BÀN THÊM VỀ KHÔN NGOAN HAY LỪA BỊP

Nguyễn Đình Cống

20-6-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vừa qua, nhân “Sự việc Đồng Tâm” tôi có viết bài “Khôn ngoan hay lừa bịp”. Sau đó tôi tiếp một ông bạn đến chơi và đưa ra lời phản biện.

Ông nói: Trên nguyên tắc tôi tán thành câu “Dùng nhiều cán bộ trưởng thành trong chiến tranh cho quản lý dân sự là một trong những sai lầm lớn về tổ chức”, nhưng viết như thế chưa chuẩn, phải thêm vào mấy chữ nữa “trừ một số trường hợp đặc biệt”. Biết rằng tác giả không vơ đũa cả nắm nên đã dùng từ nhiều cán bộ chứ không phải tất cả cán bộ. Dùng một số ít, có lựa chọn là nên và có thể.

Việc dùng mưu trước hết chứng tỏ người tạo ra và thực hiện được là có đầu óc suy nghĩ. Chẳng phải chiến tranh mà đời thường, đặc biệt trong sáng chế người ta cũng dùng nhiều mưu mẹo. Để đánh giá một mưu kế là khôn ngoan hay lừa bịp, cần phải dựa vào mục đích cuối cùng hướng tới, nó mang tính thiện hoặc bất thiện. Mưu kế thiện là dương mưu, là sáng kiến hoặc thủ đoạn tích cực. Mưu kế bất thiện là âm mưu hoặc thủ đoạn tiêu cực. Tôi sẽ kể một câu chuyện để mọi người tự rút ra kết luận.

Tôi tạm ngừng lời ông bạn và nói: “Vâng, tôi xin nhận lời phản biện của anh. Đúng là khi xét các quy luật xã hội phải biết chỉ ra những trường hợp đặc biệt, không được vơ đũa cả nắm, Tôi đã có ý đó nhưng viết chưa rõ nên có thể gây ra hiểu nhầm cho một số ít người. Anh có chuyện gì hay xin kể.

Ông kể: Trước đây một thời gian dài, một số lãnh đạo Đảng chủ trương công nông hóa trí trức. Theo chủ trương đó, khi tuyển sinh vào các trường đại học, cho đi học hoặc làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài không cần thi hoặc kiểm tra trình độ học vấn mà chỉ xét lý lịch, ưu tiên con em công nông và cán bộ đương chức. Việc xét này do toàn quyền của Ban Tuyển sinh các tỉnh thành được Đảng lập ra. Chủ trương này có thể tạo ra 2 nguy cơ: 1- Đưa vào đội ngũ trí thức một số người kém năng lực, nếu số này trở thành lãnh đạo thì càng nguy. 2- Có nhiều khả năng một số thanh niên có năng lực bị loại bỏ, không được đào tạo và sử dụng chỉ vì một vài người trong chính quyền địa phương có điều gì đó không vừa lòng với gia đình, nhận xét không tốt về lý lịch.

GS Tạ Quang Bửu đã từng là Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội. GS không tán thành đường lối công nông hóa trí thức nhưng không dám trực diện phản đối. Khi làm Bộ trưởng Bộ Đại học, ông nghĩ ra một mưu kế gồm 2 bước. Bước 1- Trình Quốc hội thông qua chính sách ưu tiên trong giáo dục, sắp xếp các ưu tiên loại 1, loại 2, loại 3. Sau khi Quốc hội thông qua, ông thực hiện bước 2: Tuyển vào đại học hoặc làm nghiên cứu sinh phải qua một kỳ thi. Những đối tượng ưu tiên được cộng thêm điểm.

Việc làm này của GS Bửu đã được nhiều trí thức ủng hộ, nhưng cũng bị khá nhiều cán bộ của Đảng phản đối, thù ghét, cho là GS đã chống lại đường lối công nông. Ghét và tức tối nhưng con cái vẫn phải đi thi mà không được ưu tiên. Ban Tuyên giáo và Đảng đoàn bộ ĐH tìm cách đấu tố GS. Họ còn mở một hội nghị, triệu tập cán bộ các trường từ Trưởng bộ môn trở lên về họp ở Hội trường Đại học Kinh tế để phổ biến yêu cầu góp ý kiến cho Đảng đoàn về Bộ trưởng, mà thực chất là kêu gọi những người trung thành với Đảng tố cáo GS. Về cuối đời GS Bửu gần như bị thất sủng.

Xét ra, trong mưu kế của GS cũng có chỗ lừa. Khi đệ trình chính sách ưu tiên ông giấu kín, không cho ai biết bước tiếp theo là tổ chức thi, họ vẫn tưởng Bộ ĐH tiếp tục thực hiện việc xét tuyển theo lý lịch. Một số người ủng hộ GS trước đây trong chính sách ưu tiên cho rằng mình đã bị mắc lừa. Đó là một mưu kế cực thiện, nhằm mang lại lợi ích cho Quốc gia và bị thiệt cho cá nhân.

Ghi chú: Tôi ( NĐC) và ông bạn đều dự cuộc hội nghị viết ở trên.

Bình Luận từ Facebook