Khuất Đẩu
Không ở nơi nào nhiều quán cà phê như ở Việt Nam. Cà phê cóc, cà phê võng, cà phê vườn, cà phê máy lạnh, cà phê cao ốc…
Không còn những căng tin với các mậu dịch viên mặt khó đăm đăm, khách phải sắp hàng lấy phiếu để mua một ly nước đen đen với hai điếu thuốc Tam Đảo. Cũng không còn cảnh các bà già Tàu ngồi chồm hổm trên ghế trụi, đổ cà phê ra đĩa ngồi húp như trước 75.
Cà phê bây giờ là nơi hò hẹn, chứ không phải những cây cầu. Trẻ, hẹn để được ngồi gần nhau, được ve vuốt hôn hít. Sồn sồn, đàn ông hẹn đi nhậu, hát karaoke. Đàn bà, hẹn khoe quần áo, xe cộ. Già như tôi, hẹn tán gẫu.
Nếu nhìn vào các quán cà phê và quán nhậu, thì quả thật kinh tế Việt Nam rất phát triển, không chừng là số một thế giới. Từ đó, thang điểm về mức độ hạnh phúc cũng không nước nào bằng.
Chúng tôi ngồi ở một quán cà phê vườn có tên là Gió Núi, cách thị trấn đến những 10 cây số. Nơi đây, trước kia là mật khu, sau đó là kinh tế mới, giờ là xã Ninh T. với trụ sở xã một tầng lầu bề thế như tòa hành chánh tỉnh trước 75. Quán cũng có cây cảnh, có đá, có nước nhểu tong tong từ một tượng nữ giả Chăm đang hờ hững lấy nước cố tình phơi bộ ngực bằng gốm tròn căng và cái rốn sâu thẳm. Ai đó cắc cớ đội lên đầu một chiếc mũ tai bèo, trông rất chi là cảm khái. Vì rằng nếu trước kia các cô du kích đi lấy nước kiểu này thì các cựu chiến binh hai miền chẳng việc gì mà phải vác súng bắn nhau.
Ông anh họ vợ tôi trầm ngâm nhớ tới những ngày vác gỗ rừng sâu trong trại cải tạo. Rồi những ngày đạp xe thồ sau khi được “tha”, những ngày hồi hộp chờ kết quả H.O. Vợ tôi nói cái buồn nhất của những bà mẹ kinh tế mới, là không thể cho các con xuống thị trấn học vì quá xa và đói. Cô em vợ bảo rằng về đây thấy đàn ông bụng ông nào cũng to kềnh, mặt thì xệ xuống, uống chi mà uống suốt ngày. Cô đập tay lên vai ông anh họ bảo: “bên mình, chỉ cần một lon thôi mà lái xe là bị phạt 15.000 đô, ở đó mà uống!”.
Nghe hai tiếng “bên mình”, tôi bỗng giật mình. Tôi nhìn cô em đã trên 50, vừa mới thi đậu quốc tịch Mỹ. Cô tuy trẻ hơn nhưng rất giống nhà tôi. Cô vẫn yêu chị mình, yêu họ hàng làng xóm, không hề xa cách bạn bè, nhưng trong bốn người ngồi chung bàn, cùng uống cà phê, cùng ngắm tượng nữ giả Chăm, cùng hít thở bầu không khí mát rượi của núi rừng ban mai, sao lại nói “bên mình” như kiểu “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc” vậy?
Đương nhiên, cô không có ý coi thường anh chị mình, nhưng điều gì khiến cô thấy gần hơn với ông anh họ bên Mỹ, mặc dù cô qua sau anh ấy đến hơn 15 năm? Hóa ra, cái điều khiến họ thấy gần nhau hơn, chính là luật pháp của Mỹ. Cô nói: “ Thằng T. (em chồng cô) hết dám về VN. Hồi mới qua, nó mang theo bánh mì kẹp thịt để ăn. Tới cổng ra, chó đánh hơi, tụi Mỹ bắt phải bỏ vào thùng rác, rồi chụp hình, lăn tay, lưu vào hồ sơ. Giờ nó đi đâu cũng bị kiểm tra tơi bời. Em định đem về một ít lọ mắm ruột, ngon quá, nhưng chồng em bảo tụi Mỹ nó tưởng là thuốc phiện thì khổ. Có con bạn mang bột sắn dây qua, nó nghi là heroin, tháo tung ra rồi xét nghiệm làm con nhỏ sợ hết hồn”.
Gần Tết, bộ thương mại và công an họp ngày đêm tìm cách chống hàng lậu nhập về từ các cửa khẩu miền Bắc. Nào chân giò, nào lòng heo đã thúi đen, chỉ cần rửa bằng một thứ nước gì đó là trắng tinh, ướp ngũ vị hương vào là thơm phức. Công an cấp tướng, hải quan cũng đầy sao, dưới trướng cả ngàn quân, tưởng một con ruồi cũng không chui qua lọt vậy mà mà mỗi ngày có hàng trăm tấn hàng lậu độc hại đi qua cứ như chỗ không người. Xét về luật thì VN không thiếu, còn qui định chi tiết và chặt chẽ hơn cả Mỹ, nhưng về con người thì, nói như một vị có thẩm quyền, không ai mua bom nguyên tử, chứ nếu có nhập vào cũng dễ ợt.
Một lần đi xe lên Thủ Dầu Một, anh tài xế sau khi “làm luật” với công an, nói lầm bầm gì đó trong miệng, hỏi, anh bảo xếp nói đù mẹ, nhiêu đây sao đủ chung, mậy?
Thế đó! Từ anh công an đứng đường, đến anh hải quan cửa khẩu, anh nào cũng phải chung, chi. Cấp nhỏ chung cấp lớn. Rồi cấp lớn vừa chung cho cấp lớn hơn. Cứ thế chung lên cho tới đỉnh. Tham nhũng ở VN là một kim tự tháp. Một vài viên gạch có cạy ra vẫn trơ trơ.
Cái “bên ta” nó khác với cái “bên mình” là ở đó.
Những người VN định cư ở Mỹ 3,4 chục năm vẫn đau đáu nỗi nhớ quê, vẫn thương cây chuối bụi tre, vì khi lìa bỏ quê hương họ chưa có hay ít có cái “may mắn” sống trong cái thiên đường hình tháp. Còn những người mới qua, họ ớn tận mạng cái ụ mối tham nhũng đó rồi. Cái mà cô thấy “bên mình” nó hơn “bên ta” chính là sống trong luật pháp, được nó bảo vệ chứ không phải bị nó vòi vĩnh, hành hạ. Cô không ghét VN, cũng không yêu nước Mỹ hơn, cô giờ chỉ biết có bản thân và gia đình, sao cho con cái học hành, có việc làm và đau bệnh có bảo hiểm y tế. Liệu như thế có ích kỷ chăng?
Tôi tự hỏi, giả dụ tôi ở Mỹ về, liệu tôi có nói “bên mình” như cô? Chắc là có. Một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch chính là sự kết nối những người nhập cư trên đất Mỹ chứ không phải vì niềm hãnh diện được là công dân của Hiệp Chúng quốc giàu mạnh nhất thế giới.