BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Bắc Kinh lại dụ được thêm một nước phương Tây vào “bàn cờ” Biển Đông: Trung Quốc, Canada cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông, trang Thế Giới và VN đưa tin. Theo đó, Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và công ty Dầu khí Husky TQ, thành viên của Công ty dầu khí Năng lượng Husky của Canada, đã bắt đầu sản xuất khí đốt từ cụm mỏ Liuhua 29-1 trên Biển Đông.
Tin cho biết, “cụm mỏ Liuhua 29-1 nằm ở phía Đông Biển Đông, cách mỏ khí đốt Liwan 3-1 (Lệ Loan) 86 km về phía Đông Bắc, với độ sâu khoảng 640 đến 785 mét. Một miệng giếng ngầm mới đã được xây dựng, với tổng số 7 giếng được phát triển theo kế hoạch. Mỏ khí sẽ tận dụng đầy đủ các cơ sở sản xuất hiện có của cụm mỏ Liuhua 34-2 và cụm mỏ Liwan 3-1”.
Báo Thời Đại có bài phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi về tình hình căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó. Ông Hồi cho rằng, Mỹ sẽ không để mất quyền lợi ở Biển Đông vào tay TQ: “Nếu mất Biển Đông thì vai trò siêu cường số 1 của Mỹ tại Đông Á sẽ bị lung lay”. Cho nên Mỹ đang củng cố và mở rộng quan hệ đồng minh, trước hết là thiết lập “tứ giác kim cương” gồm Mỹ – Nhật – Ấn – Úc.
Vụ Philippines ngả dần về TQ: “Các nước ASEAN còn có thể chế chính trị khác nhau, ví dụ như thể chế chính trị của Philippines phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Hiện tại, Trung Quốc có dấu hiệu ‘lôi kéo’ Philippines, nói rằng vùng biển của Philippines là vùng biển đang tranh chấp. Nếu Philippines đồng ý cùng khai thác với Trung Quốc, đồng nghĩa với việc thừa nhận vùng tranh chấp này”.
Mời đọc thêm: Chính sách của Mỹ về vấn đề Biển Đông sẽ thay đổi sau bầu cử? (TG&VN). – Nhóm Quad tập trận chung sau 13 năm, gửi thông điệp đến Trung Quốc (NLĐ). – Biển Đông: Việt Nam bàn vấn đề đối xử nhân đạo với ngư dân cùng Trung Quốc và ASEAN (Sputnik).
Tin môi trường
Diễn biến sạt lở bờ sông ở Hà Nội: Công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ hữu sông Đà, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Sở NN&PTNT Hà Nội thừa nhận, khu vực từ trạm bơm Đồng Cống đến hết khu dân cư thôn Phú Nhiêu ngoài bãi sông Đà, nơi tiếp giáp với cầu Trung Hà, hiện đang xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, “có cung sạt lở sát đường giao thông. Hiện tượng trên gây hở hàm ếch, có nguy cơ sập tuyến đường giao thông liên thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông trên đường”.
Trong phiên thảo luận QH chiều nay, đại biểu Quốc hội “sốt ruột” về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn, theo trang Nhà Báo và Công Luận. ĐBQH Vũ Thị Nguyệt phát biểu:
“Hình ảnh những con sông êm đềm, xanh ngát đã dần dần thay thế bằng những dòng sông chết, bởi chúng phải hứng chịu chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi của người dân, bên cạnh nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu làng nghề. Lượng nước thải này ngấm xuống đất làm ô nhiễm không chỉ nước mặt mà đối với cả nước ngầm, tồn tại từ năm này sang năm khác, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh hoạt, môi trường sinh thái cũng như sản xuất của người dân”.
Trang Hành Tinh Titanic có bài: Phân tích cho thấy 1/5 số quốc gia trên thế giới đứng trước nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái. Theo báo cáo của Hãng Bảo hiểm Swiss Re, 1/5 các quốc gia trên thế giới đang đứng trước nguy cơ hệ sinh thái sụp đổ vì sự phá hủy môi trường sống của các loài động thực vật hoang dã. Úc, Israel và Nam Phi thuộc hàng đầu trong chỉ số của Swiss Re về nguy cơ sụp đổ đa dạng sinh học và các dịch vụ/chức năng của hệ sinh thái, cùng với một số nước như Ấn Độ, Tây Ban Nha và Bỉ.
Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận, “các chính phủ trên toàn thế giới đã không đạt được bất kỳ một mục tiêu nào về ngăn ngừa tình trạng đánh mất đa dạng sinh học trong một thập kỷ qua, trong khi vào năm 2019, giới khoa học hàng đầu đã cảnh báo rằng loài người đang lâm vào cảnh hiểm nghèo vì sự tuột dốc không phanh của các hệ thống hỗ trợ sự sống tự nhiên trên hành tinh Trái Đất”.
Thêm cảnh báo từ các nhà nghiên cứu: Nếu khí hậu tăng lên 2 độ C có thể giải phóng hàng tỷ tấn carbon trong đất, báo Dân Trí đưa tin. Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications, nhiệt độ toàn cầu tăng cao, đang đẩy nhanh tốc độ phân hủy và giảm thời gian carbon tồn tại trong đất.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter thiết lập mô hình tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu “đối với sự phân hủy và sự luân chuyển carbon trong đất – lượng thời gian carbon dành trong đất – họ nhận thấy sự nóng lên 2 độ C so với mức tiền công nghiệp sẽ kích hoạt sự giải phóng thêm 230 tỷ tấn carbon”.
Kênh DW Africa có clip: Tình trạng biến đổi khí hậu ở châu Phi đã đạt tới ngưỡng giới hạn.
Mời đọc thêm: Công khai thông tin về biến đổi khí hậu, thiên tai để tránh hiểu sai (CT). – Đại biểu Quốc hội lo lắng về hậu quả của dịch bệnh và thiên tai (VOV). – Ô nhiễm không khí đang “chọc thủng” lá chắn bảo vệ da (SK&ĐS). – Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (ĐT). – Pháp từ bỏ hợp đồng nhập khẩu LNG của Mỹ bất chấp đơn đề nghị từ Washington (NLQT). – Cảnh báo nguy cơ thiên tai khốc liệt tại Australia (BNews).
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020: Cuộc đua căng thẳng…
Kỳ bầu cử năm 2020 diễn ra rất căng thẳng. Ngoài cuộc đua giữa các ứng cử viên vào chính quyền các tiểu bang, cuộc đua vào Quốc hội, phần bầu tổng thống Mỹ là căng thẳng nhất. Theo cập nhật của báo Financial Times vào thời điểm bản tin sắp lên mạng, ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân Chủ đã có được 238 phiếu đại cử tri, còn tổng thống Cộng Hòa đương nhiệm Donald Trump được 213 phiếu đại cử tri.
Các bang chiến trường như Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, North Carolina… có thể định đoạt kết quả bầu cử, vẫn chưa kiểm phiếu xong. Do cuộc bầu cử diễn ra trong đại dịch, nên hầu hết bỏ phiếu bằng thư, số phiếu này có thể mất nhiều thời gian mới kiểm xong.
Về tình hình kết quả bầu cử ở Mỹ chưa ngã ngũ, VnExpress có bài: Lý do Mỹ chậm biết kết quả bầu cử năm 2020. Lý do là năm nay có rất nhiều cử tri bỏ phiếu qua thư: “Với số lượng phiếu bầu qua thư và bỏ phiếu sớm chưa từng có vì Covid-19 năm nay, nước Mỹ có thể mất vài ngày, thậm chí vài tuần, để định đoạt kết quả bầu cử. Người ủng hộ đảng Dân chủ có xu hướng bỏ phiếu qua thư nhiều hơn đảng Cộng hòa”.
Liên quan tới kết quả 2 bên bám sát nhau, cạnh tranh khốc liệt ở từng bang chiến trường, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Sẽ ra sao nếu có tranh cãi kết quả bầu cử Mỹ? Theo đó, “kết quả sát sao có thể dẫn đến kiện tụng về quy trình bỏ và đếm phiếu tại các bang chiến địa. Vụ kiện có thể được chuyển đến tòa án tối cao, như trường hợp bang Florida trong bầu cử năm 2000 khi ông George W.Bush thắng ông Al Gore chỉ với 537 phiếu”.
Lưu ý, “mới đây, Tổng thống Trump đã xúc tiến bổ nhiệm thẩm phán tòa tối cao là bà Amy Coney Barrett, giúp tòa có đa số thẩm phán bảo thủ nên sẽ là lợi thế cho ông một khi phải phán quyết về kết quả bầu cử”. Còn một khả năng khác là mỗi ứng viên đều nhận được 269 phiếu đại cử tri, theo Tu chính án thứ 12, khi đó Hạ viện sẽ chọn tổng thống còn Thượng viện sẽ chọn phó tổng thống.
Về phản ứng của ứng cử viên, báo Lao Động đưa tin: Ông Joe Biden nói đang đi đúng hướng để chiến thắng. Trong bài phát biểu lúc sáng sớm 4/11 tại TP quê hương Wilmington, bang Delaware, ông Biden nói: “Tôi ở đây để nói với các bạn trong tối nay rằng, chúng ta đang đi đúng hướng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này”.
Còn ông Trump phát biểu từ Nhà Trắng: ‘Chúng ta thắng rồi, thắng đậm’, theo báo Tuổi Trẻ. Lúc 2h20’ sáng 4/11 giờ địa phương, Tổng thống Trump cảm ơn vợ và phó tổng thống Pence đã ở bên, cùng sự ủng hộ của người dân Mỹ: “Chúng ta không chỉ thắng ở Florida, mà là thắng đậm… Chúng ta sẽ chiến thắng. Theo như tôi biết thì chúng ta đã thắng rồi”.
Vụ kết quả bị chậm công bố do nhiều người bỏ phiếu qua thư, ông Trump cáo buộc đó là trò của phía Dân Chủ, nhằm “cố gắng cướp bầu cử” mà không hề có bằng chứng, lại còn dọa sẽ dựa vào Tối cao Pháp viện: “Ông cho biết sẽ kiện ra Tòa án tối cao nếu việc kiểm phiếu kéo dài và để yêu cầu ngừng kiểm phiếu”.
BBC có clip dẫn lại lời phát biểu của Trump: Chúng ta sẽ đưa vụ bầu cử Mỹ lên Tối cao Pháp viện.
Kết quả bầu cử chưa rõ nhưng đã có thương vong ở Mỹ: Nổ súng tại Nevada trong ngày bầu cử, 4 người thiệt mạng. Vụ nổ súng xảy ra lúc trưa 3/11, tại TP Henderson, bang Nevada của Mỹ, khiến 4 người thiệt mạng và một người bị thương.
Theo báo địa phương Las Vegas Review-Journal, cảnh sát nhận được cuộc gọi khẩn cấp vào đường dây nóng 911 về vụ việc. Khi tiếp cận hiện trường, cảnh sát thành phố và Đơn vị đặc nhiệm SWAT đã phát hiện hai nạn nhân bị thương nặng và “một đối tượng tình nghi” gần một xe ôtô. Sau đó, cảnh sát trưởng thành phố Jason Kuzik xác nhận, có 5 người liên quan trong vụ nổ súng, với 4 người đã tử vong, trong đó có một “đối tượng tình nghi” đã bị cảnh sát bắn.
Mời đọc thêm: Kinh ngạc những điểm bỏ phiếu bầu cử “lạ” nhất nước Mỹ (KT). – Những hình ảnh ấn tượng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 (KTĐT). – 3/11/2020 – Bầu cử Mỹ: Cuộc đua chưa ngã ngũ (BBC). – Thắng Hawaii, Joe Biden tăng lên 224 phiếu – Donald Trump 213 phiếu (VOA). – Ông Biden kêu gọi cử tri kiên nhẫn: Chúng ta sẽ giành được chiến thắng này (TQ).
– Tổng thống Trump đơn phương tuyên bố chiến thắng (Zing). – Bầu cử Mỹ 2020: Cử tri trẻ có thể tác động đáng kể đến kết quả bầu cử (VOV). – NÓNG! Nổ súng ở Nevada ngay đêm bầu cử, 4 người thiệt mạng (TG&VN). – Bầu cử Mỹ và kỳ vọng quan hệ Việt – Mỹ 4 năm tới (TT).
***
Thêm một số tin: 10 năm tới đất nước không ‘cất cánh’ thì khát vọng sẽ mãi mãi là khát vọng! (Người Đô Thị). – Cán bộ xã, huyện ‘bắt tay’ làm giấy tờ giả ‘giúp’ hàng loạt trường hợp xuất cảnh (ANTĐ). – Vĩnh Long truy tố 3 cán bộ trong vụ sập tường làm 7 người tử vong (VOV). – Nam sinh viên trúng “đạn lạc” tử vong: Cựu trung uý công an đối mặt với hình phạt nào? (NLĐ).