Tiếng Vọng Từ Chernobyl – Chú Thích về Lịch Sử

Keith Gessen

Toà nhà chứa lò phản ứng số 4

Belarus không sở hữu một nhà máy năng lượng nguyên tử nào. Trong số những nhà máy nguyên tử vẫn còn họat động trong vùng lãnh thổ cũ của của Liên Xô, thì những nhà máy gần Belarus nhất là những nhà máy được Liên Xô thiết kế theo kiểu RMBK* đã lỗi thời và không an tòan. Ở về phía bắc Belarus là nhà máy Ignalinks, phía đông, nhà máy Smolenks và phía nam, nhà máy Chernobyl.

Ngày 26 tháng 4 năm 1986, lúc 1 giờ 23 phút 58 giây, một loạt những tiếng nổ đã phá hủy lò phản ứng trong tòa nhà chứa Khối Năng Lượng số 4 của nhà máy năng lượng nguyên tử Chernobyl. Tai họa này đã trở thành một thảm họa kỹ thuật lớn nhất thế kỷ 20.

Đối với đất nước nhỏ bé Belarus (dân số khỏang 10 triệu) thì đây là một thảm họa mang tầm vóc quốc gia. Thời đệ nhị thế chiến, đã có 619 ngôi làng ở Belarus cùng với cư dân ở đó bị Đức Quốc Xã tiêu diệt. Với vụ nổ ở Chernobyl, Belarus mất sạch 485 ngôi làng và cư dân. Trong số này, 70 làng bị chôn vùi vĩnh viễn dưới lòng đất. Chiến tranh đã lấy đi một phần tư dân số Belarus. Ngày nay, một phần năm dân số xứ sở nhỏ bé này sống trên những mảnh đất bị nhiễm xạ. Nói cách khác, đó là con số 2.1 triệu người, trong đó có 7 trăm ngàn trẻ em. Nguyên nhân chính cho sự kiện dân số Belarus ngày một giảm đi là nhiễm độc phóng xạ. Trong các vùng Gomel và Mogilev, hai nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do vụ nổ Chernobyl, số người chết cao hơn số trẻ em sinh ra với tỷ lệ là 20 phần trăm.

Vụ nổ đã phóng thích vào không khí 50 triệu đơn vị phóng xạ, trong số này, 70 phần trăm bay vào bầu trời Belarus; 23 phần trăm đất đai Belarus hòan tòan bị nhiễm xạ với mật độ 1 đơn vị trên kilô mét vuông (1Ci/Km2). Trong khi đó, tỉ lệ ở Ukraine là 4.8 phần trăm và nước Nga chỉ có chưa tới 1 phần trăm ( chính xác .5%). Belarus có 18 triệu héc ta đất đai trồng trọt bị nhiễm xạ với mật độ 1 đơn vị trên ki lô mét vuông. 2.4 ngàn héc ta đất bị lọai trừ vĩnh viễn khả năng canh tác nông nghiệp. Belarus là xứ sở của rừng. Nhưng 26 phần trăm trên tổng số rừng và một phần lớn khu đầm lầy trong vùng đất gần các sông Pripyat, Dniepr và Sozh được xem là khu chứa chất nhiễm xạ. Do sự hiện diện vĩnh viễn của những hạt bụi phóng xạ với cường độ độc hại tuy rất nhỏ, nên con số người mắc bệnh ung thư, bệnh tâm thần kém phát triển, chứng hỗn lọan tâm lý , chứng hóan chuyển về di truyền cứ mỗi năm mỗi gia tăng.

Chernobyl – Belaruskaya Entsiklopedia

Chú Thích:

* Theo T.S. Tô Lệ-Hằng (Cựu nhân viên Viện Bảo vệ và An toàn Hạt nhân tại Pháp) thì RMBK là những chữ Viết tắt của tên của lò phản ứng của Nga có đặc điểm là: uranium được làm giàu ít, làm chậm nơtron bằng than graphit, tải nhiệt bởi nước sôi trong ống nhiên liệu .(Tham khảo : BÀI HỌC KINH NGHIỆM TAI NẠN LÒ PHẢN ỨNG HẠT NHÂN Chernobyl – T.S. Tô Lệ-Hằng).

Ngày 29 tháng 4 năm 1986, các máy đo phóng xạ ghi nhận mức ô nhiễm cao ở Ba Lan, Đức, Áo và Romania. Ngày 30 tháng 4, Thuỵ sĩ và miền Bắc nước Ý có tên trong danh sách. Ngày 1 và 2 tháng 5, đến lượt Pháp, Bỉ, Hoà Lan, Anh và miền Bắc Hy Lạp. Ngày 3 tháng 5, thêm Israel, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ . . . Các hạt xạ li ti theo không khí đi khắp toàn cầu: ngày 2 tháng 5 chúng có mặt ở Nhật bản, ngày 3 tháng 5 ở Ấn Độ, và ngày 5 và 6 tháng 5 ở Hoa Kỳ và Canada. Chỉ cần chưa tới 1 tuần lễ, thảm hoạ Chernobyl đã trở thành thảm hoạ chung của toàn thế giới.

-“ Những Hậu Quả của tai nạn Chernobyl ở Belarus”. Minsk, Trường Đại Học Quốc Tế Sakharov ngành Phóng Xạ Học.

Lò phản ứng số 4, hiện còn có tên là Cover (Vỏ Bọc), vẫn còn chứa khoảng 20 tấn nhiên liệu nguyên tử trong cái lõi làm bằng chì và sắt của nó. Không ai biết được những gì đang diễn ra trong đó.

Lớp vỏ bọc được làm bằng xi măng trộn sắt, dùng để bao bọc toàn bộ hình thể lò phản ứng số 4, là một sáng kiến được sử dụng riêng trong trường hợp này, đã được nhóm kỹ sư ở St. Petersburg chế tạo cấp tốc. Đây là một sáng kiến đáng khen ngợi. Nhưng vì những tấm đan được đúc khuôn ở một nơi, rồi sau đó dùng máy robot và trực thăng vận chuyển đến và ráp chúng vào với nhau nên không thể tránh khỏi những chỗ hở và những chỗ bị nứt. Theo một vài ước tính, hiện có khoảng 200 mét vuông diện tích tổng số những khoảng hở và vết nứt của lớp vỏ bọc này, và những hạt bụi phóng xạ vẫn tiếp tục thoát ra từ đó . . .

Liệu lớp vỏ bọc này một ngày nào đó sẽ bị phá vỡ ? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó, vì hiện tại, không có cách gì để đến gần lớp vỏ bọc, xem những chỗ nối và tổng thể kiến trúc để xác định sự ổn định của nó. Nhưng ai cũng biết rằng, nếu lớp vỏ bọc này bị phá vỡ, thì hậu quả của nó sẽ tàn khốc hơn những gì xẩy ra năm 1986.

_Ogonyok Magazine, số 17, tháng 4 -1996

*Chú thích:
RBMK ( viết tắt từ reaktor bolshoy moshchnosty kanalny, high-power channel reactor )
(Xem thêm : http://www.world-nuclear.org/info/Nuclear-Fuel-Cycle/Power-Reactors/Appendices/RBMK-Reactors/)

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

 

Bình Luận từ Facebook