TUỔI MƯỜI BẢY

Khuất Đẩu

Tranh Minh Họa: Internet

Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu

Tục ngữ

Mười bảy tuổi, non sáu mươi năm trước, từ vùng “tự do” đất Bình Định tôi tới nơi “bị tạm chiếm” là đất Khánh Hòa, để thi vào trường Võ Tánh. Suốt một ngày dài, vừa đi bộ, vừa đi xe đò, cả đi thuyền qua sông Ba, mãi đến chiều tối, sau mười bảy năm sinh ra đời, tôi mới tận mặt nhìn thấy chiếc xe lửa đầu tiên!

Nó đứng đợi lù lù ở bờ nam với những toa dài ngút mắt, trông xa như một bức trường thành. Bước chân lên tàu mà lòng cứ nôn nao, liệu to và dài như thế này biết nó có chạy nổi không. Rồi xe chui qua những hầm tối đen như mực ở đèo Cả, lại thầm lo núi sập. Đến Nha trang, trông thấy nhà ga đồ sộ với nhiều mái ngói đỏ au, tưởng là dinh thự của hoàng đế Bảo Đại vừa mới bị Ngô Đình Diệm phế truất.

Nghĩa là suốt chín năm ăn mì ăn khoai, chữa bệnh lao bằng trái sung nhám sàm, chữa sốt rét bằng cách nhai dây ký ninh đắng nghét, đào hầm, vót chông, phá cầu đường, phá đình miễu, hết chống Pháp đến chống can thiệp Mỹ, hết đi dân công tải đạn đến chuyển thóc chuyển muối, rồi đêm đêm ngồi nghe cán bộ bày ra những cách đấu lý đấu lực với địa chủ, đấu sao cho nó lòi vàng ra.

Ấy là những người vào thời đó đang bước vào tuổi mười bảy. Còn tôi chỉ vừa ngấp nghé, nhưng cái ngu cái dốt của nó để lại, khiến tôi khờ khạo hơn cả một chú mán.

Lần đầu tiên thấy đèn điện, cũng ngơ ngác khó tin như vua quan triều Nguyễn nghe nói đèn không dầu, chúc ngọn xuống đất mà vẫn sáng. Khi bà cô họ già lụ khụ bảo tôi ngủ nhớ tắt đèn, tôi dạ nhưng chẳng biết tắt ra làm sao! Mãi đến khi cô ngủ đã một giấc, thức dậy rầy tôi sao thức khuya, liền thò tay vào cái nút gì đó bật kêu đánh cắc một tiếng, là tối om như làm phép lạ.

Cho nên, những chú bộ đội mười bảy tuổi khi vào “rải phóng” miền Nam, rửa rau trong bồn cầu cũng không phải là chuyện bày đặt của những thế lực thù địch.

Nghĩ lại thấy thương mình và thương những ai nhỡ đầu thai lầm đất chết, suốt bao năm làm con ếch ngồi đáy giếng, trông lên chỉ thấy mỗi cái đít của đảng là to bằng giời!

Giờ đến lượt con và cháu, chẳng biết cách nào mà làm ra một con ốc! Ngu lâu như thế thì biết đến bao giờ mới tới được cổng thiên đàng XHCN! Đó là chưa muốn nói cái ngu nó làm cho ai cũng trở nên hèn!

Hèn từ khi tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin, lớn lên thì còn cái lai quần cũng đánh (ngu đến nỗi đem câu chửi những người đánh bạc, gắn vào miệng Út Tịch rồi khen rối rít là nữ anh hùng).

Hèn, khi không dám chỉ mặt gọi tên bọn cướp biển là Tàu ô, mà chỉ dám gọi khe khẽ là “tàu lạ”. Khi chúng cắt cáp, đã không dám la làng lại còn chạy tội cho chúng, bảo rằng vô tình làm đứt!

Thế rồi một lũ tướng tá oai phong mà không lẫm liệt bèn đi qua, tưởng vào tận hang hùm để bắt được cọp, không ngờ chỉ để khúm núm xun xoe xin được gọi kẻ cựu thù mấy nghìn năm là “bạn”,trong khi chúng nó mắng là đồ phản phúc vô ơn, ai thèm làm bạn với chúng mày!

Vì xót thương đám con chiên bị o ép đủ điều, cực chẳng đã vua của cả tỷ tín đồ cũng phải hạ cố bắt tay, nhưng quan tướng quốc mặt cứ câng câng ra vẻ ta đây cũng đâu kém cạnh gì. Tưởng là khôn lỏi, hóa ra lại lòi cái ngu trong phép ngoại giao.

Ôi chao, thời đại gì mà tuổi nào cũng hèn!

Vì hèn nên yếu!

Vì yếu nên nhát!

Vì nhát nên khiếp sợ phải hạ nình!

Tức là đúng chóc ba chữ: hèn yếu, hèn nhát và hèn hạ của tiếng Việt rất chi là phong phú khi mô tả nhân cách của một con người.

Xưa, chỉ mỗi mình Mạc Đăng Dung tự trói mình ở ải Nam Quan và mỗi Lê Chiêu Thống kết tóc thành đuôi sam. Giờ, hèn từ trên xuống dưới, hèn từ trong ra ngoài. Không chỉ hèn một phút một giờ, mà từ năm này sang năm nọ. Hèn dài dài, hèn đến mút mùa lệ thủy!

Nhớ xưa, Trần Quốc Toản, sau khi giận quá bóp nát trái cam mẹ cho vì không được vào dự hội nghị Diên Hồng, liền tập hợp gia nhân lập thành một đạo quân, cờ đề sáu chữ (đúng là) vàng “phá cường địch, báo hoàng ân”, để cùng với vua Trần phá tan quân Nguyên.

Nguyễn Huệ mười bảy tuổi đã một mình trên lưng ngựa, tung hoành bắc nam một cõi. Đến Ký con, chưa tuổi mười bảy, đã là trưởng ban ám sát của Quốc Dân đảng khiến lũ Việt gian sợ kinh hồn.

Giờ đây, bọn Taliban khét tiếng tàn bạo với phụ nữ, mà một cô gái chưa tới tuổi mười lăm đã dám chống lại để đòi quyền được đi học, đến nỗi bị bắn vào đầu suýt toi mạng.

Và rồi, một thiếu niên Hồng Kông mảnh mai đeo kính trắng, ai cũng bảo ăn chưa no lo chưa tới, vậy mà dám đứng lên lãnh đạo các bạn xuống đường bãi khóa, đòi cho được cái quyền bầu người do dân chọn chứ không phải Bắc Kinh cử.

Xem cô Malala phát biểu trước diễn đàn này đến cuộc phỏng vấn nọ, ngay cả khi đứng trước nữ hoàng Anh, hay Tổng thư ký Liên hiệp quốc, cứ tưởng như một chính khách cỡ Angela Merkel. Nay cô mười bảy tuổi, ẵm nửa giải Nobel hòa bình.

Và cậu Joshua Wong ngồi họp đàng hoàng với đại diện chính quyền thân Bắc Kinh, (sau lưng có hậu thuẫn xe tăng và quân đội như ở Thiên An môn), mặt đối mặt mà cậu và các bạn đồng học vẫn hiên ngang đĩnh đạc.

Quả thực, ở họ đúng là tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Nhưng không phải là sức mạnh của cơ bắp, mà là sức mạnh của ý chí và tinh thần.

Ai cho họ cái sức mạnh phi thường ấy? Chính là cái không ngu và cái không hèn của tuổi mười bảy.

Vì không ngu nên họ biết dùng sức mạnh của internet, tưởng là ảo nhưng là thứ vũ khí mà các chế độ toàn trị tối tăm mày mặt, khi phải chống đỡ như lạc vào ma trận.

Vì không hèn, nên họ dám đòi cho dù bị bắn vào đầu và ngang nhiên nằm giữa đường chơi game trong khi cảnh sát trang bị tận răng đứng hàng hàng như robot.

Mà họ không ngu và không hèn, ấy là bởi cái chế độ họ đang sống, dù có tàn bạo như Taliban hay là “bóc lột thậm tệ” như thực dân Anh, cũng không đến nỗi ngu và hèn như đảng cộng sản.

Thế thì đã rõ, đừng hỏi một cách bâng quơ như Trịnh Công Sơn: “còn tuổi nào cho em?”.

Còn tuổi mười bảy đó, tuổi của Malala, tuổi của Joshua Wong, tuổi đẹp nhất và cũng trí dũng nhất để bước vào lịch sử. Có điều, tuổi mười bảy chỉ đẹp và trí dũng, một khi không còn chế độ ngu lâu và hèn dài.

Vấn đề đặt ra là ở chỗ còn hay không còn đó. Còn giải quyết, thì tôi đã xa rồi cái tuổi mười bảy ngu dốt đáng xấu hổ! Và, cũng đáng nguyền rủa nữa!

Bình Luận từ Facebook