Bộ Ngoại giao Đức, ngày 2 tháng 8 năm 2017
SCHÄFER: Bây giờ thì tôi gần xong rồi; bây giờ tôi đi đến mục thứ tư mà tôi muốn nói với quý vị. Và việc này thì thật sự là tôi cũng muốn nói với cho thật rõ ràng. – Sau khi nhiều chỉ dấu cô đọng lại trong diễn tiến của ngày hôm qua và ngay từ cuối tuần và sau khi bây giờ không còn nghi ngờ nghiêm chỉnh nào nữa về việc tình báo Việt Nam và Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩ Việt Nam tham gia vào vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, hôm qua, quốc vụ khanh trong Bộ Ngoại Giao, ông Markus Ederer đã triệu tập đại sứ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến Bộ Ngoại Giao.
Vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một vi phạm chưa có tiền lệ và trắng trợn Luật pháp Đức và Luật pháp Quốc tế. Nhờ sự quan tâm của các cơ quan thực thi pháp luật Đức mà vụ việc này được đưa ra ánh sáng. Hiện giờ, cả các cơ quan thực thi pháp luật ở Berlin cũng tiến hành điều tra.
Một vụ việc như thế này có tiềm năng gây ảnh hưởng xấu rất lớn lên các quan hệ giữa Đức và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nó đồng thời cũng là một sự tan vỡ lòng tin tưởng cực kỳ lớn. Mới ở rìa của Hội nghị Thượng đỉnh G-20, đại diện cấp cao của Chính phủ Liên bang, theo lời yêu cầu của phía Việt Nam, đã nói về việc làm theo cách nào để có thể tiến hành yêu cầu dẫn độ người đàn ông này, do phía Việt Nam mong muốn, theo các quy tắc của nhà nước pháp quyền.
Điều này đã được Quốc vụ khanh Ederer thể hiện với đại sứ Việt Nam trong mọi sự sáng tỏ và mọi sự rõ ràng. Chúng tôi cũng để cho ông ấy hiểu một cách không thể nào hiểu lầm được, rằng chúng tôi yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh có thể trở về Đức ngay lập tức, để yêu cầu dẫn độ của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là đơn xin tỵ nạn của người đàn ông này có thể được xem xét cho tới kết thúc trong một thủ tục pháp lý của một nhà nước pháp quyền.
Như là hệ lụy từ vụ việc hoàn toàn không thể chấp nhận được này, chúng tôi sẽ tuyên bố người đại diện chính thức của tình báo Việt Nam tại đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và là ngay bây giờ, là người không được hoan nghênh và cho ông 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức. Chúng tôi bảo lưu quyền có thể có những hành động hệ quả tiếp theo trên bình diện chính trị, kinh tế cũng như chính sách giúp đỡ phát triển. Tôi cảm ơn sự chú ý của quý vị.
HỎI: Thưa ông Tiến sĩ Schäfer, đây không hẳn là đề tài của tôi, vì vậy mà tôi không thật sự biết rõ mọi việc, nhưng ông có thể nào giải thích thêm một chút nữa được hay không. Nếu như có một đơn xin tỵ nạn và có yêu cầu dẫn độ của một nhà nước, thì dường như phải có một tiền sử. Có thể ông còn có thể giúp đỡ chúng tôi thêm một chút nữa.
SCHÄFER: Đó là về việc một công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đến nước Đức và đã nộp đơn xin tỵ nạn ở đây, và đơn này vẫn đang còn được xem xét. Nó chưa được quyết định. Người đàn ông này bị cáo buộc nhiều tội phạm nghiêm trọng từ phía tư pháp Việt Nam và từ phía chính phủ Việt Nam. Phía Việt Nam muốn nhận được sự chấp thuận dẫn độ công dân Việt Nam này từ Đức về Việt Nam. Cả ở đây thì các thủ tục chính trị và tư pháp cũng đang tiến triển.
Chúng tôi phải cho rằng – vâng, chúng tôi chắc chắn –, rằng các bộ phận của nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động ở đây trong những ngày vừa qua, những hoạt động mà có thể nói rằng chỉ có thể xếp vào trong những khái niệm của Luật Hình sự: cướp người, bắt cóc tống tiền, như thế. Người đàn ông này, như bây giờ cũng biết công khai, đã ở Việt Nam từ ngày hôm kia. Tức rõ ràng là ông ấy đã bị mang từ Đức, từ châu Âu, về Việt Nam. Tôi đã cố gắng diễn tả cho quý vị những hệ lụy từ hành động này của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
HỎI THÊM: Việc triệu tập đại sứ đã xảy ra, hay cuộc trao đổi còn sẽ được tiến hành?
SCHÄFER: Tôi đã nói rồi: Việc triệu tập đã diễn ra vào trưa hôm qua vào lúc 15 giờ – điều này thì tôi chưa nói. Ông đại sứ đã được nói cho biết rằng ông có cơ hội cho tới đúng trưa ngày hôm nay, tức là trước đây 90 phút, để bày tỏ quan điểm về những trình bày mà Quốc vụ khanh Ederer đã đưa ra cho ông, và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của chúng tôi, đưa người đàn ông này trở lại Đức. Cả hai điều – chứ nếu có thì bây giờ tôi cũng đã không nói với quý vị ở đây – hết sức rõ ràng là đã không xảy ra, thưa bà Wefers. Vì vậy mà tôi phải tuyên bố thay cho Chính phủ Liên bang, cho Bộ Ngoại Giao và cho ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hậu quả hết sức gay gắt, hết sức quyết liệt này. Đó đơn giản là một việc không thể chấp nhận được, rằng nhà nước ngoại quốc chà đạp lên Luật lệ Đức trên lãnh thổ Đức dưới chủ quyền của nước Đức bằng cách như vậy.
HỎI: Thưa ông Schäfer, ông có thể nói cho chúng tôi biết việc này đã diễn ra ở đâu không? Ông có thể nói người đàn ông này bị phía nhà nước hay tư pháp Việt Nam cáo buộc những gì không? Ông có thể nhớ là đã từng xảy ra một việc như thế này không?
SCHÄFER: Tôi nghĩ là địa điểm thì bây giờ cũng không giúp được cho quý vị thêm được gì nhiều. Đó là một vụ việc đã xảy ra ở Berlin, trong thủ đô của chúng ta. Người đàn ông này, theo như chúng tôi biết được từ thông tin phía Việt Nam, bị cáo buộc những tội phạm có liên quan đến việc biến mất nhiều số tiền hàng trăm triệu dollar khi còn là sếp lâu năm của một doanh nghiệp thuộc nhà nước Việt Nam.
HỎI: Thưa ông Schäfer, ông có thể nói từ đâu mà ông có thông tin về nơi cư ngụ của người này hay không? Chính ông có tiếp xúc với ông ấy hay với người thân hay với những người hỗ trợ pháp luật không?
SCHÄFER: Người này, mà đã nộp đơn xin tỵ nạn ở Đức, đã bị bắt giam trước công chúng Việt Nam, và, ngay cả khi chính tôi cũng đã không xem, được cho là đã nói trước công chúng Việt Nam rằng ông tự nguyện ra đầu thú các cơ quan nhà nước Việt Nam.
HỎI: Nếu như có yêu cầu dẫn độ thì có lẽ người đó có thể ít nhất là phải ngồi trong trại giam hay là nhà nước Đức phải có khả năng bắt được người này bằng một cách nào đó. Về việc này thì như thế nào?
SCHÄFER: Khi có một yêu cầu dẫn độ một công dân nước ngoài được đưa cho nước Cộng hòa Liên bang Đức, thì điều kiện tiên quyết cho việc chấp thuận dẫn độ bởi Chính phủ Liên bang là một quyết định, theo tôi là của tòa án thượng thẩm tiểu bang, ít nhất là ngoài Liên minh châu Âu. Các quan tòa có thẩm quyền sẽ quyết định theo đánh giá riêng của họ, liệu những biện pháp như giam giữ để bảo đảm cho lần dẫn độ là có cần thiết hay không. Trong trường hợp này thì đã không xảy ra việc đó, mà không cần có nhận xét nào từ Chính phủ Liên bang.
Tức là có hai vụ xét xử diễn ra song song. Một vụ là yêu cầu dẫn độ của Việt Nam, và vụ kia là đơn xin tỵ nạn của người này.
Phan Ba dịch từ: http://www.auswaertiges-amt.de/DE/_ElementeStart/Sprecher_node.html#doc438320bodyText4