Mỹ thách thức Trung Quốc bằng nhiều cuộc tuần tra hơn trong các vùng biển tranh chấp

Wall Street Journal

Tác giả: Gordon LuboldJeremy Page

Dịch giả: Trung Nguyễn

1-9-2017

Lịch trình các chiến dịch hải quân đã được thiết lập lần đầu tiên trong nỗ lực nhằm gây áp lực với Bắc Kinh về những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ.

Máy bay chiến đấu của Mỹ trên tàu sân bay USS Carl Vinson, trong một cuộc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 3/2017. Ảnh: Erik De Castro/ Reuters.

Washington – Lầu Năm Góc lần đầu tiên đã lên kế hoạch cho các cuộc tuần tra hải quân trên biển Đông nhằm tạo ra một hình ảnh kiên định chống lại các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở đó, tăng thêm độ phức tạp vào mối quan hệ vốn đã không suôn sẻ giữa hai cường quốc.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã triển khai một kế hoạch tiến hành điều gọi là các chiến dịch tự do hàng hải hai hoặc ba lần trong vài tháng sắp tới, theo nhiều quan chức Mỹ, để tăng cường thách thức của Mỹ tới điều mà họ coi là những tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá đáng của Trung Quốc tại vùng biển Đông đang tranh chấp. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên tất cả các đảo ở biển Đông và các vùng biển lân cận.

Kế hoạch này đánh dấu một sự khởi đầu đáng kể từ những chiến dịch quân sự như vậy trong vùng kể từ thời chính quyền Obama, khi các quan chức thỉnh thoảng phải vật lộn với các câu hỏi khi nào, làm thế nào và ở đâu để tiến hành các cuộc tuần tra. Chúng đã bị hủy bỏ hoặc trì hoãn vì các yếu tố chính trị sau khi một vài quan chức Mỹ nói rằng đã có những cuộc tranh cãi nội bộ nảy lửa.

Ý tưởng đằng sau việc lập nên một lịch trình tương phản với kiểu tiếp cận máy móc hơn, theo phê chuẩn từng trường hợp một, để tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải, còn được gọi là “FONOPS” (Freedom Of Navigation Operations) trong ngôn ngữ quân sự, và thiết lập tính thường xuyên trong việc tuần tra. Làm như thế có thể sẽ giúp làm cùn đi lý luận của Bắc Kinh rằng các cuộc tuần tra là sự khiêu khích gây mất ổn định mỗi lần nó diễn ra, các quan chức Mỹ cho biết.

Các quan chức Trung Quốc đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận về kế hoạch mới nhất của Mỹ. Bắc Kinh đã tố cáo Mỹ quân sự hóa hoạt động hàng hải trong khu vực bằng các chuyến tuần tra quân sự. Đã có ba cuộc tuần tra cho đến nay dưới thời Tổng thống Donald Trump; đã có bốn cuộc tuần tra dưới thời chính quyền Obama, theo Vụ Khảo cứu Quốc hội.

Các quan chức đã miêu tả kế hoạch mới là một cách xác định trước các cuộc tuần tra như vậy, tốt hơn trong quá khứ, dù không phải là không thay đổi được. Kế hoạch này bám sát với cách tiếp cận của chính quyền Trump với các chiến dịch quân sự, vốn dựa vào việc cho các chỉ huy chủ động hơn trong việc xác định tư thế của Hoa Kỳ. Bằng cách bám vào các chính sách chống lại việc thông báo các chiến dịch quân sự trước khi chúng diễn ra, các quan chức từ chối cho biết các cuộc tuần tra hàng hải diễn ra khi nào và ở đâu.

Sức ép quân sự gia tăng lên Trung Quốc đến vào lúc Hoa Kỳ đang tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn từ Bắc Kinh trong việc kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn. Chính quyền Trump đã than phiền rằng Bắc Kinh đã không làm mọi thứ có thể để gây áp lực lên đồng minh ở Bình Nhưỡng không được phát triển vũ khí hoặc đe dọa Hoa Kỳ, lãnh thổ của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh.

Dưới góc nhìn mới, một vài cuộc tuần tra tự do hàng hải có thể là các cuộc tuần tra “nhiều lãnh vực”, không chỉ sử dụng các chiến hạm của Hải quân Mỹ mà kể các máy bay chiến đấu Mỹ.

Đến thời điểm này, đã có ba chiến dịch tự do hàng hải được công bố công khai dưới chính quyền Trump. Chiến dịch gần nhất đã được tiến hành vào ngày 10 tháng 8 bằng một tàu khu trục, chiếc USS John S. McCain, mà vài ngày sau đã va chạm với một chiếc tàu hàng, khiến 10 thủy thủ thiệt mạng.

Cuộc tuần tra xung quanh Đá Vành Khăn – một trong bảy hòn đảo nhân tạo được kiên cố hóa mà Bắc Kinh đã xây dựng trong ba năm qua ở quần đảo Trường Sa – cũng có cả không quân.

Theo quan chức Mỹ, hai chiếc máy bay trinh thám P-8 Poseidon đã bay phía trên chiến hạm McCain trong một phần của chiến dịch không được báo trước. Nhiều cuộc tuần tra hàng hải sử dụng chiến hạm dường như sẽ gồm các máy bay bay phía trên, họ nói.

Các quan chức Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương không có bình luận gì về chủ đề này.

Cuộc tuần tra đầu tiên như vậy dưới thời Trump đã được tiến hành bởi khu trục hạm USS Dewey vào ngày 24 tháng 5 xung quanh Đá Vành Khăn. Vào tháng bảy, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Stethem đã tiến hành cuộc tuần tra gần đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa tại biển Đông, tiến đến phạm vi 12 hải lý xung quanh hòn đảo.

Cùng nhau, các chiến dịch này hợp thành sự hiện diện rộng rãi hơn của Hoa Kỳ tại biển Đông, khi Hoa Kỳ muốn chống lại điều mà họ xem là những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động cải tạo, xây dựng hoặc mở rộng các đảo, sử dụng cát vét lên từ đáy biển để xây đường băng, cảng, cao ốc, và các cơ sở hạ tầng khác cho mục đích quân sự.

Các cấu trúc này khiến Hoa Kỳ và các nước khác lo lắng, vì họ tin rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở đây sẽ có thể cản trở tuyến hàng hải vận chuyển hàng tỷ đô-la hàng hóa qua đây mỗi năm.

Hoa Kỳ không tuyên bố chủ quyền ở bất kỳ đảo nào, nhưng tiến hành các cuộc tuần tra để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, vốn trùng lắp với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Philippines, một đồng minh có hiệp ước với Hoa Kỳ.

Đại tá Rob Manning, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói rằng, các lực lượng Mỹ hoạt động xuyên suốt vùng châu Á Thái Bình Dương mỗi ngày, bao gồm cả biển Đông. “Tất cả các chiến dịch được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế và chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Đại tá Manning từ chối bình luận về kế hoạch mới của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Các quốc gia trong vùng hoan nghênh cách tiếp cận dứt khoát hơn của Lầu Năm Góc dưới thời Trump, Bonnie Glaser nói. Bà là giám đốc của Dự án Sức mạnh Trung Quốc (China Power Project) ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies), một tổ chức nghiên cứu (think tank) ở Washington, và là cựu cố vấn cho Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao.

Bà Glaser nói: “Tôi nghĩ rằng đã có sự phản ứng tích cực từ khu vực mà chúng ta thấy sau khi tiến hành ba cuộc tuần tra vì tự do hàng hải cho đến nay”.

Bà cũng nói rằng chính quyền Obama đã “quá lo ngại rủi ro” khi tiến hành các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải. Bà cho rằng: “Chúng ta cần phải tiến hành các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải một cách thường xuyên và kiên định, nó sẽ gửi đi tín hiệu về ý chí của chúng ta là không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá đáng, để thách thức các tuyên bố đó, và để nhấn mạnh rằng các chiến dịch của chúng ta ở biển Đông không có gì khác so với những nơi khác trên thế giới”.

Một cựu quan chức chính quyền Obama đã nói rằng việc tăng cường số lượng các cuộc tuần tra hàng hải là một ý tưởng tốt, nhưng cần phải đi kèm với một chiến lược rộng lớn hơn.

David Shear, trợ lý thư ký quốc phòng ở Lầu Năm Góc dưới thời Obama nói: “Tôi nghĩ rằng các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải định kỳ là một ý tưởng tốt. Tôi nghĩ rằng chúng cũng cần được tiến hành đồng bộ với một chiến lược ở tầm biển Đông và khu vực rộng lớn hơn, và tôi vẫn không rõ chính quyền này đã vạch ra một chiến lược cho biển Đông hoặc cho khu vực hay chưa, do đó tôi vẫn không chắc về mục đích của các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải bên ngoài bối cảnh đó”.

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói về mục tiêu của Hoa Kỳ tại khu vực trong một bài diễn văn vào đầu năm, tại một cuộc hội thảo an ninh tại Singapore, tuyên bố rằng Washington có “cam kết lâu dài” ở châu Á dựa trên cơ sở lợi ích chiến lược và “các giá trị chung về con người tự do, thị trường tự do, và một đối tác kinh tế mạnh và năng động.”

Biện pháp của chính quyền Obama để “tái cân bằng” sự chú ý kinh tế và quân sự của Mỹ nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Á đã bị phê bình rộng rãi, nhất là bởi các đảng viên đảng Cộng Hòa. Nhưng ông Shear nói rằng nhận xét của ông Mattis không cho thấy một hướng tiếp cận mới.

Ông Shear, hiện tại là cố vấn cao cấp cho hãng McLarty Associates, một công ty tư vấn thương mại quốc tế tại Washington, D.C. nói: “Chính quyền hiện tại đã bỏ việc tái cân bằng nhưng họ không có gì để thay thế nó”.

Các quan chức của Lầu Năm Góc thường giận dữ bởi quá trình lên kế hoạch và tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải dưới thời chính quyền Obama. Tiêu biểu là, các quan chức nói, những kế hoạch như vậy phải được gửi từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đến Lầu Năm Góc, sau đó được xem lại bởi Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng trước khi được chấp thuận hoặc từ chối, tùy thuộc vào danh sách các ưu tiên chính trị của Nhà Trắng với người Trung Quốc.

Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, đã thúc đẩy công khai và ngấm ngầm những kiểu chiến dịch như vậy, và thường xuyên hơn. Nói với các nhà báo vào năm ngoái, Đô đốc Harris nói một cách đơn giản: “Nhiều hơn là tốt hơn” khi nói về vấn đề tuần tra hàng hải.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây