Lịch sử: Ngôn ngữ và quan điểm

Trần Gia Phụng

1-9-2017

Sách Lịch Sử Việt Nam, tập 12. Ảnh do Facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà chụp.

Ngày 18-8-2017, tại Hà Nội, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam tổ chức ra mắt một loạt các sách mới, Lịch sử Việt Nam, Văn hóa biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 400 năm chữ Quốc ngữ – Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hoá Việt Nam; Lịch sử Việt ngữ học; Thế kỷ âm nhạc và tài danh âm nhạc Việt Nam; Hiên ngang Trường Sa.

Trong số các sách trên đây, bộ Lịch sử Việt Nam, gồm 15 tập, với 5,580 trang, viết từ thời cổ sử đến năm 2000, giá toàn bộ 4,800,000 đồng Việt Nam, tương đương khoảng 240 Mỹ kim theo hối suất hiện nay.  Sách nầy được giải nhứt “Giải vàng sách hay” năm 2015 của Hội Xuất Bản Việt Nam.  “Giải vàng sách hay” năm 2015 có bốn bộ trúng thưởng là Lịch sử Việt Nam, Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam, Phạm Phú Thứ toàn tập, Bộ cổ tích mới, được phát giải ngày 21-4-2016, nhân Ngày sách Việt Nam (21-4), do Hội Xuất Bản tổ chức tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Dầu bộ Lịch sử Việt Nam trúng thưởng “Giải vàng sách hay” năm 2015, nhưng chẳng có ai chú ý, rất ít người tìm đọc hay bàn luận.  Mãi cho đến khi bộ sách nầy được giới thiệu trong buổi ra mắt sách ngày 18-8-2017 tại Hà Nội, mới được dư luận trong và ngoài nước chú ý và bàn tán, nhờ những lời quảng cáo đánh đúng vào tâm lý người đọc.

Vì chưa được đọc bộ Lịch sử Việt Nam, nên bài nầy không nhận xét về bộ sách Lịch sử Việt Nam, mà chỉ giới hạn về phần giới thiệu sách của ban tổ chức trong buổi ra mắt sách ngày 18-8-2017.

1.- PHẢI CHĂNG NGÔN NGỮ THAY ĐỔI?

Trong buổi ra mắt sách ngày 18-8-2017, ngoài phần giới thiệu thông thường, có thêm phần trả lời báo chí, mà sách báo trong nước gọi là chia sẻ của PGS-TS (phó giáo sư tiến sĩ) Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam nầy.

Theo tiến sĩ Trần Đức Cường, bộ sử năm 2015 có nhiều nét mới, nhất là khi viết về nhà Mạc, chúa Nguyễn, vua Nguyễn, và chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Vấn đề nhà Mạc, chúa Nguyễn và vua Nguyễn có phần cổ điển, ít được chú ý.  Còn vấn để chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975, theo giáo sư Cường thì sách Lịch sử Việt Nam không còn gọi là ngụy quyền nữa, mà gọi là chính thể Việt Nam Cộng Hòa.  Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, nên những câu hỏi của báo chí xoay quanh nhiều về vấn đề nầy.  Dưới đây xin trích lại nguyên văn các câu trả lời tiêu biểu của giáo sư Trần Đức Cường với báo chí về chuyện nhạy cảm nầy.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, giáo sư Trần Đức Cường nói: “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm Quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống. 

Việt Nam Cộng hòa là nối tiếp của Quốc gia Việt Nam. Nhưng vấn đề phải nghiên cứu cho rõ nguyên tắc vận hành của chính quyền này là gì?  Đó là một thực thể trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam.  Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền.  Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn.  Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận. (TTO tức Tuổi Trẻ Online)

Trả lời ký giả Lan Hương đài RFA cũng về vấn Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Trần Đức Cường cho biết:  “Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả.

“Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây.

“Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn.” (RFA ngày 21-8-2017.)

Phát biểu của giáo sư Cường đưa đến hai phản ứng thông thường: có người đồng ý và có người không đồng ý.  Người không đồng ý ít hơn, không đáng kể, nhưng cũng xin ghi nhận ở đây, tiêu biểu là ý kiến của trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn.

Trung tướng Tuấn nguyên là cục trưởng cục tuyên huấn, tổng cục chính trị quân đội CSVN, viết bài đăng trên mạng, đòi thu hồi bộ sách lịch sử mới phát hành.  Ông Tuấn cho rằng không thể gọi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, mà phải gọi là  “ngụy quân, ngụy quyền” như cũ.  Ông Tuấn cáo buộc nhóm soạn sách đã bị “một nhóm cờ vàng hải ngoại, và bọn cơ hội cực đoan trong nước buộc bóp méo sự thật, nhằm để mọi người chấp nhận”. Ông Tuấn còn tiếp rằng nhóm soạn sách đã “làm việc không công cho Mỹ phá hoại đất nước”. (*).

Nhóm đồng ý với những phát biểu của giáo sư Cường và ban biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam cho rằng việc gọi Việt Nam Cộng Hòa đưa đến các điều lợi: 1) Xác nhận sự hiện diện của chính thể Việt Nam Cộng Hòa để xác nhận chủ quyền các quần đảo ngoài biển Đông, và xác nhận sự kế thừa hợp pháp trong những thỏa ước quốc tế mà Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được.  2)  Mở đường cho việc hòa giải hòa hợp dân tộc, chẳng những với những quân nhân, công chức, dân chúng Việt Nam Cộng Hòa mà với con cháu trong đại gia đình của họ. 3) Sự hòa giải sẽ lôi kéo người Việt Hải ngoại trở về nước đầu tư, xây dựng đất nước. (Các phát biểu nầy đã được đăng trên các báo ở trong nước cũng như ở Hải ngoại.)

Nhận xét khen chê trên đây, hay những hội luận trên các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước về bộ sách Lịch sử Việt Nam chỉ dựa trên lời giới thiệu của PGS-TS Trần Đức Cường mà chưa đọc bộ sách Lịch sử Việt Nam, xem ra có phần vội vã, vì chưa biết thực tế bộ sách có đúng với lời giới thiệu của giáo sư Cường hay không?

Xin chú ý rằng giáo sư Trần Đức Cường trả lời báo chí về bộ sách Lịch sử Việt Nam với tư cách cá nhân, và bên lề buổi lễ giới thiệu sách, nhưng giáo sư Cường hiện là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, và là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam.

Với cương vị như thế, chắc chắn giáo sư Cường phải là một đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN).  Nếu không phải là đảng viên CS, giáo sư Cường không được phong hàm GS hay PGS, cũng không được giao cho chức vụ chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, và chức tổng chủ biên bộ Lịch sử Việt Nam.  Ngoài phần chuyên môn về sử học, giáo sư Cường chắc chắn phải học tập, thấm nhuần và nắm vững chủ trương, chính sách sử học của nhà nước CSVN.

Dưới chế độ CS, tất cả mọi ngành nghể đều phải phục vụ đảng, phục vụ chế độ.  Cán bộ nhà nước phải “hồng hơn chuyên”, tức tính đảng cao hơn chuyên môn.  Đảng CSVN sử dụng bộ môn lịch sử để tuyên truyền cho đảng CS, theo duy vật sử quan.  Ban biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam phải viết sử theo lệnh của đảng CSVN, dưới sự kiểm soát (mà CS gọi là chỉ đạo) của đảng uỷ cộng sản trong cơ quan, và cấp cao hơn là ban Tuyên giáo trung ương đảng CS, rồi lên nữa là ban Bí thư trung ương đảng CS.

Do đó, trước khi bắt tay vào viết bộ Lịch sử Việt Nam, toàn ban giáo sư, soạn giả, thành viên Hội Khoa học lịch sử phải học tập chủ trương, đường lối, chính sách của đảng CSVN, tuân theo chỉ thị của đảng CSVN.  Nếu giáo sư Cường tự ý xé rào, phát biểu linh tinh ra ngoài chủ trương, đường lối chính sách của đảng CSVN, thì GS Cường sẽ bị kiểm điểm trước hội đồng giáo sư hay hội đồng soạn giả, trước đảng uỷ Hội khoa học lịch sử, trước các cấp lãnh đạo cao hơn của hội nầy, và chắc chắn còn bị khai trừ ra khỏi đảng CSVN.

Phải nhận rõ như thế, để thấy rằng những phát biểu của giáo sư Cường có phản ảnh đúng cách nhìn của đảng CSVN đối với vấn đề Việt Nam Cộng Hòa hay không?  Nếu không, thì tại sao giáo sư Cường lại trình bày như thế để làm gì?

2.- HÃY NHÌN KỸ NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM

Trên đây là những lời giới thiệu của tiến sĩ Trần Đức Cường về bộ sách Lịch sử Việt Nam do ông làm tổng chủ biên.  Bộ sách gồm 15 tập do nhiều giáo sư khác nhau phụ trách.  Tiến sĩ Cường còn trực tiếp chủ biên tập 12, là tập đề cập đến giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa, từ 1954 đến 1965.

Trong những lời giới thiệu, tiến sĩ Cường bảo rằng trước đây, phía CS gọi chính thể miền Nam Việt Nam là  “ngụy quân ngụy quyền” là miệt thị.  Vì vậy, trong bộ sử mới nầy, những soạn giả cộng sản đã đổi cách gọi, bỏ các chữ “ngụy quân ngụy quyền”.  Tuy chưa có đầy đủ bộ sách, chưa đọc bộ sách, nhưng may mắn là facebooker Nguyễn Thị Bích Hà từ trong nước, đưa lên mạng một số trang tập sách 12 nầy, để chúng ta có thể so sánh sơ lược với lời giới thiệu của tiến sĩ Trần Đức Cường.

Đọc qua các trang nầy, điều dễ nhận thấy là cũng giọng văn đó, cũng từ ngữ đó, cũng nhận thức đó, cũng quan điểm đó… luôn luôn có mặt trong các diễn văn, bài viết, sách báo CS từ thời HCM cho đến nay…  Trong “Chương II. Miền Nam dưới sự thống trị của Mỹ”, dòng thứ 6 và thứ 7, trang 167, nhóm chữ “ngụy quân ngụy quyền” vẫn xuất hiện.

Ảnh chụp trang 167. Nguồn: Nguyễn Thị Bích Ngà

Cũng trong tập 12 bộ Lịch sử Việt Nam do tiến sĩ Cường chủ biên, trang 177, từ dòng chữ 13 đến dòng chữ 15, xin mời đọc: “Trên cơ sở của cái quốc hội bù nhìn nầy, ngày 26-10-1956, Ngô Đình Diệm đã ban hành một bản hiến pháp phản dân tộc, phản dân chủ và dựng lên cái gọi là chính thể Việt Nam Cộng Hòa.”  “Cái gọi là…” xem ra có vẻ còn cay nghiệt hơn cả khi gọi đích danh “nguỵ quyền miền Nam”.

Ảnh chụp trang 177. Nguồn: Nguyễn Thị Bích Ngà

Thật ra, từ ngay sau ngày 30-4-1975 dân chúng miền Nam Việt Nam đã quá quen với lối ăn nói trịch thượng, lỗ mãng, thiếu văn hóa và cay nghiệt của những cán bộ tự  hào là “bên thắng cuộc”.  Chẳng những người trong nước biết rõ điều nầy, mà cả người ngoại quốc cũng biết điều nầy.  “Những kẻ xấu đã thắng cuộc chiến Việt Nam”. (Los Angeles Times, John McCain, 29-4-2000).  Vì vậy, ngày nay “bên thắng cuộc” có thêm cay nghiệt bao nhiêu đi nữa, cũng chỉ tự làm xấu thêm hình ảnh “bên thắng cuộc” mà thôi, chứ chẳng nghĩa lý với dân chúng miền Nam Việt Nam, luôn luôn tự hào để đứng vững cho đến hôm nay, mà CSVN phải nơm nớp lo sợ “diễn tiến hòa bình”.

Lịch sử là quá khứ của loài người.  Không ai có thể trở về quá khứ để thay đổi lịch sử.  Vì vậy, những gì xảy trong quá khứ như thế nào, thì phải gọi đúng tên của quá khứ.  Việt Nam Cộng Hòa là một chính thể đã tồn tại ở miền Nam Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975, thì gọi là Việt Nam Cộng Hòa, là sự thật lịch sử, là chuyện bình thường của người có học, có giáo dục.  Đảng CSVN có gọi thế nào đi nữa thì Việt Nam Cộng Hòa sự thật vẫn là Việt Nam Cộng Hòa, luôn luôn sống mãi trong lòng người dân miền Nam Việt Nam, và hiện đang sống cả trong lòng dân chúng Bắc Việt Nam qua lá cờ vàng ba sọc đỏ được nhiều nơi mến mộ.  Có người bận áo thêu lá cờ vàng bị bắt giam, nhưng vẫn nhất quyết gìn giữ lá cờ vàng.

Hơn nữa, Việt Nam Cộng Hòa đã lập nên những thành tích tuyệt vời mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo chủ nghĩa CS của tiến sĩ Trần Đức Cường không làm được.  Ví dụ trận hải chiến Hoàng Sa chống ngoại xâm Trung Cộng năm 1974.  Trong khi thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký công hàm ngày 14-9-1958 nhượng Hoàng Sa cho Trung Cộng, thì các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ hải đảo tổ quốc thân yêu, chống Trung Cộng xâm lăng ngày 19-1-1974.

Cộng sản Việt Nam, với tư cách như thế, bán nước như thế, qụy lụy kẻ thù truyền kiếp phương bắc như thế, dù tự hào là “bên thắng cuộc”, cũng không có tư cách gì để xét xử người khác, và cũng chẳng có tư cách gì để phán đoán người khác là “ngụy quân, ngụy quyền”, hay “cái gọi là…

Nghe những lời giáo sự Trần Đức Cường trả lời phỏng vấn và đọc những điều trong sách Lịch sử Việt Nam tập 12 do giáo sư Cường trực tiếp chủ biên, rõ ràng hoàn toàn mâu thuẫn, vì một bên là những lời quảng cáo để bán sách, và một bên là nhận thức lịch sử theo đúng quan điểm chính trị không thay đổi của đảng CSVN.

3.- QUAN ĐIỂM KHÔNG THAY ĐỔI

Trong phần trả lời cô Lan Hương đài RFA, giáo sư Trần Đức Cường xác định: “Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây.” (RFA, 21-8-2017)  Như vậy các nhà sử học cộng sản không có gì thay đổi so với “thời gian trước đây”, là thời gian bắt đầu từ thời Hồ Chí Minh mới qua Liên Xô học làm gián điệp cộng sản, cùng các đồng đảng CS nhập cảng chủ nghĩa CS về Việt Nam.  Đó là khuôn thước bất di bất dịch mà người CS phải học nằm lòng để nhận thức lịch sử theo chủ trương chính sách của đảng CSVN.  Để thấy rõ những nhận thức đó như thế nào, xin phân tách sơ lược từng vấn đề một, mà giáo sư Cường đã đưa ra như sau trong việc quảng cáo sách của ông.

Việt Nam Cộng Hòa là hậu thân của Quốc Gia Việt Nam qua một cuộc Trưng cầu dân ý, không phải “là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí”.  Trong phần trả lời báo Tuổi Trẻ Online, giáo sư Cường nói rằng “năm 1954 còn có một thể chế nữa là Quốc Gia Việt Nam.”

Chính thể Quốc Gia Việt Nam ra đời năm 1949 sau hiệp định Élysée ngày 8-3-1949 giữa tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại.  Hồ Chí Minh kết án Bảo Đại ký hiệp định Élysée là bán nước.  Những điều khoản trong hiệp định Élysée giống như hiệp ước Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước (Modus Vivendi) ngày 14-9-1946 mà Pháp đã ký với Hồ Chí Minh.  Như thế, sao gọi Bảo Đại ký hiệp định Élysée là bán nước?   Đó là HCM nói lấy được, chứ không nhận thức trên thực tế khách quan của sự kiện.  Xin nhắc thêm là Vincent Auriol mời Bảo Đại đến dinh tổng thống Pháp là điện Élysée để ký kết hiệp ước, trong khi Hồ Chí Minh đang đêm tự thân đến tận nhà của bộ trưởng Marius Moutet lúc 12 giờ khuya để xin ký Tạm ước.  Một bên là quang minh chính đại, được mời đến dinh tổng thống để ký kết.  Một bên là đang đêm lén lút đến tận nhà riêng của ông bộ trưởng trong giờ ngủ để xin ký kết

Trong khi đó, xin nhìn lại lịch sử.  Đầu năm 1950, Hồ Chí Minh âm thầm qua Bắc Kinh làm kiểm điểm trước Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) để xin viện trợ. (Trần Đĩnh, Đèn Cù, California: Người Việt Books, 2014, tr. 49).  Đường đường là chủ tịch một nước mà phải qua Trung Cộng làm kiểm điểm, thì thật là nhục nhã.  Nhục hơn cả bà thái hậu, mẹ vua Lê Chiêu Thống sang Thanh cầu viện năm 1788.  Nguồn tin nầy do tài liệu trong nước chứ không phải của kẻ địch xuyên tạc.  Sau đó, Hồ Chí Minh đi tiếp qua Moscow để xin viện trợ.  Vậy Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được dựng lên từ nhân dân tệ hay đồng rúb (ruble, rouble), từ tiền viện trợ của ai, võ khí của ai?

Bảo Đại và Quốc Gia Việt Nam còn có công rất lớn là thương thuyết với Pháp, xóa bỏ tất cả những hiệp ước bất công mà Pháp đã ép nhà Nguyễn ký kết, đem Nam kỳ hay Nam bộ về với tổ quốc, thống nhứt đất nước bằng tiến trình pháp lý vững vàng, trong khi Hồ Chí Minh vâng lệnh Liên Xô và Trung Cộng, ký kết hiệp định Genève (20-7-1954), chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17.

Giáo sư Trần Đức Cường hùng hồn tố cáo tiếp Việt Nam Cộng Hòa “thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả.

Giáo sư tiến sĩ Trần Đức Cường ít nhất cũng biết rằng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) không đem quân tấn công Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), mà chính VNDCCH nhờ võ khí do Trung Cộng cung cấp sau khi Phạm Văn Đồng bán đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng năm 1958, đem quân xâm lăng VNCH.  Khi bị xâm lăng, không lẽ VNCH ngồi chờ chết, mà VNCH ở thế tự vệ, phải nhờ đến Mỹ giúp sức.  Vậy VNCH không thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, mà chính VNDCCH mới tạo điều kiện cho Mỹ vào giúp VNCH, mà cộng sản la lớn rằng đó là chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Giáo sư Trần Đức Cường còn xác nhận rằng “chủ nghĩa cộng sản lan xuống vùng Đông Nam Á”, chứ Mỹ đâu có muốn lan lên Đông Bắc Á.  Vậy ai là kẻ xâm lăng?  Ai là kẻ chủ trương kế hoạch toàn cầu, muốn lan xuống Đông Nam Á?

Trên thế giới, ai cũng biết Mỹ giúp Đức, Nhật Bản, Triều Tiên tái thiết đất nước sau năm 1945.  Mỹ không chiếm đóng nước nào.  Trong khi Trung Cộng đến đâu thì chiếm đóng đó, như Tây Tạng, Tân Cương …  Tình hình Việt Nam ngày nay là kết quả của việc Hồ Chí Minh cầu viện Trung Cộng từ năm 1950.  Rước Trung Cộng vào chống thực dân Pháp không khác rước thằng ăn cướp đuổi kẻ ăn trộm.  Kẻ  ăn trộm bỏ chạy thì thằng ăn cướp giành nhà.

Quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn…”  Điều đó đúng.  Vì VNCH bị VNDCCH tấn công.  Quân đội VNDCCH nhờ Trung Cộng, Liên Xô và các nước CS trang bị võ khí. Tự một mình  VNCH không đủ võ khí súng ống chống trả võ khí của cả khối CS, nên VNCH ở thế đành phải nhờ Mỹ trang bị để tự bảo vệ mình chứ làm sao hơn?  Ai cũng biết, cho đến đầu thế kỷ 21, mà kỹ nghệ CSVN chưa sản xuất được cây đinh vít, thì làm sao VNDCCH sản xuất được võ khí vào giữa thế kỷ 20?  Võ khí của Bắc Việt Nam ở đâu ra, T-54, B-40 từ đâu đến, nếu không phải do các nước CS trang bị hoàn toàn?

Chia cắt đất nước là chủ trương của VNDCCH, vâng lệnh Liên Xô và Trung Cộng, ký vào Hiệp định Genève ngày 20-7-1954, chia hai đất nước, trong khi Quốc Gia Việt Nam, tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa, không ký vào hiệp định Genève, phản đối việc chia cắt nầy.

Giáo sư Cường còn cho rằng quân đội Sài Gòn là một đạo quân đánh thuê.  Việt Nam Cộng Hòa ở thế tự vệ, phải chống lại cuộc xâm lăng, không thể là đạo quân đánh thuê.  Không lẽ VNCH đánh thuê cho VNCH?  Ngược lại, không ai quên câu nói rất danh tiếng của Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng Lao Động tức đảng CSVN: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.”   Câu nầy không phải do “Mỹ ngụy” bày ra để xuyên tạc, mà là sự thật lịch sử được một cựu cán bộ Bắc Việt Nam là nhà văn Vũ Thư Hiên tiết lộ trong sách Đêm giữa ban ngày – Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị. (California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, trang 422).  Ông Nguyễn Mạnh Cầm, bộ trưởng Ngoại giao CSVN, cũng xác nhận như thế trên đài phát thanh BBC tiếng Việt ngày 24-1-2013.  Vậy đạo quân nào là đạo quân đánh thuê?  Đạo quân VNDCCH hay đạo quân VNCH?

Chỉ cần phân tích sơ qua những phát biểu của phó giáo sư tiến sĩ chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam, đủ thấy những lời nói của giáo sư đúng theo lời ban tuyên giáo trung ương đảng CSVN.  Bộ sách Lịch sử Việt Nam nầy thực chất chỉ viết theo điều mà CS thường hay gọi là sự chỉ đạo của Tuyên giáo CSVN, vẫn là nhận thức và quan điểm cố hữu của đảng CSVN.

KẾT LUẬN

Khi nghe PGS-TS Trần Đức Cường giới thiệu bộ Lịch sử Việt Nam ngày 18-8-2017 tại Hà  Nội, người ta lầm tưởng là CSVN bắt đầu thay đổi phần nào cách gọi chính thể miền Nam Việt Nam.  Dư luận nổi lên bàn tán râm ran cả trong và ngoài nước.  Tuy nhiên, chỉ cần vài trang facebook của cô Nguyễn Thị Bích Ngà trích từ tập 12 sách Lịch sử Việt Nam do tiến sĩ Trần Đức Cường trực tiếp chủ biên, thì mọi người mới biết là “bé cái lầm”, mới thấy rõ rằng những điều giáo sư Trần Đức Cường trả lời báo chí trong buổi giới thiệu sách ngày 18-8-2017 tại Hà Nội chẳng qua chỉ là những lời quảng cáo để bán sách mà thôi, trong khi thực chất chẳng có gì thay đổi cả.  Điều nầy làm cho người ta nghi ngờ luôn vị trung tướng đề nghị dẹp bỏ bộ sách Lịch sử  Việt Nam, chỉ là một kép phụ, lớn tiếng múa rối nhằm giúp cho màn quảng cáo của PGS-TS Trần Đức Cường thêm phần hấp dẫn.  Thời đại Intenet thật khó ngụy tạo thông tin.

Ngoài ra, phải chăng những giới thiệu của PGS-TS Trần Đức Cường có thể còn là một cái bẫy để theo dõi những phần tử tình nghi?  Hay đây là một trái bong bóng thăm dò ý kiến trong và ngoài nước?  Thế mà lại có nhiều người suy đoán lung tung.  Có cả các tiến sĩ, nhân sĩ tham gia thả bong bóng nữa, nên cuộc thử nghiệm càng nổi đình nổi đám.

Cần chú ý là nhận thức lịch sử của đảng CSVN bắt nguồn cách đây cả thế kỷ, từ chốn xa xăm bên Moscow (Liên Xô) hay Bắc Kinh (Trung Cộng), được HCM và đồng đảng CS du nhập về Việt Nam, tạo dựng nên quan điểm sử học CSVN.  Từ thời đó, nghĩa là cách đây gần 100 năm, quan điềm sử học CSVN đóng khung cứng nhắc, không bao giờ thay đổi, và không ai dám thay đổi.  Thay đổi là đụng chạm đến HCM và nhứt là chủ trương độc tôn quyền lực của đảng CSVN, sẽ bị quy vào tội xét lại.  Hơn nữa, khó một điều là nếu CSVN thay đổt nhận thức và quan điểm, ví dụ chủ trương chuyên chính vô sản, độc tôn quyền lực, thì CSVN có thể bị lâm nguy.  Vì vậy CSVN không bao giờ thay đổi.

Nhận thức và quan điểm không thay đổi thì đừng hòng CSVN thay đổi chủ trương, chính sách. Đừng bao giờ có ảo tưởng là cộng sản thay đổi hay hòa hợp hòa giải.  Muốn hòa hợp hòa giải thì phải công bằng, bình đẳng về mọi mặt, nhứt là bình đẳng về chính trị, về ứng cử, về bầu cử.  Nhìn những cuộc bầu cử trong nước thì thấy có bao giờ công bằng và bình đẳng đâu?  Nếu để tự do bầu cử thì tổng bí thư đảng CSVN cũng thất cử chứ đừng nói ai.  Đó là chưa kể điều 4 hiến pháp còn nằm chình ình ra đó, thì làm thế nào CS hòa giải?  Hòa giải thì mất chuyên chính vô sản, mất độc tôn quyền lực, không bao giờ CSVN chấp nhận được.  Chỉ khi nào gặp khó khăn, CSVN mới thay đổi phương pháp và ngôn ngữ mà thôi, xuống giọng một cách khôn khéo nhằm lôi kéo nhân tâm, lừa phỉnh dân chúng.

Hiện nay CSVN đang gặp vô vàn khó khăn, nên sau khi tung ra những nghị quyết liên tiếp để phỉnh gạt quần chúng không thành công, bây giờ CSVN phải dùng đến lịch sử để đánh động tâm lý người Việt, nhứt là người Việt hải ngoại, để kêu gọi sự tiếp sức từ hải ngoại, hầu mong vượt cạn một lần nữa.

Vì vậy xin tất cả hãy thận trọng. “Đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.”  Dù đó là việc làm của những người cộng sản có học vị tiến sĩ.  Cộng sản là cộng sản.  Câu nói của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đúng là chân lý sáng ngời trong lịch sử đất nước.  Xin đừng bao giờ quên.  Vì lỡ quên thì sẽ bị sập bẫy của CS thêm lần nữa.

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Thông tin này không chính xác. Khởi đầu từ một bài viết trên blog, mà nhiều người cho rằng blog này của dư luận viên là Google.Tiênlang, đăng bài của ông Tuấn, sau đó các trang mạng khác đăng lại mà không kiểm chứng. Hiện chưa thấy nguồn thông tin nào đáng tin cậy để có thể nói rằng bài viết này của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn.

Bình Luận từ Facebook