tri thức. Chúng ta sống trong một thế giới nơi tri thức ngày càng quan trọng như một nhân tố sản xuất, mà sự sản xuất và phổ biến nó bị hàng hóa hóa hơn bao giờ hết. Đại học, một hàng hóa công được coi là nghiễm nhiên một thời đã trở thành một hàng hóa tư chịu sự sai khiến của thị trường. Các sinh viên trở thành những người tiêu dùng trả phí trong việc tìm kiếm bằng cấp nghề nghiệp vốn đảm bảo cho họ chẳng bao nhiêu trừ món nợ suốt đời, các khoa được chẻ và cắt thành lao động thất thường của các giáo viên và các nghiên cứu viên, nhân viên phi-học thuật được thuê ngoài trong khi các quản trị viên trở thành các nhà quản lý và các nhà điều hành doanh nghiệp được trả lương cao. Đại học vốn đã nuôi dưỡng các công dân cho một chính thể dân chủ và đã tạo ra tri thức để giải quyết các vấn đề xã hội, đang biến thành một công cụ của các đòi hỏi ngắn hạn của tư bản, chính vào lúc các đóng góp của nó cho sự sống sót của hành tinh là cần thiết nhất. Cuộc đấu tranh cho đại học trở thành cuộc đấu tranh không chỉ vì sự sống sót của riêng nó; nó có một vai trò trung tâm trong bất kỳ phản-phong trào nào đối với làn sóng thị trường hóa thứ ba, một Quân Vương Hiện đại có hể có cho việc bảo vệ xã hội hiện đại.

Tài liệu tham khảo

Althusser, L. 1969. For Marx. London: Allen and Unwin.

Althusser, L. 1971. Lenin and Philosophy and Other Essays. London: New Left Books.

Amin, S. 1974. Accumulation on a World Scale. New York: Monthly Review Press.

Anderson, P. 1976. Considerations on Western Marxism. London: New Left Books.

Baran, P. 1957. The Political Economy of Growth. New York: Monthly Review Press.

Bernstein, E. 1961. Evolutionary Socialism. New York: Schocken Books.

Bockman, J. 2011. Markets in the Name of Socialism. Stanford: Stanford University Press.

Burawoy, M. 2003. ‘For a Sociological Marxism: the complementary convergence of Antonio Gramsci and Karl Polanyi’, Politics and Society, 31 (2): 193-261.

Burawoy, M. and Wright, E.O. 2002. ‘Sociological Marxism’. In Handbook of Sociological Theory, edited by J. Turner. New York: Plenum Publishers.

Fanon, F. 1967. The Wretched of the Earth. Harmondsworth, UK: Penguin Books.

Goode, Patrick (editor). 1983. Karl Kautsky: Selected Political Writings. London: MacMillan.

Gramsci, A. 1971. Selections from Prison Notebooks. New York: International Publishers.

Frank, A.G. 1966. Development of Underdevelopment. New York: Monthly Review Press.

Hall, S. 1986. ‘The problem of ideology-Marxism without guarantees’, Journal of Communication Inquiry, 10 (2): 28-44.

Harvey, D. 2003. The New Imperialism. New York: Oxford.

Harvey, D. 2005. A Short History of Neoliberalism. New York: Oxford

Horkheimer, M.and Adorno, T. 1972. Dialectic of Enlightenment. New York: Seabury Press.

Kautsky, K. 1971. The Class Struggle. New York: Norton.

Klein, N. 2007. The Shock Doctrine. New York: Henry Holt & Co.

Kolakowski, L. 1978. Main Currents of Marxism (three volumes). Oxford: Oxford University Press.

Kornai, J. 1992. The Socialist System. Princeton: Princeton University Press.

Lenin, V. 1963. ‘Imperialism: the highest stage of capitalism’. In Volume 1: Selected Works. New York: Progress Publishers.

Lichteim, G. 1961. Marxism. London: Routledge và Kegan Paul.

Lukács, G. 1971. History and Class Consciousness. Cambridge, MA: MIT Press.

Luxemburg, R. 1970. ‘The mass strike, the political party and the trade unions’; ‘Reform or revolution’. In Rosa Luxemburg Speaks. New York: Pathfinder Press.

Marcuse, H. 1955. Eros and Civilization. Boston: Beacon Press.

Marcuse, H. 1958. Soviet Marxism. New York: Columbia University Press.

.                    1964. One Dimensional Man. Boston: Beacon Press.

Marx, K. 1967. Capital (three volumes). New York: International Publishers.

Mandel, E. 1975. Late Capitalism. London: New Left Books.

Miliband, R. 1969. The State in Capitalist Society. New York: Basic Books.

Nove, A. 1983. The Economics of Feasible Socialism. London: Allen và Unwin.

Parsons, T. 1967. ‘Some comments on the sociology of Karl Marx’. In T. Parsons, Sociological Theory and Modern Society. New York: Free Press.

Polanyi, K. 1944. The Great Transformation: The Political and Economic Origins of Our Time. Boston: Beacon Press.

Poulantzas, N. 1973. Political Power and Social Classes. London: New Left Books.

Simons, R. and Simons, J. 1969. Class and Colour in South Africa, 1850-1950. Harmondsworth, UK: Penguin Books.

Sweezy, P. 1946. The Theory of Capitalist Development. New York: D. Donson.

Thompson, E. P. 1963. The Making of the English Working Class. London: Victor Gollancz.

Williams, W.A. 1961. The Contours of American History. Cleveland: World Publishing Co.

Wolpe, H. 1972. ‘Capitalism and cheap labor power in South Africa: from segregation to apartheid’, Economy and Society 1: 42-456.

Wright, E.O. 2010. Envisioning Real Utopias. London: Verso.

Ghi chú

[1] Tất nhiên, đã có những sự phân thời kỳ khác của chủ nghĩa Marx, nhưng đa phần đưa ra một câu chuyện về sự sụp đổ. Như thế, Lichteim (1961) lần vết sự sinh và lên của chủ nghĩa Marx và rồi sự sa sút sau Cách mạng Nga. Viết dưới hậu quả của đợt bột phát âu Châu, Anderson (1976) tập trung vào sự lên của chủ nghĩa Marx cổ điển, tiếp theo bởi sự rút lui của chủ nghĩa Marx Tây phương vào triết học vì nó đã mất sự tiếp xúc với dòng chính cách mạng của nó. Kolakowski (1978) mô tả sự sa sút của chủ nghĩa Marx từ sự thanh tao với sự lên của Liên Xô và chủ nghĩa Marx Tây phương, tiếp theo bởi sự suy đồi cuối cùng của nó với các phong trào sinh viên của các năm 1960. Lưu ý rằng tất cả các tường thuật cổ điển này đã được viết trước sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, mà sự tồn tại của nó đã được cho là nghiễm nhiên.

[2] Harvey đồng nhất làn sóng thị trường hóa với sự tích lũy qua chiếm đoạt, một phần đi cùng với sự hàng hóa hóa mà Marx đã chỉ thấy như phần của tiền-sử của chủ nghĩa tư bản, cái ông đã gọi là tích lũy nguyên thủy.

[3] Naomi Klein (2007) đưa ra một toàn cảnh lộng lẫy về năng lực của chủ nghĩa tư bản để lợi dụng các khủng hoảng do nó tạo ra thông qua các quá trình tích lũy nguyên thủy.

[4] Polanyi cho rằng chính hình thức cực đoan của sự tước đoạt (sự phá lồng kết-disembedding) đã dẫn đến sự nổi loạn của giai cấp lao động trong khi các sử gia muộn hơn, nhất là E.P. Thompson (1963) cho rằng chính sức mạnh của truyền thống dựa vào các thợ thủ công lành nghề, nói cách khác một giai cấp lao động trước khi-được hình thành, hơn là sự phá hủy nó, đã giải thích cho sự huy động tăng lên.

[5] Liên quan đến các mâu thuẫn của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nhà nước, xem hai nhà phi-Marxist: János Kornai (1992) và Alec Nove (1983).

[6] Tôi nhắc ở đây đến một thể loại rộng của các công trình mà bao gồm Althusser (1969, 1971), Miliband (1969), Poulantzas (1973) và Williams (1961).

[7] Tôi đã trình bày quan hệ bổ sung này trong Burawoy (2003).

[8] Về khía cạnh này phê bình của Gramsci đối với xã hội học áp dụng đặc biệt tốt cho sự cầu viện của Polanyi đến ‘xã hội’ như một deus ex machine (cách giải quyết vấn đề thường đột ngột nhờ nhân tố bên ngoài, nhờ thần thông hay thánh chẳng hạn). Đối với Gramsci, xã hội hay ‘xã hội dân sự’ là cái gì đó mà tổ chức nhưng cũng được tổ chức bởi xã hội đặc thù và các lực lượng chính trị.

____

* New Deal là các chương trình và chính sách do Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đưa ra trong các năm 1930 để cải thiện điều kiện sống của những người bị Đại Suy thoái hành hạ.

** Các bộ luật này cấm việc tổ chức (hội, nghiệp đoàn,…).

* giảm mức kỹ năng cần thiết để làm một công việc

* như các chứng khoán phái sinh chẳng hạn.

Bình Luận từ Facebook