Những câu trả lời

S. Alexievich

Nguồn ảnh: panoramio.com

Bà có bao giờ để ý rằng ngay trong chính chúng ta, chúng ta đã không hề hé môi nửa lời về sự kiện này không? Trong vài chục năm tới, trong một trăm năm tới, với những thế hệ tương lai, đó sẽ là những năm tháng đầy kỳ bí.

Tôi sợ mưa. Bởi Chernobyl đấy. Tôi sợ tuyết, tôi sợ rừng. Điều này chẳng có gì trừu tượng, cũng chẳng phải là trò chơi trí não, mà là cảm thức thực sự con người. Chernobyl có mặt trong khái niệm quê nhà của tôi. Nó có mặt cả trong điều quý báu nhất đời tôi: con trai tôi, sinh ra vào mùa xuân năm 1986. Giờ nó đang mắc bệnh. Loài thú, kể cả con dán, chúng cũng biết khi nào thì nên sinh đẻ và nên đẻ bao nhiêu con. Nhưng con người thì không có được khả năng đó. Thượng đế đã không cho chúng ta khả năng tiên đoán. Thời gian trước đây, có những tài liệu nghiên cứu cho biết rằng, chỉ riêng ở Belarus trong năm 1993 đã có tới 200,000 vụ phá thai. Chỉ vì hậu quả của Chernobyl. Chúng ta đang sống trong nỗi sợ hãi bao trùm đó. Thiên nhiên vốn có khả năng tích lũy và chờ đợi. Và Zarathustra có thể sẽ kêu lên: “Ôi, nỗi buồn của ta! Thời gian biến đi đâu mất rồi vậy?” (1)

Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc này. Tôi đã tìm kiếm những ý nghĩa mà nó chứa đựng. Chernobyl chính là thảm họa của ý thức hệ Nga. Bà có bao giờ xem xét nó dưới khía cạnh này chưa? Tất nhiên là tôi đồng ý với những quan điểm cho rằng thảm họa Chernobyl không chỉ là sự kiện lò phản ứng hạt nhân phát nổ, mà còn là sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống giá trị. Nhưng cách lý giải này dường như vẫn không đủ đối với tôi.

Tôi là một sử gia. Trước đây tôi hoạt động trong lãnh vực ngôn ngữ học, lãnh vực triết lý của ngôn ngữ. Chúng ta không chỉ suy nghĩ bằng ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng suy nghĩ bằng chúng ta. Năm tôi 18 tuổi, hoặc có thể sớm hơn một chút, tôi đã đọc những quyển sách bị cấm đoán và đã khám phá ra Shalamov(2), Solzhenitsyn(3). Bỗng nhiên tôi nhận ra rằng, toàn bộ thời thơ ấu của mình, thời thơ ấu của khu phố mình sinh sống – mặc dù tôi lớn lên trong một gia đình thuộc về giới trí thức (Ông nội tôi là một mục sư, cha tôi là giáo sư dạy ở một trường đại học ở St. Petersburg)- tất cả đều xuyên suốt một thứ ngôn ngữ của những trại tập trung. Đối với đám thiếu niên chúng tôi, rất hoàn toàn tự nhiên khi gọi bố mình là “bố già”(Pakhan), gọi mẹ mình là “mẹ già”(Makhan). “Với mỗi cuộc ái ân vụng trộm,  đều có sự hiện diện của một dương vật và cái tuộc nơ vít.” – tôi đã nghe biết về câu ngạn ngữ đó năm tôi mới 9 tuổi. Dù kiến thức của tôi lúc ấy không hề có lấy một chữ của thế giới văn minh. Mọi trò chơi, ngôn ngữ, câu đố chúng tôi có được đều có nguồn gốc từ trại tập trung. Bởi vì trại tập trung không phải là một thế giới nào khác ở đâu xa xôi. Nó có mặt ở ngay đây. Akhmatova(4) đã viết: “Một nửa đất nước bị nhốt trong những trại tập trung, nửa còn lại ngồi trong những nhà tù .”. Tôi cho rằng thứ ý thức tù ngục này chắc chắn sẽ – không thể tránh khỏi – va chạm với văn hóa – với văn minh, với gia tốc phân tử.

Và tất nhiên, chúng tôi lớn lên trong một nền giáo dục ngoại giáo đặc thù Xô Viết, vốn coi con người là chủ tể của mọi sự sáng tạo, anh ta có quyền cải tạo thế giới theo ý anh ta muốn. Chúng tôi cũng đã được làm quen với khẩu hiệu Michurin(5): “Chúng ta không thể cứ ngồi đó chờ đợi những ân sủng của bà mẹ Thiên Nhiên, chúng ta phải biết tự giành lấy những thứ ấy từ Thiên Nhiên.”. Đó là một ý đồ nhằm giáo dục quần chúng thứ phẩm chất mà họ không bẩm sinh sở hữu. Chúng ta mang tâm lý của kẻ đi áp bức. Giờ đây ai cũng nói về Thượng Đế. Nhưng tại sao người ta không đi tìm Thượng Đế ở trong các trại tập trung, trong những xà lim tù của năm 1937, hoặc tại những cuộc họp Đảng năm 1948  khi chủ nghĩa thế giới đại đồng bị phê phán, hay dưới thời Khrushchev khi mà các ngôi nhà thờ cũ ở khắp nơi trên nước Nga bị phá hủy? Nội dung của niềm tin tôn giáo của người Nga thời cận đại mang tính cách giảo quyệt và giả tạo. Họ dội bom lên những làng mạc hiền lành của Chechnya, họ tìm cách tiêu diệt một dân tộc tuy nhỏ bé những đầy kiêu hãnh. Tiêu diệt là thứ duy nhất người ta biết cách thực hiện, với thanh gươm bạo lực – súng đạn thay vì lời nói. Chúng ta dùng xẻng đánh đuổi những tài xế xe tăng Nga đã bị đốt cháy, hoặc đập bỏ bất cứ thứ gì của họ còn sót lại. Và ngoài kia, vẫn có người cầm nến đứng trong nhà thờ. Để mừng lễ Giáng Sinh.

Nhiệm vụ hiện nay của chúng ta là gì? Chúng ta cần phải tìm hiểu xem liệu chúng ta có đủ khả năng xem xét lại toàn bộ lịch sử của chúng ta, điều mà người Đức và người Nhật đã chứng minh rằng đó là điều khả thể khi họ tự xem xét lại chính lịch sử của họ sau chiến tranh. Liệu chúng ta có đủ đảm lược trí thức để làm việc đó không? Chúng ta hiếm khi dám đặt vấn đề như thế này. Dân chúng chỉ quan tâm tới  thị trường, tới hàng hóa, những tem phiếu ưu tiên, những tấm ngân phiếu trả lương. Một lần nữa, chúng ta chỉ có đủ khả năng để sống sót. Toàn bộ sức lực của chúng ta chỉ nhằm để sống còn. Còn phần linh hồn, phần sâu thẳm bên trong chúng ta đã hoàn toàn bị bỏ quên.

Vậy những gì chúng ta đang nói đến ở đây sẽ có mục đích gì? Quyển sách của bà đang được viết có mục đích gì?  Những đêm thức trắng của tôi sẽ làm được những gì? Điều gì sẽ xẩy ra nếu như cuộc sống của chúng ta đơn giản chỉ như cử chỉ bật một cây que diêm? Có thể sẽ có những câu trả lời. Rằng đó là thứ định mệnh chúng ta không có sự lựa chọn. Và cũng có thể sẽ có những câu trả lời hay hơn thế. Người Nga luôn luôn cần phải tin vào một điều gì đó, chẳng hạn: đường xe lửa, con ếch (Bazarov)(6), đô thị cổ Byzantium, hạt nguyên tử. Và bây giờ thì họ tin vào thị trường.

Nhà văn Bulgakov viết trong “Một âm mưu của bọn đạo đức giả: “Cả đời tôi là một chuỗi những tội lỗi. Tôi là một diễn viên.”. Đây là thứ ý thức của một sự phạm tội về nghệ thuật, về bản chất vô luân của việc nhìn ngó vào đời sống người khác. Nhưng, cũng có thể, giống như mầm bệnh được cấy trong các thứ thuốc chủng ngừa, ý thức phạm tội này có thể mang chức năng phòng ngừa tương tự, giúp tránh được lỗi lầm của một người nào đó. Chernobyl mang vóc dáng bệnh hoạn như không khí trong tác phẩm của Dostoevsky, với ý đồ muốn biện minh cho nhân loại. Hoặc, có thể, đạo đức con người đơn giản hơn là điều người ta vẫn nghĩ. Phải chăng chúng ta nên bước vào thế giới này trên những đầu ngón chân và dừng lại ngay ngưỡng cửa, trước khi tự đắm mình vào không gian kỳ bí bên trong…

 Aleksandr Revalskiy, Sử Gia

Chú Thích:

(1) Zarathustra đã nói như thế – tên một tác phẩm của Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche.

(2) Varlam Shalamov- Nhà văn Nga. Đã từng bị Stalin cầm tù 17 năm trong các trại tập trung

(3) Alexandr Solzhenitsyn – Nhà văn Nga. Giải Nobel về văn chương năm 1970.

(4) Ana Akhmatova – Nhà thơ người Nga

(5) Ivan Vladimirovich Michurin : Nhà khoa học Nga (1855-1935)

(6) Ở đây tác giả ám chỉ nhân vật Yevgeny Vassilyitch Bazarov – trong tác phẩm Fathers and Sons của nhà văn Nga Turgenev – một sinh viên y khoa luôn tìm thú giải trí bằng cách mổ xác những con ếch.

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây