Chính trị hay dân sự?

FB Trung Bảo

30-7-2017

Chú thích ảnh: Ở làng này mọi thứ đều trật tự dù hơi… nhột. Ảnh: Trung Bảo

Cuối cùng thì chính trị cũng tìm đến với gia đình cậu trai kéo Violin ở bờ hồ Hoàn Kiếm, dù như mẹ cậu này viết trên facebook rằng lâu nay muốn “tránh xa” các chuyện liên quan đến chính trị.

Những tranh luận về quyền của một công dân là gì khi đến nỗi việc chơi đàn ở nơi công cộng cũng bị cấm cản lại gặp sự phản biện rằng muốn chơi đàn thu tiền thì cần xin phép. Dù rằng, việc chơi đàn để nhận tiền từ người qua đường chẳng có gì lạ ở những nước khác nhưng với các cán bộ ở bờ hồ thì việc này vẫn cần phải có chỉ đạo.

Vượt lên những tranh cãi đó là một tín hiệu đáng mừng. Người dân đã ý thức được họ phải đòi hỏi để con cháu mình có một không gian văn hoá, sinh hoạt cộng đồng, và quyền tự do biểu đạt suy nghĩ trên phương tiện truyền thông.

Phía các cán bộ bờ hồ, dù đã hiểu sức mạnh của facebook từ lâu nhưng lâu nay cứ cho đó là công cụ của “bọn phản động”, thì bây giờ mới vỡ nhẽ dân thường cũng xài facebook chửi mình và làm ồn ào rộn chuyện. Đó chính là những tranh cãi – đối đầu diễn ra rất thường ở những xã hội có nhiều không gian cho dân sự. Điều này đến dù trễ nhưng đang đi rất nhanh với sự thúc đẩy của mạng xã hội.

Xưa nay hễ nói đến những thiếu sót của các cơ quan công quyền, thường có người cãi: “nhà nước làm sao hết”. Dĩ nhiên không một nhà nước nào đi được hết các ngóc ngách của đời sống, nhưng chẳng lẽ nhà nước không làm thì chúng ta chỉ biết chịu? Khi ấy chính là lúc các tổ chức dân sự làm việc của mình. Một ví dụ rất rõ đó là Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đi đầu trong việc lên tiếng bảo vệ Sơn Chà. Đó chính là hình mẫu hoạt động của một xã hội dân sự. Các tổ chức dân sự lấp đầy những khoảng trống mà nhà nước không với tới hoặc bỏ sót.

Vậy tại sao nhiều người trong bộ máy nhà nước lại e ngại khái niệm “xã hội dân sự”! Chẳng phải chúng ta có quá đầy đủ luật để gìn giữ sự chắc chắn của bộ máy cầm quyền đó sao, thậm chí còn thừa. Cái thay đổi có lẽ là sự nhìn nhận về những hoạt động của các tổ chức dân sự. Hãy để cuộc sống tự điều chỉnh những hoạt động này, để nó diễn ra như đúng như nó là. Đừng đem đôi mắt của các sĩ quan chính trị nhìn nó để rồi e dè, nghi kỵ.

Một xã hội mà người được giao quyền nhìn đâu cũng muốn ra oai, muốn “trật tự” im lặng thì đó hoặc là một nghĩa trang hoặc là một xã hội không có dân chủ.

____

Ngày 29-7-2017, Facebooker Lan Lê có đăng lại bài viết của bố và mẹ cậu bé, nội dung như sau:

Cậu bé kéo đàn ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm- HN bị công an đuổi đi và sau khi về cậu ấy đã vẽ bức tranh này.

Bài của Mẹ cháu, chị Hằng Karose:

Kính gửi các anh công an trực khu vưc Bờ Hồ tối ngày 28 tháng 7 năm 2017!

Đã từ lâu, gia đình vợ chồng con cái chúng tôi thống nhất với nhau, không tham gia bình luận chuyện chính trị hay thế sự và thay vào đó dành thời gian tập trung làm việc của mình cho tốt, đó cũng là cách để nếu không làm được gì tốt đẹp hơn cho người khác và cho đời thì cũng không làm phiền tới và là gánh nặng cho xã hội và không làm ảnh hưởng tới ai. Nhưng hôm nay tôi phải lên tiếng một việc, liên quan tới công an khu vực Đinh Tiên Hoàng quanh Bờ Hồ.

Con trai tôi, một đứa trẻ 15 tuổi, một đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện, đứng kéo đàn ở Bờ Hồ có làm gì ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự đường phố, có lừa đảo, cướp giật, gây mất trật tự đô thị hay tuyên truyền chống phá gì nhà nước không mà công an khu vực Hoàn Kiếm quát nạt dọa giẫm cháu. Họ yêu cầu con tôi phải có giấy phép biểu diễn!!! Tôi đang khóc khi đánh những dòng này và là một người không ngại bất cứ tình huống nào trong cuộc sống lại đang cảm thấy bất lực trước tình huống xảy ra với con mình.

Là bố mẹ của đứa trẻ đang tuổi mới lớn, chúng tôi khuyến khích con tham gia các hoạt động vừa sức của mình để có tiền một cách lương thiện, trước là làm việc mình muốn (ít thôi, vì tôi không để con thiếu thốn gì), sau là giúp đỡ người khác. Đó cũng là cách giúp con nhận ra giá trị sức lao động và giá trị đồng tiền, thấu hiểu những vất vả mà bố mẹ và người lớn đang gánh vác để có trách nhiệm hơn với mình và người thân.

Hoạt động của cháu luôn hoàn toàn tự nguyện, chừng mực (ví dụ kéo đàn tháng chỉ 2-3 lần) và không đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu vì chúng tôi tuy phải kiếm tiền vất vả nhưng không bao giờ lợi dụng con để trục lợi hay bóc lột sức lao động của con. Con tôi tham gia các hoạt động kiếm tiền từ lúc cháu mới lớp 1 và giờ cháu đã lớp 9 (15 tuổi). Cháu làm đủ thứ từ làm intern dạy các em mẫu giáo, bán rau, kéo đàn (trong nước và cả nước ngoài kết hợp trong mỗi chuyến đi), vẽ tranh bán…

Cậu bé 15 tuổi, con chị Hằng và anh Roger Vũ. Ảnh: FB Lan Le

Tôi rất không thích nói về việc làm từ thiện vì tôi quan niệm việc nghĩa nói ra là đã giảm ý nghĩa đi một nửa nhưng nay tôi phải nói. Tiền của cháu được dùng để ủng hộ từ chương trình cơm có thịt, các hoàn cảnh éo le, trường học, bênh viện, cho đến giờ là đang ấp ủ dự án làm sạch rác ở biển Long Thủy, Tuy Hòa (chúng tôi đã đặt vấn đề với chính quyền ở đó và bước đầu được ủng hộ) nơi chúng tôi mới xây một căn nhà tại đó. Tất cả những cái đó đều cần tiền và chúng tôi khuyến khích cháu tự làm bằng tiền mình kiếm được.

Việc cháu đang kéo đàn mà công an ra dọa giẫm nạt nộ với tôi là một hình ảnh vô cùng xấu xí và đáng xấu hổ của các anh công an. Các anh hoàn toàn có thể gặp bố mẹ cháu, hỏi han và hướng dẫn chúng tôi nếu hoạt động đó cần phải xin phép. Các anh hãy nói từ tốn, văn minh với một đứa trẻ để cháu hiểu rằng mang âm nhạc xuống đường phố ở đây, ở quốc gia này là sai, là bị cấm hoặc cần phải xin phép vì cháu đang không có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng để phải to tiếng.

Con tôi học trường quốc tế và vì thế chúng tôi đang phải rất cố gắng để giúp cháu cân bằng giữa lĩnh hội những gì văn minh tân tiến ở môi trường cháu học mà vẫn không mất gốc, vẫn nuôi dưỡng được tình yêu quê hương đất nước, yêu con người và cuộc sống nơi cháu sinh ra. Các hành động của các anh với 1 đứa bé 15 tuổi, tôi xin hỏi nó ảnh hưởng như nào tới suy nghĩ của đứa trẻ về các chú công an, những người mà bố mẹ nó luôn dạy nó nhờ họ con mới có yên bình, ở ngay nơi mà nó sinh ra, thậm chí cái tên khai sinh của nó cũng gắn với thành phố: Hà Nội.

Tôi xin nhắc lại, tôi không khẳng định hành động của con tôi là đúng. Nó có thể sai! Nó có thể cần xin phép thật mà chúng tôi chưa được biết. Nhưng tôi phản đối và vô cùng bất bình trước hành động của các anh. Các anh nếu chỉ muốn cháu ngay lập tức dừng lại, các anh chỉ nói 1 câu tôi cho con tôi về ngay hoặc nếu các anh hướng dẫn phải xin phéo ở đâu tôi sẵn sàng thu xếp việc đi làm đủ thủ tục cho cháu.

Đúng là làm người lương thiện cũng không dễ. Dạy con sống lương thiện càng không dễ vì có những thứ ngoài đời nó không giống bố mẹ dạy!

Cộng đồng Facebook hãy giúp em share để nó mau đến được với các anh công an Hoàn Kiếm và em xin phép mọi người hãy comment lịch sự, không chửi bới.

Em xin cảm ơn ạ!

____

Bài viết của Bố cháu, anh Roger Vu

Đứa bé từng mang vĩ cầm đi kéo khắp 30 nước trên thế giới và cái kết của một bộ môn nghệ thuật tại Hồ Hoàn Kiếm,Hà Nội.

Vừa nãy tạnh mưa xong, tôi đưa cu con ra bờ hồ kéo đàn cuối tuần như thường lệ. Vừa kéo được 2 bài, bỗng một viên công an mặc sắc phục đi cùng với một gã to con, (tôi không dám chắc phải công an chìm hay không, nhưng thái độ rất cục súc) đi tới chỗ cu con tôi quát nạt và hỏi giấy phép biểu diễn.

Tiếc là tôi không quay video đoạn kẻ đó quát nạt cháu các cụ ạ, vì tôi còn bế con gái nhỏ bốn tuổi (nhưng Bờ Hồ trước cửa UBND TP thì không có nhẽ không gắn camera, CẦU TRỜI CAMERA KHÔNG BỊ HỎNG LÚC CẦN). Tôi đoán là công an phường nào đó của quận Hoàn Kiếm. Việt Nam vẫn còn những hành động vô văn hoá thế này, bảo sao đất nước mãi không khá được.

Chả biết có cụ nào friend của tôi làm công an quận Hoàn Kiếm không nhỉ? Ở nước ngoài, nghe violin người ta thiếu nước ngả mũ để tỏ sự trân trọng, ở mình thì ba trợn như đồ tể. Bất luận anh là ai, trước nghệ thuật anh phải cúi đầu, thế mới là một DÂN TỘC VĂN MINH.

Thằng cu nhà tôi đang khóc um lên các cụ ạ.

Nó về ngồi ngay vào bàn học tiếng Đức (chuyện hy hữu, bình thường hò rát cổ không học) hỏi ra thì bảo con cố học để đi khỏi Việt Nam.

Nếu những người quản lý có lương tâm và trách nhiệm đọc và ủng hộ, tôi sẵn sàng đối chất, và yêu cầu viên công an xin lỗi, đó sẽ là lời xin lỗi NGHỆ THUẬT (ít nhất đuổi cũng phải để hết bài) và một ĐỨA TRẺ. Chứ đừng giở quy định và quy trình ra, mất hay.

Một đứa trẻ ngoan, bản lĩnh, muốn biểu diễn đường phố, tự mình kiếm tiền mua sách vở, với các anh có thể là sai, nhưng các anh làm thế, nó sẽ là tấm gương sai với bao đứa trẻ khác đấy, các anh ạ. Tôi nói thật, con các anh chắc gì ngoan ngoãn giỏi giang bằng con tôi mà hống hách bắt nạt nó. Nếu là người văn minh, các anh sẽ nói:

“Con kéo đàn hay lắm, nhưng ở đây cấm ăn xin (nếu các anh coi đó là ăn xin)”

Câu đó sẽ phản ánh thái độ với nghệ thuật, với cái đẹp, của các anh. Cầm bằng cư xử như các anh, xin lỗi, các anh chỉ là phường ba vạ mà thôi.

P/s:

– Các anh có biết tiếng vĩ cầm có thể làm mềm lòng cả quỷ dữ chưa?

– Các anh tưởng con tôi chơi bài phản động phỏng? Toàn Mozart, Chopin…cả đấy. Tiếng đàn vĩ cầm có mất trật tự không?

– Các anh có biết nhà tôi yêu Hà Nội đến mức đặt tên con trai mình là Vũ Danh Hà Nội chưa? Các anh vừa đuổi Hà Nội đấy.

– Chắc chắn các anh không thể biết có những cháu inbox qn ủi tôi là: “Anh nhà chú chơi hay lắm. Cháu mời anh đến trường cháu biểu diễn, ở đó an toàn lắm”.

– Các anh biết Hitler chỉ vì một câu nói mà đáng ra trở thành nghệ sỹ thì lại thù cả thế giới ko? Ở lứa tuổi nhạy cảm đó mà làm đẹp cho đời thì các anh phải nhẹ nhàng, đó là bổn phận của các anh và của nhân loại.

– Và các anh không ngờ kẻ các anh nạt nộ từng biểu diễn trước hàng trăm trẻ em ung thư, để mang lại chút niềm vui cuối đời cho các bạn.

Tôi vẫn nhớ anh cao to nói bọn tao cấm ăn xin. Các anh có nhầm không? Kẻ mà các anh gọi là ăn xin đi 30 nước kéo vĩ cầm rồi đấy. Chúng tôi dạy nó lao động chân chính chứ ko ăn cắp ăn xin. Các anh nên tôn trọng cái đẹp trước rồi hãy nói đến kính trọng lễ phép. Quan trọng nhất, hãy mở lời xin lỗi, nếu không… tôi chê.

____

Đọc bài Chị Hằng thì tôi có ý kiến như này: Nên tiếp tục biểu diễn tự do với cháu 15t. Để xem thái độ công an phường như nào. Khu vực chỗ tượng đài kinh doanh bán hàng la liệt và bật đài nhạc nhảy nhót ầm ỹ, cưa xẻ đá … là do không cho an ninh phường tiền túi thôi. Không quan tâm chính trị thì giờ là vậy thôi.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây