Các phương án giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều tiên

Vũ Ngọc Yên

11-8-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Căng thẳng Mỹ-Bắc Hàn dâng cao sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử bom hạt nhân và hai vụ phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7. 2017. Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng đe dọa Bắc hàn sẽ phải đối đầu với “lửa đạn và thịnh nộ” nếu tiếp tục khiêu khích và ông quyết không cho phép Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng đe dọa Mỹ và các nước đồng minh Nhật Bản, Đại Hàn.

Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA) đưa tin quân đội nước này đã đệ trình nhà lãnh đạo Kim Jong Un kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào khu vực đảo Guam. Mỹ cảnh báo Bắc Hàn rằng, các hành động của Bình Nhưỡng có thể đưa đến “kết liễu chế độ”. Cuộc khẩu chiến gữa chính quyền Mỹ và lãnh đạo Bắc Hàn càng làm tình hình trở nên nghiêm trọng. Trước nguy cơ chiến tranh có thể xẩy ra trên bán đảo Triều Tiên, ảnh hưởng đến Hòa bình và kinh tế thế giới, nhiều nhà lãnh đạo chính trị ở Á và Âu châu đã lên tiếng kêu gọi hai bên nên kềm chế và chấp nhận đối thoại để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Trong chiều hướng tìm giải pháp, các nhà nghiên cứu chính trị và chiến lược đã đưa ra một số phương án.

Tiên hạ thủ vi cường

Một cuộc tấn công hạt nhân hay một cuộc tấn công quy ước để giải quyết khủng hoảng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bình Nhưỡng là phương án tồi nhất. Mục đích tấn công phủ đầu hay còn gọi là “tiên hạ thủ vi cường” là phá hủy khả năng quân sự của Bắc hàn để đối phương tê liệt không phản công được. Trích dẫn một bản phân tích về các giàn phóng hỏa tiễn ỡ Bắc Hàn, tờ báo Anh Guardian cho biết, có khoảng 8.000 bệ phóng nhắm hướng thủ đô Hán thành Seoul -Nam Hàn. Các nhà phân tích nhận đinh khả năng quân sự của chế độ Kim Jong Un không thể bị triệt hạ hoàn toàn qua một cú “tiên hạ thủ vi cường” được. Bắc Hàn sau đó sẽ phản pháo sát hại nhiều nạn nhân dân sự. Tạp chí The Atlantic cũng có kết luận tương tự, nhưng không loại trừ sự khả thi và đối với Trump phương án này không phải không hấp dẫn vì thiệt hại chỉ xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, cách xa nước Mỹ.

Leo thang kiềm chế

Biện pháp để cuộc khủng hoảng gia tăng trong vòng kiểm soát. Chọn mục tiêu công phá, thí dụ Mỹ sẽ oanh kích vào khu vực đặt giàn phóng mà Bắc Hàn vừa sử dụng thử hỏa tiễn. Tạp chí Atlantic phỏng đoán, qua biện pháp này, Bắc Hàn lâu dài sẽ nhận ra Mỹ mạnh hơn. Tuy nhiên tờ Guardian cảnh cáo là Kim Jong Un có thể hiểu lầm phản ứng quân sự giới hạn đối với những khiêu khích của Bắc Hàn. Một khi Kim không phân biệt được cuộc tấn công giới hạn và cuộc tấn công toàn diện phủ đầu, thì ông ta sẽ trả đũa mạnh bạo hơn.

Ám sát Kim Jong Un

Điều gì sẽ xảy ra nếu lực lượng đặc nhiệm hay gián điệp ám sát được Kim Jong Un? Theo Guardian, Nam Hàn đã huấn luyện một lữ đoàn đặc nhiệm, nhưng liệu chương trình này có khả thi được không? Vì Bắc Hàn chắc chắn đã có những biện pháp trù liệu cho khả năng này.

Gia tăng cấm vận kinh tế

Mỹ có thể gia tăng cấm vận. Nhưng những biện pháp này cũng không đạt thêm hiệu quả vì Bắc Hàn hầu như đã bị cô lập hoàn toàn rồi. Tác nhân quyết định cho phương án sẽ là Trung quốc, đồng minh duy nhất có thể gây sức ép cho Bắc Hàn. Nhưng phương án này cũng có nhiều rủi ro. Các nghị quyết cấm vận trước đây chỉ làm người dân bị thiệt thòi chứ không hại gì đối với tập đoàn cầm quyền và còn tạo cơ hôi cho chế độ mạnh tay trấn áp nhân dân. Tình trạng nghèo khổ của nhân dân không dễ dàng tạo nổi dây lật đổ bạo quyền. Ngoài ra, nếu Mỹ ép Trung quốc phải tăng cấm vận đối với Bắc Hàn, có thể dẫn đến khủng hoảng quan hê Mỹ-Trung. Trung Quốc rất lo sợ Bắc Hàn sụp đổ sẽ gây bất lợi kinh tế, tài chính và địa chính tri cho Trung Quốc.

Phương án ngoại giao

Đa số chuyên viên phân tích cho rằng, con đường đối thoại, ngoại giao là khả thi nhất một khi Mỹ chấp nhận Bắc Hàn được duy trì chương trình hạt nhân.

Theo báo Guardian, chiến lược “Freeze for freeze” có thể áp dụng trong cuộc khủng hoảng này. Bắc Hàn ngưng thử vũ khí hạt nhân và Mỹ – Nam Hàn ngưng tập trận quân sự. Phương án này có thể được hai cường quốc Nga và Trung Quốc ủng hộ. Tuy nhiên khó tiên liệu Bắc Hàn chịu bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vì chương trình này là những bảo đảm cho sự sống còn của chế độ.

Trước đây dưới thời chính quyền Obama, giải pháp đối thoại, ngoại giao đã được thực hiện dưới hình thức đàm phán song phương hay sáu bên (Nam Hàn, Bắc Hàn, Trung Quốc, Nhật bản, Nga sô, Mỹ). Tạp chí Foreign Policy cũng nhắc lại bằng chứng thành công của phương án này trong quá khứ cho các quốc gia Ấn Độ, Hồi quốc, Do Thái. Các quốc gia này vẫn được phép thực hiên chương trình hạt nhân mà không vì vậy các cuộc tranh chấp trong vùng căng thẳng.

Thay lời kết

Để tìm một giải pháp hoàn hảo, thỏa mãn quyền lợi của mọi bên liên hệ thật không dễ, nhưng phương án đối thoại, ngoại giao có lẽ là con đường thực tế để đi ra khỏi cuộc khủng hoảng tranh chấp, tiết kiệm nhân mạng và vật chất cho tất cả. Vì sự ổn định trong vùng Thái Bình Dương và Á châu, Tổng thống Trump có chấp nhận giải pháp thương thảo ngoại giao hay không? Trump đã được hoan nghênh khi ra lệnh dội bom ào ạt xuống Syria với cáo buộc chính quyền Assad đã sử dụng vũ khí hóa học, nên dư luận lo ngại, Trump có vẻ thiên về biện pháp quân sự hơn.

Ngoại trưởng Cộng hòa liên bang Đức, ông Gabriel dẫn lời tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis là cuộc chiến với Bắc Hàn không chỉ gây ra số nạn nhân thương vong nhiều chưa từng thấy sau thế chiến thứ hai mà cả Thủ đô Hán Thành (Seoul) và các thành phố Nam Hàn cũng sẽ thành tro bụi một khi Bắc Hàn phản công pháo kích. Gabriel bầy tỏ hy vọng những người lãnh đạo chính quyền Mỹ sẽ bình tâm giải quyết bằng lý trí, thay vì cảm xúc và hiếu động. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các bên tránh lời lẽ hay hành động có thể làm tình hình thêm căng thẳng và gây khó khăn hơn cho các nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.

Bình Luận từ Facebook