Khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm: Bảo vệ lợi ích nhóm hay giữ lòng tin với dân?

Nguyễn Đăng Quang

3-7-2017

ĐBQH Dương Trung Quốc (trái) và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã tích cự hủy hoại uy tín của đảng và nhà nước đối với dân. Ảnh: internet

Vụ Đồng Tâm đang êm ả, người dân đang chờ ngày công bố kết luận thanh tra để cùng nhau khắc phục hậu quả theo hướng tích cực thì bất ngờ Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố hình sự vụ án “bắt, giam giữ người trái pháp luật” và “hủy hoại, làm hư hỏng tài sản” ở Đồng Tâm (vụ 38 cán bộ Đảng và CSCĐ bị người dân bắt làm con tin và một số xe ô tô chở đoàn cưỡng chế bị xì lốp và đập bể kính!)

Đây không chỉ là đòn đánh trực diện vào người dân Đồng Tâm mà còn cả vào công luận trong và ngoài nước! Người viết bài này không vội kết luận đây là việc làm sai trái, bội tín hay lật lọng của chính quyền Hà Nội, nhưng có thể khẳng định ngay đây là việc làm nóng vội, một sai lầm chính trị tồi tệ của chính quyền trong mắt người dân Đồng Tâm cũng như người dân toàn quốc! Sai lầm này rất có thể sẽ phải trả giá! Hình như có bàn tay đen đúa nào đó muốn phá hoại bản “Cam kết Đồng Tâm” (22/4/2017) và hủy hoại chủ trương “Đối thoại” mà Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mới đề xuất gần đây?

Như mọi người đã biết, sáng 15/4/2017, lực lượng chức năng của Tp. Hà Nội, Bộ Quốc phòng và huyện Mỹ Đức đã lừa bắt cụ Lê Đình Kình và 4 người dân khác. Người dân Đồng Tâm phản ứng bằng cách bắt giữ 38 cán bộ Đảng và CSCĐ thuộc lực lượng cưỡng chế được phái đến để giải tỏa 59 ha đất nông nghiệp giao cho Tập đoàn Viettel làm kinh tế. Và đây là căn nguyên dẫn đến sự ra đời của một biến cố xã hội đi vào lịch sử nước ta! Vâng, sự kiện đó được gọi là biến cố Đồng Tâm!

Sau hơn một tuần lễ, trưa ngày 22/4/2017, nhận lệnh của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tất nhiên của cả Ban Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, với danh nghĩa là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, về tận thôn Hoành, xã Đồng Tâm, để trực tiếp đối thoại với người dân và trịnh trọng ký tên, điểm chỉ vào bản “Cam kết 3 điểm” trước sự chứng kiến cùng chữ ký xác nhận của 3 ĐBQH, 2 luật sư, và 2 vị lãnh đạo địa phương là Bí thư Đảng ủy và Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm trước sự vui mừng, hò reo của hàng ngàn người dân sở tại! Văn bản lịch sử này gồm 3 điểm rất cụ thể và rõ ràng!

Bản cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Ảnh: internet

Bản “Cam kết 3 điểm” thể hiện rất rõ lời hứa và cam kết của chính quyền Thành phố Hà Nội với người dân xã Đồng Tâm. Đối với nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước, đây còn là bản cam kết chính trị, cam kết đạo lý và pháp lý của chính quyền Hà Nội với người dân Thủ đô của mình nữa! Bởi vậy, cách ứng xử của chính quyền ra sao trong vụ việc này sẽ nói lên chính quyền thực sự vì ai: Vì người dân, vì đạo lý, pháp lý hay vì quyền lợi của một tập đoàn lợi ích nào đó?

Một số người lập luận ông Nguyễn Đức Chung chỉ là người đứng đầu bộ máy hành pháp Thành phố Hà Nội nên không có thẩm quyền quyết định những vấn đề thuộc về tư pháp, vả lại bản cam kết đó không có con dấu của UBND Tp.Hà Nội, nên văn bản đó không có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành. Đây là lập luận của những người có học nhưng không có TÂM, có TÍN, và có NGHĨA trong đầu! Người viết bài này xin được hỏi: Phải chăng những Hiệp định, Hiệp ước, Thông cáo hay Tuyên bố chung mà đại diện Nhà nước hoặc Chính phủ ta ký kết với các quốc gia trên thế giới là vô giá trị cả hay sao, bởi những văn bản này đâu có con dấu của nhà nước CHXHCN Việt Nam?

Qua cách lập luận và lý lẽ của những người ủng hộ khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm, người viết bài này dự đoán, rồi sẽ có một ngày, khi được bật đèn xanh, những người trên sẽ cùng nhau kiến nghị, yêu cầu khởi tố, bỏ tù ông Nguyễn Đức Chung về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm mất uy tín và bôi nhọ danh dự Đảng và Nhà nước! Không những vậy, họ có thể còn kết tội ông Chung vi phạm pháp luật, tùy tiện ký kết văn bản pháp lý sai nguyên tắc, không đóng dấu của UBND Thành phố, mà thay bằng dấu lăn tay, điểm chỉ, rồi còn phải lấy chữ ký chứng thực của 3 ĐBQH, cùng 2 luật sư, lại thêm con dấu và chữ ký xác nhận của cấp dưới là lãnh đạo xã Đồng Tâm! Đây là sự kiện hy hữu, làm xấu mặt chính quyền nhân dân, chưa từng xảy ra từ ngày 2/9/1945 đến nay! Vậy xin ông Chung hãy thận trọng và dè chừng!

Trong vụ khởi tố trên, người viết bài này còn được biết: Có ĐBQH không chỉ trực tiếp chứng kiến buổi đối thoại trưa hôm 22/4/2017 mà còn ký chứng thực vào “Bản cam kết 3 điểm” nói trên, nhưng nay lại xoay lưng nói quyết định khởi tố điều tra của CAHN là đáng tiếc nhưng “cần thiết”! Tôi thất vọng với người đưa ra nhận định này! Xin được hỏi ông Dương Trung Quốc: Ông nói quyết định khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm là “cần thiết” thì tại sao ông không lên tiếng yêu cầu CAHN khởi tố, điều tra việc đánh, bắt và làm trọng thương cụ Lê Đình Kình hôm 15/4/2017? Việc này có “cần thiết” không, thưa ông Quốc?

Đây chính là nguồn cơn và nguyên nhân gốc dẫn đến người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cán bộ và CSCĐ làm con tin để phản đối chính quyền lừa bắt và gây thương tích cho cụ Kình. Như ông đã rõ, sáng hôm 15/4/2017, lực lượng chức năng của Tp.Hà Nội và Bộ Quốc phòng về Đồng Tâm mời đại diện người dân ra chỉ mốc giới đất tranh chấp với Tập đoàn Viettel, rồi bất ngờ dùng vũ lực bắt họ trái pháp luật (không hề có lệnh bắt và được VKSND phê chuẩn). Thậm chí cụ Lê Đình Kình còn bị 4 sỹ quan quân đội và công an cấp tá (có tên tuổi, cấp bậc đầy đủ) đạp, đá cụ đến vỡ xương hông và gẫy xương đùi, rồi quẳng cụ lên xe “như quẳng một con vật”, sau đó còn dùng còng số 8 khóa hai tay và nhét giẻ vào mồm cụ già, rồi cho xe chạy 50km đưa thẳng cụ và 4 người dân mà họ vu là “những đối tượng chống đối nguy hiểm” về nơi giam giữ, trong khi họ thừa biết xương đùi và xương hông cụ bị gẫy!

Đây thực sự là hành động dã man, côn đồ, vô nhân tính và trà đạp pháp luật của số sỹ quan LLVT này đối với 4 người dân Đồng Tâm, trong đó có cụ Kình, cụ già đáng kính của người dân địa phương, với 82 tuổi đời và 55 tuổi Đảng! Cụ Kình còn tố cáo 4 sỹ quan này có ý đồ “thủ tiêu cụ để bịt đầu mối”.

Thật là kinh khủng! Bất cứ ai nghe cụ Kình tường thuật lại việc bị bắt và đánh đập dã man đến trọng thương, họ chỉ cố lấy lời cung và bỏ mặc cụ không cấp cứu trong hơn 3 ngày trong tình trạng vỡ xương hông và gẫy xương đùi, ngoài sự căm phẫn, cũng sẽ đồng tình với người viết bài này là đã có đủ cơ sở và chứng cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ bắt giam người trái phép và gây thương tích nặng nề cho một công dân cao tuổi là cụ Kình! Nhưng sao không thấy ông Quốc lên tiếng bảo vệ dân, mà giữ im lặng khó hiểu trước việc cơ quan công quyền bắt giam và đánh đập cụ già đáng kính này, thưa ông Dương Trung Quốc?

Tôi hỏi vậy vì biết ông và 2 ĐBQH khác cùng nhiều quan chức của Hà Nội và Trung ương ngày 22/4/2017 đã về Đồng Tâm và tận mắt chứng kiến người dân ở đây đối xử rất nhân đạo, rất tình người với 38 cán bộ và CSCĐ trong suốt 7 ngày “cực chẳng đã” này, song người dân vẫn rất trung thực và cao thượng thừa nhận và công khai xin lỗi chính quyền về việc họ bắt giữ người của nhà nước là trái pháp luật, mong chính quyền cư xử “thấu tình, đạt lý”, “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”. Đây thật sự là một nghĩa cử cao đẹp của người dân, đáng để cho các quan chức chính quyền noi gương, xoi lại chính mình về cách đối xử hàng ngày với “thần dân” của họ! Ông có đồng tình với ý kiến này không, thưa ông Quốc?

Trở lại vụ khởi tố Đồng Tâm, xin nhắc lại, người viết bài này chưa kết luận chính quyền bội ước hay lật lọng, nhưng khẳng định quyết định khởi tố này là vội vàng, thiếu khôn ngoan, không thấu tình đạt lý, và là một sai lầm chính trị tồi tệ, có thể sẽ phải trả giá! Nếu thực sự thượng tôn pháp luật và muốn bảo vệ tính nghiêm minh của nó như lâu nay họ nói, thay vì vội vàng khởi tố hình sự vụ này, CAHN nên đợi công bố kết luận thanh tra đã, rồi ra quyết định khởi tố vụ bắt giam trái pháp luật 4 người dân Đồng Tâm trước, tiếp đến tuyên bố khởi tố bị can đối với 4 quan chức đã đánh đập, gây thương tích nặng nề cho cụ Lê Đình Kình! Rồi sau đó hãy tính đến chuyện khởi tố vụ án này sau! Như thế mới có thể nói là kín kẽ, khôn ngoan và phải đạo!

Người dân có lý khi đặt nghi vấn về việc hơn 2 tháng đã qua, cam kết thứ 3 (“Cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”) sao không thấy ai thực hiện? Việc bắt người trái pháp luật và đánh dập dã man cụ Kình chính là nguồn cơn và nguyên nhân gốc khiến người dân Đồng Tâm buộc phải có hành động tương thích là bắt giữ 38 CSCĐ để đòi chính quyền thả cụ Kình và 4 người dân bị bắt trái pháp luật sáng 15/4/2017! Hai việc trên, một việc không đáng làm thì người ta làm rất nhanh chóng, còn việc cần làm và đáng làm thì chẳng có ai thiết làm! Sao lại có điều trái khoáy, ngược đời như vậy?!

Nhưng đây chưa phải là căn nguyên, nguồn gốc của sự việc. Theo thiển ý của người viết bài này, trong “Cam kết 3 điểm” thì cam kết thứ nhất mới là cam kết quan trọng hơn hết, là mấu chốt của vấn đề! Đây cũng chính là đòi hỏi chủ yếu mà nhiều năm qua, người dân Đồng Tâm đội đơn khiếu kiện khắp nơi, nhưng chẳng cấp chính quyền nào đoái hoài giải quyết! Tôi tin chắc nhiều “ông to, bà lớn” thừa hiểu cam kết 1 là nằm trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung. Nếu để ông Chung thực thi quyền hạn nghiêm túc, thì chắc chắn sẽ xới tung nhiều vấn đề hệ trọng mà xưa nay người ta cố tình dấu diếm! Chính đây là lý do mà các nhóm lợi ích đã và đang tìm cách ngăn cản ông Chung thực hiện cam kết này!

Cam kết đó cụ thể như sau: “Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật, khu vực đất Đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp. Không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật”.

Theo luật, hạn công bố kết luận thanh tra đã quá 14 ngày, nhưng Tp.Hà Nội lại trì hoãn việc công bố, mặc dù đã hoàn tất công việc thanh tra. Phải chăng đây là kế hoãn binh nhằm có thêm thời gian để cân đối quyền lợi và dàn xếp nội bộ giữa các nhóm lợi ích với nhau? Theo nhiều luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân Đồng Tâm, nếu thực sự công tâm và tôn trọng sự thực khách quan, đồng thời chỉ tuân thủ pháp luật và không chịu sức ép của bất cứ ai, không sợ động chạm đến bất cứ tập đoàn lợi ích nào, thì Thanh tra Tp.Hà Nội sẽ có thể khui ra những sai phạm tày đình trong việc giao đất, sử dụng đất, chuyển giao đất cũng như nguồn gốc đất của địa phương này trong trên nửa thế kỷ qua! Người viết bài này chỉ sơ bộ đề cập về trách nhiệm của 3 cấp chính quyền liên quan mà Thanh tra HN sẽ phải làm rõ:

1/. Trách nhiệm của Chính phủ: Sau khi thu hồi 208ha đất nông nghiệp của 4 xã, trong đó có xã Đồng Tâm, để giao cho BQP năm 1980, nhưng BQP không sử dụng đến, cứ để hoang hóa suốt 37 năm qua, trong khi người dân thiếu đất canh tác, sao Chính phủ không thu hồi để trả lại cho người dân sản xuất?

2/. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng: Sau khi không thể mở rộng sân bay Miếu Môn, lẽ ra BQP phải báo cáo Chính phủ và trả lại 208ha đất cho người dân trồng cấy. Nhưng BQP không làm thế, cứ “ôm” không số đất này, gần đây lại chuyển giao lòng vòng trong nội bộ quân đội, dùng vào nhiều mục đích khác nhau, kể cả dùng vào việc làm ăn kinh tế. Có việc “phát canh thu tô” của các đơn vị quân đội được giao quản lý số đất này không? Cách đây hơn 2 năm, ngày 27/3/2015, Bộ Tổng Tham mưu (chứ không phải là BQP) ra quyết định thu hồi 50,3ha trong số 208ha đất trên giao cho Quân chủng PK-KQ để đơn vị này lại giao tiếp cho Viettel. Việc thu hồi và giao 50,3ha đất trên, rồi tùy tiện chuyển đổi mục đích sử dụng, có vi phạm Luật Đất đai 2013? Còn về công trình A1, đây là công trình quân sự hay kinh tế, đang xây dựng trên đất nào, có giấy tờ hợp pháp không? Nếu đây là công trình quân sự, tại sao lại giao cho Viettel mà không giao cho Bộ Tư lệnh Thông tin-Liên lạc? Vấn đề này nhất thiết phải làm rõ!

3/. Trách nhiệm của Thành phố Hà Nội:  Năm 2014, Hà Nội tiến hành đo lại diện tích đất trên thì thấy diện tích này là 236,7ha chứ không phải là 208ha! Như vậy BQP nhận dôi ra 28,7ha! Diện tích đất “dôi ra” này được quản lý và sử dụng ra sao, Thanh tra Hà Nội phải làm rõ! Vấn đề mấu chốt nữa là Tp.Hà Nội phải kết luận vấn đề sau: Xã Đồng Tâm có 47,36ha đất nằm trong số 208ha mà Chính phủ thu hồi năm 1980. Việc Tập đoàn Viettel sử dụng 47,36ha đất này thì không sao, người dân Đồng Tâm không thắc mắc. Nhưng cớ sao Viettel lại chiếm thêm 59ha vốn là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm mà người dân đã và đang sản xuất ổn định từ những năm 1950’s đến nay? Đây chính là nguyên nhân tranh chấp không hồi kết giữa người dân Đồng Tâm và Tập đoàn Viettel trong suốt mấy năm qua. Người dân khẳng định huyện Mỹ Đức và Viettel liên kết với nhau để “cướp trắng” 59ha đất của họ! Nếu quả có việc cướp đất, thì đây là việc rất hệ trọng! Thanh tra Hà Nội không thể lẩn tránh, phải có kết luận rõ ràng! Hai việc nổi cộm này (59ha đất “bị cướp” và 28,7ha đất “dôi ra”), Tp.Hà Nội phải có kết luận trung thực, khách quan, đúng thực tế thì mới có thể làm yên lòng người dân!

Mọi quốc gia và chính thể xưa nay trên thế giới, dù theo học thuyết hay mô hình xã hội nào, nếu thực sự vì dân, đặt lợi ích dân tộc, quyền lợi quốc gia lên trên hết, bao giờ họ cũng lấy chính sách an dân làm trọng! Một khi lòng dân có yên thì đất nước mới phát triển, xã hội mới an bình. Người dân Việt Nam ta, từ đứa trẻ lên 3 đến cụ già trăm tuổi, ai mà không biết câu “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Đúng vậy, có lòng tin là có tất cả, mất lòng tin là mất sạch! Đẩy thuyền là do dân, và lật thuyền cũng do dân!

Tôi muốn trân trọng chuyển đến chính quyền Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên đới khác trong biến cố Đồng Tâm câu răn dạy trên của cha ông ta để quý vị ứng xử với nhân dân sao cho phải đạo. Một chính thể không có lòng tin nơi dân chúng, chính thể đó không có lý do để tồn tại. Chữ TÍN luôn luôn phải bảo toàn, xin quý vị nhớ cho!

Bình Luận từ Facebook