MỘT CHÚT TRỜI XANH!

Khuất Đẩu

Ảnh: Internet

Giờ đang là mùa xuân. Một mùa xuân phương nam đầy nắng và gió. Nắng thì trong veo, rực rỡ suốt một ngày dài. Nhưng gió, mãi đến chiều, khi tóc và áo em bay, mới biết là gió đã về.

Gió thơm mùi nắng, mùi biển, gió khỏe mạnh và nghịch ngợm. Gió đi qua những mái lầu, những cao ốc, rượt đuổi nhau trên những con phố dài trước khi nhẹ nhàng nâng những cánh diều lên cao vút.

Diều là của tuổi thơ.

Diều mang niềm nhớ.

Không gì vui bằng tự mình làm ra một con diều. Chỉ với hai thanh tre cật chuốt mỏng buộc lại hình chữ thập, thêm một cọng nhỏ hơn nối hai đầu làm cánh, rồi một cọng nữa làm thân, phết hồ, dán giấy (thường là vở cũ), gắn thêm hai mảnh giấy dài nữa làm đuôi, thế là có một con diều tuy không đẹp lộng lẫy nhưng vẫn có thể bay lên cao dạo chơi cùng với gió. Rồi, đầu trần chân đất, chạy lên bờ đê hay ra đồng trống vừa mới gặt xong, mặc sức mà thả nó bay trong thái bình yên ả.

Nhưng chơi diều chỉ thật sự vui khi có đông người chơi. Lúc đầu thi xem diều đứa nào lên cao nhất. Đương nhiên muốn lên cao phải có sợi dây thật dài. Nhưng chỉ dài không thôi chưa đủ, phải biết khéo léo điều khiển sợi dây, tức là sai khiến được gió, sao cho nó đưa được cánh diều mỏng manh lên nhẹ nhàng, chậm mà chắc. Bộp chộp, nôn nóng thế nào diều cũng đâm bổ xuống đất, làm rối nhợ, có khi là đứt dây. Cái nỗi ngẩn ngơ pha chút thẹn thùng ấy đã từng đi vào ca dao:

Một liều ba bảy cũng liều

Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây!

Rồi thi bay lượn, nhào lộn. Sau cùng, dành cho những tay chơi sừng sỏ, thi chọi diều. Đây là lúc hào hứng nhất, hồi hộp nhất. Hai cánh diều lao vào nhau cứ như hai con chim cắt. Không có tiếng gào thét ở trên cao nhưng có tiếng hò reo cuồng nhiệt ở dưới thấp. Nếu là diều của xóm này, hay làng này đấu với xóm khác, làng khác, thì cuộc chơi lên đến tột đỉnh. Lúc đó, không chỉ bọn trẻ con không thôi, mà còn có cả người lớn.

Ngày xưa, mỗi làng đều có những người chơi diều thiện nghệ. Diều họ to rộng như chiếc chiếu, khung diều làm bằng những thân tre già, chắc. To và rộng như thế không phải để thi mà để gắn những đoạn tre rỗng, sao cho gió thổi vào phát ra những âm thanh ngọt ngào, tạo thành tiếng sáo vi vu.

Cái tiếng sáo mộc mạc mà thăm thẳm ấy cũng đã rất nhiều lần đi cả vào thơ và nhạc. Trong bài Tiếng nước tôi của Phạm Duy, ngoài yêu tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi, ông còn yêu thêm tiếng sáo diều làng ta.

Ngày nay, nhiều thôn làng đã bị cướp đất để biến thành khu công nghiệp, những người chơi sáo diều bận rộn vì cơm áo đã không còn hơi sức đâu mà chơi cái thứ không đẻ ra tiền đó nữa. Những người nghe, nếu không xoay được tiền lo lót để được đi làm tôi tớ ở xứ người, thì đi làm cửu vạn hay chờ chực ở các chợ người bên phố đông người qua, làm thợ đụng, tức là ai kêu gì làm nấy, cũng không còn dịp nào hay cũng không còn lòng dạ nào mà nghe nữa cái tiếng sáo diều mênh mang kia.

Nhưng diều của trẻ con vẫn còn đó, vì còn có tuổi thơ là còn có diều. Cho dù diều bây giờ được làm sẵn, chỉ bỏ vài chục bạc là có diều, nhưng diều tự làm hay được bố mẹ mua cho, đứa bé nào cũng thích. Được cầm sợi dây, thả nó bay lên trời cao là cả một sự bay bổng tuyệt vời, nhất là những đứa bé con gần như suốt ngày bị nhốt trong những căn phòng chật chội ở nhà hay ở trường.

Gió về, là lúc để hàng ngàn cánh diều bay lên. Là lúc hiếm hoi những đôi mắt đen tròn ngước lên cao để thấy trời xanh và mây trắng. Nhưng phố phường chật hẹp, chen chúc những ngôi nhà cao tầng, những cao ốc đồ sộ, lấn chiếm gần hết những khung trời xanh. Đó là chưa kể, hằng trăm thứ dây rối nhằng rối nhịt chăng dọc chăng ngang như mạng nhện không còn chỗ cho cánh diều bé nhỏ.

Thế là lũ bé con kéo nhau ra ngoại ô. Ngoại ô của Sài Gòn giờ là Hóc Môn, Bà Điểm xa ngái. Ở đó may ra hãy còn những khoảng trống sình lầy cho chân chúng chạy và những khoảng trời cho diều chúng bay. Có cả ngàn bé con quên chơi game để chơi thả diều trong những chiều thứ bảy, chủ nhật. Một cảnh tượng phải nói là rất cảm động. Và cũng đẹp xiết bao nếu không có chuyện người lớn đến xí chỗ của các em

Chuyện là thế này: Một em nhỏ năm tuổi theo mẹ bán nước. Mẹ em bán được khá tiền vì trong đám bé con còn có những người lớn đến tập dượt để dự thi thả diều quốc tế. Con diều của họ to và rộng như cánh buồm, sải cánh dài đến những 18 thước. Con diều đỏ rực màu cờ và sao vàng lấp lánh. Nó muốn hiên ngang đi vào kỷ lục guiness Việt Nam, xa hơn có thể là kỷ lục thế giới.

Nó bay lên, như con chim bằng, sợi dây dài và to thả nằm trên đất quấn lấy chân em, cuốn lên trời. Từ trên cao, em thét gọi: mẹ ơi, mẹ ơi! Mẹ em bỏ cả nước nôi chạy theo, đưa hai tay ra…hứng!

Ôi, lòng mẹ thì bao la như biển Thái Bình, nhưng bàn tay của mẹ lại bé nhỏ làm sao so với đất trời cao rộng! Mẹ không hứng được con, chỉ vừa đủ ôm xác con còn nóng hổi!

Nghe đâu, cái hội chơi diều thành phố có đến “động viên” an ủi. Và thế là xong, chẳng có ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chẳng có ai phải đi tù. Lỗi là của gió, cũng như mất mùa là do lỗi thời tiết!

(Viết trong ngày cá tháng tư, nên dù là chuyện thật, xin bạn đọc cứ coi như chuyện phịa để bớt phải đau lòng).

Bình Luận từ Facebook