Đào Tiến Thi
(Nhân sự ra đời của trang mạng Tiếng Dân hôm 4-7-2017)
17-7-2017
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân
Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
(Tản Đà)
Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những yếu nhân của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, một phong trào công khai, hợp pháp với tôn chỉ được chí sỹ Phan Châu Trinh nêu thành mấy chữ “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Năm 1908, vì có vụ biểu tình chống sưu thuế ở Trung Kỳ, cụ Huỳnh cùng hàng loạt đồng chí của mình bị bắt, đày ra Côn Đảo. Mười ba năm sau (năm 1921), hết hạn lưu đày, cụ trở về, lại tiếp tục sự nghiệp cứu nước. Năm 1926, nhân chính quyền thực dân Pháp tổ chức Viện Dân biểu Trung Kỳ, cụ liền ra tranh cử và trúng cử chức Viện trưởng với số phiếu rất cao (nhưng hơn hai năm sau cụ từ chức). Năm 1927, cụ lập tờ báo Tiếng Dân tại Huế, vừa làm chủ nhiệm vừa tích cực viết bài.
Trên tờ báo tiếng Pháp La Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương), cụ viết: “Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu Chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân vì trong thực tế phải nhờ đến báo chí thì Tiếng Dân mới bộc lộ ra được”.
Ý kiến trên có thể coi như một tuyên ngôn của Tiếng Dân.
Ngày 20-8-1928, Tiếng Dân đăng bài Nghĩa chữ dân[1] của cụ Huỳnh. Bài báo không chỉ giải nghĩa chữ “dân” mà trên thực tế đề cập đến vấn đề dân chủ, dân quyền qua các chính thể.
Phần thứ nhất, tác giả định nghĩa:
“Nghĩa chữ dân thế nào?
Theo nghĩa chân chính thì dân là người thì là rất đúng đắn, ấy là nghĩa chính. Song vì theo thời đại mà nghĩa có khác nhau như là:
a. Đầu tiên mới là loại người thì ai cũng như nấy, không phân biệt ai là ai, lúc đó thì dân tức là người, nói rộng ra thì tức là loài người.
b. Từ có tư tưởng vua chúa, quý tộc và quan lại, tự nhận tôn quý về phần mình, không nhận tên hiệu mình là dân mà liệt dân ra cho vào hạng hèn hạ.
c. Quân quyền sập xuống, dân quyền thạnh lên thì dân lại trở lại tôn quý.
d. Qua thời đại dân quyền mà đến thời đại đại đồng thì chúng sinh bình đẳng, ai cũng là chữ dân, chữ dân hồi đó choán hết cả trên thế giới không có hạng người nào lọt ra ngoài phạm vi đó.
Nghĩa là chữ dân lại đối với các phương diện mà thành có khác nhau như là:
e. Đối với nước nhà thì dân là quý, vì không có dân thì không thành nước, nên trên thế giới có nước không có vua mà không nước nào không có dân.
g. Đối với trong nước thì có chia rẽ hạng này, hạng nọ, đối với nước khác hoặc đối với thế giới thì người trong nước không chia được, ví như nước Nam ta ở trong nước thì có phân vua, quan, dân, v.v… mà thế giới xem mình chỉ có một tiếng dân tộc Việt Nam. Chữ dân đó gồm cả người Nam, vua quan cũng không đứng ngoài được”.
Như vậy, cụ Huỳnh đã xét chữ dân trên cả hai phương diện – chiều dài lịch sử và đương thời, tức chiều dọc và chiều ngang: nói theo ngôn ngữ khoa học ngày nay là lịch đại và đồng đại.
Theo chiều lịch đại, từ lúc mới có loài người thì mọi người đều bình đẳng, dân cũng là con người nói chung. Khi xã hội phân hóa thành giai cấp thì vua chúa, quý tộc, quan lại tự nhận tôn quý về phần mình, dân là hạng hèn hạ. Cho đến “Quân quyền sập xuống, dân quyền thạnh lên thì dân lại trở lại tôn quý” (chỉ thời đại Khai sáng ở châu Âu thế kỷ XVIII). Cuối cùng là “thời đại đại đồng”, dân được tôn quý hoàn toàn. Ở đây cần nói thêm, khái niệm “thời đại đại đồng” chắc cụ Huỳnh không chỉ chủ nghĩa cộng sản theo học thuyết của K. Marx. Thứ nhất, vì cụ Huỳnh vốn ghét chủ nghĩa Marx[2]. Thứ hai, theo logic ở ý trên (ý c) thì “đại đồng” là giai đoạn phát triển cao nhất của dân quyền. Thứ ba, thực ra khái niệm này ở phương Đông đã có từ thời Khổng Tử. Còn ở bên châu Âu thì “thời đại đại đồng” có trong các học thuyết không tưởng của các ông Fourier, Saint Simon, Owen từ hồi đầu thế kỷ XIX.
Theo chiều đồng đại, dân được hiểu như là “sắc dân”, mang những đặc điểm của dân tộc, như ngày nay ta nói “dân Tàu, dân Thái”, “dân Ăng Lê”,… không phân biệt vua quan hay dân chúng. Điều này đương thời các sỹ phu được mục kích ngay trong xã hội Việt Nam khi quan sát quan hệ người Việt với người Pháp. Quan hệ giữa người Việt và người Pháp trong giai đoạn đầu người Pháp cai trị thì người Pháp ai cũng là ông chủ, còn người Việt ai cũng là nô lệ[3]. Do đó ông vua ở một nước bị nô lệ thì cũng không có dân quyền.
Phần thứ hai tác giả lược qua lịch sử quân quyền ở Trung Quốc và Việt Nam.
Chế độ quân quyền Trung Quốc và Việt Nam dùng luật pháp vô cùng hà khắc và bất công, ví dụ như đời Tần có luật “yêu ngôn ngẫu ngữ (tội làm sách hoặc hai người nói chuyện với nhau – giống như các chế độ toàn trị bây giờ bóp nghẹt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do lập hội). Trong chế độ ấy, đến cả bậc khai quốc công thần cũng bị thảm họa chỉ vì một bài thơ (Nguyễn Văn Thành đời Gia Long). Sự bất công ngay cả từ cách xưng hô với những trẫm, bệ hạ, từ tên gọi các văn bản hành chính, như chiếu, chỉ, chế, sắc,…[4]
Trong chế độ quân quyền Trung Quốc và Việt Nam, theo cụ Huỳnh, “cái nghĩa chân chính chữ dân của thánh hiền đời trước vẫn còn sót lại một đôi câu như dân vi quý, dân khả thương[5],.. song nhành lau trôi trên nước lụt, nước gáo tưới trên xe lửa, không sao cứu được”. Và “Nghĩa chữ dân bị mấy mươi đời chính thể chuyên chế làm làm đến sai lạc như vậy. Thật là một cái họa kiếp của loài người”.
Tuy nhiên, “cái chân lý ở trong trời đất, không cái gì làm cho tiêu diệt được, dầu có thế lực nghiêng trời đổ đất đến thế nào địch với chân lý cũng chỉ đè nén được một hồi, rút cục lại những câu ‘nhân loại bình đẳng’, ‘chúng sinh thành Phật’ của các nhà chính trị dần sáng ra từ thế kỷ XVIII. Mấy tay triết học lại phát minh thêm, mà cái nghĩa chữ dân không bị vùi lấp như trước nữa”.
Đoạn trên tác giả muốn chỉ phong trào Khai sáng ở châu Âu: các nhà chính trị và các nhà triết học đã giác ngộ con người về quyền bình đẳng như một quyền đương nhiên của tạo hóa ban cho loài người. Ngọn cờ Tự do – Bình đẳng – Bác ái từ cách mạng Pháp tỏa khắp Âu châu, giúp dân Âu châu đập tan đêm trường trung cổ, và từ đó mà làm thay đổi cả thế giới.
Cụ Huỳnh viết tiếp: “Ta thử xem thế giới từ cuộc Âu chiến đến nay thế lực đế vương sa sút xuống mười phần đến tám chín mà dân quyền càng ngày càng tiến lên…”. Trong bối Việt Nam “Bước tiến hóa lư đừ sau mọi kẻ” (thơ Tản Đà) mà cụ Huỳnh đã nhìn thấy chủ nghĩa dân quyền rồi cũng đến, không ai cản được: “Song là lá cờ nhân đạo đã phất phơ trước mắt mà cái kèn binh cũng đã văng vẳng bên tai, nói riêng từng xứ sở, từng dân tộc vẫn còn so le, song tóm lại toàn cuộc trong thế giới hiện tại mà suy nghiệm cái cuộc tương lai thì trên địa cầu này, dân chính là vị chủ nhân ông, không ai giành được, mà không ai cãi được. Ấy là một điều ta đoán trước được vậy”.
Kết bài, cụ Huỳnh viết: “Cái sai lầm ngày trước như thế, cái cơ cuộc ngày sau như thế, cái nghĩa chân chính chữ dân từ đây về sau, như mặt trời mới mọc, rồi ra không mây mù gì che đậy cả. Thế mà còn có kẻ toan trái với thời thế, chống với phong triều chung trong thế giới mà muốn bo bo giữ cái dị tộc nhà Tần để cho tiện cái lợi riêng mình, không muốn cho cái nghĩa chữ dân bày tỏ ra, không những ngăn đường tấn hóa mà đường lợi riêng cũng chưa chắc là giữ được. Ai là người có nhân tâm xin hãy mở mắt trông ra hoàn cảnh ngoài mình ra thế nào”.
Ôi, tưởng như cụ Huỳnh đang nói với người Việt Nam chúng ta hôm nay!
____
[1] Nay in ở Huỳnh Thúc Kháng, Con người và thơ văn, Nguyễn Q. Thắng, NXB Văn học, 2006.
[2] Năm 1945, cụ Huỳnh nhận lời mời của cụ Hồ, ra Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi khi cụ Hồ đi Pháp, còn giữ Quyền Chủ tịch nước. Nhưng nhớ rằng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó, về mặt danh nghĩa cũng như trên thực tế, là chính phủ liên liên hiệp gồm nhiều đảng phái lẫn không đảng phái, với mục đích kháng chiến kiến quốc, chứ không phải xây dựng CNXH.
[3] Trong Thư gửi toàn quyền Đông Dương, Phan Châu Trinh viết: “Hiện bây giờ quan lại nước Nam, không cứ lớn hay nhỏ, khi tiếp kiến quan Tây, đều là rạp sợ rụt rè, chỉ sợ thưa thốt sai lầm, làm cho quan Tây nổi giận. Ở các chốn hương thôn, những kẻ thân sỹ khi đi ở ngoài đường, ngẫu nhiên gặp người Tây, không cứ là Tây quan, Tây lính hay là Tây buôn, thì phải cúi đầu cụp tai rảo bước mà đi cho mau, chỉ sợ tránh không xa mà bị nhục”.
[4] Thực ra trong bài này, cụ Huỳnh mới chỉ ra một phần nhỏ cái vô lý, tàn bạo của chế độ quân quyền. Còn nhiều điều kinh khủng hơn thế. Dưới chế độ quân quyền, một ông vua có khi coi dân hay xã tắc cũng là một thứ tài sản của riêng mình. Vì thế nên mới có chuyện Tự Đức “cắt đất giảng hòa”. Hay ngược về quá khứ, vua Chiêm Chế Mân dâng cả hai châu Ô, Lý để đổi lấy một nàng công chúa họ Trần. Ngược lại, Trần Nhân Tông cũng dám đem một người con gái lá ngọc cành vàng – đồng thời cũng là một công dân của đất nước – gả cho một ông vua xứ “rợ” để mở mang cương vực[4]. Công rất lớn với xã tắc nhưng cũng có tội với công dân.
[5] Theo chúng tôi ngay cả những khẩu hiệu ấy vẫn mang tính lừa bịp, mỵ dân. Nếu không phải do chủ đích của các bậc thánh hiền thì cũng là bị vua chúa lợi dụng. Câu của Mạnh Tử “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” nhưng từ xưa đến nay đã có ông vua nào đặt “dân vi quý”, còn mình thì “vi khinh”?
Mời đọc lại:
- Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân (phần 2) 04/07/2017
- Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân (phần 1) 04/07/2017