Tác giả: Julia Wallace
Dịch giả: Song Phan
2-7-2017
Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động nhân quyền nói rằng khi công an thẩm vấn anh hồi năm 2011, anh không có ai để giúp đỡ. Nhưng bây giờ với những người ủng hộ trên Facebook, “Tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa”, anh nói. Ảnh: Quinn Ryan Mattingly cho báo NYT.
HÀ NỘI, Việt Nam – Một blogger nổi tiếng và là nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam đã bị kết án tuần trước đến 10 năm tù về tội vi phạm an ninh quốc gia, gồm có việc chia sẻ tài liệu tuyên truyền chống nhà nước trên mạng xã hội.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết với cái tên Mẹ Nấm, đã bị biệt giam từ khi bị bắt hồi tháng 10, và việc tham dự phiên xử cô đã bị kiểm soát chặt chẽ.
Nhưng chỉ một giờ sau khi phán quyết được đưa ra hôm thứ năm, một trong những luật sư của cô Quỳnh đã tóm tắt lời tranh luận của mình và đăng phát biểu cuối cùng của cô tại phiên tòa cho 61.000 người theo trên Facebook của ông.
Theo luật sư này, cô phát biểu “Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”. Lời phát biểu đã được đăng lại hàng ngàn lần.
Trong chế độ độc tài ở Việt Nam, internet đã trở thành diễn đàn trên thực tế (de facto) cho những tiếng nói bất đồng ngày càng gia tăng về số lượng của nước này. Đặc biệt các kết nối trên Facebook đã tập hợp việc phản đối các chính sách của chính phủ; đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình quần chúng phản đối cách nhà nước xử lý tai ách môi trường năm ngoái. Giờ đây, chính phủ đang siết chặt internet, bắt giữ và đe dọa các blogger, thúc ép Facebook và YouTube kiểm duyệt nội dung trên trang của họ.
“Facebook đang được sử dụng như một công cụ tổ chức, một phương tiện tự xuất bản, một thiết bị giám sát cho người dân khi đang bị tạm giữ và khi được thả”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á Human Rights Watch, nói.
Facebook đang được sử dụng “để kết nối các cộng đồng mà nếu không sẽ không được kết nối”, ông nói.
Nguyễn Anh Tuấn, 27 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ cho biết, ngày càng có nhiều nhà bất đồng chính kiến hình thành các kết nối thông qua các mạng xã hội đã làm cho họ dạn dĩ lên.
Anh nói rằng, khi bị công an thẩm vấn lần đầu tiên vào năm 2011, anh cảm thấy hoàn toàn lẻ loi. Cha mẹ và bạn bè anh đều không chấp nhận những bài viết chính trị của anh, và anh chỉ quen vài người mà anh có thể quay sang nhờ giúp đỡ.
Tuấn vẫn phải đối mặt với sự quấy nhiễu của công an và hộ chiếu của anh đã bị tịch thu. Nhưng lần gần đây nhất khi được mời đến để điều tra, anh đã đăng bản sao giấy triệu tập lên Facebook, cùng với một ghi chú châm biếm đòi phải được trả tiền cho thời gian bị tạm giữ.
Ghi chú của anh đã lan truyền rộng rãi, và những người khác theo sau, đăng giấy triệu tập của công an lên Facebook và yêu cầu đền bù. Anh nói: “Về mặt hoạt động, tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa”.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Việt Nam được biết đến với cái tên Mẹ Nấm, tại phiên tòa hôm thứ Năm. Một luật sư đã đăng một phát biểu của cô trên Facebook. Nguồn: AFP/ Getty Images.
Người sử dụng Facebook ở Việt Nam – hiện nay khoảng 45 triệu người, chiếm gần một nửa dân số đất nước – sử dụng trang mạng này để tổ chức các cuộc viếng thăm trại giam và theo dõi người bị tạm giam ngoài đồn công an, và kêu gọi đóng góp cho các tù nhân chính trị.Và ngày càng có nhiều nhà bất đồng chính kiến chuyển các blog chính trị và cá nhân, vốn dễ bị chính phủ khoá lại, qua Facebook vốn được sử dụng rộng rãi đến mức việc chặn nó hoàn toàn không khả thi.
Tuấn giúp điều hành một quỹ trợ giúp gia đình của các tù nhân lương tâm, bao gồm mẹ của cô Quỳnh và hai con nhỏ của cô. Anh nói rằng phần lớn sự trợ giúp bây giờ là từ những người trong nước gửi tiền từ tài khoản ngân hàng cá nhân của họ, mà nhà nước có thể theo dõi. Trước đây, anh nói, hầu hết sự phản đối và nguồn tiền cung cấp là từ các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
“Họ biết rất rõ rằng họ có thể bị chính phủ kiểm tra, nhưng họ không sợ”, anh nói về các nhà tài trợ trong nước.
Điều đó không phải diễn ra mà không có sự lưu ý của chính phủ, họ cũng đang khẳng định quyền lực của họ theo những cách mới. Cô Quỳnh là một trong số hơn 100 blogger và nhà hoạt động bị tù tại Việt Nam, theo Human Rights Watch. Phạm Minh Hoàng, một blogger nổi tiếng khác, tuần trước bị tước quốc tịch và bị trục xuất sang Pháp, nơi ông cũng có quốc tịch.
Chính phủ đã có chiến lược cắt bỏ khả năng truy cập vào Facebook khi dự kiến sẽ xảy ra biểu tình, và đầu năm nay đã yêu cầu cả Facebook lẫn YouTube giúp họ loại bỏ các tài khoản giả mạo và các nội dung “độc hại” khác, như tài liệu chống chính phủ, khi nói rằng họ đã xác định được tới 8.000 video trên YouTube đúng với mô tả đó, theo báo Tuổi Trẻ. Chính phủ cũng cảnh báo các công ty Việt Nam rằng các quảng cáo của họ không được xuất hiện bên cạnh loại nội dung đó.
Facebook cho biết, chính sách của họ là tuân theo luật địa phương, mặc dù cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã gỡ bỏ nội dung ở Việt Nam.
Nguyễn Quang A, một nhà khoa học máy tính nghỉ hưu và cựu đảng viên Cộng sản hiện đang là một nhà bất đồng chính kiến, nói rằng, ông cảm thấy tình hình nhân quyền càng tồi tệ hơn bao giờ hết.
Tuần trước, ngay trước buổi phỏng vấn theo kế hoạch, ông đã bị công an bắt cóc gần nhà mình và chở đi trong 5 tiếng rưỡi đến bờ biển rồi quay về. Ông nói ông đã bị tạm giữ tương tự như vậy 11 lần trong một năm rưỡi qua.
Ông cho rằng chính phủ đang bị áp lực ngày càng tăng từ các công dân nãn lòng bởi cách xử lý vấn đề môi trường và đất đai gần đây. Khi một vụ xả chất thải tại công ty sản xuất thép Formosa giết nhiều tấn cá hồi năm ngoái, phẫn nộ đã kết tụ trên mạng, nơi mà các cuộc biểu tình được tổ chức, các hình ảnh của thảm họa này lan truyền nhanh chóng và hashtag #Ichoosefish trở thành một lời kêu gọi.
“Tôi đoán rằng họ quá sợ hãi. Họ nhìn thấy tình hình quá nguy hiểm đối với họ, và họ thấy các nhà hoạt động ôn hòa là một kẻ thù rất nguy hiểm”, ông Quang A nói.
Trong một báo cáo công bố tháng trước, Human Rights Watch trình bày chi tiết những gì họ gọi là một “xu hướng đáng lo ngại” của các blogger và các nhà hoạt động bị côn đồ đánh đập trên đường phố. Báo cáo này tổng kết có 36 cuộc tấn công như vậy từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 4 này, chỉ có một vụ trong số đó là được công an điều tra.
Ông Phạm Anh Cường (trái) bị báo động bởi những hình ảnh trên mạng cho thấy nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, (phải) đã bị 5 người đàn ông đánh đập tàn bạo, khiến ông trở nên thẳng thắn hơn về mặt chính trị. Nguồn: Quinn Ryan Mattingly cho NYT.
Báo cáo trên dựa một phần vào hình ảnh và video về thương tích của chính các nhà hoạt động, thường được quay rung tay trên điện thoại thông minh và nhanh chóng chia sẻ trên mạng.
Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Leiden ở Hà Lan, cho biết, mặc dù các đàn áp gần đây, sự chuyển đổi đã được internet hình thành trong một thời gian ngắn là “đáng kinh ngạc và đầy hy vọng”.
Điều “đáng chú ý là ở một quốc gia mà chỉ cách đây chừng 15 hoặc 20 năm có tỷ lệ sử dụng điện thoại thấp nhất trên thế giới đã nhanh chóng lao nhanh vào kỷ nguyên tin tức và phê phán chính trị và xã hội liên tục 24 giờ mà mọi người đều có thể tiếp cận được”, ông nói.
Phạm Anh Cường, 45 tuổi, chỉ mới phát biểu thẳng về chính trị hai năm trước, khi một nhà hoạt động xã hội ông theo dõi trên mạng, Nguyễn Chí Tuyến, 43 tuổi, bị 5 người đàn ông đánh đập trầm trọng. Ông Cường đã nhìn thấy những bức ảnh khuôn mặt đầy máu của ông Tuyến và bị báo động bởi sự tàn bạo của vụ tấn công này.
Ngày nay, ông tự coi mình là “người cất lên tiếng nói của mình”, nếu không hoàn toàn là một nhà bất đồng chính kiến. Mục tiêu của ông là chia sẻ thông tin với gia đình và bạn bè, thay vì phụ thuộc vào truyền thông chính thống vốn gần như tất cả là của nhà nước.
“Lần đầu tiên tôi viết trên Facebook, không ai thậm chí ‘like’ nó – họ sợ việc nhấn nút ‘like’. Bây giờ mọi người bắt đầu ‘like’ và họ cũng bắt đầu chia sẻ”.
Ngoài đời thật, bây giờ ông xem ông Tuyến và những người bất đồng khác là bạn, và một vài người trong số họ cùng chơi chung trong đội bóng đá No-U FC. (“No-U” dùng để chỉ đường chữ U đánh dấu yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở biển Đông, một vấn đề kích thích nhiều nhà bất đồng chính kiến Việt Nam đi vào hành động cách đây vài năm). Một trang Facebook theo dõi tỉ mỉ các trận thắng và thua của nhóm, cũng như các vụ đụng chạm thường xuyên của thành viên với công an.
Trong một quán cà phê ở Hà Nội tuần trước, hai người bạn vừa trò chuyện vừa hút thuốc liên tục và kiểm tra Facebook. Họ nhận thấy một câu chuyện trên truyền thông nhà nước chỉ trích Mẹ Nấm vì nhận giải thưởng tiền mặt từ một tổ chức nhân quyền ở Stockholm. Ông Tuyến đã lập tức tag một nhà ngoại giao Thuỵ Điển để lưu ý bà về bản tin này và yêu cầu nhóm về nhân quyền cho nhận xét.
Hai người bắt đầu dò trên màn hình lần nữa.
“Đây là tin của một anh bạn của tôi, một bác sĩ ở Sài Gòn, anh vừa nghe tin Mẹ Nấm bị mắc nợ”, ông Tuyến nói.
“Anh bác sĩ ở Sài Gòn đã lên tiếng rằng chúng ta nên góp tiền giúp cho gia đình cô ấy”, ông nói.
Anh gõ phím một lúc rồi nhìn lên.
“Tôi mới vừa gõ bình luận, ‘tôi sẽ tham gia’.”
_____
Châu Đoàn đã đóng góp cho bài báo này.