Khuất Đẩu
Gọi là thợ nhưng thực ra họ vẫn chỉ là những người làm nghề nông. Họ vẫn đi cấy, đi cày, vẫn một nắng hai sương và sống được nhờ những hạt lúa do chính mình làm ra. Những nghề mà tôi sắp nói ai cũng biết. Chỉ có điều biết nhiều hay biết ít, làm coi được hay không mà thôi.
Như thợ cắt đuôi tranh ai mà chẳng cắt được. Chỉ cầm liềm cắt cái phần đuôi là xong. Nhưng cắt sao cho thẳng như chăng dây, cắt sao mà bốn góc vểnh lên như mái chùa hay mái đình là không phải dễ.
Trong làng chỉ có mỗi một ông tên biện Thường làm được nghề ấy. Biện là cái chức nhỏ nhất trong bậc thang so với chức to là lý trưởng của làng. Biện đứng đầu một xóm chừng vài mươi nóc gia. Cũng chỉ có cái tên gọi chứ chẳng có việc gì làm. Đương nhiên chẳng ai được trả lương. Chỉ hơn nhau ở chỗ được kèm một chữ “biện” trước tên, để khỏi bị gọi trống không là thằng và xuân thu nhị kỳ tế lễ được ngồi ăn uống đàng hoàng, tuy là chiếu dưới.
Với chức vụ và phẩm hàm như thế, ông chẳng có chi để lên mặt với xóm làng. Vẫn là một ông trung niên ở tuổi đang để râu, từ tốn điềm đạm như cái bản chất vốn có của mình. Ông ít nói và gần như không nói một tiếng nào khi ngồi cắt đuôi tranh.
Đồ nghề của ông là một con dao không dài không ngắn, bản lại nhỏ, được thợ rèn cắt răng như liềm. Sau khi được chủ nhà mời một bát nước chè, ông mượn một chiếc ghế đẩu, ngồi ngửa mặt lên, tay trái nắm tranh, tay phải cầm dao đưa lên đưa xuống rất nhịp nhàng đều đặn.
Tuy dao cắt đứt từng cộng tranh nhưng không nghe một tiếng động nào ngoài những phần thừa liên tục lả tả rơi xuống. Không cần đo đạc, không cần ngắm nghía, ông vẫn để lại trên lớp rạ dày có chỗ đến nửa thước, một độ nghiêng và độ phẳng thật chính xác vừa đẹp mà vẫn đủ chỗ cho giọt tranh rơi ngoài thềm.
Chừng một ngày là cắt xong. Mái nhà không còn tùm hụp xấu xí, mà trở nên gọn gàng, xinh xắn. Trả công cho ông, tùy nhà to nhà nhỏ, cao lắm là vài giạ lúa hay nếp. Cũng có khi là vài lít dầu phộng, một con gà mái hay cặp vịt. Quen thân, như với ông tôi thì hai gói trà hay một xâu thuốc lá.
Một thợ nữa của cái nghề nay không còn, là thợ khép cối xay. Cối hình ống có hai phần, gọi là thớt trên và thớt dưới. Thớt trên có hai thanh gỗ nhỏ khoét lỗ tròn gọi là tai. Thớt dưới, đặt trên một vành to rộng hơn để đựng lúa đã được xay, gọi là mủng.
Công việc của thợ khép cối là làm những hàng răng.
Trước tiên, ông đi lấy đất ở ụ gò mối. Đất ở đó vừa dẻo vừa mịn như đất sét. Ông đập nhỏ, giã thành bột rồi ngào với nước. Ông tung lên ném xuống cho thật nhuyễn rồi nhồi vào hai thớt, nện thật chặt.
Xong, ông lấy từ trong bị đồ nghề ra , những miếng gổ mỏng đã được cắt sẵn, đóng đều trên hai mặt thớt, sao cho lúa chỉ bị bóc vỏ chứ không bị nghiền nát.Trả công cho ông, cũng là lúa hay nếp chứ không phải bằng tiền.
Trong các công đoạn làm ra hạt gạo thì xay lúa là thong thả, nhẹ nhàng nhất. Chỉ việc móc cái giàng xay vào tai cối, đứng đẩy tới đẩy lui là xong.Tôi thích nghe tiếng xay lúa hơn là giã gạo, nhất là ban trưa, nằm trên phản gõ nghe tiếng cút kít, tiếng gạo rơi rì rào… Lâu lâu lại điểm thêm một tiếng gà gáy trưa, như giữ nhịp.
Một nghề khác, kinh hãi hơn là nghề thiến heo, miền Bắc gọi là hoạn lợn, cũng được thơm lây vì có người làm đến cái chức to như vua. Cái nghề ấy chỉ cần một con dao nhíp sắc như nước, một cây kim to gọi là kim thiến heo, một cuộn chỉ là đủ.
Ông ta không phải người làng. Thỉnh thoảng, lại nghe trong cái tịch mịch của đất trời vang lên hai tiếng: Heo…thiến hôn? Tiếng heo kéo dài, như để xác nhận rằng ông chỉ thiến heo thôi, chứ không phải thiến người.
Nàng heo bị treo ngược, thét lên những tiếng “ét” hãi hùng. Cái khó là không cần mổ banh ra mà ông vẫn biết được chỗ nào là buồng trứng. Rạch một đường, thọc hai ngón tay vào mò mẫm, nhoáng một cái là lấy ra được cái gọi là hoa sung. Xong lấy kim chỉ may lại, dùng lọ nghẹ đâm với lá dâm bụt đắp lên, ít bữa là lành. Mổ như thế mà không chết, phải nói là tài. Xem ra tay nghề của ông còn vững hơn cả bác sĩ mổ nội soi.
Còn một nghề nữa cũng rất kinh hãi với giống cái, là nghề xỏ lỗ tai. Nghề này là của đàn bà. Chỉ với một cây que bằng tre vót nhọn, một ít nghệ và một chút bạo tay là hành nghề được. Đứa bé gái run rẩy, bị mụ đâm thủng tai, rồi đút vào một cọng chiếu, để lúc lành rồi vẫn còn một cái lỗ. Vì thiếu vệ sinh, nên nhiều cái tai sưng phù lên, nước vàng chảy cả tháng. Đôi lúc không thành lỗ mà thành một khe hở như bị xẻ đôi!
Những nghề ấy ít nhiều cũng vẽ lên được cái đời sống bình dị, quê mùa ở làng quê những năm đầu thế kỷ hai mươi. Nó không còn nữa cũng phải thôi, nhất là nghề xỏ lỗ tai, tôi cho là rất man rợ.