Thượng tôn pháp luật

FB Lê Nguyễn Duy Hậu

11-7-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chắc giờ thì ai cũng hiểu khẩu hiệu “thượng tôn pháp luật” không phải là thần chú cho mọi vấn đề được. Luật pháp vốn dĩ không toàn năng mà chỉ là một nỗ lực của con người để hướng đến cái công bằng – tức là cái hài hòa. Mà đã là nỗ lực thì sẽ có sai lầm. Đồng ý là sai thì sửa sai nhưng sẽ có những cái không thể bù đắp được nữa. Vì vậy, những người chống lại các luật bất công như một giải pháp cuối cùng không phải là không có lý của họ.

Martin Luther King từng nói: “Đừng quên rằng những gì Hitler làm đều hợp pháp còn những gì các chiến sĩ tự do Hungary làm đều bất hợp pháp.”

Vậy nếu pháp luật không công bằng thì phải làm gì? Trên thực tế, thượng tôn pháp luật vẫn là nguyên tắc đỡ tệ nhất cho xã hội loài người, thay vì chấp nhận để cho người dân thay trời hành đạo. Nhưng thượng tôn pháp luật đứng riêng lẻ thì sẽ phản tác dụng mà nó phải đi kèm với nền dân chủ. Nền dân chủ để cho người dân cơ hội sửa sai sau mỗi nhiệm kỳ một cách thực sự ý nghĩa. Nếu ngày hôm nay luật sai, anh vẫn tuân thủ nó, nhưng luật không trên trời rơi xuống mà là do người cầm quyền ban hành. Vậy ở kì bầu cử tới, người dân sẽ truất phế anh để sửa sai cho nhiệm kỳ trước. Thiếu dân chủ thì thượng tôn pháp luật không khác gì bảo người dân phục tùng lệnh vua – điều chỉ xảy ra ở các vương quốc phong kiến.

Nhưng dân chủ cũng không hoàn hảo vì nếu người dân, dân trí thấp thì sao? Vậy thì phải giáo dục. Giáo dục họ trở thành một con người cho nền dân chủ, cho sự khai phóng, cho tự do, chứ không phải một con người tuân thủ, giáo điều. Giáo dục để họ thành một quốc dân chứ không phải một thần dân hay tệ hơn là một con dân.

Vậy cái nào nên làm trước? Giáo dục trước cho dân trí cao rồi cho họ nền dân chủ để cổ vũ thượng tôn pháp luật? Hay phải thượng tôn pháp luật để ổn định, xong giáo dục cho dân trí cao, rồi hãy nói chuyện dân chủ?

Theo mình thì tất cả phải làm cùng lúc mới được. Những quốc gia trưởng thành nhất vẫn sai lầm nhưng chính những sai lầm đó thúc ép người dân tư duy và sản sinh ra những lãnh đạo để biết phát huy trí tuệ và sự thỏa hiệp của đám đông. Và dân chủ chính là bài thực hành của giáo dục, còn giáo dục là nền tảng lý thuyết cho dân chủ, và thượng tôn pháp luật chính là bùa hộ mệnh cho ổn định để mọi người tiếp tục học làm người tự do.

Vì sao tất cả phải được làm cùng nhau? Vì không cái nào trong ba ý tưởng tưởng như rất đẹp kia là cứu cánh, là cái đích sau cùng cả. Cái đích sau cùng chính là tự do cho con người. Thiếu một trong ba yếu tố trên, con đường đến tự do sẽ khiếm khuyết vì những công cụ kể trên sẽ lại trở thành con dao hai lưỡi cản trở tự do.

Vậy thì nếu từ chối dân chủ, cản trợ giáo dục tự do, thì không ai có tư cách bắt ép người dân phải thượng tôn pháp luật cả.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây