Việt Nam chỉ nghiêm trị ngư dân đánh cá trong hải phận ngoại quốc

Người Việt

24-8-2017

Thái độ khinh khỉnh của viên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam (giữa) trong cuộc họp nhằm tìm giải pháp răn đe để ngư dân ngưng xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác ở Quảng Ngãi. (Hình: Tuổi Trẻ)

VIỆT NAM (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu áp dụng hàng loạt biện pháp hành chính để giải quyết tình trạng càng ngày càng nhiều ngư dân Việt Nam xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác.

Cho đến nay, Việt Nam chưa công bố bất kỳ thống kê nào liên quan đến tình trạng ngư dân Việt Nam bị các quốc gia khác bắt giữ, tàu đánh cá Việt Nam bị các quốc gia khác tịch thu, phá hủy vì xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia này. Chỉ có thể dựa vào những thông tin trên hệ thống truyền thông Việt Nam và quốc tế để ước đoán, số ngư dân Việt Nam bị ngoại quốc bắt giữ trong mười năm gần đây không dưới hàng chục ngàn và số tàu đánh cá bị tịch thu, phá hủy có thể tới hàng ngàn.

Ngư dân Việt Nam giờ không chỉ bị cầm giữ ở nhiều quốc gia Đông Nam Á mà còn là tù nhân tại Úc, tại Papua New Guinea,… vì vượt biển đến tận đó khai thác hải sản.

Để hạn chế tình trạng vừa kể, chính quyền Việt Nam bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp có tính răn đe. Theo truyền thông Việt Nam thì hôm 23 tháng 8, lực lượng Biên phòng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạm giữ bốn tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Kiên Giang để “điều tra và xử lý” việc bốn tàu này xâm nhập và đánh bắt trái phép trong hải phận Malaysia.

Theo tường thuật của tờ Thanh Niên thì tại Quảng Ngãi – một trong bảy tỉnh dẫn đầu về số lương ngư dân, tàu dánh cá bị ngoại quốc cầm giữ – đối với những chủ tàu đánh cá bị xác định là xâm nhập, đánh bắt trái phép ở hải phận của ngoại quốc, chính quyền tỉnh này bắt đầu ngưng cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới hoặc chuyển nhượng trong vòng sáu tháng hoặc nâng lên một năm nếu tái phạm. Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thuyền trưởng, máy trưởng trong vòng sáu tháng nếu điều khiển tàu đánh cá xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác…

Tại một cuộc họp với các viên chức hữu trách của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề này, ông Vũ Văn Tám, một Thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam, lập lại yêu cầu của Thủ tướng Việt Nam: Phải giảm ngay lập tức số vụ xâm nhập, đánh bắt hải sản trái phép ở hải phận ngoại quốc.

Tường thuật về cuộc họp vừa kể, tờ Tuổi Trẻ cho biết, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch huyện Bình Sơn, giải thích, sở dĩ ngư dân huyện này thi nhau xâm nhập, đánh bắt hải sản ở hải phận ngoại quốc vì tài nguyên biển ở ngư trường của Việt Nam đã cạn kiệt, trong khi nếu xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận ngoại quốc trót lọt, ngư dân có thể thu về từ ba đến năm tỉ đồng mỗi chuyến hải hành.

Song song với việc cam kết sẽ tìm mọi cách để giảm ngay lập tức số vụ xâm nhập, đánh bắt hải sản trái phép ở hải phận ngoại quốc, ông Trung nhấn mạnh đề nghị chính phủ Việt Nam có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng lực lượng vũ trang của Trung Quốc rượt đuổi, tấn công tàu đánh cá Việt Nam hành nghề ở quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam gia tăng tuần tra, bảo vệ chủ quyền để ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển. Ông Trung không nói thẳng nhưng cách tường thuật của truyền thông Việt Nam cho thấy, bởi chính quyền Việt Nam làm ngơ đối với việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân ở biển Đông, tình trạng ngư dân Việt Nam xâm nhập, đánh bắt trái phép trong hải phận của các quốc gia khác mới bùng phát.

Theo tường thuật của truyền thông Việt Nam thì tại cuộc họp vừa kể, đại diện Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Ngãi, xác nhận, gần đây, Trung Quốc gia tăng việc rượt đuổi, tấn công ngư dân Quảng Ngãi khi họ khai thác hải sản tại ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa. Trong ba tháng vừa qua, có 21 tàu đánh cá với 136 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, trong đó có ba tàu đánh cá bị đâm, bị đập phá rồi chìm.

Giống như trước nay, viên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam chỉ yêu cầu phải thực hiện nghiêm lệnh của Thủ tướng Việt Nam, ngưng ngay lập tức việc xâm nhập, khai thác hải sản trái phép trong hải phận ngoại quốc. Còn chuyện gặp nạn, bị ức hiếp thì nên “ghi hình, kết nối thường xuyên với các cơ quan chức năng để được được hỗ trợ, giúp đỡ thêm”! (G.Đ)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

  2. Học Giả: Thái Bá Tân

    Luôn có tin tàu lạ
    Giết ngư dân, phá tàu.
    Xin được hỏi thủ tướng:
    Quân đội của ta đâu?

    Nếu vì hèn không thể
    Bảo vệ được người dân,
    Thì xin bớt lem lẻm
    Vì nước và vì dân.

    Cũng xin hỏi thủ tướng
    Dân nuôi quân đội ta
    Có điều gì không ổn,
    Đáng phải để kêu ca?

    Vậy thì sao quân đội
    Không bảo vệ bà con.
    Sao tướng nhiều đến thế.
    Mà toàn tướng chơi gôn?

    Cuối cùng, xin thủ tướng
    Trả lời dân thực lòng:
    Vấn đề là như thế.
    Thủ tướng xấu hổ không?

    Nguồn Mạng

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây