Bắc Việt ơi, đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh…

Trung Nguyễn

17-11-2017

Nhân dịp Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ muốn lập dự án đào tạo 9.000 tiến sỹ với số tiền 12.000 tỷ đồng, tôi khẩn thiết đề nghị trao ngay cho đại biểu quốc hội – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận – Nguyễn Bắc Việt một bằng tiến sỹ danh dự ngành luật.

Quyền được chơi tennis, đánh golf của cán bộ

Chả là nhân dịp quốc hội của đảng cộng sản họp bàn về luật Thể dục Thể thao, ngày 15/11, ông Bắc Việt đã phát biểu:

“Thực tế đang có vấn đề, như người dân tham gia thể thao thì được nhưng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt mà tham gia thì sẽ có ý kiến tại sao không lo làm việc lại đi thể dục, thể thao. Cần phải khẳng định quyền tham gia hoạt động rèn luyện thân thể là quyền của mỗi người.

Nếu luật chưa thể hiện thì cần phải khẳng định để cho cán bộ lãnh đạo có đi đánh golf, đánh tennis thì yên tâm, bởi đây là quyền”.

Đầu tiên, về mặt pháp luật, nguyên tắc căn bản của một nhà nước pháp quyền là công dân có quyền làm tất cả những gì luật pháp không cấm. Thực tế là công dân Việt Nam ai cũng có quyền đi tập thể dục thể thao và chưa ai bị ngăn cản gì, tất nhiên là trừ đội bóng No-U với chủ trương phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông.

Bản thân tôi ở Việt Nam ngày nào cũng đi tập thể thao với hi vọng mong manh sống hết thế kỷ này để xem Việt Nam đã tới thiên đường xã hội chủ nghĩa hay chưa, dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không biết điều này (!).

Cán bộ, đảng viên cộng sản cũng đều là công dân Việt Nam nên họ đều có quyền tập luyện thể dục thể thao, không cần phải luật hóa điều này. Hay ông Bắc Việt nghĩ là cán bộ không phải là công dân mà là “đầy tớ nhân dân” nên không có quyền đi tập thể dục thể thao? Nếu ông nghĩ vậy thật thì quả là “hạnh phúc cho dân tộc”. (gợi nhớ câu “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc” cũng của một đại biểu quốc hội khác là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.)

Than lương thấp mà chơi golf đắt tiền thì tiền từ đâu ra?

Thứ hai, ông Bắc Việt nhận định vấn đề sai lầm. Vấn đề ở đây là cán bộ đi chơi tennis, golf trong giờ làm việc, giờ hành chính, tức là giờ được dân đóng thuế trả tiền để cán bộ làm việc phục vụ dân. Và vấn đề khác là lương cho cán bộ thì ít mà chi phí để chơi những môn như tennis, golf rất cao. Vậy thì dân có quyền đặt câu hỏi là tiền để chơi những môn thể thao đắt tiền ở đâu ra?

Là một đại biểu quốc hội tức là một chính trị gia, một chính khách. Người ở vị trí này cần có tầm nhìn sâu rộng và óc logic để đề xuất ra những giải pháp đúng đắn được thể hiện qua các bộ luật. Ông Bắc Việt không đề xuất được giải pháp bằng pháp luật để giải quyết vấn nạn cán bộ ăn cắp thời giờ, thậm chí tiền bạc của dân để đi tập thể thao mà lại đề xuất một điều luật để hợp pháp hóa điều đó, để dân không có quyền nêu thắc mắc nữa. Tức là ông che giấu vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề.

Ông Bắc Việt làm gợi nhớ lại ông Đinh La Thăng với lệnh cấm cán bộ ngành Giao thông Vận tải chơi golf. Cả hai ông đưa ra những giải pháp ngược nhau cho cùng một vấn đề nhưng đều giống nhau ở một điểm là không hợp pháp lý và đạo lý, và chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề.

Đại biểu quốc hội đại diện cho dân hay cho đảng cộng sản?

Thứ ba, ông Bắc Việt phát biểu với tư cách là “đại biểu nhân dân” chứ không phải là bí thư tỉnh ủy hay đại biểu đảng cộng sản trong kỳ đại hội đảng. Thế nhưng những gì ông phát biểu lại chỉ là bảo vệ cho quyền lợi của cán bộ đảng viên, không thấy nhân dân ở đâu.

Thì đây, ông Bắc Việt lo lắng cán bộ không có chỗ đánh tennis, chơi golf, trong khi bao nhiêu công viên, cây xanh trên cả nước là chỗ tập luyện thể dục thể thao của người dân lại bị thu hẹp hoặc dẹp bỏ để nhường chỗ cho chung cư, trung tâm thương mại…

“Thực tế, nhiều nơi, cán bộ công chức không có chỗ để tham gia thể dục, thể thao như bóng bàn, bóng chuyền rồi tennis và đánh golf… Do đó, cần quan tâm để đầu tư, hỗ trợ”

Ông Bắc Việt nói riêng và tất cả các đại biểu quốc hội khác có biết là điều 25 Hiến pháp của đảng cộng sản ghi rõ là:

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Thế nhưng đến giờ phút này tất cả các luật để hiện thực hóa những quyền của dân ở trên thì các đại biểu nhân dân lại im lặng, lần lữa, né tránh. Sao ông Bắc Việt và các đại biểu quốc hội khác không bức xúc lên tiếng giùm nhân dân ở diễn đàn quốc hội nhỉ?

Khi công dân Việt Nam chủ động thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin thì nhà cầm quyền quy chụp vào điều 88 Bộ luật hình sự “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Còn khi công dân Việt Nam tự thực hiện quyền tự do hội họp, lập hội thì nhà cầm quyền quy chụp vào điều 79 Bộ luật hình sự “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Còn công dân Việt Nam đi biểu tình thì bị quy vào tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Luật về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản đâu?

Công an luôn lấy cớ là luật chưa có nên chưa cho phép dân có những quyền tự do như điều 25 Hiến pháp của đảng cộng sản đã mặc định. Vậy thì điều 4 Hiến pháp cho phép đảng cộng sản lãnh đạo quốc gia mà không cần qua bầu cử cũng đã có luật chưa? Chưa có luật về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản thì tại sao đảng cộng sản lại lãnh đạo quốc gia?

Tôi đề nghị những đại biểu quốc hội như ông Bắc Việt, những giáo sư – tiến sỹ trong các viện, đại học của đảng cộng sản trả lời câu hỏi trên. Nếu không có câu trả lời nào thì có thêm 9.000 tiến sỹ nữa như đề án của Bộ giáo dục cũng sẽ không giải quyết được vấn đề Việt Nam là một quốc gia “không chịu phát triển” như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Đề nghị tất cả cán bộ, đảng viên cộng sản, nhất là các lực lượng công an, an ninh, viện kiểm sát, tòa án phải thuộc lòng nguyên tắc căn bản của luật pháp do chính cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết trong thông điệp đầu năm 2014:

“Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.”

Nghĩ nỗi sau này mà kinh

Cách đây vài ngày thôi, ngày 15/11/2017, Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe đã bị quân đội tước quyền. Đến giờ cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe vẫn đang tiếp tục.

Ông Mugabe là anh hùng giải phóng dân tộc của Zimbabwe đã chống lại ách đô hộ của thực dân Anh. Những năm 1970, 1980 ông tự nhận mình là một người Mác-xít Lê-nin-nít, nghĩa là một người cộng sản. Từ những năm 1990 trở đi thì ông chỉ tự nhận mình là một người xã hội chủ nghĩa. Ông đã cầm quyền ở Zimbabwe từ năm 1980 đến giờ, nghĩa là 37 năm.

Từ một anh hùng dân tộc, ông đã trở thành tội đồ dân tộc khi đưa nền kinh tế Zimbabwe đến chỗ kiệt quệ: siêu lạm phát, tham nhũng tràn lan, đàn áp đối lập, vi phạm nhân quyền,…

Việc ông chọn vợ là bà Grace Mugabe để “nối ngôi” không phải là “hạnh phúc cho dân tộc” mà là giọt nước tràn ly và thúc đẩy giới tướng lãnh quân đội hành động. Từ anh hùng thành tội đồ, từ đỉnh cao quyền lực đến lúc bị quản thúc, thậm chí có thể mất mạng.

Tôi ngừng viết tại đây và để những lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam suy ngẫm…

____

Chú thích:

“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” là một câu lấy từ Truyện Kiều của Nguyễn Du

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây