Nguyễn Đình Lộc, con chim phải theo bầy

Jackhammer Nguyễn

26-1-2021

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc. Photo Courtesy

Một nhân vật vừa qua đời ở Việt Nam, cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, được cả truyền thông lề trái lẫn lề phải dành cho những từ ngữ, nếu như không bóng bẩy quá, thì cũng là kính trọng. Ít có nhân vật cộng sản có quyền có chức Việt Nam nào được như vậy.

Ông Lộc thuộc những thế hệ đầu tiên mà miền Bắc cộng sản đưa sang Liên Xô đào tạo, để tiến hành việc tổ chức một mô hình nhà nước, xã hội theo kiểu Xô Viết. Ông, cũng như nhân vật đang đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) hiện nay, Nguyễn Phú Trọng, không phải tham gia cuộc chiến Việt Nam nhiều chết chóc.

Ông Lộc được đào tạo trong một lãnh vực rất tréo cẳng ngỗng với ý thức hệ cộng sản, là lĩnh vực tư pháp. Ý thức hệ này đưa ra mô hình chuyên chính (chuyên chế, độc tài) công nông, mà đã chuyên chế thì cần gì pháp luật. Thực tế đó diễn ra trong tất cả các xã hội cộng sản, trong cả những xã hội cộng sản lai tạp như Việt Nam, Trung Quốc ngày nay.

Theo quan điểm của xã hội dân chủ phương Tây, thì pháp luật, một mặt dùng để duy trì trật tự đời sống hàng ngày, mặt khác quan trọng không kém là để kiểm soát sự lạm quyền của các nhánh quyền lực khác nhau, và vì thế nó độc lập.

Nếu ta tạm cho rằng, tư pháp cộng sản cũng có phần được dùng để duy trì trật tự cuộc sống hàng ngày, thì phần còn lại hoàn toàn không có. Bộ máy pháp lý cộng sản chỉ được dùng để tăng cường quyền lực của đảng cộng sản mà thôi, vì thế nó nằm chung với cái gọi là dân chủ tập trung của họ, dưới sự chỉ đạo của đảg.

Người cộng sản cũng không giấu diếm điều này, mà nói như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, họ có một sự ghê tởm pháp luật trong cái vô thức bí mật của họ.

Nhưng nếu không kiểm soát quyền lực thì trật tự cuộc sống hàng ngày sẽ rất bấp bênh, bởi sự lạm quyền, bởi sự oan ức không được xét xử. Cái gọi là nền tư pháp xã hội chủ nghĩa (cộng sản) mâu thuẫn với chính nó ngay từ nguyên tắc.

Đó là những câu hỏi đầy mâu thuẫn mà những người có xuất phát điểm như ông Nguyễn Đình Lộc sẽ phải trả lời, không sớm thì muộn, nếu họ là những người đàng hoàng.

Điểm lại cuộc đời của ông Lộc thì hẳn sẽ thấy ông là một người … tuân thủ, không phản kháng, đảng đặt đâu ông ngồi đấy. Cũng là chứng nhân của những biến động … xét lại, tại Liên Xô, nhưng ông không có cái can đảm như Hoàng Minh Chính, hay Nguyễn Minh Cần. Ông chấp nhận cuộc đời ông gắn chặt với pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thế nhưng ĐCSVN bị bắt buộc phải sống còn trong cơn bão dữ Liên Xô sụp đổ, đưa đến một xã hội cộng sản lai lạp tại Việt Nam sau năm 1986. Xã hội cộng sản lai tạp đó đặt những người như ông Lộc vào tâm điểm của xáo trộn, của sự giằng co, của những mong muốn bất khả. Ông có thể cũng không muốn “học tập và làm theo” nữa, chúng ta cũng khó mà biết, nhưng một điều gần như chắc chắn rằng đảng của ông cũng chới với, không biết làm sao vào lúc đó.

Ông Lộc đã phải trả lời câu hỏi về sự mâu thuẫn khái niệm luật pháp xã hội chủ nghĩa với hiện thực Việt Nam sau năm 1986, bằng những cố gắng từ vị trí bên trong bộ máy của ông.

Từ một góc nhìn nào đó, ta có thể nói rằng, ông Lộc có thể được xếp vào thành phần đảng viên cộng sản cố gắng có những cải cách xã hội, và chính thể, từ bên trong. Cao điểm nhất của cố gắng ấy là kiến nghị 72, đề nghị đảng CSVN bỏ điều bốn Hiến pháp, tức là bác bỏ uy quyền độc tôn của Đảng.

Kiến nghị thất bại, và sau đó có tin nói rằng, ông Lộc thoái thác rằng ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa kiến nghị ấy.

Cố gắng cuối cùng của một con chim lạc bầy, muốn kéo cả bầy của mình về hướng mình cho là đúng, thất bại. Vì rằng không có chỗ cho cả bầy ấy bay đến. Trí thức phản biện Nguyễn Đình Lộc, cuối cùng không bước qua được lằn ranh “đối lập trung thành” của nhà văn Phạm Thị Hoài.

Nhưng có mấy người vượt qua được lằn ranh đó?

Những người muốn cải tổ từ bên trong của bộ máy như cố bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, theo tôi là không ít, bằng nhiều hình thức khác nhau, họ có mặt ở nhiều tầng nấc khác nhau của bộ máy, nhưng họ không đủ đông để làm nên chuyện lớn.

Tôi gặp ông Lộc một lần mà địa điểm và thời gian tôi không nhớ rõ, trong một buổi tiếp tân nào đó, có thể là Washington DC, Paris, hay cũng có thể là Hà Nội và chắc chắn là trước kiến nghị 72. Chúng tôi không nói chuyện nhiều, cũng không rõ là không có gì để nói, hay là sự giữ kẽ! Nhưng hình ảnh, vóc dáng, ánh mắt ông Nguyễn Đình Lộc, kỳ lạ thay tôi còn nhớ rất rõ. Một người Việt Nam thấp bé gầy gò (dường như ông có một khuyết tật nào đó ở đôi chân?), đôi mắt sáng, hiền lành và buồn, nhưng mà là một nỗi buồn trong trẻo.

Ông Lộc đưa tôi danh thiếp, ông nhìn tôi như một người anh em xa cách vừa gặp lại, mong muốn hàn huyên, giải thích, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, không biết có còn nói cùng một thứ tiếng hay không!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Trong hai phân đoạn cuối của bài viết, tác giả cho thấy là trí nhớ có vần đề chọn lọc khác đặc biệt (selective memory.)
    “Tôi gặp ông Lộc một lần mà địa điểm và thời gian tôi không nhớ rõ, trong một buổi tiếp tân nào đó,…Nhưng hình ảnh, vóc dáng, ánh mắt ông Nguyễn Đình Lộc, kỳ lạ thay tôi còn nhớ rất rõ. ”
    Trong kinh nghiệm hằng ngày, hồi ức này là một chuyện bất bình thưòng. Không nhớ là ông gặp ông Lộc ở đâu, mà chì nhố các chi tiết khác: ánh mắt, hình ảnh, trao danh thiếp. Chuyện khó tin nhưng có thật. Mong tác giả nói cho rõ hơn.

  2. Giới sĩ phu Bắc Hà ca ngợi hết lòng ông Nguyễn Đình Lộc, một danh tài luật học miển Bắc, vừa ra đi, để lại bao nhiêu thương tíếc. Là người ngoại đạo, tôi muốn được biết ông Lộc đã để lại những danh phẩm nào cho luật giới và hậu thế hay chỉ là một cán bộ chuyên ngành trung với Đàng và hiếu với dân. Ngay cả khi tham gia kiến nghị 72 mà cuối cùng còn thoái thác chối từ, thì có lý do gì để gọi là liêm khiết trí thức.
    Cho đến nay, các danh tác luật học của miền Nam như Luât Hiến Pháp của GS Nguyễn Văn Bông, Cổ Luật cũa GS Vũ văn Mẩu, Luật Kinh Tế của GS Vũ Quốc Thúc, Tài chính Công của GS Lê Đình Chân, Kinh tế Học cũa GS Châu Tiến Khương vv. vẫn còn được xem là nhưng công trình được bao nhiêu thế hệ sinh viên trường Luật miền Nam ghi công. Còn miền Bắc có một tác phẩm nào hay một luật gia nào đáng gọi là tầm vóc quốc gia và quốc tế ?

  3. Hồi giữa thập niên 60 của TK trước,khi nghiên cứu về luật pháp Liên
    xô các giáo sư luật Đại hoc LK Saigon nhận định các nước theo chế độ CS không có luật pháp hoàn chỉnh như các nước dân chủ tây phương.Lý do là họ phá bỏ tất cả cơ cấu tổ chức chính quyền nhà nước mà nhân loại đã dày công xây dựng từ ngàn xưa và quản trị xã hội theo quan điểm chính trị của họ, một mô hình mà chưa từng có trong quá trình tiến hóa của loài người.Do đó khi tìm hiểu nghiên cứu luật pháp các nước xhcn thật khó khăn,chưa nói đến rào cản của chế độ chuyên chế không có tự do báo chí ngôn luận…

Comments are closed.