Những điểm yếu của quân đội Việt Nam

Diplomat

Tác giả: Shang-su Wu

Dịch giả: Song Phan

27-6-2017

Xe tăng chủ lực kiểu 59, được sử dụng thời chiến tranh Việt Nam (cuộc chiến với Mỹ). Ảnh: Wikimedia Commons/ Bukvoed

Mặc dù có những khoản đầu tư quốc phòng đáng kể nhưng một số bộ phận bị xao lãng của Quân đội Việt Nam lại dễ bị Trung Quốc tấn công.

Trong hai thập kỷ qua, Hà Nội đã tập trung nguồn lực hạn chế của mình để tăng cường một số khả năng không quân và hải quân, nhưng những thứ khác trong thiết bị quân sự của Việt Nam đang đi tới chỗ lỗi thời do thiếu đổi mới. Mặc dù không có một định nghĩa phổ quát, tính lỗi thời quân sự có thể được xem xét từ hai cách nhìn: tuyệt đối và tương đối. Cách nhìn đầu liên hệ tới sự sẵn sàng hoạt động, và cách sau là việc so sánh các khả năng giữa một nước và kẻ địch tiềm năng của nó. Trong trường hợp của Việt Nam, cách nhìn tương đối quan trọng hơn do việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự toàn diện. Trong khi các máy bay chiến đấu, tàu ngầm, và tàu khu trục mới của Hà Nội không kém hơn các loại tương ứng của Trung Quốc thì các khả năng khác của Việt Nam sẽ là những điểm yếu cho Bắc Kinh khai thác. Tàu quét mìn, xe thiết giáp và pháo binh là ba ví dụ chính.

Tàu quét mìn

Hải quân Nhân dân Việt Nam (VPAN) có bốn loại tàu quét mìn, Dự án 266, Dự án 1258, Dự án 1265, và Dự án T-361; tất cả đều là di sản của Liên Xô từ Chiến tranh Lạnh với công nghệ chống mìn cũ, công suất nhỏ và tuổi thọ ngắn. Bờ biển dài của Việt Nam và vùng biển rộng lớn đặt một gánh nặng lên những tàu quét mìn này. Với việc Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang chuẩn bị gây ra một cuộc phong tỏa bằng mìn biển, Hải quân Việt Nam khó có thể giữ được các tuyến đường biển (SLOCs) thông thương với khả năng quét mìn hạn chế của mình.

Bên cạnh sáu tàu ngầm, Hà Nội còn thiếu các phương tiện hiệu quả để trả đũa chiến thuật tương tự làm gián đoạn SLOCs của Trung Quốc. Dĩ nhiên, VAPN có thể tấn công các tàu trên mặt biển và máy bay của PLAN khi chúng rãi mìn ngoài khơi, nhưng việc đối phó với mìn biển do tàu ngầm cày đặt là một thách thức khác hẵn do khả năng chống ngầm còn giới hạn của Hà Nội. Không có được cách chọn xua đuổi (denial) và trừng phạt, Việt Nam phải đưa ra một quyết định khó khăn trong việc chọn chịu đựng tác động, khuất phục, hoặc leo thang xung đột; tất cả đều không dễ chịu.

Xe bọc thép

Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã nhận được của Liên Xô rất nhiều hệ thống trên đất với chất lượng và số lượng đáng kể. Nhưng từ khi viện trợ quân sự kết thúc cho đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ, những tài sản này đã dần dần trở nên lỗi thời khi đối mặt với hiện đại hóa quân sự liên tục của Trung Quốc.

Hiện nay, các xe tăng chiến đấu chính của Việt Nam (MBT) đều là di sản từ giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, T-54/55, T-62 và Loại 59. Ngược lại, quân đội Trung Quốc (PLA) đã hiện đại hóa các đơn vị MBT của mình với loại 88, loại 96 và loại 99, một hoặc nhiều thế hệ đi trước các loại của quân đội Việt Nam (VPA), phản ánh hỏa lực, khả năng di động và bảo vệ lớn hơn. Mặc dù Hà Nội đã đưa vào công nghệ của Israel để nâng cấp MBT T-55 của mình, khoảng cách thế hệ không hoàn toàn vượt qua. Nói cách khác, một trận đánh xe bọc thép giữa Trung Quốc và Việt Nam thì phần thắng sẽ nghiêng về phía Tung Quốc.

Vì MBTs thường là mũi nhọn tấn công, khoảng cách công nghệ này sẽ xác định tình trạng chiến lược trên biên giới Trung-Việt. Mặc dù tên lửa chống tăng đã cho thấy hứa hẹn trong nhiều trường hợp, tên lửa của VPA (9M14M và 9M111) cũng là những di sản Chiến tranh Lạnh, có nghĩa là khả năng gây hư hại của chúng đối với MBTs mới của Trung Quốc có thể không chắc lắm. Bên cạnh đó, VPA có súng chống tăng loại tự hành lẫn loại được kéo, chủ yếu là thiết kế từ Thế chiến II, và không nên kỳ vọng cao về hiệu suất của chúng.

Pháo binh

Được hưởng lợi từ các thiết kế và công nghệ sau này, các hệ thống pháo binh Trung Quốc, đặc biệt là súng tự hành và hệ thống tên lửa nhiều lần phóng (MLRS) có tầm bắn vượt trội so với các loại tương ứng của Việt Nam. Tầm bắn xa hơn không những cho pháo binh PLA linh hoạt hơn VPA mà còn giảm cơ hội để VPA trả đũa. Mặc dù Hà Nội có pháo tên lửa và tên lửa có tầm bắn xa hơn, chẳng hạn như ISTRA của Israel và R-17 (Scud) của Nga, nhưng sử dụng chúng sẽ mời gọi Bắc Kinh trả đũa mạnh mẽ hơn bằng các loại vũ khí lớn hơn đang còn nằm đợi. Nếu pháo binh của VPA bị pháo binh của PLA triệt hạ, các đơn vị ở tuyến đầu của VPA, bao gồm MBTs, sẽ còn trong tình trạng hoạt động tồi tệ hơn.

Việc phân định biên giới đất liền thông qua các hiệp ước song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh vào những năm 1990 đã xóa đi một nguyên nhân thường gây xung đột vũ trang: tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc sẽ không muốn tạo ra một ấn tượng tiêu cực qua việc xâm lược đất đai. Tuy nhiên, khả năng quân sự kém hơn của VPA trong việc bảo vệ đất đai vẫn là một cách hiệu quả để PLA gây áp lực chiến lược. Các cuộc tập trận, triển khai về phía trước, và thậm chí bắn nhau qua lại với quy mô nhỏ sẽ gửi thêm thông điệp từ phía Trung Quốc. Dù cái giá phải trả về chính trị cho Bắc Kinh cao hơn, Hà Nội cũng không xa biên giới. Địa hình đồi núi giữa đồng bằng sông Hồng và biên giới sẽ giúp VPA chống lại cuộc xâm lược phía Bắc, nhưng chẳng có tác dụng gì trong việc ngăn cản các pháo tên lửa và tên lửa, chưa nói đến các cuộc không kích. Trung Quốc do đó có nhiều lựa chọn về hoạt động trên đất liền để sử dụng chống Việt Nam.

Những khả năng này có thể được cải thiện rất nhiều nếu đầu tư đầy đủ, nhưng việc phân bổ ngân sách quốc phòng sẽ là một vấn đề nan giải đối với Hà Nội. Một mặt, ngay cả với sự nhấn mạnh hiện nay về bảo vệ vùng trời và xua đuổi trên biển, những khả năng này vẫn chưa đạt được tới tầm mức tương đương mặt đối mặt các khả năng tương ứng của Trung Quốc. Việc chuyển các nguồn lực sang các lĩnh vực khác có thể làm gián đoạn các dự án hiện có. Mặt khác, các lỗ hổng chiến lược đề cập ở trên sẽ tồi tệ hơn cùng với thời gian khi không có đầu tư đáng kể.

Tăng ngân sách có thể giải quyết tình trạng nan giải này nhưng có thể tạo ra một vấn đề lớn hơn trong việc cân bằng giữa quốc phòng và các nhu cầu khác. Xây dựng thêm đồng minh để lấp đi những thiếu sót trong khả năng quân sự của Hà Nội là một lựa chọn khác, tuy nhiên nó sẽ đi ngược với chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam. Sự thù hận đối với Trung Quốc có thể quá mạnh để Hà Nội vẫn giữ chính sách rào dậu đối với Bắc Kinh. Đồng thời, ngay cả một đồng minh cũng không thể cung cấp cho Việt Nam sự hậu thuẫn cần thiết. Vì không có giải pháp dễ dàng nào, trong tương lai gần, các nhà hoạch định quốc phòng Việt Nam sẽ bị ám ảnh bởi những thách thức có nguồn gốc từ sự lỗi thời của quân đội.

Shang-su Wu là một nghiên cứu viên của Chương trình Nghiên cứu quân sự, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Kỹ thuật Nanyang.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook