TS Nguyễn Đức Thắng
7-8-2017
Tuần vừa qua, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng cho chúng ta ăn no đủ những thông tin về sạt lở đất bở sông, bờ biển. Cũng đúng là còn nhiều nhà khoa học thường “tô hồng” cho những hô hào hay cao hứng của các lãnh đạo.
Bao nhiêu năm nay rất nhiều quy hoạch tổng thể/ chiến lược này, nọ, kia; cho cả nước, cho vùng, cho khu vực, cho địa phương (cho giai đoạn 5, 10, 15 và 20 năm) đã sử dụng khá nhiều nguồn lực trong và ngoài nước (thuế của dân), làm xong rồi cất ngăn kéo.
Động cơ của những “tô hồng khoa học”, còn vì “cơ hội” để có đề tài, có thu nhập. Do vậy càng nhiều nghiên cứu, càng nhiều quy hoạch tổng thể/Master plan, mặc dù có cất ngăn kéo, vẫn hoan hô; nghiên cứu rồi, nghiên cứu lại, nghiên cứu mãi vẫn chưa đủ.
1- Qui luật “Dòng sông bên lở bên bồi”
Cách đây khoảng 4.000 năm, khi ấy bờ biển Tây Nam Việt Nam cách biên giới Việt Nam – Campuchia đôi chút. Cần ấy năm trời phù sa sông Mê Kông đã bồi lắng, lấn biển khoảng 200km tạo nên Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Có đến 3.950 năm làm gì có đê điều, kè, đập đâu và cả “cát tặc” nữa thế mà liên tục “dòng sông bên lở, bên bồi” như câu ca các cụ ngày xưa đã dạy. Các cụ ngày xưa không có 1 xu cho nghiên cứu khoa học, nên không có lý luận khoa học; các cụ không hiểu về lưu lượng, vận tốc dòng chảy, trắc diện ngang, cao, rộng, dòng xoáy, phương trình, mô hình này, nọ, kia. Tất cả những đại lượng ấy lại hoàn toàn phụ thuộc vào ông Trời, thời tiết, nắng mưa luôn có tính khí đỏng đảnh và ngày càng bất thường; lúc thì dòng sông trơ lòng phơi đáy, khi thì ngập trắng nước mênh mông. Bằng mắt thường thôi các cụ quan sát sói lở đất bờ và đúc rút thành câu ca như vậy. Một chân lý khoa học có được không tốn 1 xu.
Chỉ trong 50 năm gần đây các nhà khoa học thủy lợi + thủy văn + thủy lực của chúng ta đã đề xuất xây rất nhiều đoạn đê nọ, kè, đập kia để chỉnh trị, uốn nắn các dòng sông. Rất rất nhiều tiền và sức dân đã được bỏ ra để phục vụ cho uy lực của các nhà qui hoạch thủy lợi muốn nắn chỉnh tự nhiên. Kể cả có những công trình chế ngự này, dòng sông vẫn như bất trị luôn trở mình, lật bên nọ, lật bên kia gây kinh hoàng cho nhóm cư dân sống liền kề, như nhiều ghi chép trong lịch sử. Những điều này rõ ràng đối kháng với kết luận gần đây của TS Dương Văn Ni về nguyên nhân gây ra sạt lở đất bờ sông và bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long là do các công trình thủy lợi, là những “thủ phạm dấu mặt”.
3950 năm trước không có cát tặc, chỉ vài năm gần đây mới có cát tặc, dòng sông vẫn luôn lật mình như người ngủ lúc trở mình bên nọ, lật sang bên kia, tự nhiên, vô thức. Không biết nhà khoa học nào có thể quan sát người ngủ và dự đoán chính xác, ví dụ vào lúc 1g27 phút sáng, người này sẽ lật mình, quay mặt vào phía tường; vào lúc 3g12 phút sẽ lật người nằm ngửa, vào lúc 3g25 phút sẽ lật nghiêng, quay mặt ra ngoài v.v… Như vậy là gần 4.000 năm không có các công trình đê, đập, kè cũng như cát tặc dòng sông vẫn luôn bên lở, bên bồi vô thức, tự nhiên.
Cho đến nay vẫn chưa hé lộ một công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định, ví dụ đoạn bờ sông 100m chiều dài vừa sạt lở hôm qua sâu vào bờ 5m, tháng tới, vẫn đoạn đó sẽ sạt lở tiếp sâu vào 10m, năm tới sẽ sạt lở tiếp sâu vào 20m nếu như không xây kè bảo vệ, chống sạt lở. Vì cũng có khả năng đoạn 100m dài sạt lở sâu vào đến 10m rồi STOP, không sạt lở nữa. Dòng sông lật trở mình sang hướng khác, đe dọa sạt lở vùng khác. Do vậy, khó có thể khẳng định là nhờ có kè cứng được xây dựng mà sạt lở không thâm nhập vào sâu hơn nữa, còn nếu không có kè thì còn nhiều dẫy nhà tiếp theo sẽ phải đổ xuống sông.
Tương tự, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho phép dự báo, ví dụ: Đoạn bờ sông từ A đến Z dài 1000m đang có những dấu hiệu có thể sạt lở. Nếu đoạn này mà không được xây kè bảo vệ dự báo sau 2 năm sẽ bị sạt lở sâu vào đến 50m v.v.., do vậy cần thiết phải đầu tư nhiều tỷ đồng để xây kè.
Sạt lở đất bờ sông, bờ biển thường không gây tổn thất về tính mạng đối với người dân sống liền kề, vì thường có dấu hiệu báo trước từ vài giờ đến vài ngày. Chỉ có mỗi ngôi nhà đã xây là không thể bê chạy đi được thôi; còn đồ đạc, trâu bò. lợn gà, tài sản khác có thể khiêng đi sơ tán đến chỗ an lành.
Việc có hay không nên xây kè để bảo vệ vùng đất sạt lở nên tùy thuộc vào bảng cân đối giữa chi phí bỏ ra với lợi ích thu được đối với những vùng đất có giá trị khác nhau, chủ yếu tùy thuộc vào mật độ dân cư khu vực có nguy cơ bị sạt lở. Nếu thấy chi phí cho việc di dời nhóm dân cư bị ảnh hưởng đi nơi khác là ít hơn và có hiệu quả hơn thì nên di dời thay cho việc xây kè tốn kém nhưng không hiệu quả. Việc ngợi ca những giá trị của kè chỉ có tính thuyết phục nếu dựa trên bảng phân tích rất khách quan, chi tiết COST – BENEFIT; vì đất nước ta còn nghèo, so với các nước trong khu vực còn chậm vài chục năm phát triển; ta chỉ đuổi kịp họ khi họ dừng chạy mà thôi.
Tất nhiên các doanh nghiệp chuyên xây dựng đê, đập, kè sông sẽ mong được xây đê, đập và kè ở bất cứ nơi đâu. Còn đối với các nhà khoa học, quy hoạch đã làm nhiều, làm mãi rồi thì không nên mong có thêm hơn nữa để tiếp tục làm dầy thêm chồng quy hoạch đang tồn kho trong ngăn kéo của mình. Động cơ muốn làm quy hoạch để tăng thêm thu nhập sẽ không thể tạo ra một sản phẩm có chất lượng được. Như chị Hải Yến đã viết gửi cộng đồng mạng Vietnam – Ocean – Network cách đây khoảng 2 tuần “Chỉ có 1 thông số độ mặn ở Mekong Delta, 8 viện NC tiêu tiền cho quan trắc môi trường từ bấy lâu nay, thế mà nhóm chuyên gia thế giới cũng bất lực, chỉ lọc đc số liệu của mỗi 2 năm một cách cay đắng để nhét vào mô hình”. Thật buồn là trong khoảng gần chục thông số cơ bản, phổ cập nhất của chất lượng nước sông (water quality) thì độ mặn và phù sa lại là hai thông số dễ xác định nhất.
Tương tự email của nhà khoa học Nguyễn N. Anh, thường xuyên viết nhiều ý kiến trao đổi trong Vietnam – Ocean – Network “Dear all, Như tôi đã nói, bài viết và các thông tin của Gs. Trân không có gì mới. Những nguyên nhân trên đều là những nguyên nhân “cố hữu”, đã được nhiều nghiên cứu đề cập đến từ những thập niên 80”. Nhận xét này làm tôi tò mò nên đã tìm đọc các bài viết của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân – Nguyên Chủ nhiệm Chương trình cấp Nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL về tình hình sạt lở ở khu vực này, đăng trên các báo mạng chính thống. Sau đọc, tôi cũng thất vọng và đã đồng ý với ý kiến của anh NNA.
Khi dòng sông lật mình sang bên này, làm sụp đổ vài chục ngôi nhà, các phóng viên, nhà báo lao đến và những tin nóng tràn ngập bầu trời Việt Nam. Tiền tỷ sẽ lại chi ra cho những điều tra, khảo sát, nghiên cứu. Khi dòng sông lật mình sang bên kia, làm sụp đổ vài chục ngôi nhà, các phóng viên nhà báo lại lao đến bên kia v.v… Tiền chùa lại được rãi ra để “xóa đói giảm nghèo” cho những nhà khoa học. Tôi không nghĩ là tiền XĐGN như đại đa số các nhà khoa học thường ca cẩm “vì tiền nghiên cứu chỉ đủ để mua rau nên sản phẩm/công trình đương nhiên sẽ là rau có sâu”. Tôi lại nghĩ đó là tiền làm “phân hóa giàu nghèo” gia tăng giữa các nhà khoa học với những nông dân, công nhân nói chung và ngay chính trong đội ngũ những người làm nghiên cứu khoa học. Đó là sự thật vì chỉ những nhà khoa học có chức, có quyền mới với được tới tiền XĐGN này, mới chạm tay được tới đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước.
Hơn 10 năm làm việc tại Bộ KH&ĐT, tôi có nhiệm vụ, đồng thời cũng có cơ hội và điều kiện để đọc và được nghe báo cáo, bảo vệ rất nhiều loại quy hoạch tổng thể, chiến lược tổng thể khác nhau, trung hạn, dài hạn, cho 5 năm, 10 năm, 20 năm v.v.. Điển hình là quy hoạch phát triển Hà Nội, về diện tích thuộc nhóm 10 thủ đô lớn nhất thế giới, nhiều tỷ đồng đã được chi ra, với sự trợ giúp của chuyên gia quốc tế nữa, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thế nhưng gần đây Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã phải than thở “giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”. Đúng vậy! Hà Nội đã có những con đường đắt nhất hành tinh, nhưng cũng xấu nhất hành tinh và những đường sắt bề thế trên cao nữa sẽ lưu giữ muôn đời.
Tương tự công tác quy hoạch là các nhiệm vụ điều tra cơ bản, năm nào cũng như năm nào, hàng trăm các nhiệm vụ được các Bộ, ngành quyết định triển khai thực hiện. Khi đó chúng tôi thường nói với nhau “Nhà nước phải bỏ tiền ra mua đi mua lại nhiều lần cũng những số liệu ấy”. Để dễ hiểu điều này, ví dụ: Viện nghiên cứu A đề xuất nhiệm vụ điều tra cơ bản về tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long trong 2 năm, yêu cầu NSNN cấp 8 tỷ đồng. Nhiều số liệu điều tra cơ bản được thu thập và lưu trữ. Có những số liệu Viện A tự điều tra để có, nhưng cũng có nhiều số liệu Viện A phải “mua” lại của các viện nghiên cứu khác cũng do NSNN cấp cho những nhiệm vụ điều tra, quy hoạch này, nọ, kia của họ. Sau này, một viện B khác, ví dụ được NSNN cấp cho thực hiện quy hoạch công tác thủy lợi, tưới tiêu có nhu cầu lại phải “mua” những số liệu mà Viện A nói trên đang có. Như vậy là cùng một số liệu, thông tin nhưng NSNN (tiền thuế của dân) đã phải bỏ ra nhiều lần cho những việc mua đi bán lại vòng vo giữa các nhà khoa học thực hiện công tác quy hoạch, nghiên cứu, điều tra, khảo sát v.v… Tình trạng này cho đến nay (năm 2017) chắc là vẫn như cũ, không thể cải thiện được, vì nó là tiền chùa, tiền XĐGN buộc phải có cho các nhà khoa học.
2- Đê rừng ngập mặn, chắn sóng biển hoàn hảo không tốn 1 xu:
Rừng ngập mặn ven biển là đê chắn biển loại I. Đê chắn biển Bắc vĩ đại nhất thế giới và tốn kém nhất thế giới của đất nước Hà Lan còn phải gọi “đê rừng ngập mặn” của Việt Nam bằng cụ. Trời không ủng hộ người Hà Lan, vì họ không có rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển và 1/4 đất nước Hà Lan thấp hơn dưới mực nước biển. Trời phú cho chúng ta nhiều thứ, trong đó có đê rừng tự mọc, tự phát triển không đòi hòi kinh phí xây dựng, nên không có tham nhũng; không cần làm báo cáo nghiên cứu khả thi, các phê duyệt này, nọ, kia. Loại đê rừng này còn là lá phổi xanh giúp cho hành tinh, Trái đất khỏi nóng lên, kéo theo băng tan và biến đổi khí hậu. Loại đê rừng ngập mặn này còn cung cấp cho chúng ta nguồn thủy sản chất lượng loại I do các hệ sinh thái trong đê rừng đã được cân bằng nhiều năm.
Đáng tiếc là sự tiêu dùng tôm của người Mỹ ở một phương trời xa tít tắp, bờ bên kia của Thái Bình Dương, đã góp phần tàn phá những đê rừng của chúng ta. Giống như một số người Hồng Kong có sở thích sử dụng gỗ sưa đã làm sạch trụi các cây sưa của chúng ta, mặc dù chúng được bảo vệ rất nghiêm ngặt, đến mức một số gia đình có các bàn thờ bằng gỗ sưa, kỷ vật của ông cha để lại, cũng tháo dỡ đem bán. Sự tiêu dùng của những người giầu ở Việt Nam, sẵn sàng chi trả giá cao, nhất là đối với các sản phẩm đồ gỗ quí hiếm (cầu thang, bàn ghế hoành tráng, giường, tủ, sàn gỗ vv..) đã khuyến khích mạnh mẽ đội ngũ lâm tặc hùng hậu, chẳng quản ngại khó khăn, gian lao vất vả hiểm nguy có thể nhanh chóng đốn trụi cả cánh rừng đầu nguồn trong sự bảo kê của lực lượng kiểm lâm.
Bàn tay người dân Việt Nam đã nhiều năm tự chặt phá rừng để nuôi tôm xuất khẩu. 2 – 3 năm đầu, nhờ vào sự trong lành của hệ sinh thái gốc nên tôm sống, phát triển tốt, xuất khẩu có lãi. Nếu như bà con nuôi tôm biết đầu tư bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái thì cái lãi này chẳng còn. Vì vậy, cái lãi này gọi lãi “ăn” vào môi trường, “ăn” vào hệ sinh thái, hay chúng ta “ăn quịt” các dịch vụ của hệ sinh thái. Các nhà lãnh đạo, quản lý coi cái lãi này là những thành tích của mình trong việc khuyến khích kinh doanh, xuất khẩu. Những năm tiếp theo hệ sinh thái bị xéo lắm cũng phải chết nên dịch bệnh xẩy ra, tôm chết hàng loạt, người dân lỗ vốn, lại trắng tay, nghèo lại hoàn nghèo, trong khi đê rừng đã hoàn toàn biến mất.
Loại đê biển tốt nhất đã bị chặt phá, sóng biển ào ạt vỗ bờ quanh năm ngày tháng nên sạt lở đất bờ biển là tất yếu. TV báo chí lên tiếng sót xa, thế là tiền tỷ, tiền tấn, tiền tạ lại phải chi ra để nghiên cứu, quy hoạch, điều tra, khảo sát, để xây các đê bê tông cốt thép, nợ quốc gia có cao đến mấy sẽ có đời con cháu phải trả. Tuy nhiên, nhiều người có thể đã nhìn thấy có những nơi kè cứng kiên cố cũng bị sóng biển đánh bật tung.
3- Qui luật “Nước chảy chỗ trũng” và Dự án thoát lũ Mê Kông ra biển Tây
Các cụ ta ngày xưa gan nhỏ, sống thân thiện với môi trường và khiêm nhường hơn chúng ta ngày nay. Các cụ đã đào kênh Vĩnh Tế (dài 36km, rộng 30 m, sâu 2,5m) song song với biên giới Cămpuchia, nối sông Hậu (tại Châu Đốc, An Giang) với sông Giang Thành thuộc thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) với mục đích thông thương, giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế, chấn hưng miền Tây, qua đó bảo vệ biên cương đất nước. Đoạn đường thủy từ Châu Đốc đến Hà Tiên khoảng 87km. Nếu Google “kênh vĩnh tế” trên internet chúng ta sẽ tìm được những thông tin sau:
“Vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy. Biết thế, nhưng vua chưa ra lệnh đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, nếu bắt làm xâu thêm khổ sở, lòng dân sẽ không yên. Song mãi đến tháng 9 (âm lịch) năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mới cho lệnh đào kênh, và công việc được bắt đầu khởi công vào ngày 15 tháng Chạp năm ấy”.
Bằng mắt thường, không tốn 1 xu, các cụ ta ngày xưa đã rút ra một qui luật của tự nhiên là “Nước chảy chỗ trũng”, do vậy các cụ không dám nghiêng cả biển nước mênh mông của Tứ giác Long Xuyên để đổ ra biển Tây như chúng ta đã làm vào đầu những năm 1990. Thời ấy trên TV phát hình ảnh GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nhà vật lý nguyên tử hàng đầu của Việt Nam, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, cùng với lãnh đạo Bộ Thủy Lợi, mặc áo phao cứu hộ, đi trên cano cao tốc lướt sóng nước mênh mông, cổ vũ cho ý tưởng thoát lũ sông Mê kông ra biển Tây sôi động đất nước. Thời gian đó các nhà khoa học thủy lợi rất ghét lũ sông Mê Kông về (ngày nay thì lại khát khao mong đợi!). Một ý chí và quyết tâm to lớn, bẻ ngoặt dòng chảy sông Hậu, tại Châu Đốc, nghiêng cả biển nước mênh mông vùng tứ giác Long Xuyên đổ vào kênh Vĩnh Tế nối với sông Giang Thành qua thị xã Hà Tiên, đổ lũ ra biển Tây. Như vậy, khoảng 170 năm sau, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký quyết định phê duyệt dự án nói trên.
Những gì các cụ ta ngày xưa đã làm sau cần ấy thời gian đã bị xuống cấp, sạt lở, bồi lắng, thu hẹp, xóa nhòa. Đầu năm 1990 được khôi phục, nạo vét, đào lại nhưng với mục đích hoàn toàn khác lạ với các cụ ta ngày xưa. Chiều rộng các đoạn kênh đào mới từ 20 – 30m, trung bình chiều sâu 3m. Vì qui luật của tự nhiên là “Nước chảy chỗ trũng” nên dự án “Thoát lũ Mê Kông ra biển Tây” chỉ đổ được tí tẹo nước sông Hậu ra biển Tây mà thôi. Tuy nhiên, tiền tỷ, tiền tấn, tiền tạ đã được bỏ ra. Nhiều huân chương, huy chương được trao tặng. Bao nhiêu bài báo ngợi ca.
Năm 1990 cách năm 2017 đã gần 30 năm, không biết cái dự án khoa học thủy lợi vĩ đại trị thủy lũ này đã bị bùn, cát, đất bờ sạt lở, bồi lắng, thu hẹp dòng chảy đến đâu. Mặc dù vậy, những cọc tre kè bờ và những tấm huân chương, huy chương ấy thì vẫn còn đó.