NHỮNG CON ĐƯỜNG LÀNG

Khuất Đẩu

Ảnh Minh Họa: Internet

Như một con trăn dài hiền lành, nó bò từ làng nọ đến làng kia. Không biết từ đâu đến và cũng chẳng biết đi đến đâu, nó cứ lặng lẽ bò đi, lúc lượn sát sườn một con sông nhỏ, lúc ôm hờ hững một ngọn đồi, lúc qua cầu ván đóng đnh rồi trườn dài qua cánh đồng lúa chín, lúc lại vùi mình trong cát nằm nghe sóng vỗ rì rào. Giả thử theo nó đi cho hết những con đường làng quê, từ lúc tóc còn xanh cho đến khi tóc bạc trắng, chắc gì đã đã đi hết được. Không có ai bỏ công mà tính những con đường làng quê Việt nam dài bao nhiêu cây số, chỉ biết nó rất dài, ngoằn ngoèo quanh co như những mạch máu trong châu thân ta, dễ gì mà tính được.

Nhưng tính toán làm gì, bạn cứ thong dong mà đi, một buổi sáng rỗi việc hay một buổi chiều nhàn nhã, nếu tối có trăng sáng càng tốt, cứ đi cho đến khi mệt quá cái đôi chân này thì nằm ngủ ở đâu chẳng được, trong một ngôi miếu cổ, dưới mái hiên chùa hay trong nhà ai rộng mở.

Bạn có thể ngồi xuống bên đường, ăn sáng với thứ bánh không một chút dầu mỡ, coi như bột nướng trên than hồng, phần dưới sem sém phần trên rỗ như tổ ong. Bánh nóng dìm xuống chén nước chấm nghe nổ lắc rắc. Bạn sẽ cảm thấy thứ bột gạo trắng như sữa ấy bỗng chốc trở nên vừa dòn vừa dẻo. Nếu là buổi chiều bạn hãy ăn một tô bún cá nấu bằng cá ngừ thêm một ít chả làm bằng cá nhồng rất thơm thịt.

Lưng lửng bụng cho dễ đi. Bạn sẽ bắt gặp những người đàn bà tát nước gàu sòng hay những người đàn ông tát nước gàu dai. Gàu sòng chỉ một người cũng đủ, vì những con mương nhỏ nước đầy gần ngang mặt ruộng. Nhưng gàu dai múc nước từ dưới sông lên nên cần phải có hai người. Bạn hãy dừng lại mà ngắm họ tung chiếc gàu nan lên cao như thể đánh đu, rồi vục miệng xuống sông để nó uống đầy nước, mới kéo lên đổ vào ruộng đang khát. Hai người cùng cúi xuống, cùng ngẩng lên để kéo một gàu nước nặng, vậy mà họ cử động thật nhịp nhàng ăn ý.

Nếu đang là mùa gặt, bạn sẽ được thấy những đôi chân nhanh nhanh, những gánh lúa đong đưa và cái nhịp điệu gánh gánh gánh/ gánh về/ gánh về thật rộn rã.Trên cánh đồng hãy còn gốc rạ những con trâu đen những con bò vàng đang gặm cỏ rào rào, trong khi trên cao những chiếc diều vụng về của trẻ con bay lượn thật yên bình.

Nếu đi qua một nương bắp đang trổ cờ và nếu trời không gió, bạn sẽ giật mình cứ tưởng như đang duyệt một đoàn quân tăm tắp bồng súng đứng chào với lưỡi lê tuốt trần. Và nếu bạn đi qua một làng chài gặp lúc thuyền ngoài khơi vừa cập bến, bạn cũng sẽ lại thấy những đôi chân thoăn thoắt, lại nghe điệp khúc gánh gánh gánh nhưng không gánh về nhà mà gánh chạy lên chợ. Mùi biển mặn, mùi cá đậm đặc đến nỗi tưởng chừng thè lưỡi ra là nếm được.

Và đêm, những đêm trăng mát dịu, người ta bày cối ra gữa sân giã gạo, trong tiếng chày thình thịch có tiếng hát hò của nam nữ đối đáp chòng ghẹo nhau cho đỡ buồn và đỡ mệt. Một đôi lần trước sân đình, may mắn được xem hát bội, bạn sẽ thấy những vua những quan, những trung và nịnh, với bao cảnh nhi nhô, những mưu ma chước quỷ, những oan khuất ngất trời, những mối thù truyền kiếp được bày ra trên sân khấu sơ sài nhưng rất sống động trong tiếng trống thùng thùng giữ nhịp và tiếng kèn ai oán như khóc như than. Rồi bạn ngã lưng xuống đâu đó trong khi tiếng chuông chùa vẫn bình thản ngân dài len vào giấc mơ bạn mà bảo rằng cuộc đời đó có chi mà hững hờ.

Tôi yêu những con đường nhỏ Việt Nam, dường như lúc nào, cũng cảnh vật đó với những bờ tre la đà, những vườn chuối trĩu buồng, những cây đu đủ bồng con lên tận ngọn, những mái đình rêu phong, những bờ đê cao ngất, và những con người tưởng chừng một ngàn năm qua và đến cả ngàn năm sau vẫn vậy, vẫn nhỏ bé đen đúa, quanh năm một nắng hai sương sống nhờ đất và cũng sẽ chết nhờ đất, vẫn chỉ có một ước mơ nhỏ bé là sáng thức dậy thấy mình hãy còn sống với những người thân yêu, được ăn một vài bát cơm đầy rồi tối đến được ngủ một giấc dài không mộng mị. Cuộc đời bình lặng tưởng như cái ao bèo, nhưng là cuộc đời của họ, không làm gì phiền muộn đến ai.

Thế nhưng, trong gần một trăm năm qua, cuộc đời đó không còn no đủ bình yên nữa. Đầu tiên họ đói rã người ra đến nỗi ăn được đất họ cũng ăn, trong khi họ vẫn miệt mài cày sâu cuốc bẩm, lúa vẫn được mùa, nhưng rồi lúa trong nhà không còn một hạt, gạo ngoài chợ cũng không, họ bỏ làng kéo nhau lên phố chợ cực chẳng đã làm cái việc đáng xấu hổ là đi ăn xin, nhưng họ nhiều quá, dù ai giàu có ngất trời cũng không đủ gạo tiền để cứu họ. Thế là mẹ ôm con mà chết, chồng chưa kịp nhìn thấy xác vợ con bị quẳng xuống hố, cũng chết luôn. Đến hai triệu người đã chết mà không hiểu vì sao.

Chưa hết, súng đạn lại giết thêm hàng triệu người nữa, trong đó có những cảnh người giết người bằng một đai cuốc, bằng dao rựa, bằng đấm đá để bớt tốn đạn trong các buổi đấu tố chứ không phải bão tố. Rồi nhiều con đường vô tội bỗng trở nên những cái bẫy giết người nham hiểm. Nơi này mai phục bằng hầm chông, nơi khác bằng mìn claymore, lựu đạn, rồi tất cả cùng được tắm máu. Nên có những tên mới lạ hoắc, đồi Thịt băm hay Đại lộ kinh hoàng.

Đến lúc này, họ không chỉ bỏ làng mà bỏ luôn cả nước để chạy thoát thân. Nhưng gió to sóng cả, nếu không nằm trong bụng cá, thì họ cũng nổi bập bềnh với những thân xác trần truồng sau khi đã bị bọn cướp biển làm nhục.

Giờ, những con đường nhỏ nhiều chỗ phình ra thành con phố với những ngôi nhà đủ kiểu xanh đỏ tím vàng lòe loẹt, thò ra thụt vô như một hàm răng lòi xỉ. Ở đó cũng có karaoke, có cà phê đèn mờ, có những cô em mặc áo hai dây mặc quần bụi xé lên tận bẹn và giời ạ, cũng có Fast food!

Xin bạn đừng thơ thẩn mà đi lang thang nữa, xe cọc cạch có thể làm bạn sứt đầu mẻ trán, ban đêm có thể bị dí dao vào ngực để trấn lột. Không còn cảnh tát nước bên đường mà chỉ có máy bơm phành phạch, không còn những đêm trăng hát hò mà những màn hình TV sáng đèn với đủ các cuộc thi từ hoa hậu chân dài cho đến tài năng đủ cỡ.

Thì thôi hãy lên non một mình mà khóc cho những ngày dài trên quê hương tôi!*

__________________________

*Chữ in nghiêng mượn của Trịnh Công Sơn

Bình Luận từ Facebook