Tác giả: Marina Mai
Dịch giả: Hùng Hà
2-8-2017
Ngay giữa Bá-linh, mật vụ Việt Nam được cho là đã bắt cóc một cựu công chức bị thất sủng. Và rồi người này đã lại xuất hiện – ở Hà Nội.
BERLIN taz | Những người đàn ông vũ trang, dường như thuộc mật vụ Việt Nam, được cho là đã bắt cóc một người Việt Nam vào ngày 23.07.1972. Phát ngôn viên của cảnh sát Bá-linh Winfrid Wenzel đã phát biểu về việc này với taz: “Chúng tôi đang điều tra với lý do nghi ngờ về vụ việc bắt cóc và bắt người tống tiền”. Chi tiết thêm sẽ được biết qua Văn phòng báo chí của Công tố viện Bá-linh.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của cơ quan này, Martin Steltner, không muốn phát biểu. Nhưng đài BBC và truyền thông mạng Việt ngữ ở Bá-linh đã đưa tin, có những nhân chứng độc lập người Đức có lẽ đã nhìn thấy vụ bắt cóc và xác nhận với cảnh sát. Theo những lời tường thuật, nhân chứng 51 tuổi này đã bị lôi lên một chiếc xe hơi và được đưa sang một quốc gia châu Âu láng giềng ngay sau đó.
Vào thứ Hai tuần này, nạn nhân bị bắt cóc, Trịnh Xuân Thanh, đã tái xuất hiện ở Hà Nội. Người đàn ông đang bị truy nã ở Việt Nam, theo báo chí nhà nước, đã tự nguyện đầu thú với các cơ quan điều tra ở đó.
Phát ngôn viên của cảnh sát Bá-linh Wenzel phát biểu thêm: “Ngay cả chúng tôi cũng cho rằng người đàn ông này đang ở Hà Nội. Các điều tra viên không rõ ông ta đã đi bằng đường nào đến đấy. Bằng chứng chính thức cho điều này vẫn còn để ngỏ”. Truyền thông nhà nước ở Hà Nội dường như không đưa ra hình ảnh mới nhất nào của người đàn ông này.
Các nguồn tin từ Hà Nội không nói gì về một vụ việc bắt cóc. Nhưng truyền thông nhà nước đã đưa tin từ tháng Tư, mật vụ đang truy nã người này cấp quốc tế. Đã có lệnh bắt giam đối với Thanh từ tháng Chín. Mặc dầu có chuyển giao lệnh này đến Cảnh sát châu Âu (Europol), nhưng theo thông tin của taz, những điều tra viên ở Đức đã không theo dõi vụ này. Cáo buộc “vi phạm pháp luật Việt Nam” không được cụ thể.
Đơn xin tỵ nạn tại Đức
Trịnh Xuân Thanh từng là một chính trị gia ở Việt Nam. Ông ta từng là Chủ tịch Tổng công ty xây dựng thuộc Tập đoàn dầu khí nhà nước Việt Nam, một doanh nghiệp về kỹ thuật khai thác dầu mỏ, Phó chủ tịch một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam. Ngoài ra, ông này còn là đại biểu Quốc hội. Từ đầu thập niên 1990, trong khoảng giữa lúc tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp ở Việt Nam, ông này đã sinh sống một thời gian ngắn ở Đức, đã đệ đơn xin tỵ nạn, nhưng rồi đã tự nguyện hồi hương.
Người này không thể bị bắt giam vì đang ở nước ngoài – một nơi xa lạ
Vào tháng Chín 2016, Trịnh Xuân Thanh bị thất sủng ở Hà Nội. Ông ta mất toàn bộ các chức vụ, bị tước đoạt mọi danh vọng. Ông ta bị bắt nộp lại tất cả mọi tưởng thưởng bằng hiện kim hay những ban tặng bằng hiện vật. Giới lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng sản đã khai trừ vắng mặt người này – không có lá phiếu phản đối. Nhưng người này đã không thể bị bắt giam, vì ông ta đang ở nước ngoài – không biết là ở đâu, theo tin tức của truyền thông Việt Nam.
Những việc điều tra đối với công chức này được bắt đầu sau khi Thanh bị chụp ảnh đi chơi riêng với một chiếc xe hơi sang trọng mang bảng số nhà nước. Điều này ở Việt Nam, nơi mà tham nhũng và lạm dụng chức quyền rất phổ biến, cũng chẳng có gì quan trọng.
Tuy nhiên, rõ ràng là Thanh đã gây thù với một người đàn ông quyền lực: thủ lãnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Ông này ra lệnh điều tra doanh nghiệp dầu khí, qua đó lòi ra việc biển thủ lên đến hàng triệu, theo những tường thuật của truyền thông Việt Nam. Điều này không lạ ở Việt Nam. Trong Chỉ số tham nhũng toàn cầu của tổ chức Minh bạch Quốc tế, nhà nước này đứng hạng 112 trong số 168 quốc gia. Trong khi Thanh trốn tránh ở nước ngoài, ba đồng phạm đã bị đưa ra Tòa ở Việt Nam.
Gây thù với người đứng đầu đảng
Đó là một chuyện. Câu chuyện khác được Thanh đích thân kể với một Blogger người Việt ở Bá-linh, rằng trong nội bộ đảng Cộng sản, ông là người phát ngôn cho một phe nhóm đang trở nên nguy hiểm cho người đứng đầu đảng. Đó cũng là người luôn thúc giục bằng áp lực việc tìm kiếm ông này trong thời gian từ lúc người này biến mất vào 11 tháng trước cho đến khi tái xuất hiện.
Như Thanh đã viết trên Blog, ông ta muốn khai toạc ở nước ngoài và phanh phui những cơ cấu quyền lực ở những giới tối cao trong đảng và chính phủ. Địa phương, nơi ông này muốn làm điều đó và là nơi ông ta muốn xin tỵ nạn chính trị, được giữ bí mật.
Nhưng Thanh đã không cẩn thận đủ. Mùa Thu năm ngoái, ông ta đã bị chụp ảnh trong một công viên. Trên một trong những tấm ảnh, đã nhận ra được những phần của một pho tượng và một nhà mát. Những độc giả Việt Nam đã tìm ra được pho tượng và nhà mát trong công viên Treptower ở Bá-linh. Vậy là mật vụ phải truy tìm người này ở Bá-linh.
Việc bắt cóc do mật vụ nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Đức dường như đã lôi Bộ Ngoại giao vào cuộc. Tuy nhiên, cơ quan này tuyên bố với taz: “Chúng tôi vẫn chưa có thông tin của mình”.
Nguồn: http://taz.de/Moegliche-Entfuehrung-in-Berlin/!5431944