TẢN MẠN VỀ CON DẤU, GIẤY TỜ VÀ LÒNG TIN

Nguyễn Đình Cống

22-6-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vừa qua, nhân việc Công an khởi tố “Vụ Đồng Tâm”, một số người cho rằng Bản cam kết ông Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung viết tay và ký không có giá trị pháp lý vì không có con dấu. Đó là một nhận thức quá ngây ngô, quá ấu trĩ.

Trên thế giới hình như con dấu đóng trên các giấy tờ có tác dụng như một thông tin, một sự làm chứng hoặc xác nhận chữ ký. Ngay như ở Hiệp định Paris về Việt Nam, chỉ có chữ ký của 4 Ngoại trưởng mà không có một con dấu nào. Ở Việt Nam, thời trước năm 1945 và sau này dưới chính thể VNCH, tôi không biết chức năng con dấu như thế nào. Riêng dưới chính thể VNDCCH và CHXHCNVN con dấu và các loại giấy tờ có vai trò quá quan trọng. Một số người làm nhiệm vụ kiểm tra dựa vào, tin vào giấy tờ và con dấu hơn là người thật việc thật. Tôi đã bỏ công tìm hiểu nguyên nhân, nhưng chưa đi đến kết luận cuối cùng nên nêu ra để các bạn nào quan tâm tìm hiểu thêm. Có lẽ vì người ta xem giấy tờ và con dấu của các cơ quan là rất quan trọng nên mới sinh ra nhiều bọn làm giả, bắt hết bọn này lại mọc ra lũ khác.

Tôi nghĩ Giấy cam kết của ông Chung là việc thật, người thật, còn rõ ràng, không ai chối cãi, không ai phản bác thì việc gì phải có con dấu làm chứng. Mà con dấu có thể làm giả dễ dàng còn dấu vân tay của ông Chung thì khó làm giả lắm.

Về chuyện giấy tờ và con dấu tôi có nhiều chuyện vui và lạ, chỉ xin kể vài chuyện.

Chuyện 1: Hồi làm nghiên cứu sinh tại Liên xô, tôi ở TP Khác Cốp. Tôi được đi Mạc Tư Khoa 2 tháng để đọc ở Thư viện Lê nin và đến khảo sát công việc nghiên cứu thực nghiệm tại Viện NCKH toàn Liên bang về Kết cấu bê tông cốt thép. Theo thông lệ như ở VN, tôi xin công văn kèm 2 giấy giới thiệu đến các nơi đó. Văn phòng đưa cho tôi 2 thư giới thiệu, có chữ ký của Hiệu trưởng, không đóng dấu. Tôi cầm thư mà cứ phân vân về giá trị của nó. Tôi hỏi bà thư ký, phải đem thư này đi đóng dấu ở đâu. Bà cười, bảo rằng hiệu trưởng ký rồi, không cần dấu má gì nữa hết. Đúng là như vậy. Cả hai nơi tôi đến không ai hỏi tại sao thư giới thiệu không đóng dấu.

Chuyện 2: Hồi thực tập khoa học tại Trường Đại học ENTPE của Pháp, tôi và TS Nguyễn Khánh Hội muốn đi khảo sát nhà máy KC bê tông ứng lực trước ở cách đó khoảng 100 km. Chúng tôi gặp hiệu trưởng để xin giấy giới thiệu. Ông hiệu trưởng bảo cần gì phải giấy tờ. Để ông gọi điện thoại báo cho nhà máy và chúng tôi chỉ việc đến đó, muốn xem gì, làm gì thì bàn với người của nhà máy. Đúng là chúng tôi đến tham quan, khảo sát công nghệ trong 3 ngày mà chẳng cần một giấy tờ gì hết.

Chuyện 3: Cũng tại Pháp. Khi chuẩn bị về nước, tôi từ nơi thực tập ở gần Lyon lên Paris, đến cơ quan CIES là nơi cấp học bổng để báo cáo và xin vé máy bay. Họ hỏi ngày tôi xuất phát rồi dặn: Bắt đầu từ ngày mai đến trước ngày về 1 ngày, ông đến bất kỳ một nơi bán vé máy bay của hãng Air France để nhận vé. Tôi hỏi có cần giấy giới thiệu gì không. Họ bảo không cần bất kỳ giấy tờ gì, chỉ nói hoặc viết đúng tên tôi là được. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng đành theo lời. Tuy vậy hôm đi lấy vé tôi chuẩn bị khá cẩn thận mọi giấy tờ tùy thân. Tôi viết rõ tên mình vào mảnh giấy. Tại phòng bán vé, tôi đưa mảnh giấy đó và nói: Tên tôi là thế này, tôi được dặn đến gặp các ông để nhận vé máy bay. Người bán vé, sau khi gõ máy tính vài dòng, hỏi tôi: Ông định đi Hà Nội ngày 24 tháng 6? Tôi trả lời: Vâng. Thế là người ta gõ thêm vài chữ trên máy và đưa vé cho tôi, không hỏi gì về giấy tờ. Tôi cầm vé, cám ơn và bàng hoàng. Tại sao người ta có thể dễ dàng tin người đến như vậy.

Chuyện 4: Khi làm chuyên gia giáo dục tại Angiêri, tôi được đơn vị cử đi Tiệp Khắc có việc. Đang giữa học kỳ và tôi đang dạy 3 lớp. Muốn đi phải được phép của Hiệu trưởng. Một số anh em trong đơn vị họp bàn, phải tìm ra một lý do nào đó, chỉ là không nói lý do thật, để trình bày và làm đơn xin phép. Chỉ có tôi và anh Nguyễn Lê Ninh chủ trương không làm đơn từ gì cả, chỉ gặp và trình bày trực tiếp. Tôi và anh Ninh gặp Hiệu trưởng, chỉ nói: Tôi xin phép ông nghỉ 1 tuần để đi Tiệp Khắc vì việc cá nhân, tôi đã nhờ ông Nguyễn Lê Ninh nhận dạy thay các lớp. Hiệu trưởng đồng ý và không hỏi gì về lý do. Chúng tôi cứ tưởng người ta cũng như mình, ai xin làm gì phải khai rõ lý do nên đã tìm cách nói dối. Thế mà họ không hỏi nên không bị mắc lừa. Xin phép cũng chẳng cần đơn từ gì hết.

Chuyện 5: Tại Việt Nam. Khi tôi mới bắt đầu làm Chủ nhiệm khoa, hàng ngày tôi phải ký giấy xác nhận cho sinh viên đi giao dịch công việc với bên ngoài. Tôi ký và không được đóng dấu với chức danh Thừa lệnh Hiệu trưởng. Để có con dấu, sinh viên phải đem giấy đó cho ông Phó Phòng Hành chính ký xác nhận chữ ký của tôi, ông ta ký tiếp với chức danh Thừa lệnh Hiệu trưởng, xác nhận chữ ký của chủ nhiệm khoa và đóng dấu vào đó. Chỉ thêm phiền hà và vất vả cho SV. Tôi gặp Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chọn và đề nghị được Thừa lệnh hoặc Thừa Ủy nhiệm Hiệu trưởng để ký các giấy tờ cho sinh viên. Hiệu trưởng ban đầu hơi phân vân, nhưng sau cũng đồng ý và dặn đừng khuyến khích các chủ nhiệm khoa khác cũng đòi hỏi như thế. Nhờ việc này mà tôi đã giúp nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp sao hàng ngàn bảng điểm và bằng tốt nghiệp, cấp giấy giới thiệu đi liên hệ tìm việc.

Trong năm đầu, mới làm CNK tôi đã thử làm theo kiểu Liên xô, ký mà không đóng dấu. Đó là khi tôi ký giấy giới thiệu sinh viên đến các cơ quan, các công trường xây dựng mà tôi đoán ở đó các lãnh đạo biết tôi là ai. Tất cả đều suông sẻ. Thì ra ở VN cũng có nhiều người tử tế, biết tin vào chữ ký mà không cần con dấu.

Bình Luận từ Facebook