Bản tin ngày 16-12-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VTC đưa tin: Trung Quốc tiếp tục tập trận ở Biển Đông. Theo trang tin Sohu của TQ tiết lộ, quân đội nước này dự kiến sẽ tổ chức tập trận trên Biển Đông hôm nay 16/12. Nguồn tin đến từ Cục Hải sự Tam Á, thông báo, các vùng biển tập trận giới hạn bởi các tọa độ nằm gần đảo Hải Nam của TQ, gần khu vực vịnh Bắc Bộ của VN. Trong thời gian diễn ra tập trận từ 0h đến 24h ngày 16/12, TQ ra lệnh cấm tàu thuyền đi qua khu vực tập trận.

VnExpress có bài: Tàu sân bay Trung Quốc chưa thể chiến đấu. Tàu sân bay thứ 2 của TQ có tên Sơn Đông vừa hoàn thành chuyến thử nghiệm thứ 3 trên biển Bột Hải và trở về cảng Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh. Trong 23 ngày thử nghiệm trên biển, thủy thủ đoàn tàu này đã luyện tập khoa mục cất hạ cánh tiêm kích J-15 trên tàu sân bay. Một chuyên gia quân sự của Bắc Kinh thừa nhận: “Nhưng vẫn còn quá sớm để nhận định khi nào tàu Sơn Đông sẽ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Nhật, Philippines thắt chặt hợp tác về Biển Đông. Tin từ hãng thông tấn Kyodo News, cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa có cuộc điện đàm và hai bên đã nhất trí thắt chặt hợp tác về các vấn đề liên quan Biển Đông.

Thủ tướng Suga của Nhật bày tỏ ý định sẵn sàng phát triển mối quan hệ chiến lược giữa Nhật Bản và Philippines, cùng hợp tác để duy trì khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Cùng thời điểm diễn ra cuộc điện đàm, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) ở Biển Đông, cùng với Singapore.

Mời đọc thêm: Quan ngại vấn đề Biển Đông tại diễn đàn biển với sự tham dự của Mỹ, Trung Quốc (NLĐ). – Nhật, Philippines tăng cường hợp tác trên Biển Đông (VNE). – Đối sách bất thường của Nhật với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ (GT). – Trung Quốc đề xuất thiết lập đối tác kinh tế biển xanh với ASEAN (VNN). – Mâu thuẫn đỉnh điểm, Australia chính thức khiếu nại Trung Quốc lên WTO (VNF). – Càng “thân” với Việt Nam, châu Âu càng quan tâm vấn đề Biển Đông (Sputnik). 

Chính trường Việt Nam

Hội nghị Trung ương 14 đã bước sang ngày làm việc thứ 3, hình ảnh người kế thừa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, từ từ lộ ra: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng điều hành ngày làm việc thứ ba Hội nghị Trung ương 14, báo Người Lao Động đưa tin.

Hôm nay, BCH TƯ thảo luận dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 sắp diễn ra, đồng thời xem xét Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của BCH TƯ, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa 12.

Ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành chương trình Hội nghị trong ngày 16/12/2020. Ảnh: NLĐ

Một trong các nội dung quan trọng của hội nghị: Trung ương thảo luận dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII, theo báo Tiền Phong. Sự kiện ông Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị điều hành chương trình hội nghị hôm nay, nội dung bàn về quy chế bầu cử của Đại hội 13 sắp tới, cho thấy ông Trọng đang dọn đường tiến tới “ngai vàng” cho ông Vượng, dù các đối thủ của cuộc cạnh tranh quyền lực sắp tới có chấp nhận hay không.

Mời đọc thêm: Thường trực Ban Bí thư điều hành ngày làm việc thứ ba Hội nghị Trung ương 14 (VTV). Ngày làm việc thứ ba Hội nghị Trung ương 14: Thảo luận dự thảo Báo cáo kiểm điểm của BCH TW Đảng khoá XII (PLVN). – Các Ủy viên Trung ương thảo luận dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII (VNN). – Trung ương thảo luận quy chế bầu cử tại Đại hội Đảng XIII (Zing). 

Ngày xử thứ 3 trong lần ra tòa thứ 4 của Đinh La Thăng

Phiên tòa xử vụ sai phạm dự án cao tốc Trung Lương – TP HCM hôm nay, chủ yếu xoay quanh phần xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng. VnExpress đưa tin: Ông Đinh La Thăng phản bác cáo trạng. Sau khi xét hỏi 10 bị cáo, HĐXX đã gọi tên ông Thăng, nhưng ông này phủ nhận cáo trạng: “Là Bộ trưởng, bị cáo phải chịu trách nhiệm, nhưng là trách nhiệm chính trị, hành chính. Còn trách nhiệm hình sự thì không thể buộc cho bị cáo”.

Báo Thanh Niên dẫn lời phản bác của ông Đinh La Thăng: ‘Cáo trạng đúng 1 phần, sai 5 phần’. Khi bị truy hỏi về mối quan hệ với bị cáo Đinh Ngọc Hệ và các “đặc quyền” mà ông Hệ có được trong vụ thu phí cao tốc Trung Lương – TP HCM, ông Thăng phản biện: “Giữa bị cáo và Hệ không có mối quan quan hệ gì về dòng họ, hay kinh tế chính trị, chỉ quan hệ thuần túy xã hội. Có quen biết nhưng ở mức độ bình thường, như mọi người”.

Về cáo buộc ông Thăng đã gọi điện cho bị cáo Dương Tuấn Minh, cựu Tổng GĐ Công ty Cửu Long, để giới thiệu công ty của bị cáo Hệ, bị cáo Thăng nói: “Tại các bản khai trong hồ sơ và tại phiên tòa, bị cáo Minh và Hệ đều khẳng định tôi không giới thiệu Hệ hay Công ty Yên Khánh tiếp cận và tham gia dự án bán quyền thu phí cao tốc”.

Báo Tuổi cũng dẫn lời phản biện khá gay gắt của ông Đinh La Thăng: ‘Cáo trạng suy đoán và không có căn cứ’. Bị cáo Thăng cho rằng, “cáo trạng suy đoán không có căn cứ” đối với trách nhiệm của ông trong vụ án này, lời khai của các bị cáo khác trước đó “cũng có nhiều điểm không đúng”. Chẳng hạn như, bị cáo Nguyễn Hồng Trường, cựu thứ trưởng Bộ GTVT, khai rằng toàn bộ văn bản do ông Trường ký đều gửi ông Thăng, nhưng ông Thăng lại dẫn ra được một số văn bản do cựu thứ trưởng Trường ký nhưng không hề gửi cho bộ trưởng. 

Bị cáo Thăng nói: “Có nhiều bị cáo đến tòa tôi mới biết nên không tác động gì tới dự án, cáo trạng suy diễn, quy chụp tôi”. Ông Thăng cũng phản bác lời buộc tội ông đã “chỉ đạo xuyên suốt” vụ sai phạm: “Tôi chỉ ký một văn bản, ký một bút phê, từng dự án cụ thể thì từng người tham gia phải chịu trách nhiệm trực tiếp”.

Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa hôm nay 16/12/2020. Ảnh: Quang Định/TT

Báo Người Lao Động có bài tổng hợp diễn biến “ông nói gà, bà nói vịt” trong phiên xử hôm nay: “Bất ngờ” lời khai giữa ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường. Cựu Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, ông không biết vụ bị cáo Hệ trục lợi dựa trên quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương, còn cựu Thứ trưởng Bộ GTVT khai rằng ông đã báo cáo đầy đủ với ông Thăng bằng văn bản.

Báo Pháp Luật TP HCM có clip ghi lại lời bị cáo Thăng phản bác cáo trạng: Đinh La Thăng khai chỉ chịu trách nhiệm về mặt hành chính.

So với mấy lần ra tòa trước, có thể thấy thái độ của ông Thăng đã thay đổi. Trong lần ra tòa hồi tháng 5/2018, ông Thăng đã “ngoan ngoãn” thừa nhận bản thân có tội. Trong quá trình xử vụ sai phạm ở PVN và PVC, đôi lúc Thăng cầu xin sự khoan dung từ những đồng đảng của mình, nhưng nhìn chung, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT, cựu Chủ tịch HĐTV của PVN không có thái độ phản kháng quá mạnh.

Lần này thì khác, tin tức từ báo chí đăng tải, cho thấy thái độ phản kháng không e dè của ông Thăng, khi ông cho rằng, cáo trạng có 6 phần thì sai hết 5 phần, lại còn có tính suy diễn, quy chụp. Phải chăng ông Thăng đã nhận ra rằng, ông càng nhượng bộ thì càng bị biến thành “tấm bia” để những cựu đồng đảng trút tội lên đầu ông?

Sai phạm tố tụng trong mấy “phiên tòa bỏ túi” ở VN thì giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở VN đã tố cáo từ lâu. Nhưng chuyện một cựu quan chức từng ngồi ở vị trí khá cao trong bộ máy nhà nước lên tiếng vạch trần yếu tố quy chụp trong tại phiên tòa, quả là hiếm hoi. 

Trong phiên tòa lần này, bị cáo Thăng không phủ nhận hết tội trạng, nhưng ông đã thẳng thừng phản bác những cáo buộc nhằm trút hết tội lên đầu mình. Rõ ràng ông có cơ sở để nói vậy, vì vào ngày 28/12/2012, Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã hối thúc Bộ GTVT Bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Cũng như mấy sai phạm ở PVN, PVC, nếu không có ông Dũng đứng sau gật đầu, thì 100 ông Thăng cũng không làm gì được. 

Mời đọc thêm: Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo trạng và lời khai cấp dưới (BBC). – Ông Đinh La Thăng phủ nhận lời khai cấp dưới (PLTP). – Vụ bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương: Ông Đinh La Thăng phủ nhận hành vi phạm tội (SGGP). – Bị cáo Đinh La Thăng phản bác cáo trạng, phủ nhận mối quan hệ với Út “trọc” (VOV). – Nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ‘thấy xót xa’ trước tòa (TN). – Cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Bị cáo cảm thấy rất xót xa…” (DT). 

“Công an nhân dân”?

Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Tiền Giang vừa đình chỉ 4 công an vụ việc giang hồ bắn nhau làm 1 người chết, VietNamNet đưa tin. Bốn công an này là: Đội trưởng Đội CSHS, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm ma túy, Trưởng Công an phường 6 và cán bộ cảnh sát khu vực khu phố 8 – phường 6, đã bị đình chỉ công tác để xem xét, làm rõ trách nhiệm vì để xảy ra vụ việc giang hồ ở TP Mỹ Tho thanh toán nhau.

Diễn biến vụ việc, khoảng 1h30’ sáng 10/12, Nguyễn Ngọc Tuấn Đăng mở tiệc ma túy tại nhà ở phường 6 thì bị nhóm của Nguyễn Ngọc Long đến dùng súng bắn vì có mâu thuẫn. Sau vụ hỗn chiến, Long bị thương ở tay và tai, Đăng bị trúng đạn ở đầu và đã chết tại BV Chợ Rẫy.

Vật giống đạn rơi lại tại hiện trường vụ hỗn chiến ở hẻm Lê Lâm, phường 6, TP Mỹ Tho. Ảnh: VNN

Chuyện ở TP HCM: Đội phó cảnh sát hình sự ‘bảo kê’, góp vốn mở sòng bạc, báo Thanh Niên đưa tin. Cơ quan điều tra Công an TP hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp, đề nghị truy tố 15 bị can về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc ở quận Tân Phú, TP HCM. Trong nhóm tội phạm này có bị can Đoàn Hồng Phúc, cựu Phó đội trưởng Đội CSHS Công an quận Tân Phú, cựu Phó trưởng công an phường 6, quận 6.

Bị can Tô Mỹ Nhí, một trong những người cầm đầu đường dây, quen biết với Phúc từ năm 2017 và Phúc được giao quản lý một số tụ điểm kinh doanh trò chơi điện tử, máy bắn cá ở quận Tân Phú. Đến tháng 9/2019, Phúc chủ động liên lạc với Nhí để bàn bạc “tổ chức đánh bài binh xập xám, đá gà qua mạng internet ăn tiền; thu lợi bất chính từ tiền xâu bài, xâu gà, núp bóng các hoạt động kinh doanh bãi giữ ô tô”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi về đường dây đánh bạc có cựu công an tham gia ở TP HCM: Cựu đội phó cảnh sát hình sự quận Tân Phú tổ chức đánh bạc như thế nào? Cụ thể, từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2020, tổng số tiền thắng thua mà nhóm của Phúc có được từ hoạt động đánh bạc với các con bạc lên tới gần 4,4 tỉ đồng, số tiền con bạc đánh bạc gần 133 tỉ đồng. Trong số tiền thu lợi bất chính, nhóm Nhí và Phúc hưởng 70% và 30%, còn lại chia cho một số đồng phạm khác.

Bị can Đoàn Hồng Phúc, cựu Phó đội trưởng Đội CSHS Công an quận Tân Phú, cựu Phó trưởng công an phường 6, quận 6. Ảnh: NLĐ

Mời đọc thêm: Điều tra vụ nổ súng hỗn chiến như phim khiến 1 người tử vong (BVPL). – Đình chỉ 4 sĩ quan công an để xảy ra vụ nổ súng truy sát ở Tiền Giang (VTC). – Tạm đình chỉ công tác nhiều sỹ quan công an sau vụ nổ súng chết người (VOV). – Cựu phó công an phường góp vốn mở sòng bạc ở TP.HCM (Zing). – Kết luận điều tra vụ án công an bắt tay cùng giang hồ tổ chức sòng bạc (VNN). – Vụ sòng bạc trăm tỉ ở Tp.HCM khẳng định thêm nạn công an bảo kê tội phạm (VOA).

***

Thêm một số tin: “Siêu lừa” Dương Thanh Cường bị tăng án (SGGP). – Đất chảy và sạt lở núi ở Miền Trung – Những ký ức kinh hoàng (VOV). – Vì sao bờ biển Hội An bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn? (TT). – Ngày mai, Việt Nam tiêm thử nghiệm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên trên người (VTC). – Khi “ông/bà già Noel” trở thành nguồn siêu lây nhiễm Covid-19 (NLĐ).

Bình Luận từ Facebook