Đồng bằng sông Cửu Long đang lụi tàn

Jackhammer Nguyễn

2-1-2021

Trước Tết dương lịch ít hôm, báo chí Việt Nam đưa tin, con số thống kê những người dân vùng đồng bằng Cửu Long ly hương, với những tiêu đề rất bi thảm: Day dứt miền Tây của báo Đại Đoàn Kết, Hơn 1 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long bỏ xứ đi lập nghiệp nơi khác của báo Dân Trí; Nỗi niềm sau chuyện 1,3 triệu người miền Tây ly hương của báo Người Đô thị; ‘Di dân nhiều cho thấy miền Tây kém phát triển’ của VnExpress và Dân bỏ xứ đi, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao? của RFA…

Trước đó vài tháng lại có những tin rất phấn khởi là đại dự án thủy lợi “Cái Lớn – Cái Bé” được các tỉnh hoan nghênh, thúc giục chính phủ tiến hành giai đoạn 2. Đây là một dự án rất tốn tiền, nằm trong đại quy hoạch vùng châu thổ này, dự phòng những biến chuyển bất lợi về thiên nhiên như nước biển dâng, biến đổi khí hậu,… trong tương lai.

Chuyện đồng bằng sông Cửu Long bị tụt lại đằng sau không phải là mới. Vùng đất “gạo trắng nước trong”, vựa lúa của Việt Nam” vang bóng một thời, bây giờ trở thành khu vực có đông dân nghèo, thất học. Cách đây vài chục năm đã có những phong trào thể hiện sự tàn lụi đó, phong trào thiếu nữ đi lấy chồng Đài Loan, những người phụ nữ đi làm nghề massage trên cả nước…

Người ta có thể giải thích sự lụi tàn này bằng nhiều lý do. Thứ nhất, thiên nhiên thay đổi, thay đổi từ bên ngoài, như là biến đổi khí hậu, hay người Tàu, người Lào, người Thái, cả người Việt nữa, xây đập trên thượng nguồn làm nước ngọt và phù sa không xuống được đến châu thổ.

Thứ hai là do chính mình làm hại mình. Người ta khai thác cát vô tội vạ, làm nước xoáy lở bờ, và nhất là hai đại dự án rất ngốc nghếch chống lại thiên nhiên do lãnh đạo cộng sản chủ trương trước đây: Đắp đê làm mùa lúa vụ thứ ba, và ngọt hóa bán đảo Cà Mau.

Cuối năm 2017, Đảng Cộng sản ra nghị quyết số 120 về vùng đất này với tinh thần là không chống lại thiên nhiên nữa. Một số nơi phá đê cho nước ngọt tràn vào như thời xưa, các vùng nước mặn, nước lợ không bắt buộc nông dân trồng lúa…

Với nghị quyết 120, người cộng sản tỉnh ngộ sau 42 năm ra tay phá hoại thiên nhiên ở vùng đất trù phú này một cách vô ý thức và duy ý chí.

Thôi thì muộn còn hơn không, và dự án Cái Lớn Cái Bé như nói bên trên được cho là nằm trong tinh thần của nghị quyết 120, không chống lại thiên nhiên, hơn nữa còn được cố vấn từ một dân tộc sừng sỏ trong chuyện khai thác và quản lý châu thổ, là dân Hà Lan. Dự án này được cho là “thuận thiên”, chỉ điều hòa nước mặn, nước ngọt giữa khu vực dòng chính của sông Cửu Long và bờ biển phía Tây thuộc Vịnh Thái Lan.

Vẫn có nhiều nghi ngại của các nhà khoa học môi trường ở vùng này về dự án Cái Lớn – Cái Bé, rằng nó vừa tốn tiền, vừa có thể làm thay đổi thiên nhiên một lần nữa mà nếu sai thì rất khó sửa. Người ta cũng nghi ngờ về sự quản lý một số tiền quá lớn, do các bộ từ trung ương thực hiện.

Cứ giả thiết rằng dự án sẽ thành công, thì liệu các tựa đề ai oán của các bài báo tôi đề cập bên trên có biến mất không? Tôi nghĩ là không.

Theo tôi thì bi kịch ở đây không phải là chuyện người dân rời khỏi đồng bằng sông Cửu Long, mà cho dù di dân nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc sống nghèo đói tại các khu công nghiệp dụng công ở Sài Gòn, Bình Dương, Long An. Thanh niên trai trẻ miền Tây chen chúc trong các khu nhà ọp ẹp của công nhân, với thu nhập vừa đủ trang trải bữa ăn hàng ngày và chỗ trọ, không còn đồng nào gửi về quê cho cha mẹ già, tệ hơn là cũng không giúp gì cho một thế hệ trẻ em đồng bằng sông Cửu Long, lớn lên không cha, không mẹ, không học thức.

Cứ giả định rằng đại dự án Cái Lớn – Cái Bé thành công, các dự án tiếp theo trên tinh thần nghị quyết 120 “thuận thiên” thì giá một kg gạo sắp tới đây là bao nhiêu, một ký tôm là bao nhiêu, một cần xé xoài là bao nhiêu? …

Nông dân bỏ quê lên thành thị đâu phải là chuyện lạ, thế giới cũng đã có nhiều, từ hàng trăm năm nay, không thể cản được họ đâu. Vấn đề là họ rời bỏ quê hương rồi có làm ăn khấm khá lên hay không?

Trả lời câu hỏi này sẽ là bức tranh lớn hơn về chính sách xã hội, tổ chức dân sự, nghiệp đoàn, trong đó những người gốc nông dân sẽ phải thay đổi cuộc sống mãi mãi khi họ không còn là nông dân nữa.

Theo tôi thì người Hà Lan, với kinh nghiệm trị thủy lừng danh của họ, sẽ giúp được người Việt trị thủy thành công vùng châu thổ Cửu Long. Vùng đồng bằng này cũng ngập nước, cũng có diện tích xấp xỉ nước Hà Lan.

Cái khác là Hà Lan không chỉ có phô mai, lúa mì, sữa,… của nông dân, họ còn có cả Philips từng là nhà tiên phong trong kỹ nghệ điện tử, có cả thị trường chứng khoán đầu tiên của thế giới ở Amsterdam. Họ cũng đã từng thê thảm khi chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên khi khám phá ra khí đốt. Họ cũng bỏ xứ ra đi hàng đoàn vào thế kỷ trước, nhưng ở chốn xa, họ lập nên được New York (trước đây là New Amsterdam), làm ăn khấm khá.

Để kết luận, tôi xin kể ấn tượng của tôi về hai chuyến đi. Một lần tôi đến Volendam, một cảng cũ của người Hà Lan nằm trên biển Bắc. Volendam có nhà rất đắt tiền, với giới giàu có về hưu của cả châu Âu đến thị trấn cổ kính này dưỡng già, nuôi sống cả một ngành dịch dụ thương mại ở đây.

Lần khác tôi đến một xã ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Hậu Giang (không có tỉnh nào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà tôi chưa đến). Đất ở đây đầy chất phèn, mùa nước nổi lên người ta phải đi bằng xuồng, mà nước thì không uống được, tôm cá cũng chẳng có. Tôi nghĩ là thời binh lính của các Chúa Nguyễn vào Nam, cả một huyện Mỹ Tú chắc chỉ có vài gia đình, thì mọi chuyện ổn cả, nhưng bây giờ có cả chục ngàn người sinh sống trên vài gò đất đầy phèn ấy, thì phải bỏ đi thôi, chứ ở lại làm gì?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Huyện Mỹ Tú giờ thuộc tỉnh Sóc Trăng, sau khi Hậu Giang chia thành 3 tỉnh/tp: Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang.

  2. Những câu chuyện buồn, chẳng có trong những bài diễn văn của Nguyễn phú Trọng, ông Nguyễn xuân Cường ngọng phét lác toàn nói chuyện trên trời.

Comments are closed.