TS Nguyễn Đức Thắng
7-8-2017
1- Quyền lực và ý chí chinh phục thiên nhiên:
Tp. HCM không có LŨ, LỤT, gây thảm họa chết người và thiệt hại tài sản. Thành phố chỉ có NGẬP ÚNG, gây phiền toái mà thôi. Nước cống rãnh, phân, rác các loại thực sự đã làm ướt bẩn chân người dân. Trước Đổi Mới (năm 1986) ngập úng ít xẩy ra, kể cả sau những cơn mưa lớn. Tuy nhiên khoảng 20 năm gần đây, theo đà với sự phát triển bùng nổ của Tp. HCM, ngập úng ngày càng gia tăng gây bức xúc thường xuyên cho dân.
Tp. HCM đã TUYÊN CHIẾN với ngập úng từ cách đây khoảng 15 năm. Tiền của không thiếu, các chuyên gia thủy lợi cũng không thiếu, quyết tâm chính trị cũng rất cao, thế là các quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Tp. HCM cho các giai đoạn khác nhau đã lần lượt ra đời và đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tp. HCM, hòn ngọc Viễn Đông, đầu tàu kinh tế lớn nhất của cả nước quyết phải chinh phục, chế ngự được ngập úng. Hầu hết các cây đa thủy lợi và các nhà chính trị đều đổ lỗi cho BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU. Sự kiêu ngạo cộng với quyền lực đã thắng thế; tiền tấn tiền tỷ được đổ vào KÈ, ĐÊ, ĐẬP, CỐNG, TRẠM BƠM trong sự reo hò phải đẩy lui, chặn đứng ngập úng. Một vài nhà khoa học thủy lợi “chân đất” nghi ngờ tính hiệu quả của các giải pháp CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, nhưng vì họ là “chân đất” nên các lãnh đạo chính trị chẳng muốn nghe.
Nhiều dự án đã được triển khai nhằm thực thi các quy hoạch. Ví dụ như báo chí đã đưa tin về dự án chống ngập úng đường Kinh Dương Vương, đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân dài 3 km được thi công, mặt đường xây cao lên 1,3m. Theo người dân ở đây “Phải bắc thang leo vào nhà, đó là điều chắc chắn, phải bò lên bò xuống thôi. Quan trọng là sợ mùa mưa tới, ở đây nước sẽ tràn vào nhà mình, hoặc nước cống nó rò lên, chừng đó thì không biết làm sao. Cái cống cũ hiện nay không thoát được nước, bây giờ làm đường mới mà cống cũ vẫn bị tắc”.
Gần đây nhất một dự án hoành tráng đã được khởi công tháng 6/2016 do Trung Nam Group triển khai, xây dựng 7,8 km đê bao thuộc bờ hữu sông Sài Gòn, từ Vàm Thuật đến kênh Mương Chuối, với 6 cống kiểm soát, ngăn triều là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 48 m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 36 m3/giây. Dự án BT này có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng). UBND TP.HCM sẽ thanh toán 16% giá trị hợp đồng BT bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.
Một số ý kiến các chuyên gia thủy lợi “chân đất” lưu ý tính khả thi của dự án: liệu sau khi hoàn thành dự án có phát huy hiệu quả kiểm soát nước và chống ngập thật sự hay không bởi đã có quá nhiều dự án chống ngập, tiêu thoát nước nhưng tình trạng ngập ở TP.HCM ngày một nặng nề?
2- Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, bảo vệ người giầu, đẩy lũ đến người nghèo
Sông Sài Gòn như con rắn uốn lượn ngoằn nghèo chảy xuyên qua Tp. HCM từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam. Cả hai bên hữu ngạn và tả ngạn sông đậm đặc dân cư và nhà cửa. Ngoài ra Tp. HCM còn có hệ thống các đường cống, kênh, mương chằng chịt ngang dọc, đan chéo dẫn thoát nước thải. Bản chất của giải pháp công trình là để chống úng ngập cho một khu vực nào đó thì phải xây đê và cống (đóng/mở) bao quanh để ngăn chặn, không cho nước lũ và triều chảy vào. Mọi thứ nước phát sinh, hình thành trong nội khu, bao gồm nước thải từ các gia đình và các tòa nhà + nước mưa rơi trực tiếp + nước theo đường cống ngầm, kênh, mương (từ các hướng không có đê bao), tất cả sẽ được các trạm bơm công suất lớn bơm đẩy qua đê bao vào sông Sài Gòn, sau đó sẽ tự chảy về những nơi không có đê bao. Khi hết lũ hay triều lui xuống mức thấp hơn mực nước trong nội khu bảo vệ, các trạm bơm sẽ ngừng hoạt động, các cánh cống sẽ mở ra “cho phép” mọi thứ nước trong nội khu được tự chảy ra ngoài theo qui luật tự nhiên là “Nước chảy chỗ trũng”. Công việc khi triều lên, lũ về thì đóng cống, bật máy bơm và ngược lại khi lũ rút, triều lui thì tắt máy bơm và mở cống cứ thế lặp đi lặp lại quanh năm ngày tháng để giữ khô chân cho những người sống bên hữu ngạn sông Sài Gòn.
Nắng mưa, gió bão, lũ lụt là chuyện của Trời. Sau một cơn mưa lớn, tổng lượng nước Trời từ mọi phía đổ dồn về Tp. HCM, giả sử là 100 triệu m3. Nếu toàn diện tích Tp. HCM là 2095km2 đều gánh chịu, thì chỉ bị ngập có 5cm (100.000.000m3/2095.000.000m2 = 0,05m). Nếu một nửa thành phố được bảo vệ, nửa còn lại phải gánh chịu toàn bộ số nước Trời này, thì sẽ bị ngập lên 10cm. Nếu 3 phần tư diện tích của thành phố được đê bao bảo vệ, 1 phần 4 vùng còn lại sẽ bị ngập 20cm. Nếu 90% diện tích của thành phố được bảo vệ, 10% vùng còn lại sẽ bị ngập 50cm (chưa tính đến đỉnh triều cường). Nếu khu vực hữu ngạn sông Sài Gòn được đê bao bảo vệ thì toàn bộ số nước đó sẽ đẩy sang bên tả ngạn sông cũng đậm đặc dân cư theo qui luật “Nước chảy chỗ trũng”. Nếu toàn Tp. HCM được bảo vệ thì tỉnh liền kề sẽ phải gánh chịu.
Các giải pháp công trình KHÔNG THỂ ĐẨY ĐƯỢC NƯỚC LÊN TRỜI, KHÔNG BƠM ĐƯỢC NƯỚC XUỐNG DƯỚI ĐẤT, KHÔNG TRẢ ĐƯỢC NƯỚC VỀ THƯỢNG NGUỒN, KHÔNG CHẶN ĐƯỢC TRIỀU DÂNG mà là giải pháp ĐẨY NƯỚC LŨ ĐẾN VÙNG NGHÈO HƠN, mặc dù người dân vùng này cũng đóng thuế để tạo nên NSNN.
Chính xác và rõ ràng giải pháp CÔNG TRÌNH là giải pháp WIN – LOSE, bên được lợi, bên chịu thiệt; không phải là giải pháp WIN – WIN (cả hai bên, hay tất cả đều được lợi). Đã nhiều năm và cho đến hiện nay, Đảng đã luôn dậy chúng ta là chính quyền ở các nước tư bản là chính quyền của giai cấp tư sản, phục vụ người giàu, vì người giầu. Còn ở nước ta là chính quyền cách mạng, của giai cấp vô sản, của công nhân và nông dân, chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Tình hình tương tự cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những phong trào thôn, xã thi nhau “chạy xin vốn” NSNN để xây dựng những đê bao cộng với các trạm bơm thủy lợi để khống chế và điều khiển nước theo qui trình tưới tiêu khoa học, thau chua rửa mặn, khai hoang, phục hóa được hàng vạn hecta, đưa trồng trọt lên nhiều vụ trong một năm v.v… Những thôn xã liền kề không chạy, xin được vốn đành ngậm ngùi chịu mức úng, ngập cao hơn. Những nơi được đê bao bảo vệ cho thóc lúa bội thu, dư thừa xuất khẩu. Mặt đê được kết hợp sử dụng thành đường, người dân từ đi thuyền, đi ge, được lên đời đi xe máy. Thành tích đê bao với các trạm bơm thủy lợi được ngợi ca khắp nơi. Đáng tiếc là lãnh đạo của chúng ta đã quen sống với THÀNH TÍCH, không quen sống với HIỆU QUẢ. Do vậy, vô vàn những thành tích thuộc đủ mọi lĩnh vực được vẽ và nặn ra, được báo cáo, gửi lên làm say lòng cấp trên. Đất ruộng không được nghỉ, phải quay vòng liên tục, phải cho thu hoạch 3 – 4 vụ lúa một năm, do vậy nông nghiệp của chúng ta hiện đang là nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào phân hóa học và thuốc trừ sâu nhập ngoại chiếm đến 75 – 85% chi phí sản xuất. Nền nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường của ông cha ta ngàn đời nay đã bị thay bằng nông nghiệp vô cơ, dư thừa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hủy diệt các hệ sinh thái.
3– Suốt 1000 năm qua ông cha ta đã sống hài hòa với lũ, biết trông trời, trông đất, trông mây mà cày cấy:
Nước ngọt đã và muôn thuở sẽ là nguồn tài nguyên quí đối với mọi tộc người trên Trái đất. Vì những lợi ích quốc gia và dân tộc, hơn chục năm qua, rất nhiều đập thủy điện – thủy lợi trên các dòng sông nhánh và dòng chính sông Mê Kong đã được xây dựng. Ngay đến cả đất nước Lào, anh em thân thiết nhất của chúng ta họ cũng đành phải cáo lỗi Việt Nam để tiếp tục xây đập. Từ nay về sau người nông dân Nam Bộ sẽ thường xuyên sống trong những năm tháng khát khao mong lũ nước ngọt và phù sa thượng nguồn Mê Kong đổ về. Trong vòng 20 – 50 năm tới những tác động của biến đổi khí hậu sẽ rõ nét và mạnh mẽ hơn; nước biển mặn dâng cao hơn nữa, sẽ lan tỏa, xâm nhập rộng và sâu hơn nữa đe dọa vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, VÌ không còn lũ nước ngọt đổ về để đẩy nước mặn trở lại biển, VÌ NHỜ những kênh mương thủy lợi chằng chịt mà chúng ta đã đổ tiền tấn, tiền tỷ thực hiện trong những năm qua như mời đón nước biển mặn vào đồng.
Cả 1000 năm qua ông cha ta đã sống hài hòa với lũ, biết trông trời, trông đất, trông mây bằng các giác quan bình thường của con người, do vậy đã có được nghệ thuật né tránh lũ, không chế ngự, không chinh phục lũ. Chỉ có 35 năm trở lại đây mới xuất hiện sự kiêu ngạo khoa học cộng với quyền lực và ý chí chế ngự thiên nhiên; bẻ ngoặt dòng chảy sông Hậu tại Châu Đốc, nghiêng cả biển nước mênh mông vùng tứ giác Long Xuyên đổ vào kênh Vĩnh Tế nối với sông Giang Thành qua thị xã Hà Tiên, nhưng chỉ đổ được tí tẹo nước lũ ra biển Tây thôi, vì nó đã đối kháng với một qui luật của tự nhiên là “Nước chảy chỗ trũng”.
Giầu có như nước Ý thế mà người dân Venice vẫn chấp nhận sống trong các ngõ nước và mặt phố nước, tất cả đi lại đều bằng thuyền, bước chân ra khỏi cửa là bước xuống thuyền, không có khái niệm ô tô xe máy. Họ đã khai thác rất thông minh và làm giàu bằng việc sống chung với nước biển dâng. Venice đã trở thành một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất thế giới. Những ý tưởng xây đê bao chống ngập úng nếu có ở đây sẽ được toàn nhân dân nước Ý coi là phá hoại.
Kênh đào Venice. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng
- Oan cho biến đổi khí hậu:
Phần lớn diện tích của Tp. HCM đều ở cao độ từ hơn 1m trở lên so với mực nước biển, ngoại trừ đáy các ao hồ, kênh, mương, sông mới thấp hơn mực nước biển. Như vậy là may mắn hơn rất nhiều so với đất nước Hà Lan, nơi 1 phần 4 đất nước thấp dưới mực nước biển. Tp. HCM chỉ có ngập úng, trong khi Hà Lan đã chịu bao nhiêu đắng cay, mất mát về con người và tài sản vì lũ lụt. Hà Lan đã trở thành cường quốc số 1 thế giới về các công nghệ, kỹ thuật và các công trình đê chắn biển, giữ khô chân cho 100% người dân (cả giầu lẫn nghèo). Ngày nay, người Hà Lan đã và đang tìm giải pháp thích nghi và chung sống hòa bình với lũ, lụt. Họ đang nghiên cứu và thử nghiệm nhà nổi và cầu nổi với những kỹ thuật và công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới.
Trái đất nóng lên toàn cầu, băng tan chảy và mực nước biển dâng. Tuy nhiên biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện vẫn CHƯA LÀM ƯỚT CHÂN NGƯỜI DÂN Tp. HCM. Vì sao? Vì theo Hồ Long Phi (năm 2010) bình quân số liệu quan trắc đỉnh triều cường suốt mấy chục năm qua, tại trạm quan trắc thủy văn Vũng Tầu là không thay đổi, tức là độ tăng của bình quân đỉnh triều bằng 0cm. Tác giả đã tính toán thống kê dựa trên các số liệu quan trắc tại các trạm thủy văn Phú An, Nhà Bè và Vũng Tầu về diễn biến đỉnh triều cao nhất của năm cho kết quả:
Biến đổi khí hậu rõ ràng là chưa làm ướt chân người dân Tp. HCM đã và đang đúng và sẽ còn đúng cho khoảng vài chục năm tới. Vì tác động của BĐKH là tác động toàn cầu, âm thầm, nhưng sẽ rõ nét trong 30 – 50 năm tới.
Như vậy rõ ràng NGẬP, ÚNG ở Tp. HCM là DO CON NGƯỜI GÂY RA, đỉnh triều tại các trạm thủy văn Phú An và Nhà Bè tăng từ 1,17cm – 1,45cm/năm là do con người gây ra, do yếu kém của công tác quản lý quy hoạch đô thị gây ra. Chức năng thiên bẩm, trời sinh ra cho ao, hồ, vùng đầm, kênh rạch, sông ngòi là chứa nước và thoát nước, giảm ngập úng đã bị cắt bỏ. Tuần tự ao, hồ, đầm, kênh rạch đã bị san lấp. Nhiều khu đô thị mới mọc lên. Bê tông hóa đất đai thắng thế lan tỏa khắp nơi, xóa bỏ chức năng bẩm sinh của đất và thảm thực vật là hút nước mặt mỗi khi có mưa, “tiêu” nước mưa xuống thành nước ngầm, làm cho mực nước ngầm bên dưới bị suy giảm. Cộng thêm những năm trước đây, bình quân mỗi ngày Tp. HCM hút lên 600.000m3 nước ngầm phục vụ cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất làm cho nước ngầm suy giảm thảm hại hơn CỘNG VỚI những khối bê tông cao tầng chen vai sát cánh, phía trên ngày càng nhiều, càng cao đã làm cho toàn bộ Tp. HCM sụt lún trung bình khoảng 5mm/năm; 20 năm thôi đã là 100mm = 10cm! rồi. Đây là con số khiêm tốn, một số nơi ở Tp. HCM có mức sụt lún 10 – 20mm/năm!.
Cứ 600.000m3/ngày nước ngầm hút lên sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra khoảng 85% nước thải (600.000 x 0,85 = 510.000m3) xả vào cống rãnh. Đấy là con số của ngày xưa. Ngày nay Tp. HCM xả thải khoảng 1,3 – 1,4 triệu m3/ngày đẩy tràn ra khắp mọi nơi, trong khi hệ thống cống rãnh lại quá yếu kém, nhiều đoạn còn bị chôn lấp bởi rác thải sinh hoạt nên ngập úng là đương nhiên. Ngoài ra CỐT NỀN của các tòa nhà, công trình xây dựng là một qui định pháp lý quan trọng trong quản lý thoát nước đô thị cũng đã bị xem nhẹ, coi thường, nên mạnh ai người nấy xây, chỗ cao chỗ thấp tùy thích, nên úng ngập cục bộ là chuyện tất yếu.
Tóm lại, NGẬP, ÚNG những năm vừa qua và hiện nay tại Tp. HCM không phải do BĐKH gây ra, 100% DO CON NGƯỜI gây ra. Đã là do con người gây ra thì không nên tiếp tục các giải pháp CÔNG TRÌNH, hiệu quả thấp, làm gia tăng phân hóa giầu – nghèo, nên tìm các giải pháp MỀM, THÍCH ỨNG, THÍCH NGHI với ngập, úng; thân thiện môi trường và mọi người đều hưởng lợi (WIN – WIN solution).