Quốc gia Việt Nam

Dương Quốc Chính

7-3-2021

Ngày 8/3/1949 là ngày ký hiệp định Elysee giữa TT Pháp Auriol và cựu hoàng Bảo Đại. Thông qua hiệp định này, TT Pháp kiêm chủ tịch Liên hiệp Pháp đã công nhận Quốc gia VN là một nhà nước độc lập trong khối Liên hiệp Pháp. Ngày này được coi là ngày thành lập QGVN.

QGVN là chính quyền quản lý cả nước VN (trừ các vùng chiến khu do VNDCCH kiểm soát) từ năm 1949-1954, tại Bắc vĩ tuyến 17 và sau đó đến tháng 10/1955 tại Nam vĩ tuyến 17, sau HĐ Geneva. QGVN chấm dứt tồn tại sau cuộc trưng cầu dân ý phế truất quốc trưởng Bảo Đại, thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm quốc trưởng và tuyên bố thành lập VNCH.

Đa số người Việt hiện nay không biết tới QGVN do chính quyền CS không công nhận. Vì thế, chính quyền này coi như bị xóa khỏi lịch sử VN hiện nay.

Tuy nhiên, QGVN vẫn là một phần của lịch sử VN, cho dù có được phe CS công nhận hay không. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chính quyền này, mình viết vài dòng sơ lược để mọi người thấy được bức tranh toàn cảnh về lịch sử VN giai đoạn 1945-1954, vốn rất nhạy cảm.

Bối cảnh

Ngày 2/9/1945 nước VNDCCH ra đời, để có tính chính danh, Việt Minh tổ chức bầu cử quốc hội khóa 1 vào tháng 1/1946. Với 90% dân số mù chữ, kết quả bầu cử là VM chiếm đa số ghế trong QH, đảng đối lập là Việt Quốc, Việt Cách tẩy chay bầu cử, vì cho là VM độc diễn. Ông HCM được bầu với hơn 98% số phiếu! Công dân Vĩnh Thụy cũng trúng cử đại biểu QH cho dù ông không tham gia bầu cử cũng không trực tiếp ứng cử!

Tuy nhiên, VNDCCH không được bất nước nào trên thế giới công nhận, kể cả Liên Xô.

Ngay cuối tháng 9/1945, người Pháp theo chân người Anh vào Nam vĩ tuyến 16 và Trung Hoa dân quốc (chính quyền Tưởng) vào Bắc vĩ tuyến 16 để giải giáp quân đội Nhật. Người Pháp không công nhận VNDCCH ở miền Nam, người Tàu chấp nhận sự tồn tại VNDCCH ở miền Bắc nhưng gây sức ép để CP và QH VNDCCH phải cải cách để trao thêm quyền lực cho những người không phải VM. Việt Quốc và Việt Cách được đặc cách 70/300 ghế đại biểu QH và được cử người nắm 1 số chức vụ quan trọng trong chính phủ.

Ngày 6/3/1946, Chủ tịch HCM ký với Sainteny, đại diện của Pháp tại miền Bắc hiệp định Sơ bộ. Hiệp định này cho phép quân đội Pháp thay thế quân TQ giải giáp quân đội Nhật ở miền Bắc. Trước đó, Pháp và Tưởng đã ký hiệp định Trùng Khánh để Tưởng chấp nhận cho Pháp được thế chân tại Bắc Việt. Đổi lại, Pháp trả lại Tưởng nhượng địa của Pháp tại TQ và đường sắt Côn Minh.

Quân Pháp ra Bắc giải giáp quân Nhật nhưng không thể tiếp tục thương thảo được với VNDCCH về vai trò của nước VN. VNDCCH đòi VN phải được độc lập và thống nhất 3 kỳ trong khi HĐ Sơ bộ trước đó đã thống nhất là VN chỉ độc lập trong Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp (không phải nước Pháp) và Nam Kỳ có nhập vào 2 kỳ còn lại hay không còn phụ thuộc vào một cuộc trưng cầu dân ý.

Mâu thuẫn kể trên khiến cho chiến tranh Việt – Pháp nổ ra vào ngày 19-12-1946. Chính quyền VNDCCH rút lên Việt Bắc tổ chức kháng chiến. Trước đó, vào 1/6/1946, Cộng hòa Nam Kỳ được thành lập, Nam Kỳ ly khai khỏi VNDCCH bằng một cuộc bầu cử của Hội đồng tư vấn Nam Kỳ (kiểu như Hội đồng nhân dân hiện nay). Chính quyền này chỉ được người Pháp công nhận. Trên thực tế từ cuối năm 1945, chính quyền VNDCCH đã bị vô hiệu tại Nam Kỳ.

Như vậy, sau khi VNDCCH rút lên chiến khu thì không có một chính quyền nào chính thức quản lý Bắc Việt. Người Pháp cần có một chính quyền của người Việt để quản lý VN và không muốn biến VN thành thuộc địa như trước 45. Người Pháp muốn biến cuộc chiến Pháp – Việt thành cuộc chiến chống Cộng giữa 2 phe người Việt chứ không phải là cuộc chiến giành thuộc địa của mẫu quốc với dân bản xứ.

Sau khi thoái vị ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại thành cố vấn Vĩnh Thụy cho chính quyền mới. Nhưng trong chuyến công cán sang TQ để vận động Tưởng Giới Thạch ủng hộ VNDCCH, Vĩnh Thụy bị bỏ lại TQ (VM thì cho là ông trốn lại). Vĩnh Thụy được một số người cưu mang và chuyển tới ở Hongkong.

Thành lập chính phủ

Giải pháp Bảo Đại được cả người Pháp lẫn phe Quốc gia (không CS) người Việt ở Nam Kỳ thấy là tối ưu nhất để thành lập một chính quyền của người Việt. Hai bên đều cử đại diện sang Hongkong để thuyết phục Bảo Đại quay lại VN chấp chính. Cựu hoàng không dễ dàng chấp nhận mà ra điều kiện với Pháp về nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Cuối cùng, người Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận từ bỏ thuộc địa Nam Kỳ vô điều kiện một cách chính thức (thông qua quốc hội Pháp). Hiệp định Elysee cụ thể hóa điều đó thành văn bản.

Bảo Đại đã làm được điều mà VM mong muốn mà không được người Pháp chấp nhận, đó là VN được toàn vẹn lãnh thổ. Khi ký kết HĐ, Bảo Đại ký với TT Pháp kiêm chủ tịch Liên hiệp Pháp, thể hiện vai trò của Bảo Đại như một nguyên thủ quốc gia. Trong khi trước đó, CT HCM chỉ được ký HĐ Sơ bộ với Sainteny là một ủy viên cộng hòa Pháp (tương đương Thống sứ Bắc kỳ, dưới quyền cao ủy – toàn quyền Đông Dương). Sau đó, Chủ tịch HCM ký Tạm ước với Moutet (Bộ trưởng Pháp). Tức là người Pháp không coi CT HCM như một nguyên thủ quốc gia ngang hàng.

Quốc gia VN có thủ đô đặt tại Sài Gòn, quốc kỳ là cờ vàng 3 sọc đỏ, quốc ca là bài Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước được cải lời. Đây chính là quốc kỳ và quốc ca VNCH sau này.

QGVN là một chính thể lai tạp giữa quân chủ chuyên chế và quân chủ lập hiến. Bảo Đại là nguyên thủ, gọi là quốc trưởng, nhưng quyền hành pháp được trao cho thủ tướng (khác quân chủ chuyên chế) nhưng chưa có hiến pháp và quốc hội (khác quân chủ lập hiến). QGVN khi thành lập vẫn phụ thuộc về kinh tế, ngoại giao và quân sự vào Liên hiệp Pháp. Sau đó người Pháp trao trả dần sự tự chủ cho QGVN cùng với sự lớn mạnh của chính quyền này. Đến tháng 6/1954, trước khi HĐ Geneva được ký kết thì Pháp đã trao trả hoàn toàn nền độc lập cho QGVN. Tuy nhiên lúc đó, Điện Biên Phủ đã thất thủ và VNDCCH đã kiểm soát hầu hết vùng nông thôn và miền núi.

Đến năm 1950, có 35 nước công nhận QGVN và thiết lập ngoại giao. Trong khi đó, phe XHCN thì công nhận VNDCCH cũng chỉ từ tháng 1/1950, sau khi thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Năm 1952, QGVN đại diện cho VN tham dự hội nghị San Francisco, thủ tướng Trần Văn Hữu đã tuyên bố chủ quyền HS và TS của QGVN, không có nước nào tham dự hội nghị phản đối. Đài Loan và Trung Cộng (lúc đó đã nắm Hoa lục) đều không được tham dự hội nghị.

Chấm dứt

Sau khi Hiệp định Geneva ký kết giữa Pháp và VNDCCH (QGVN và Mỹ không ký), chính quyền QGVN rút khỏi Bắc vĩ tuyến 17 cùng quân đội Pháp và chỉ quản lý hành chính miền Nam. Tháng 7/1954, thủ tướng Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại (lúc đó ở Pháp) ủy quyền toàn bộ về hành pháp. Thủ tướng Diệm nhận chức trong bối cảnh có các sứ quân có quân đội riêng cát cứ ở VN. Các giáo phái, phe nhóm này đều thân Pháp và không phục TTg (thân Mỹ) khiến ông phải dùng bạo lực để dẹp loạn hòng thống nhất quyền lực về chính quyền trung ương. Mâu thuẫn cao trào khi Bảo Đại triệu hồi NĐ Diệm sang Pháp (có ý đồ cách chức). Trong hoàn cảnh đó, nhóm thân cận ông Diệm đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý phê truất Bảo Đại.

Sau cuộc trưng cầu dân ý (23/10/1955) bị cho là gian lận, Bảo Đại bị phế truất, TTg Diệm lên thay và tuyên bố thành lập nền cộng hòa, là chính thể VNCH. QGVN chính thức chấm dứt hoạt động.

Dưới đây là toàn văn hiệp định Elysee, dịch từ tiếng Anh, bản lưu trữ tại Mỹ: Hiệp định Pháp-Việt ngày 8 tháng 3 năm 1949 (Hiệp định Élysée).

Bức ảnh chụp tại sân bay Gia Lâm vào tháng 3/1954, quốc trưởng Bảo Đại cùng các quan chức QGVN và tướng Rene Cogny.

Ảnh tư liệu

Lính mặc đồ đen là quân đội QGVN, nhóm lính bên trái có vẻ là lính lê dương thuộc quân đội Liên hiệp Pháp.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Những tư liệu lịch sử cận đại cần bạch hóa cho các thế hệ thanh niên sinh viên học sinh hiện nay biết tường tận để chúng không bị các phe phái chính trị vo tròn bóp méo làm cho chúng không có cái nhìn xác thực

Comments are closed.