Khuất Đẩu
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây…
Hồ Dzếnh
Những năm đi học xa, Tết đến, mỗi lần đặt chân lên con đường đất từ ga Bình Định rẽ xuống làng, tuy đã gần đến nhà mà sao tôi vẫn cứ thấy nhớ.
Hồ Dzếnh, nhà thơ có nửa dòng máu Trung Hoa, nên cái nhớ của ông thật tràn đầy với Tô Châu lớp lớp phù kiều/ Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam. Tôi chỉ là một gã con trai mặt vừa mới trổ lang beng và vừa mới bể tiếng nên cũng chưa nhớ ai bôi hổi bồi hồi/ như đứng đống lửa như ngồi đống than. Tôi chỉ nhớ lưng lửng thôi. Nhớ bà, nhớ ông…và con chó mực. Những người và con vật có lẽ không còn sống được với tôi bao nhiêu năm nữa. Cứ mỗi lần về rồi đi, tôi lại nghĩ biết đâu đây là lần cuối cùng tôi được gặp. Cho nên cái tiếng buồn Hồ Dzếnh nghe vang tận trong mây thì tôi chỉ nghe vang nhè nhẹ. Tuy nhẹ nhưng vẫn là tiếng buồn, nó khiến xui bước chân tôi vội vã hơn và lòng thì nôn nao tưởng như có ai chạm vào.
Đầu tiên là cái bến xe ngựa mà mùi phân và nước đái, dẫu chẳng thơm tho chút nào, vẫn khiến tôi xúc động. Nó không như bến xe ô tô nồng nặc mùi xăng dầu đến ngầy ngật. Nó khai khai, gắt gắt. Nó lưu cửu từ năm này tháng nọ, nên ngồi đâu đứng đâu cũng thấy nó đậm đặc, tưởng chừng sờ thấy được.
Xe đến chuyến đang đợi sẵn, khách cứ việc leo lên, đủ số người thì chạy. Con ngựa, cái mặt vẫn dài muôn thưở, đuôi thỉnh thoảng ngoe nguẩy vu vơ. Chủ cũng vẫn bộ quần áo cũ kỹ, có lẽ mặc đến chết thì thôi chứ chẳng buồn thay. Ông vẫn đứng tỉnh bơ hút thuốc, chẳng cần biết trong số khách có người đang nóng ruột muốn được sớm về nhà.
Trời trên bến xe, vẫn là trời của muôn năm cũ. Chẳng có một cột ống khói nào, cũng chẳng có nhà cao tầng. Vẫn là một khoảng cao rộng mênh mông, để mây trắng lắm tha hồ bay, để gió thênh thang thổi. Nghĩa là vẫn màu trời của thôn xưa khi nắng xuân chưa nhạt màu.
Rồi xe cũng chạy. Khởi sự băng qua một đoạn lồi lõm đến kinh người, gọi là Bầu Sáo. Mùa lụt, nước từ sông tràn qua, cuốn hết đất đá, để lại những lỗ thủng to như cái nong. Chủ xe phải nhảy xuống phụ lực cho con ngựa. Đôi khi bánh sụp xuống lỗ, ông nói trong hơi thở dốc: thôi mấy người xuống giùm cho!
Lúc này mới thấy trong các con vật được con người nuôi, con ngựa kéo xe là khổ cực nhất. Nó thót bụng lại, phơi hết xương sườn ra, cố nhấc chiếc xe lên. Và đây chính là lúc nó bị đánh nhiều nhất. Chiếc roi ngựa bằng mây, dẻo và dai như thép, được chủ quất tới tấp trên lưng để lại những vết hằn tươm máu. Không như con trâu được chủ dỗ dành: trâu ơi ta bảo trâu này/ trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta!. Cho nên người ta bảo con trâu là bạn của nhà nông chứ không ai bảo là con ngựa.
Cuối cùng con ngựa cũng kéo được chiếc xe qua khỏi đoạn đường tử thần (vì từng có con đứt ruột mà chết). Đường tuy quanh co, nhưng bằng phẳng hơn. Dù mệt muốn đứt hơi, nhưng nó vẫn cố sức sải những bước dài, gõ móng xuống mặt đường kêu lóc cóc. Chiếc lục lạc ở cổ cũng vang lên những tiếng kêu leng keng. Cả hai tạo thành khúc nhạc buồn mênh mang, đúng là vang trong mây.
Con đường dọc theo sông, một bên cao là những vạt đất thổ được phủ đầy phù sa, bắp đổ xanh đầm đìa, một bên thấp là ruộng lúa đang thì con gái, cũng xanh nhưng dịu dàng hơn. Rồi qua một cái gò dài mà nếu đi bộ thấy sao mà nó xa thăm thẳm. Đầu gò có một bụi toàn tre đực đứng lẻ loi. Nơi đây ngày xưa, từng có người bị chém, đầu cứ treo mãi trên ngọn tre. Lại thêm những con ma Hời sờ soạng dắt nhau đi, nên dù đang ngồi trên xe ngựa, vẫn cảm thấy có chút gì lạnh lạnh. Rồi ngổn ngang gò đống kéo lên với mồ cao mả thấp, chưa đến Tết nên chưa có cảnh thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay, nhưng gần như mọi ngôi mộ đều đã được người sống giẫy cỏ sạch sẽ, để người chết cũng có thể vui với gió xuân ấm áp.
Phía bên kia sông, một tháp Hời màu nâu thẩm, vừa kiêu hãnh vươn lên giữa trời xanh, vừa trầm mặc soi bóng xuống dòng nước đựng cả bóng mây chiều. Nhìn ngọn tháp đó, bao giờ tôi cũng mơ màng nhớ tới công chúa Huyền Trân. Có lẽ vì con sông này chảy ngang qua kinh thành Đồ Bàn. Những Chiêm nữ ngày xưa đã từng xuống sông lấy nước cho nàng tắm. Bọn họ đầu đội vò nước, nhưng tay và chân vẫn tự nhiên thong thả, người nọ nối tiếp người kia thành một hàng dài trong bóng hoàng hôn.
Rồi xe đi qua thôn Thuận Thái, quê mẹ của mẹ tôi. Xe chạy sát một hàng tre dài để ngăn những cơn gió bấc lạnh buốt từ sông thổi vào. Bà ngoại mất trước khi mẹ tôi đi lấy chồng, nên lúc nhỏ mỗi lần theo mẹ về ngoại tôi không có được cái vui của đứa cháu sà vào lòng bà. Chỉ có ông ngoại cho tôi được sờ râu và lúc nào cũng có sẵn đường phèn để cho tôi một cục.
Qua hết cái lũy tre của quê ngoại là đã về đến quê của nội. Không có cây đa đầu làng, nhưng có cây vông quanh năm xanh tốt tỏa bóng mát cho lũ trẻ con nô đùa.
Đã thấy những nhà đầu xóm, hàng rào được cắt xén cẩn thận, cỏ trên đường đã được giẫy sạch, trong sân hoa cải nở lấm tấm, hoa tàn ô xòe nhụy tròn như đồng tiền và hai hàng vạn thọ trên lối vào, như tuân lệnh chủ đang đứng chào khách. Một màu vàng đơn sơ, nếu không muốn nói là quê mùa, nhưng hiền hòa chân thật.
Con chó già, mũi vẫn còn thính, đánh hơi tôi về đã ra tận ngõ vẫy đuôi mừng. Rồi ông tôi run rẩy để rơi một giọt nước mắt trên chòm râu bạc, bà tôi từ dưới bếp lên, móm mém nói: cháu về sớm, bà rất mừng. Mẹ tôi thì hỏi nói nhiều hơn, nắn cả tay tôi, xoa đầu tôi, hối tôi đi tắm để ăn món này uống món nọ.
Xem ra, nỗi nhớ của tôi giờ đây đầy hơn Hồ Dzếnh, vì cả hai nửa con người tôi đều là người Việt, mà là người được sinh ra và lớn lên ở một nơi xiết bao tâm sự.