13-11-2020
Tiếp theo Phần 1: One China – Phần 2: Bài học Đài Loan – Phần 3: Empire rise and falls – Phần 4: Vài ngộ nhận – Phần 5: Nước Mỹ vĩ đại
Tôi chờ mười ngày để những cảm xúc về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ lắng xuống rồi mới viết. Hôm nay dù bận việc nhà, việc hãng, tôi muốn nêu nốt suy nghĩ của tôi đã trình bày trong 5 bài trước đây về „Đế quốc bành trướng – đế quốc lụn bại“. Ở cuối bài trước tôi viết „Nếu sau ngày 3.11 tới người thua không chúc mừng người thắng thì câu chuyện “Đế quốc bành trướng, đế quốc lụi bại” sẽ có một cái mốc mới“.
Sáng 4.11, tôi chứng kiến phát biểu live của TT Trump. Ông nói „Nếu chỉ tính những phiếu hợp lệ thì tôi đã thắng. Nhưng họ đang tìm cách ăn cắp chiến thắng của tôi bằng phiếu lậu…. Hãy ngừng đếm.“
Lúc đó là khoảng 3 giờ sáng ở miền Đông, cuộc kiểm phiếu đang dồn dập diễn ra khắp nước Mỹ. Tôi thực sự sốc. Sốc không chỉ vì đang xem một trận bóng đá, nhưng một bên mới đó còn đang phấn khởi vì mình dẫn điểm, bỗng đòi dừng trận đấu ở phút 65 vì đối thủ đang mạnh lên. Trong khi trọng tài và khán giả chưa ai nói gì, ông thủ quân khẳng định ngay là đội kia chơi đểu.
Nếu chỉ có vậy thì không lạ, vì Trump vẫn quen chơi trò „xóa cờ chơi lại“ trong mọi thương lượng tay đôi, vẫn quen trò lấy vải che mắt thánh như từng nói: Hãy dừng test Covid19 sẽ thấy số người nhiễm giảm ngay!
Tôi sốc bởi hành động này là một cuộc tấn công trực diện vào nền dân chủ Mỹ, vào nước Mỹ. Cáo buộc „Gian lận bầu cử“ là một kịch bản được chuẩn bị từ nửa năm nay, khi Trump luôn khẳng định: Tôi sẽ thắng cuộc bầu cử này và chỉ thua khi nó bị gian lận!
Trong lịch sử Mỹ đã có những lần hai bên tranh cãi nhau về kết quả đếm phiếu, nhưng không ai cáo buộc ai là gian lận. Sau 3 năm rưỡi Trump làm tổng thống, nước Mỹ trở thành nước cộng hòa chuối. Chuối ngay cả ở chỗ là bộ máy tình báo mật vụ mạnh nhất thế giới, mặc dù có cảnh báo của tổng thống mà 10 ngày sau bầu cử vẫn không bắt được tên gian nào đã bầu lậu. Chỉ có một viên chức bưu điện bị cảnh sát hỏi cung đành phải rút lại lời tố cáo về thư giả[1]
Sự thật duy nhất là: Hơn 77 triệu phiếu phổ thông bầu cho Biden và 72 triệu cho Trump. Bằng khoa học dữ liệu và uy tín báo chí, tất cả các hãng truyền thông lớn, từ phê phán Trump như CNN, WP đến đài tay phải của Trump như FOX, hoặc đài nhà nước như VOA đều công bố từ chiều 7.11.2020 „Liên danh Biden + Harris là người thắng cử“ [2]
Thông báo của truyền thông trong các cuộc bầu cử xưa nay chính là văn hóa bầu cử của nước Mỹ và luôn được cả hai bên chấp nhận. Việc công bố „Tổng thống đắc cử“ của báo chí là bước khởi đầu cho quá trình hơn hai tháng của chuyển giao quyền lực. Ngày 4.11.2020 đã chấm dứt truyền thống này.
Trump có quyền không công nhận kết quả của báo chí. Hiến pháp cho phép ông kiện. Tôi cũng mong ông kiện đến cùng để thiên hạ biết rõ sự thật.
Nhưng lên án thẳng thừng chế độ mà ông đang đại diện là gian lận không chỉ là tấn công vào nền dân chủ, mà còn là tự chôn.
Người ta nhận định khác nhau về thái độ của Trump trước thất bại này. Có người nói: Trump sẽ không phải là Trump, nếu không chống cự đến cùng, để rồi khi phải rời Nhà Trắng vẫn ngẩng cao đầu. „Tôi đã chiến đấu đến cùng! Tôi chỉ bị thua vì trò gian lậu“.
Người khác cho là „Trump sẽ tàn phá nước Mỹ đến cùng. Việc tạo ra hỗn loạn trong bộ quốc phòng là để chuẩn bị cho một hành động quân sự nguy hiểm“. Tôi vẫn hy vọng vào lương tri và sự tỉnh táo của các chuyên gia quanh ông và các tướng lãnh Mỹ. Trường hợp của Rex Tillerson, James Mattis, John Bolton, Mark Esper… và hàng chục quan chức khác trong bốn năm qua giúp cho người ngoài hiểu rõ hơn nước Mỹ.
Tuy nhiên, hành động của Trump luôn vô cùng nguy hiểm.
Người ta hay nhắc đến câu nói được cho là của Goebbels: „Nếu một sự lừa bịp được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, rồi sẽ có người tin“. Là một nhà truyền thông chuyên nghiệp, biết sử dụng mọi lợi thế của mạng xã hội, Trump không bỏ qua cơ hội. Trong suốt bốn năm qua, ông viết bao nhiêu tweets không ai thống kê nổi, nhưng 20.000 tin giả thì người ta đếm đươc. Cái ma lực ở ông là: Nhiều điều u mê được người ta tin. Người Mỹ trung bình bắt đầu tin là CNXH sẽ được Biden thiết lập ở Mỹ, là nhờ Trump bắt tay với Kim J. Un mà thế giới thoát khỏi thảm họa hạt nhân. Người ít hiểu biết hơn thì tin là Covid-19 sẽ biến sau tháng 4.2020 khi trời ấm lên, là không có biến đổi khí hậu. Nhiều người đã lùng mua thuốc Hydroxychloroquine để chống Covid và có người đã bỏ mạng.
Mặc dù có đến 80% người Mỹ công nhận chiến thắng của Joe Biden, trong đó có một nửa những người ủng hộ Cộng Hòa [3], nhưng vẫn còn 50% cử tri Cộng hòa tin là họ bị phe Biden ăn cắp chiến thắng. Thăm dò của Viên Morning Consult cho thấy trước đây 2 tuần có hơn 70% người ủng hộ Cộng hòa tin vào nền dân chủ, nay số này giảm xuống còn 1/3.
Thuốc độc bắt đầu ngấm.
Mất niềm tin, hàng chục triệu người Mỹ bắt đầu thù hận. Họ sẽ không chịu bắt tay với những người còn lại trong thời gian tới, cho dù Biden có chìa tay ra với họ.
Nước Mỹ đang khủng hoảng từ nhiều năm nay, đã chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố, nhiều cuộc bạo động chủng tộc, rồi nó luôn vượt qua. Nhưng cuộc tấn công trực diện rạng sáng 4.11.2020 đã tạo ra một chấn thương. Nước Mỹ sẽ khó trở lại như trước đó được nữa.
Như vậy dù Trump có phải rời Nhà trắng sau 20.1.21 hay không, ông ta đã thay đổi nước Mỹ tận gốc rễ và có thể nói là cả thế giới, trong đó có làng FB Việt ngữ. Với 72 triệu cử tri Mỹ và 88 triệu followers trên Twitter, 32 triệu trên Facebook cũng như 23 triệu ở Instagram[3], Trump đủ tạo thành một lực lượng chính trị mà đảng Cộng hòa không thể có. Nhiều chính khách cộng hòa đã thành con tin của Trump. Nếu ông ta vẫn thích làm chính trị hơn là chơi Golf dưỡng già thì với sức hấp dẫn của mình, ông có thể vẫn ngồi nhà tác động vào nền chính trị Mỹ và thế giới.
Giờ đây người ta nói đến „Trumpism“ (Chủ nghĩa Trump) và „Trump’s Legacy“ (Di sản của Trump) không phải là vô lý. Tôi sẽ viết về hiện tượng này trong bài tới.
Ở bài trước tôi cũng nêu hy vọng về nền dân chủ Mỹ. Tôi không hề dấu diếm mình là một người khuynh tả, bị chửi là tên thổ tả. Là người hay phê phán „Lối sống Mỹ“, tôi không phải là fan của nước Mỹ. Nhưng tôi không hề nghi ngờ hệ thống phân quyền và tính độc lập của lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như của báo chí Mỹ.
Ở Mỹ bầu cử không phải là nghĩa vụ, chỉ là quyền lợi. Muốn được đi bầu, công dân phải mang đầy đủ giấy tờ, từ căn cước đến thẻ bảo hiểm xã hội. để đăng ký phiếu bầu. Mỗi phiếu bầu trước khi đếm đều được so sánh với các giấy tờ đang ký.Nước Mỹ với hệ thống quản lý hành chính hàng đầu thế giới không hề có kẻ hở cho gian lậu bầu cử có tổ chức [4]
Trong 220 triệu người có quyền bầu cử, thường chỉ 60% (130 triệu) đi bầu là nhiều. Đợt bầu cử 2020 này với hơn 150 triệu phiếu (70% người có quyền bầu) được coi là cuộc bầu cử „số phận“của cử tri hai bên. Trái với mọi dự đoán, không hề có bạo loạn xảy ra sau ngày bầu cử và sau ngày truyền thông „gọi“ Biden thắng cử.
Bên này vui mừng, bên kia ngồi nhà, bên kia đi biểu tình, bên này tránh. Đó cũng là nền dân chủ.
Tuy cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa rất căng với nhau, nhưng quan chức của họ ở các cấp đều làm việc rất chuyên nghiệp. Ngay cả khi tổng thống nửa đêm hô „dừng đếm“, các quan chức Cộng hòa ở Arizona và Georgia đều bỏ ngoài tai, tiếp tục đếm, vì đó không phải là luật. Chính quyền cộng hòa ở các nơi còn gửi cảnh sát đến bảo vệ các phòng kiểm phiếu khi có những người ủng hộ tổng thống biểu tình bên ngoài, đòi ngừng kiểm phiếu. Ông Brad Rafenberger (Cộng hòa), chánh văn phòng thống đốc bang Georgia đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buôc của những người cùng đảng, rằng ông đã để cho gian lận gây bất lợi cho đảng mình.
Hôm nay, hai cơ quan chuyên trách về an ninh bầu cử của chính phủ Mỹ tuyên ra bố chung: „Bầu cử 3.11.20 là cuộc bầu cử an toàn nhất trong lich sử Mỹ“, „Không có bằng chứng gian lận bầu cử“[5]
Uy tín cá nhân và danh dự nghề nghiệp cao hơn đảng phái là một kết quả của nền dân chủ 250 năm. Các quan tòa bảo thủ tất có quan điểm thân hữu nhưng họ sẽ không hy sinh danh dự mà họ có suốt đời cho những chuyện vặt của một vị tổng thống may ra thì ngồi thêm 4 năm nữa.
Vì vậy, ai cho rằng Tối cao pháp viện với tỷ số 6/3 nghiêng về phía bảo thủ sẽ là vũ khí lợi hại của tổng thống thì chỉ đang suy diễn theo kiểu ta/địch.
Quan điểm của các thẩm phán có thể kéo cán cân pháp lý về phía hữu hoặc tả, nhưng nước Mỹ lúc này hay lúc khác nghiêng về đâu còn phụ thuộc vào chính quyền trong Nhà Trắng, vào cán cân tại hai viện, vào sức mạnh của xã hội dân sự, vào tiếng nói của báo chí.
Nền dân chủ nào muốn sống sót cũng cần đến sự cạnh tranh quyền lực như vậy.
***
Một số hình ảnh về bầu cử ở Mỹ và kết quả bầu cử:
______
[2] https://www.voanews.com/2020-usa-votes/joe-biden-projected-winner-us-presidential-election
[3] https://www.washingtonpost.com/technology/2020/11/06/trump-twitter-megaphone/
[4] https://vnexpress.net/lieu-co-the-gian-lan-chuc-nghin-phieu-bau-tong-thong-my-4190592.html