2-11-2020
Trên Facebook, người viết luôn cố gắng trả lời các câu hỏi mang tinh thần cầu tiến và xây dựng. Một câu hỏi được đặt ra hơn một lần “Anh nói rõ về thêm chuyện Chu Ân Lai ve vãn Ngô Đình Luyện?”
Chuyện Chu Ân Lai gặp Ngô Đình Luyện xuất hiện ít nhất trong năm tác phẩm tiếng Việt và tiếng Anh: (1) Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm của tác giả Nguyễn Hữu Duệ, (2) Bên Thắng Cuộc, tập I, của Huy Đức, (3) hồi ký của ông Nguyễn Thành Lê, thư ký kiêm phụ trách báo chí của phái đoàn Phạm Văn Đồng tại hội nghị Geneva cũng do Huy Đức trích dẫn, 4) “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” của Nhà Xuất Bản Sự Thật và (5) tác phẩm Anh Ngữ Vietnam, A History của Standley Karnow.
Ông Nguyễn Hữu Duệ, theo thông tin thu thập từ internet, sinh năm 1931 tại Hưng Yên, nhập ngũ ngày 15-4-1954, xuất thân trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt Khóa 6, nguyên Tư Lệnh Phó Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và chức vụ sau cùng là tỉnh Trưởng Thừa Thiên (1974-75) cấp bậc Đại Tá.
Trong hồi ký Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ông Nguyễn Hữu Duệ viết:
“Việc Thủ Tướng Trung cộng Chu Ân Lai muốn có liên lạc ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa. Ông Luyện kể cho tôi nghe một bí mật hết sức quan trọng mà tôi chưa nghe bao giờ. Ngày Thủ Tướng Chu Ân Lai viếng Anh quốc (tôi quên không nhớ năm nào), phái đoàn của Chu Ân Lai đông lắm, có đến hơn 100 người và được chính phủ Anh đón tiếp rất long trọng.
Ông Luyện được một tham vụ ngoại giao của Toà Đại Sứ Trung Quốc đem biếu hai vò rượu “Mao Thái”, kèm thiệp của Thủ Tướng Chu Ân Lai mời dự tiếp tân ở Toà Đại Sứ Trung Quốc với sự hiện diện của Nữ Hoàng Anh. Khi ông được đại sứ Trung Quốc giới thiệu với Thủ Tướng Chu Ân Lai, Thủ Tướng rất niềm nở, nói đã biết ông là em của Tổng Thống Việt Nam, là người ông rất kính trọng và ngưỡng mộ, xin ông Luyện chuyển lời thăm của Mao chủ tịch đến Ngô Tổng Thống.
Ông Chu nói ông không có cơ hội để nói nhiều với đại sứ Luyện nhưng đã chỉ thị đại sứ Trung Quốc đến gặp đại sứ Luyện trình bầy chi tiết sau. Sau đó, đại sứ Trung Quốc đến thăm ông Luyện ở Toà Đại Sứ Việt Nam. Đại sứ Trung Cộng nói với ông Luyện rằng chủ tịch Mao rất cảm phục lòng yêu nước và những gì Ngô Tổng Thống đã làm cho miền Nam Việt Nam được phồn thịnh như ngày nay. Ý chủ tịch Mao muốn có liên lạc ngoại giao với miền Nam Việt Nam.
Theo ý Mao Trạch Đông, trước tiên hai bên sẽ đặt liên lạc trên cấp tổng lãnh sự, sau đó sẽ nâng lên cấp đại sứ nếu tình thế cho phép. Theo Mao Trạch Đông hai bên sẽ có liên lạc chặt chẽ về văn hóa và bình thường hóa việc buôn bán giữa hai quốc gia, Trung Quốc sẽ dàn xếp để hai miền Nam Bắc Việt Nam có đại diện giữa hai miền, sau đó sẽ đi đến việc liên lạc, tiếp tế và buôn bán giữa hai miền v.v…”
Xin lưu ý, người viết chỉ đọc các phần có liên quan đến Chu Ân Lai và Ngô Đinh Luyện trong tác phẩm của ông Nguyễn Hữu Duệ.
Huy Đức theo thông tin trên internet, tên thật là Trương Huy San, sinh năm 1962, quê Hà Tĩnh. Ông nguyên là một nhà báo với các phóng sự điều tra xã hội và một blogger nổi tiếng tại Việt Nam. Năm 2012, ông tu nghiệp một năm tại Mỹ trong chương trình học bổng của Nieman Foundation for Journalism tại đại học Harvard. Trong thời gian đó, nhà báo Huy Đức xuất bản bộ sách hai cuốn Bên Thắng Cuộc.
Trong tác phẩm Bên Thắng Cuộc, tập I, Huy Đức viết:
“Hành động của Chu Ân Lai tối 22-7-1954 cũng khiến cho nhiều nhà ngoại giao miền Bắc Việt Nam “để bụng”. Hôm ấy, sau khi ký Hiệp định Geneva, Chu tổ chức một dạ tiệc chia tay, mời cả Ngô Đình Luyện, người của phía Việt Nam Quốc gia. Trong bữa tiệc, Chu còn đề nghị chính quyền Sài Gòn mở cơ quan đại diện ngoại giao ở Bắc Kinh: ‘Tất nhiên, về mặt ý thức hệ thì Phạm Văn Đồng gần gũi chúng tôi hơn, nhưng điều đó không loại bỏ việc có đại diện từ miền Nam. Suy cho cùng, chẳng phải tất cả các đồng chí đều là người Việt Nam, và chẳng phải tất cả chúng ta đều là người châu Á hay sao.’”
Trong Bên Thắng Cuộc, Huy Đức còn trích dẫn hồi ký của Nguyễn Thành Lê, thư ký kiêm phụ trách báo chí của phái đoàn Phạm Văn Đồng cũng có nhắc đến việc Chu Ân Lai tiếp xúc với Ngô Đình Luyện:
“Trong hồi ký được công bố chính thức trên báo Nhân Dân, thư ký kiêm phụ trách báo chí của đoàn Việt Nam trong Hội nghị Geneva, ông Nguyễn Thành Lê, gọi sự kiện Chu Ân Lai mời Ngô Đình Luyện mở tòa lãnh sự tại Bắc Kinh là ‘câu kết với Pháp và tay sai.’”
Tác phẩm Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc Trong 30 Năm Qua của Nhà Xuất Bản Sự Thật viết:
“Ngày 22 tháng 7 năm 1954, khi ăn cơm với Ngô Đình Luyện, em ruột của Ngô Đình Diệm tại Giơnevơ (Geneva), thủ tướng Chu Ân Lai đã gợi ý đặt một công sứ quán của Sài Gòn tại Bắc Kinh. Dù Ngô Đình Diệm đã bác bỏ gợi ý đó, nhưng đây là một bằng chứng rõ ràng là chỉ 24 giờ sau khi Hiệp định Giơnevơ (Geneva) được ký kết, những người lãnh đạo Bắc Kinh đã lộ rõ ý họ muốn chia cắt lâu dài nước Việt Nam.”
Trong tác phẩm Vietnam, A History, Stanley Karnow viết:
“Điều tệ hại hơn đã chờ đợi nhà lãnh đạo Việt Minh vào buổi tối hai hôm sau đó, trong một bữa ăn tối chia tay do Chu tổ chức. Khách mời có một thành viên trong phái đoàn của Bảo Đại, Ngô Đình Luyện, em trai của Ngô Đình Diệm. Phạm Văn Đồng rất ngạc nhiên và thất vọng rằng Chu, một đồng chí Cộng sản, đã mời một “bù nhìn” của Pháp. Nhưng Chu thậm chí còn đi xa hơn, một cách gián tiếp chỉ ra rằng Trung Cộng ủng hộ một phân vùng vĩnh viễn đối với Việt Nam. Quay sang Luyện vào buổi tối, ông gần như tình cờ đề nghị chính phủ đang được thành lập ở Sài Gòn mở một cơ quan đại diện ngoại giao ở Bắc Kinh: ’Tất nhiên, Phạm Văn Đồng gần với chúng tôi hơn về mặt tư tưởng, nhưng điều đó không loại trừ đại diện của miền Nam. Rốt cuộc, quý vị không phải vừa là người Việt Nam, không phải vừa là người châu Á sao?’”
Như vậy, Chu Ân Lai có gặp ông Ngô Đình Luyện tại London, Anh Quốc như ông Nguyễn Hữu Duệ viết theo lời kể của ông Ngô Đình Luyện không?
Câu trả lời là không.
Ông Nguyễn Hữu Duệ chép sai lời kể hoặc ông Ngô Đình Luyện nhớ sai thời điểm của sự kiện.
Chu Ân Lai chưa từng chính thức thăm viếng Anh Quốc trong cương vị Thủ tướng Quốc Vụ Viện Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Chu Ân Lai đến London năm 1921 trong thời sinh viên nhưng quay trở lại Pháp sau năm tuần lễ. Không có tác phẩm, tài liệu hay hình ảnh nào cho thấy Chu Ân Lai đã viếng thăm Anh Quốc sau Hiệp Định Geneva.
Và xin đừng quên, năm 1954, Mỹ còn xem Trung Cộng là kẻ thù, bằng chứng Ngoại Trưởng Mỹ John Foster Dulles đã từ chối bắt tay với Chu Ân Lai tại hội nghị Geneva. Do đó, việc Anh Quốc, đồng minh số một của Mỹ tiếp đón Chu như quốc khách lại có cả Nữ Hoàng Elizabeth II tham dự là việc không thể xảy ra.
Chu Ân Lai đã gặp ông Ngô Đình Luyện trong buổi tiếp tân tại Thụy Sĩ sau khi Hiệp Định Geneva được ký kết không?
Câu trả lời là có.
Trong thời gian đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva ông Ngô Đình Luyện có mặt tại Thụy Sĩ với tư cách đại diện cho Quốc Trưởng Bảo Đại để theo dõi tiến trình hội nghị nên việc ông được mời tham dự buổi tiếp tân của họ Chu hẳn đã xảy ra.
Độc giả hẳn muốn biết quan điểm của Tổng thống Ngô Đình Diệm về sự kiện Chu Ân Lai gặp Ngô Đình Luyện. Rất tiếc ngoài tác phẩm của ông Nguyễn Hữu Duệ, người viết chưa tìm ra một tài liệu nào khác trích dẫn hay giải thích quan điểm của cố tổng thống. Có thể vì sự kiện này chỉ mới là quả bóng thăm dò của họ Chu chứ chưa có gì chính thức. Nếu tìm được thêm tài liệu, người viết sẽ bổ sung vào bài viết này hay viết thêm một bài khác đầy đủ hơn.
Về mặt lý luận, việc gặp gỡ này phản ảnh đường lối đối ngoại của Mao trong giai đoạn từ 1952 cho đến chiến tranh Trung-Ấn 1962:
1. Các quốc gia Tây Tạng, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cambode nói riêng và Á Châu Thái Bình Dương nói chung có ảnh hưởng trực tiếp đối với an ninh của Trung Cộng. Đây là những tiền đồn, những vùng độn ngoài biên giới Trung Cộng mà trong suốt dòng lịch sử từ phong kiến đến CS đều muốn duy trì ảnh hưởng.
2. Mao chủ trương tích cực nâng cao vị trí của Trung Cộng trong chính trường quốc tế, nhất là tại Á Châu, bằng cách đóng vai trò hòa hoãn, yêu chuộng hòa bình. Năm nguyên tắc “Sống chung hòa bình” gồm (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, (2) không xâm lược nhau, (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, (4) bình đẳng và cùng có lợi, (5) cùng chung sống hòa bình là đường lối ngoại giao chính của Trung Cộng.
3. Mao muốn ngăn chặn tham vọng thống trị Đông Dương của CSVN. Mặc dù là đồng chí và nước bảo trợ chính của CSVN, Mao cũng đề phòng đàn em CSVN có thể sẽ một ngày phản trắc. Do đó, thay vì ủng hộ quan điểm của CSVN để có sự tham gia hội nghị của các lực lượng kháng chiến Lào và Cambode, Chu Ân Lai đưa ra đề nghị 8 điểm không nhắc rõ về vai trò của hai nước Đông Dương kia theo đề nghị của Phạm Văn Đồng. CSVN dĩ nhiên thất vọng như không làm gì khác hơn được. Mọi việc đều do Chu Ân Lai sắp xếp với sự đồng ý của Vyacheslav Molotov, trưởng phái đoàn Liên Xô tại hội nghị Geneva.
4. Mao chủ trương duy trì hai nước Việt Nam. Sau Chiến Tranh Triều Tiên với khoảng 600 ngàn quân bị giết, Mao không muốn tham dự vào một xung đột quân sự khác với Mỹ. Thay vào đó, Mao thỏa mãn với mô hình hai nước Triều Tiên và hai nước Việt Nam. Như người viết đã viết trong chính luận MAO VÀ “MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM”, Mao ủng hộ chủ trương hai nước Việt Nam không phải phát xuất từ lòng thương xót người dân miền Nam mà chỉ muốn tiếp tục chi phối chính trị Việt Nam. Tìm hiểu quan điểm của Mao qua các giai đoạn của cuộc chiến để thấy phía sau những khẩu hiệu tuyên truyền đường mật, dã tâm của Trung Cộng vẫn là khống chế Việt Nam bằng mọi cách.
Chính sách đối ngoại của Trung Cộng trong mười năm từ 1952 đến 1962, đặc biệt suốt hội nghị Geneva cho thấy Mao và Chu đã đi trước CSVN hàng mấy mươi năm. Trong mắt Mao và Chu trung ương đảng CSVN từ Hồ Chí Minh trở xuống là một đoàn cừu dễ bảo, khờ khạo đến mức tội nghiệp.
Hồ Chí Minh không biết các thảo luận diễn ra giữa các nước lớn mãi cho đến khi nhận điện tín của Chu Ân Lai ký ngày 11 tháng 3, 1954. Nội dung điện tín không phải để hỏi ý mà là vừa khuyên nhủ và vừa ra lịnh: “Hội nghị Geneva đã quyết định sẽ bắt đầu được tổ chức vào ngày 26 tháng 4. Tình hình quốc tế và tình hình quân sự ở Việt Nam hiện nay rất thuận lợi cho Việt Nam tiến hành đấu tranh ngoại giao. Dù Hội nghị Geneva có thể đạt được kết quả gì, chúng ta cũng nên tích cực tham gia.”
Nhắc lại, vấn đề một hội nghị về xung đột Đông Dương tổ chức tại Geneva đã được Anh, Pháp, Liên Xô và Mỹ đặt ra trong gặp gỡ giữa tứ cường tại Berlin ngày 25 tháng 1, 1954.
Chu Ân Lai cũng không biết nhưng khi được Liên Xô thông báo trong điện văn ký ngày 26 tháng 2, 1954 Mao và Chu đã vận dụng biến cố như một sân khấu chính trị quốc tế riêng cho Trung Cộng và họ Chu đã nhập vai xuất sắc. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng năm 2004 khi bạch hóa các tài liệu về hội nghị Geneva cho rằng hội nghị này là một cơ hội giá trị của Trung Cộng để lần đầu bước lên diễn đàn thế giới.
Trung Cộng và CSVN “đồng sàng dị mộng”. Trung Cộng muốn thắng trận Điện Biên Phủ để buộc Pháp phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh trong khi CSVN muốn thắng trận Điện Biên Phủ để có lợi thế trong đàm phán.
Sau trận Điện Biên Phủ, Pháp ký kết hiệp định Geneva đúng ý muốn của Trung Cộng nhưng CSVN dù nhiều ngàn người phơi xác dọc các phòng tuyến trong các cuộc tấn công biển người vào Điện Biên Phủ đã không giành được lợi thế nào trên bàn hội nghị. Đường phân chia lãnh thổ là vĩ tuyến 17 chứ không phải 13 theo ý muốn của CSVN. Nhắc lại đoạn này không phải để tiếc giùm cho Hồ hay Phạm mà chỉ để thấy CSVN hoàn toàn không đóng vai trò gì chủ động trong đàm phán mà hoàn toàn lệ thuộc vào Chu Ân Lai.
Các tài liệu đảng CSVN đổ thừa cho những thất bại về bang giao quốc tế phát xuất từ sự thiếu phương tiện thông tin, thiếu nhân sự được huấn luyện về ngoại giao nói theo kiểu Hà Văn Lâu trong tổng kết Bộ Ngoại Giao: 70 Năm Xây Dựng Và Phát Triển (1945 – 2015) là “vừa chạy vừa sắp hàng”. Tổng kết này cũng thú nhận “Phương án tập kết quân, chia cắt nước ta thành hai miền chủ yếu do Trung Quốc xếp đặt. Nhiều điều kiện vật chất, thậm chí cả việc chuyển – nhận điện từ trong nước cũng phải thực hiện qua Đoàn đại biểu Trung Quốc.”
Tạm cho khó khăn là đúng. Nhưng dù khó khăn thiếu thốn bao nhiêu cũng không trầm trọng đến mức bốn năm sau phải dâng hai phần đất vô cùng quan trọng về tài nguyên và chiến lược cho Trung Cộng sau hiệp định Geneva như sự kiện “Công hàm Phạm Văn Đồng 1958” để lấy lòng Mao.
Chu Ân Lai không phải là nhân vật xa lạ gì với Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh từng làm việc với Chu một thời gian dài. Biết nhau từ khi còn ở Paris. Deng Yingchao, vợ chưa cưới của họ Chu là người làm chứng cho hôn lễ của Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh tại Quảng Châu ngày 18 tháng 10, 1926.
Phạm Văn Đồng cũng vậy. Chỉ riêng tại hội nghị Geneva, họ Phạm gặp họ Chu nhiều lần, đã nhìn cách ứng xử của họ Chu trên bàn hội nghị, đã thấy cách họ Chu dàn xếp kín với Pháp và Liên Xô bên trong hội nghị. Rõ ràng Chu Ân Lai có nghị trình riêng và theo đuổi nghị trình đó từ trước khi có hội nghị cho đến khi đặt bút ký.
Nhưng ý thức hệ CS đã làm Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị đảng CSVN có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, không thấy cái lo, cái khó của Mao. Thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Cộng trong giai đoạn này không phải do vụng về ngoại giao hay thiếu thốn thông tin mà là hành động bán nước. Đào mả cha mẹ, ông bà, tổ tiên không thể đổ thừa vì ngu dốt hay thiếu học mà là táng tận lương tâm và đạo đức làm người.
Hội nghị Geneva đã có hàng trăm tác phẩm viết về, người viết không thêm gì mới mà chỉ phân tích để độc giả thấy dưới triều đại Tập Cận Bình não trạng cừu trong giới cai trị tại Việt Nam vẫn không thay đổi.
Đọc lại để thấy các chính sách cai trị dân, đường lối kinh tế, chủ trương đối ngoại, tư tưởng lý luận của CSVN năm 2020 này bị chi phối bởi Tập Cận Bình như đã từng bị Mao Trạch Đông chi phối.
Sinh viên học sinh Việt Nam tối ngày vẫn bị nhồi sọ bằng khẩu hiệu “Thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. Tuy nhiên, để mô tả đúng nhất về “thời đại Hồ Chí Minh” có lẽ nên dùng câu nói của Trần Việt Phương, thư ký của Phạm Văn Đồng được Huy Đức trích trong bài viết Miếng Bả Chủ Nghĩa Quốc Tế Vô Sản Trong Tay Trung Quốc đăng ngày 22 tháng 4, 2020: “Trong lịch sử nghìn năm giữ nước của Việt Nam, chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác với Trung Quốc như thời đại Hồ Chí Minh”.
_____
Tham khảo:
– Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh tổng Thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Hữu Duệ, tác giả xuất bản tại Hoa Kỳ, 2003.
– Bên Thắng Cuộc tập I, Huy Đức, xuất bản tại Hoa Kỳ, 2012- Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, nhà xuất bản Sự Thật, tháng 10, 1979.
– Bộ Ngoại Giao: 70 Năm Xây Dựng Và Phát Triển (1945 – 2015), nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.
– Các biên bản, điện tín thuộc “Geneva Conference of 1954” được lưu trữ tại Wilson Center.
– The Pentagon Papers. Volume 1, Chapter 3, “The Geneva Conference, May-July, 1954”, Boston: Beacon Press, 1971.- Zhou Enlai: a profile, Fang, Percy Jucheng, 1986.
– Zhou Enlai and the foundations of Chinese foreign policy, Kuo-kang Shao, St. Martin’s Press, 1996.
– An informal biography of China’s legendary Chou En-lai, John McCook Roots, 1978.
– Zhou Enlai perceive. An assessment of his diplomacy at the Geneva Conference of 1954, Li Wang, The University of Montana, 1994.
– China’s Exercise of Realpolitik and ‘Containment’ during the First and Second Indochina Wars, 1954-1973, Kyuhyun Jo, University of Chicago.
– Mao’s China and the Cold War, Chen, Jian, Chapel Hill: University of North Carolina Press 2001.
– The Geneva Conference of 1954: New Evidence from the Archives of the Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, Wilson Center.
– Vietnam, A History. Stanley Karnow, Viking Adult; First Edition October 4, 1983