Phạm Trần
21-6-2017
Năm nào cũng như năm nấy, ngày gọi là Báo chí Cách mạng của đảng Cộng sản Việt Nam (21/6) được thổi phồng và tô son cho đẹp chế độ nhưng những cái tai điếc và con mắt thông manh của nền báo chí ấy lại cứ hiện ra mỗi ngày một nhiều.
Bằng chứng thì hàng hà sa số, nhưng lần kỷ niệm 92 năm nay (21/6-1925 – 21/6/2017) Ban Tuyên giáo, cơ quan đảng chỉ đạo và Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan kiểm soát nhà báo lại cứ muốn chứng minh báo chí là diễn đàn của nhân dân, khiến chiếc áo bù nhìn lại phình to hơn.
Tỷ dụ như, từ năm 2007 đến năm 2012, nhiều cuộc biểu tình tự phát chống Trung Quốc lấn chiếm biển đảo và đàn áp thuyền đánh cá Việt Nam của người dân diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội bị Công an, Công an đội lốt côn đồ và cảnh sát cơ động đàn áp dã man mà không thấy báo đài nhà nước đưa tin. Ngược lại, khi những cuộc biểu tình tương tự do các Tổ chức của đảng, tiêu biểu như Đòan Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xuống đường tuần hành với cờ xí và biểu ngữ rợp trời vu cáo dân chống đảng và ủng hộ nhà nước đấu tranh ôn hòa với Trung Quốc thì báo chí nhà nước lại được lệnh khua chiêng, gõ mõ mệt nghỉ.
Cũng tương tự, khi Trung Quốc tự đặt gìan khoan dầu Hải Dương 981 vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (từ 02 đến 17/05/2014), chỉ cách đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Hoàng Sa), 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, thì nhiều đoàn người dân biểu tình đã bị Cảnh sát Việt Nam ngăn chặn, không cho đến phản đối trước Tòa Đại sứ của Bắc Kinh ở Hà Nội. Hành động ngăn chặn, xua đuổi người biểu tình cũng đã xẩy ra gần khu Lãnh sự quán Trung Hoa ở Sài Gòn.
Báo chí nhà nước cũng đã cố ý làm ngơ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã bị Công an, mật vụ đội lốt côn đồ và Thanh niên xung phong của nhà nước đàn áp đổ máu ở vườn hoa Thống Nhất và quanh khu Nhà Thờ Đức Bà ở Sài Gòn.
Cũng cái làng báo loa đài nhà nước này, từ trung ương về địa phương, đã ngậm miệng đối với các buổi lễ do người dân tự phát để tưởng niệm và ghi ơn các chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh trong 2 cuộc chiến chống Tầu xâm lược qua biên giới từ ngày 17/02/1979 đến 1990.
Họ cũng cúi đầu nhận lệnh không đăng một chữ hay nói nửa lời về cuộc biểu tình tri ơn 74 chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Quần đào Hoàng Sa năm 1974. Thậm chí, báo-đài nhà nước còn quay lưng khi thấy Thành ủy đảng Hà Nội tổ chức nhảy múa vô văn hóa tại Đền Vua Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm để phá, ngăn ngặn và chống những người muốn tổ chức tưởng niệm 64 người lính Quân đội Nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xăm lăng Tầu trong trận chiến Trường Sa ngày 14/3/1988.
Như vậy thì 859 cơ quan báo chí, trong đó có 199 Báo (trung ương 86; địa phương 113) và 660 Tạp chí (Trung ương 523; địa phương 137) đã làm cái trò trống gì mà vẫn được nhận tiền trợ cấp của nhà nước, tức tiền thuế và lao động của dân?
Họ có biết khi không thông tin trung thực là họ đã vi phạm, mục (a) khoản 2, Điều 4 của Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016?
Điều này quy định báo chí phải: ”Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân.”
Nhưng nếu họ suy diễn việc loan tin các cuộc biểu tình chống Trung Quốc không phù hợp với ”lợi ích của đất nước và của Nhân dân” thì họ không biết hành động sợ hãi trước nanh vuốt của Trung Hoa của nhà nước đã tác hại cho dân cho nước đến mức nào?
Ngoài báo in, báo nói (Radio) và báo xem (TV), nhà nước CSVN còn có 135 báo và tạp chí điện tử đa số của báo in hay độc lập để thao túng dư luận.
Nhưng dù báo loại nào chăng nữa thì tính tay sai phục tùng hay làm loa tuyên truyền đã ràng buộc họ trong Điều 4 Luật Báo chí, nguyên văn: “Báo chí ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.”
DIỄN ĐÀN MỘT CHIỀU
Nhưng tuy nói báo chí là “diễn đàn của nhân dân” mà người dân lại không có quyền phê bình hay chỉ trích chính sách của nhà nước.
Bằng chứng đã quy định trong Điều 11 nói về “ Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”, theo đó dân chỉ được phép:
- “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
- “Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”
- Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.”Tuyệt nhiên, dân không được phép trực tiếp đòi thay đổi đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của nhà nước.
Có thể có người sẽ nói chỉ có Quốc Hội mới có quyền Lập pháp, nhưng Quốc Hội là do “đảng cử dân bầu” nên người dân đã bị Luật Báo chí gạt sang lề đường để phải chấp hành những gì đảng và nhà nước muốn. Luật này còn ràng buộc Báo chí có bổn phận phải “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới … xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa…, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
ĐỘC TÀI ĐỂ XUYÊN TẠC
Nhưng tại sao, sau 92 năm, một mình một chợ mà đảng vẫn không dám để cho tư nhân ra báo để cạnh tranh?
Chưa hề bao giờ đảng dám công khai giải thích lý do không dám có báo tư nhân, nhưng ai cũng biết đảng đang lo xoắn vó lên vì kẻ thù mơ hồ được gọi là “diễn biến hòa bình”. Từ kẻ thù tiềm ẩn này, nay lại có thêm 2 kẻ thù mới mang tên “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang đe dọa sự sống còn của đảng.
Vì vậy, nếu có thêm báo tư nhân cạnh tranh thông tin với báo đảng thì có khác nào đảng đã tự tay dổ dầu vào lửa để đốt đảng.
Theo lập luận của Lãnh đạo đảng CSVN thì đứng sau 3 kẻ thù cực kỳ nguy hiểm này là “các thế lực thù địch từ bên ngoài” đã cấu kết với các phần tử nội thù được gọi là “cơ hội” trong nước để không chỉ chống đảng mà “còn chống lại nhân dân” nữa !
Lý do họ phải vơ “nhân dân” vào để nói với nhân dân rằng “nếu mất đảng thì mất tất cả”, nên dân phải chống kẻ chống đảng để tồn tại.
Điển hình như trong biến cố hủy họai môi trường biển miền Trung của Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh tháng 4/2016 nhiều cuộc biểu tình của dân, đa phần là giáo dân Công giáo thuộc Giáo phận Vinh đã diễn ra ở địa bàn đòi đóng cửa Formosa và đòi bồi thường thiệt hại.
Nhà nước, một mặt hứa giải quyết bồi thường nhưng chống đóng cửa Formosa. Mặt khác lại ra lệnh cho các báo ở Trung ương (tiêu biểu như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam và Thông Tấn Xã Việt Nam), cùng với hệ thống báo địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An, báo Công An và Công An Nhân Dân phát động chiến dịch chụp mũ “phản động, chống nhà nước, chống lại nhân dân” lên đầu người khiếu kiện.
Sự giả dối này đã xuất hiện trong bài viết “Cảnh giác với những lời sáo rỗng, mị dân, xuyên tạc sự thật” trên báo Quân đội Nhân dân ngày 19/06/2017.
Bài viết của người có tên Hoài Minh khẳng định: ”Hơn một năm trôi qua, môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã trong lành trở lại. Người dân nơi đây đã được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, họ yên tâm ra khơi bám biển, đánh bắt cá, tôm. Nhịp sống ở các cảng cá thuộc 4 tỉnh miền Trung đã sôi động trở lại.”
Hoài Minh nói tiếp dù không đưa ra được bằng chứng khoa học nào: ”Điều thứ nhất có thể khẳng định, môi trường biển miền Trung đang trong sạch trở lại. Cá, tôm và các loài sinh vật biển đang sinh sôi phát triển bình thường. Biển Bắc miền Trung đẹp và thơ mộng, những dải cát dài trắng mịn với làn nước trong xanh, mát mẻ hiếm nơi nào có được. Mọi người đều có thể nhìn thấy cá, tôm và các sinh vật biển đang bơi lượn, sinh sống, khi ngụp lặn trên biển Bắc miền Trung trong những ngày hè sôi động này.”
Hoài Minh viết tiếp: ”Vậy mà đi ngược lại cuộc sống yên bình đang phục hồi và phát triển sau sự cố Formosa, các thế lực thù địch vừa công khai, vừa ngấm ngầm tung ra nhiều lời xuyên tạc. Chẳng hạn linh mục Nguyễn Thái Hợp đã trơ trẽn trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng: ‘Hành động tắm biển và thưởng thức thủy, hải sản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trên bãi biển Nhật Lệ là hành động đóng kịch, giả tạo’. Họ còn tuyên truyền là ‘cá đang chết nhiều trên biển’… nhằm hạn chế sự trao đổi, tiêu dùng các sản phẩm từ biển, gây khó khăn cho ngư dân. Đây là chiêu bài nguy hiểm, dụng ý tuyên truyền xuyên tạc, xấu xa của những kẻ mang danh ‘đạo đức’. Vì vậy, hãy tỉnh táo khi nghe những lời nói tưởng như vì người dân, nhưng thực chất đó chỉ là những kẻ ‘lòng lang dạ sói’, đang thực hiện âm mưu thâm độc nhằm chống phá cuộc sống bình yên của người dân.”
Trước hết, khi vô lễ gọi Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Địa phận Vinh là “linh mục”, chứng tỏ Hoài Minh là kẻ vô đạo nên không biết Đức cha Hợp là ai và uy tín quốc tế của Ngài lớn đến mức nào trong Giáo hội Công giáo toàn cầu.
Thứ nhì, khi không dằn được bức tức để buông ra thứ ngôn từ thô lỗ như “lòng lang dạ sói” thì tâm can của người này có còn tính người không?
Chẳng thế mà toàn bài viết chỉ để chửi cho hả dạ của một người đã bị dồn vào đường cùng, chẳng biết phải xoay xở ra sao.
HÃY MỞ MẮT RA
Hoài Minh không biết rằng đảng và nhà nước Việt Nam đã không dám đồng ý để cho các Nhà Khoa học Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước Châu Âu vào Việt Nam giúp tìm phương pháp làm sạch ô nhiễm biển miền Trung do Formosa gây ra.
Không ai biết tại sao nên chắc gì Hoài Minh đã biết mà dám khẳng định vô trách nhiệnm rằng “môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã trong lành trở lại”.
Hoài Minh hãy tìm đọc lại báo Nhân Dân ngày 04/07/2016, viết rằng: ”Theo các nhà khoa học, phải mất ít nhất 50 năm hệ sinh thái biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế mới có thể phục hồi như trước.”
Nhân Dân viết: ”Theo khảo sát của các nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiên cứu phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền trung, sự cố xả thải của Formosa đã gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái.”
Các chuyên gia của Hội đồng khoa học đánh giá: ”Khoảng 50% diện tích san hô khu vực biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã bị phá hủy (trên tổng số gần 800 ha). Tại điểm khảo sát ở Cồn Cỏ (Quảng Trị) không thấy hiện tượng chết bất thường của san hô, cá và các sinh vật sống trên rạn, cũng như tìm thấy nhiều loài cá có giá trị kinh tế.
Trong khi đó, các điểm khảo sát còn lại đều cho thấy hệ sinh vật khá nghèo nàn và không tìm thấy các loài cá có giá trị kinh tế, chỉ bắt gặp một số cá thể thuộc họ cá Thia (Pomacentridae), ít có giá trị kinh tế.
Tại Cửa Tùng, các nhà khoa học không phát hiện thấy ấu trùng tôm hùm con ở các hốc đá, mặc dù theo ngư dân thì đây là thời điểm khai thác tôm hùm con tốt nhất trong năm.”
Bấy nhiêu chưa hết, Hoài Minh hãy đọc tiếp kết luận của Hội đồng Khoa học để sáng mắt ra: ”Đặc biệt, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở khu vực Thừa Thiên – Huế, ngoài các vấn đề có liên quan đến suy giảm đa dạng sinh học, phá hủy các sinh cảnh ngầm cho các loài thủy sản cư ngụ thì vấn đề đáng lo ngại hơn là làm mất đi các bãi đẻ truyền thống của các loài cá có giá trị kinh tế cao, dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái trong hệ do làm suy giảm khả năng bổ sung các cá thể tham gia vào quần đàn cá bố mẹ.”
SAN HÔ PHỤC HỒI CHẬM
Các chuyên gia cũng tìm thấy: ”Ở khu vực điểm rạn san hô Bãi Chuối do rong tảo sẽ có cơ hội phát triển và che phủ hoàn toàn trên nền đáy là các tập đoàn san hô bị chết, dẫn tới làm mất các giá thể cho các ấu trùng san hô bám trong giai đoạn đầu.”
Theo Tiến sỹ Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thì: ”Điều này có nghĩa là cần rất nhiều thời gian để có sự phục hồi cho các tập đoàn san hô tạo rạn cho khu vực ven bờ, kể cả trong trường hợp chất lượng môi trường ổn định trở lại. “Phải mất ít nhất 50 năm sau, hệ sinh thái biển ở bốn tỉnh này mới phục hồi lại như hiện trạng ban đầu”.
Câu hỏi quan trọng nhất là bằng cách nào, phải mất bao nhiêu lâu và với ngân khoản bao nhiêu mới đủ để biển miền Trung trở lại mức an toàn như trước ngày 6/4/2016, khi cá chết hàng loạt được phát giác?
Theo ý kiến của Tiến Sỹ Nguyễn Tác An – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, khi trả lời câu hỏi ”Chất thải chứa độc tố như phenol, xyanua kết hợp với hidroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) theo dòng hải lưu lan rộng mà Formosa thải ra môi trường liệu có tự phân hủy được không?”, TS Nguyễn Tác An cho rằng chất độc này từ sơ cấp đã chuyển thành thứ cấp. Chất độc sẽ kết tủa, lắng xuống đáy, tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển. Nó tồn tại ở đấy đến khi có dịp gì đó sẽ lại bùng lên. Những chất độc này tồn tại rất lâu, nguy hiểm, không đơn giản vài tháng vài năm là hết.” (Trích báo Người Lao Động, 01/07/2016)
Người Lao Động viết tiếp: ”Về cách khử các chất độc, TS An cho rằng nếu khử độc này thì lại gây hậu quả, cá lại tiếp tục chết. Khu vực chịu ảnh hưởng là cả vùng biển kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế trong khi công nghệ xả thải này (Formosa – PV) khá mới. Do đó, rất khó phục hồi hệ sinh thái như trước đây.
Riêng việc tái tạo các rạn san hô, sinh vật biển có thể làm được nhưng thời gian kéo dài, vô cùng tốn kém và đòi hỏi các chuyên gia có trình độ cao.”
Theo TS An, việc cá chết chỉ là phần nổi tảng băng, điều nguy hiểm hơn chính là nền tảng sự sống, hệ sinh thái đáy bị hỏng. Điều này để lại di chứng từ 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Việc phục hồi lại hệ sinh thái sinh vật đáy như: cá biển, san hô, sinh vật nhỏ bé, vi sinh vật sẽ rất mất thời gian, kéo dài có thể vài chục năm. Trong khi đó, ngư dân miền Trung sinh kế chủ yếu vào tài nguyên biển mà cá đáy, sinh vật đáy, nền tảng sinh vật đáy đóng vai trò đến 90%. Kinh tế biển miền Trung bị một cú đấm rất mạnh khi người dân có nguy cơ mất sinh kế, du lịch bị ảnh hưởng…”
50 NĂM MỚI HỒI PHỤC?
Phát biểu của Tiến sỹ Nguyễn Tác An đã biến mất trên báo Người Lao Động sau vài ngày luân lưu nhưng phía Nhà nước không có ai dám phản bác.
Hãy đọc báo Tiền Phong viết ngày 04/07/2016: ”Khảo sát đáy biển nhiều nơi thuộc bốn tỉnh Bắc Trung bộ sau sự cố môi trường nghiêm trọng, các nhà khoa học phát hiện hơn nửa rặng san hô ở những nơi đó đã bị chết, các loài tôm cá điển hình của vùng này cũng không còn. Họ đánh giá, phải mất khoảng 50 năm, hệ sinh thái biển ở đây mới có thể phục hồi hoàn toàn.”
Nếu phải mất nửa thế kỷ để tìm lại sự sống cho cá tôm và sinh vật biển thì nhân dân miền Trung có còn biển để sống nữa không? Tương lai mù mịt này ai chịu trách nhiệm trước lịch sử, Formosa hay đảng CSVN?
Trước khi có thể mỗi người tìm được câu trả lời thì nên đọc tiếp Tiền Phong: ”Từ ngày 4 đến 15/5, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (được giao nhiệm vụ tìm nguyên nhân cá chết) khảo sát quần thể sinh vật cũng như rặng san hô ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
San hô chết, tôm cá vắng bóng
Tại Hà Tĩnh, các nhà khoa học khảo sát tại Mũi Ròn Mạ và Hòn Sơn Dương, nơi cách họng xả thải của Công ty Formosa 7,5 km. Ở Mũi Ròn Mạ, hình ảnh chụp được cho thấy, nhiều tập đoàn san hô mới chết trong khoảng một tháng, san hô thưa thớt không tạo thành rạn.
Ở Hòn Sơn Dương, san hô chết khoảng 35-40%, tỷ lệ san hô còn sống dưới 10%. Cả hai điểm này vắng mặt các loại cá kinh tế có kích thước lớn hoặc nhóm cá thuộc họ cá san hô điển hình, chỉ có một vài con xuất hiện với mật độ rất thấp, kích thước cơ thể nhỏ và không có giá trị kinh tế. Đặc biệt ở Hòn Sơn Dương, không bắt gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ cá Bống trắng – loài cá sống ở môi trường sạch.
Ở Quảng Bình, các nhà khoa học khảo sát ở cảng Hòn La, đảo Hòn Nồm (đảo Yến) ngày 7/5. Ở Hòn Nồm, san hô phân bố thưa thớt, kích thước các tập đoàn nhỏ. Có hiện tượng san hô chết rải rác. Vắng bóng các loài cá điển hình cho vùng rạn sạn hô. Hòn La cũng ghi nhận hiện tượng san hô chết.
Trong khi đó, tại Cửa Tùng, Quảng Trị, các nhà khoa học phát hiện loài hàu chết còn lại xác, phần thịt đã bị phân hủy, miệng bị mở. Ngoài ra, khá nhiều vỏ hàu nằm rải rác trên nền đáy. Không phát hiện thấy ấu trùng tôm hùm con ở các hốc đá, mặc dù theo ngư dân, đây là thời điểm khai thác tôm hùm con tốt nhất trong năm. Nền đáy khu vực này còn bị bao phủ bởi lớp bùn mỏng màu vàng cho tới nâu vàng, nước biển vẩn đục nhiều.
Tại Thừa Thiên Huế, nơi cuối cùng của dòng chảy độc tố, các nhà khoa học khảo sát ở hai địa điểm, đều ghi nhận san hô chết và rất ít gặp các loài cá kinh tế và điển hình cho sinh cảnh rạn. Đáng chú ý, trước đây, một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, điểm rạn Bãi Chuối, Bắc Hải Vân của Huế từng có mật độ cá con và ấu trùng cá rất cao, là bãi đẻ chủ đạo của khu vực. Đặc biệt là họ cá Khế Carangidae (dân địa phương gọi là cá Vẩu) nhưng giờ, kết quả quan trắc không bắt gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ này nữa.”
Với sự tàn phá như thế mà Đảng và nhà nước CSVN đã chịu nhận bồi thường từ Formosa Đài Loan có 500 triệu dollars sao? Ai là người của phía Việt Nam đã ngửa tay ra nhận đồng tiền nhơ bẩn này của Formosa?
Dù bây giờ chưa ai biết nhưng lịch sử rồi sẽ có câu trả lời cho nhân dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Báo Tiền Phong cho biết thêm: ”Theo TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia về thủy sản, vùng rạn đá, san hô là nơi có chức năng tái tạo hệ sinh thái biển. Các loài cá, cua, ốc… khi sinh sản tìm về đây vì vừa có nguồn thức ăn lại có nơi trú ẩn. Nếu rặng san hô bị chết, tôm, cá, cua, ốc không còn nơi sinh sản đồng nghĩa với việc các loài hải sản sẽ không còn sinh sống ở đây, hệ sinh thái bị mất đi.”
Như vậy thì những ngưởi được gọi là Nhà báo ở Việt Nam đang phục vụ trong báo nhà nước, kể cả Hoài Minh, người đã khoác lác “môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã trong lành trở lại” đã sáng mắt, sáng lòng chưa?