CÁI SÂN ĐẤT

Khuất Đẩu

Ảnh Minh Họa: Internet

Đó là một khoảnh đất được giới hạn bởi chiều dài và chiều rộng của một ngôi nhà hình chữ đinh. Nó vừa là sân phơi thóc, vừa để lũ trẻ chơi đùa và người lớn buổi tối dải chiếu ngồi trông trăng, uống trà hay nhâm nhi một vài chén rượu.

Cái sân ấy là trang đời chép đầy ký ức của tuổi thơ tôi.

Ngay khi vừa biết đi lẩm đẩm, mẹ đã dắt tôi đi trong sân để cho tôi bi bô nói cười. Rồi khi biết chạy, tôi giả làm ô tô miệng kêu bin bin, hay máy bay kêu ù ù. Trẻ nhà quê, đương nhiên là chân không mang giày. Đất bũn cứ việc giẫm lên thõa thích, đã có bà hay mẹ lau rửa trước khi dỗ ngủ. Cùng với tiếng võng kẽo kẹt là tiếng ru hời hời đã đưa tôi vào giấc ngủ dài không mộng mị.

Lớn thêm đôi chút, tôi cùng lũ trẻ nhà bên ngồi bệt xuống đất mà chơi ô ăn quan, búng hột me, hay lấy đất bũn ngào nước làm thành bánh trong những khu chén bể. Tối đến chơi u mọi hay trốn tìm. Đôi khi bà bảo thôi đừng chơi giỡn nữa, lại đây bà kể chuyện cho mà nghe. Thế là cả bọn ngồi chò hỏ quanh bà như những con khỉ cụt đuôi, nghe từ cái miệng móm mém không răng lúc nào cũng đỏ vì ăn trầu, những chuyện thần tiên tưởng như có thật, chuyện quỷ ma nghe đến lạnh mình.

Cái sân ấy, một năm hai lần, thật tưng bừng rộn rã khi mùa gặt tới. Lúa ngoài đồng được thợ gặt từ sáng sớm, cắt soàn soạt rải trên gốc rạ để phơi nắng. Chiều hôm sau, cũng chính họ cột từng bó, kìn kìn gánh chạy một mạch về tới tận nhà. Rồi họ đập chúng thình thịch trên những chiếc ghế làm bằng tre cho đến khi gần như không còn một hạt nào dính trong rạ. Đập xong, họ quạt sạch rồi đem đổ thành cụm trên thềm, nơi có bà tôi hay mẹ ngồi sẵn để chia lúa.

Tùy ruộng xa hay ruộng gần, tùy bụng rộng hay hẹp của chủ mà chia chín hay chia mười. Nghĩa là cứ tám hay chín cão về phần chủ, một cão về phần thợ. Bà tôi cầm cái ống gạt bằng tre bóng nhoáng, gạt qua cão kêu soạt một tiếng cho phần của bà, đến cão thứ chín của thợ, bà gạt nhẹ tay, có nghĩa cão ấy nhiều lúa hơn. Khi không còn đủ lúa để chia bằng cão nữa, người thợ gặt liền rạch đôi khóm lúa, phần ít về bà, phần nhiều phân thành bốn khóm, bà lại nhường khóm lớn nhất cho họ, đôi khi còn cho thêm một bụm. Bà rộng rãi, ngồi chia lúa ai cũng thích, nên khi bưng phần lúa của mình lên, họ đều cười rất tươi.

Đây là lúc cả chủ và thợ cùng vui vì đã đem được hạt lúa về nhà. Mùi lúa thơm lừng, là mùi bùn đất, mùi nắng và cả mùi mồ hôi. Không có thứ cây trái nào có thứ mùi bình dị mộc mạc nhưng cảm động như mùi thơm của lúa.

Vài ba hôm sau, khi lúa được phơi trên sân, vàng như những mảnh vàng thật mới đãi, rồi được xay giã, nấu thành cơm, lúc này xin mời bạn hãy ngồi vào bàn, ăn một bát cơm lúa mới. Chỉ ăn với muối đậu, muối ớt hay với mắm kho quẹt thôi, để bạn nghe ra cái vị dẻo và mùi thơm của từng hạt một, mùi thơm và vị dẻo mà gần đây bọn làm hàng giả đã phù phép để vừa rút ruột vừa làm hư ruột bạn.

Nhưng sân không chỉ để phơi lúa, còn là mảnh vườn rau tốt tươi khi mùa xuân đến. Sau mùa mưa lụt, sân hãy còn phủ rêu, ông tôi đã lấy đất ngoài vườn, đổ thành rò vuông vắn như cắt bánh đúc. Trên đó, những củ hành tím, những tép tỏi trắng được vùi xuống thành hàng, chừng dăm hôm là đã nảy lên những mầm xanh nhọn hoắc như chông. Ông tôi cũng không quên gieo thêm cải, cúc (tàn ô), ngò, bồng sàng (thì là). Những mầm xanh li ti cũng theo nhau mọc lên. Rồi những cơn mưa phùn, cộng với nắng ấm khiến chúng lớn nhanh như thổi. Đây là lúc bà tôi tỉ mẩn nhổ những cây cải non, những cúc, ngò sàng, tước thêm vài cọng hành cọng tỏi để làm nên những rổ rau sống tươi ngon.

Cuối tháng chạp, cải lên ngồng nở hoa rơi lả tả, hoa cúc nhụy vàng cánh trắng nghiêng nghiêng, cùng với hoa vạn thọ nở xòe như bánh bò chờ đón Tết. Pháo nổ đì đẹt, xác pháo đỏ tươi, rơi trên sân càng thêm vẻ rực rỡ. Cũng là lúc bọn trẻ con thấy mình giàu có nhất trong năm. Chúng được lì xì, chỉ vài đồng bạc mới, nhưng đứa nào cũng cúm na cúm núm như thần giữ của, giấu không cho ai thấy.

Khi tỏi hành đã già rũ, ông tôi lại cào hết đất đem ra vườn, sau khi bà tôi đã nhổ lấy củ cột lại từng chùm đem phơi. Sân được sửa lại phẳng phiu, được tráng bằng nước phân trâu pha loãng, khi khô thành một tấm áo cứng sạch bong đủ sức che bụi đất, để lại có chỗ mà đập và phơi lúa.

Để tránh cái nắng chói chang của những trưa hè, từ tháng chạp, ông tôi đã ươm sẵn những hạt bầu hạt mướp. Khi lúa gặt xong, bầu mướp cũng đã bắt đầu leo lên giàn. Sân dần dần được khoác lên mình một chiếc áo xanh của lá bầu, lá mướp.

Rồi hoa mướp vàng, hoa bầu trắng được những con ong bầu không mời mà đến, với cái bụng to đen giống như bầu đựng cốm. Chúng vô tình làm cái công việc xe duyên cho bông đực và bông cái. Khi những bông đực làm xong việc truyền giống mỏi mệt rụng xuống, để lại những bông cái uể oải với cái bụng bầu mỗi ngày một phình to thành những trái mướp dài thòng, những trái bầu tròn như nậm rượu, lắc lư theo từng cơn gió.

Bắc một chiếc chõng tre nằm ngửa mặt nhìn lên, không thấy trời đâu, chỉ thấy một màu xanh như ngọc trong veo. Lúc này hãy đem truyện Thạch Lam ra đọc hay ngâm nga một vài câu thơ của Nguyễn Bính. Đọc Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, nhất là truyện Dưới giàn bầu nậm lại càng thấy thú vị hơn.

Giờ, có máy gặt đập, rau cải được bày bán quanh năm tuy đầy thuốc trừ sâu, cái sân đất đã được lát gạch hay tráng xi măng để dựng xe Honda, làm rạp đám cưới. Sân bây giờ thành nơi khoe mẽ với những chậu cây phát tài, cây lộc vừng hay cây khế, là những cây có chữ tài, lộc và cả vàng (ăn khế trả vàng). Thời thượng hơn là những cây giả bôn-sai, nhiều cây giá đến hàng trăm triệu.

Thì thôi, đành ngậm ngùi mà xếp trang ký ức già nua của mình lại. Chỉ thương cho những đứa cháu mai sau, không có được một cái sân đất để mà nhớ như ông của chúng đang nhớ.

Bình Luận từ Facebook