Chính quyền quân phiệt Myanmar: Khủng bố chống lại chính người dân của mình

Frankfurter Allgemeine Zeitung

Tác giả: Till Fähnders

Dịch giả: Hiếu Bá Linh

4-3-2021

Cuộc biểu tình để tưởng nhớ cô Kyal Sin, là người biểu tình bị bắn ở Mandalay Ảnh: Reuters

Nhiều người bị bắn chết ở Myanmar – Người biểu tình đau buồn nhưng vẫn tiếp tục phản kháng

Hôm qua, thứ Tư là ngày đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu ở quốc gia Đông Nam Á này. Các nhà hoạt động nhân quyền suy đoán rằng, có một chiến lược quân sự phối hợp đằng sau việc này. Đó là cuộc khủng bố chống lại chính người dân của mình.

Bắn các phát súng mà hầu như không có cảnh báo trước. Trong nhiều trường hợp, các viên đạn đã bay thẳng vào đầu người biểu tình. Hàng chục người đã thiệt mạng theo cách này. Trong số đó có cô Ma Kyal Sin, 19 tuổi. Lập tức, cô ấy đã trở thành thiên thần bất tử của cuộc tắm máu này ở Myanmar.

Có lẽ vì cô ấy còn quá trẻ, hoặc vì người ta nhanh chóng nhận ra cô ấy là ai. Có thể chỉ vì dòng chữ trên áo phông của cô ấy, nghe giống như một câu nói đùa với thông điệp lạc quan: “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi“. Trong những bức ảnh chụp từ quê hương Mandalay của cô, xác chết của cô nằm cạnh xác của một người đàn ông 37 tuổi bị bắn chết vào ngực. Hàng trăm người đã tham dự tang lễ của cô gái trẻ hôm nay thứ Năm 4/3. Họ hát và hô khẩu hiệu.

Bất chấp đổ máu nghiêm trọng, mọi người đã xuống đường một lần nữa vào ngày thứ Năm để đòi hỏi dân chủ. Vào những giờ quá tối, bất chấp lệnh giới nghiêm hàng đêm, họ vẫn gặp nhau để tưởng niệm và biểu lộ sự thương tiếc.

Hôm qua thứ Tư 3/3 là ngày đẫm máu nhất cho đến nay kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu và phản ứng tàn bạo của quân đội. Theo bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên LHQ, 38 người đã bị bắn chết trong ngày hôm qua. Số người bị thương ước tính khoảng 100 người.

Theo tổ chức nhân quyền Fortify Rights, tính đến nay, đã có tổng cộng 61 người chết ở bảy khu vực và tiểu bang. Trước đó, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã nói về con số 23 người chết tính từ ngày đảo chính 1/2 cho đến ngày 1/3.

Cô Ma Kyal Sin mặc áo có dòng chữ “every thing will be ok” (Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi)

Trong số nạn nhân bị bắn chết cũng có trẻ em

Các trường hợp bị bắn chết được báo cáo hôm thứ Tư, xảy ra ở các thành phố Monywa, Myingyan, Mandalay, Salin và Mawlamyine. “Cảnh sát và quân đội đã bắn chết đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Trong số những nạn nhân có các sinh viên, một thợ mộc, một kỹ sư, một giáo viên và những người khác”, tổ chức Save the Children đưa tin hôm thứ Năm.

Theo tổ chức này, ít nhất bốn người bị bắn chết là trẻ vị thành niên. Bởi vì hiện tại không thể nhập cảnh vào Myanmar do các hạn chế về virus corona và các hạn chế khác kể từ cuộc đảo chính, cho nên để đánh giá toàn bộ mức độ của thảm kịch, thế giới bên ngoài phải dựa vào các tường thuật từ các đại diện báo chí địa phương và đánh giá các video và hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch phân tích một số tài liệu ảnh chụp cảnh sát bắn vào người biểu tình ở thành phố lớn nhất Myanmar, Yangon, hôm thứ Tư. Kết quả là, tổ chức này xác định, có 3 vụ nổ súng của lực lượng an ninh xảy ra dọc theo Đường Thudhamma, gần Công viên Okkala Thiri ở Yangon hôm thứ Tư. Hàng trăm người biểu tình được nhìn thấy trên một đoạn video, họ ẩn nấp trước làn đạn bắn liên tục.

Các viên đạn xuất phát từ hướng của một cây cầu, nơi có ít nhất năm xe quân sự đang đậu. Đạn có lẽ được bắn từ súng trường tự động và bán tự động. Mục tiêu là những người biểu tình, họ đang đưa một người bị thương hoặc thiệt mạng ra khỏi khu vực. Trong một trường hợp khác, một người đàn ông bị lực lượng an ninh bắt giữ khi họ bắn vào lưng ông ở cự ly gần.

LHQ sẽ họp bàn vào thứ Sáu

Những điểm giống nhau trong việc sử dụng vũ lực quá mức và gây chết người của lực lượng an ninh cho thấy rằng, có một sự phối hợp giữa các đơn vị khác nhau và một chiến lược quốc gia đằng sau việc này, tổ chức Fortify Rights báo cáo. Tất cả các sĩ quan quân đội và cảnh sát trong ban chỉ huy phải chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ đã gây ra đối với người dân Myanmar. Tổ chức này kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (UNSC) áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội và các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo quân đội. Ủy ban của UNSC sẽ họp vào thứ Sáu để thảo luận về các sự kiện.

Fortify Rights cũng kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra. Ismail Wolff, giám đốc khu vực của tổ chức này cho biết: “Các binh lính và cảnh sát ở Myanmar hành xử như những đội tử thần và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”. Tướng đảo chính Min Aung Hlaing và “quân hàm sát nhân” của hắn đã khủng bố dân chúng.

Bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên LHQ, trước đó đã cảnh báo rằng tình hình có thể phát triển thành một “cuộc chiến thật sự”. Bà ấy cũng đã báo cáo về các video “rất đáng lo ngại“.  “Có lẽ cảnh sát đang sử dụng vũ khí như súng tiểu liên 9 ly, tức là bắn đạn thật“, bà nói trong một cuộc họp báo.

Đặc phái viên LHQ cũng cho biết, bà đã liên lạc với quân đội. Trong cuộc nói chuyện với Phó Chỉ huy quân sự Soe Win, bà nhấn mạnh rằng quân đội phải tính đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. “Chúng tôi đã quen với các biện pháp trừng phạt và đã tồn tại“, đó là câu trả lời. Ngoài ra, bà lưu ý ông ta rằng, quân đội có nguy cơ bị quốc tế cô lập. “Chúng tôi phải học cách hòa nhập với chỉ một vài người bạn“, vị tướng này trả lời.

_____

Ghi chú: Tựa đề do người dịch đặt

Bình Luận từ Facebook