Khuất Đẩu
Gánh gánh gánh, gánh thóc về, gánh về…
Phạm Duy
Bà tôi nói, ngày xưa hạt lúa to như trái bí ngô, đến lúc chín là nó tự lăn về. Chủ nhà cứ việc quét sân mà ngồi đợi.
Tôi thử tưởng tượng: cảnh lúa lăn nhộn nhịp trên đường quê, sao mà ngộ nghĩnh và vui quá. Ở thiên đường chắc gì đã có cảnh ấy. Còn thiên đường hạ giới của cộng sản thì chỉ có con người lăn (quay) thôi!
Thế nhưng sướng quá sinh hư, bà lại nói. Cô con gái giữ việc quét sân cứ mải chơi không quét. Khi lúa ầm ầm lăn vào ngõ thì cái sân hãy còn đầy rác. Bị mẹ mắng, cô giận quá trở cán chổi mà đập bốp bốp khiến chúng vỡ ra hàng ngàn mảnh nhỏ. Đến mùa, chúng giận dỗi không thèm về nữa. Từ đó, cô phải năn nỉ vuốt ve, phải bồng ẳm, rồi khom lưng xuống cõng, mới đem được chúng về nhà.
Nói xong bà cười móm mém. Một cái cười hóm hỉnh như muốn nói, ấy là ta ghét mấy đứa lười biếng.
Cũng ngày xưa, nghe nói, đất phương nam ruộng thẳng cánh cò bay, có một thứ lúa bềnh bồng theo mùa nước nổi. Khi nước xuống, lúa nằm rạp trên bùn, nứt thêm nhánh, trổ thêm bông. Lúa gặt đập xong cứ để trên những giồng đất chứ không đem về nhà (vì nhiều quá không nhà nào chứa nổi). Mưa, nắng, lớp bên ngoài mọc mạ, rồi khô cứng biến thành mái che. Khi bán, chỉ cần lấy phần bên trong cũng đủ ăn xài thoải mái.
Ngày xưa, Trời hành cơn lụt mỗi năm. Có nhà trôi, người chết. Nhưng lụt cũng đem đến mầu mỡ mà không phân hóa học nào sánh nổi. Lụt cũng cuốn trôi hết sâu bọ ra biển mà không cần một chai thuốc sâu nào. Đất lại cho những mùa vàng để cho con người vui vẻ gánh gánh gánh/ gánh thóc về/ gánh về/ gánh về…
Nhưng giờ chẳng những các cô gái không còn sân để quét, mà cũng chẳng ai cho bồng ẵm gồng gánh chúng nữa. Đã có những chiếc máy làm hết những công đoạn: gặt, đập, xay, giã. Gạo được lau chùi sáng bóng để xuống tàu xuất dương một cách đình huỳnh, chứ không phải núp lén vượt biên rồi làm mồi cho cá mập và hải tặc.
Các công ty xuất khẩu gạo bây giờ là những địa chủ kiểu mới. Họ chẳng cần bóp nặn từng đồng từng cắc, họ cứ sống phong lưu trong những biệt thự có gắn máy lạnh, đi xe bóng láng. Họ không còn sợ bị đem ra bắn bỏ như bà Nguyễn thị Năm. Cái tội lớn nhất của bà là đã dám nuôi bác Hồ và cán bộ Đảng. Vì vậy, khi bà bị đem ra đấu tố, bác đã phải che râu để đứng xem. Còn họ, là những đứa con cưng của Đảng, ai dám đem ra bắn.
Xuất khẩu đến hàng chục triệu tấn gạo mỗi năm, nhưng những người làm ra hạt gạo, thân phận của họ vẫn không khá hơn. Họ đành bỏ ruộng đồng để trở thành dân nhập cư. Gái thì may cho đến mờ mắt hay đứng bóc tôm làm cá suốt ngày đến phù cả chân. Trai thì chui vào các công ty với đồng lương chết đói. Những đứa trẻ không còn vắt vẻo trên mình trâu để hát rằng ai bảo chăn trâu là khổ/ chăn trâu sướng lắm chứ, mà phải cõng gạch trên lưng với số lượng nhiều gấp đôi sức nặng của chúng.
Cái chữ lúa lúc này trở thành tai họa được báo trước, khi người ta nói lúa đời rồi. Cũng như tiêu đời, chỉ còn nước chết thôi!