Đấu tranh bằng sức mạnh mềm

Kim Anh

13-8-2020

Lâu lắm rồi, đến nỗi ít người còn nhớ tên những nhân vật hiếm hoi và đầu tiên cất lên tiếng nói công khai đấu tranh đòi dân chủ sau khi Việt Nam thống nhất. Tôi không nói lớp thế hệ lúc đó đã đứng tuổi, đã từng kinh qua cuộc nội chiến Bắc Nam, mà chỉ nói tới những người trẻ hơn và mới hơn. Đáng buồn là không phải vì lâu quá nên quên, mà vì… lòng người dân không muốn nhớ tới nữa!

Thuở đó Việt Nam bắt đầu “mở cửa”, một số người đã tập tành sử dụng internet, nên thông tin dù bị bưng bít mà người dân vẫn có được những tờ giấy rời, in chữ nhỏ chằng chịt, photocopy truyền tay nhau. Bỗng bùng lên một xì căng đan là các nhà đấu tranh lem nhem chuyện tiền bạc. Người ở nước ngoài gởi tiền về tiếp lửa, nhưng “ăn không đều, chia không đủ” sao đó, mà gây bất hoà.

Không phải các khiếm khuyết cá nhân của những người đấu tranh, như chuyện tiền nong, chuyện tình cảm trai gái… làm người dân thất vọng, dù lực lượng an ninh, phản gián của chế độ cố gắng khai thác và khoét sâu những điểm này. Tính cách người Việt tuy có vẻ khắt khe cổ hủ về luân lý nhưng thật ra lại khá thoáng. Người dân Việt có thể thông cảm được những lem nhem mang tính cá nhân đó, vì con người là yếu đuối, miễn là: Có sự khiêm tốn và chân thành.

Thất vọng não nề là khi các nhà tranh đấu, để bảo vệ và biện hộ cho mình, không ngại ngần tung vào nhau những lời tấn công nặng nề. Mới hôm trước còn là đồng chí, đồng đội, nhưng hôm sau đã mạt sát, chửi rủa, loại trừ… Họ không dung được nhau! Họ không tôn trọng được nhau! Họ không đại độ và rộng lượng! Họ không đón nhận và cảm thông được những lầm lỗi vấp váp của nhau!

Những nhà đấu tranh không tôn trọng được sự khác biệt, không biểu lộ được một khả năng đối thoại và “chung sống hoà bình” tối thiểu với những gì khác mình! Cái tôi riêng của ai cũng quá lớn, thì làm sao hy vọng được rằng họ sẽ dám hy sinh vì cái chung trong cuộc đấu tranh đòi hỏi nhiều hy sinh này?

Người trong nước khi đã có thêm thông tin để nhìn ra hải ngoại, thì lại càng thất vọng não nề. Không dám nói nhiều, chỉ xin lấy một chi tiết rất nhỏ thôi để nói lên căn bệnh chia rẽ mãn tính và truyền kiếp của người Việt Nam, dù đã ra được nước ngoài và sống trong các xã hội văn minh: Nơi tập trung dân Việt tị nạn CS đông nhất ở hải ngoại là California, lại là nơi mà chính người hải ngoại nhìn nhận là… “gió tanh mưa máu”! Vâng, và gió tanh mưa máu đến tận ngày nay!

Chúng ta đừng ngạc nhiên vì sao suốt gần nửa thế kỷ rồi, công cuộc đấu tranh của người Việt để xây dựng lại quê hương thanh bình, nhân bản, dân chủ, tự do… lại thất bại thê thảm! Căn bệnh nằm ngay chính nơi mỗi chúng ta, không phải vì cái gì đó bên ngoài, như chế độ chính trị, như chiến tranh, như bàn cờ quốc tế, như chủ nghĩa, chủ thuyết này nọ… Không! Chính trong tâm hồn chúng ta, người Việt!

***

Đức Dalai Lama, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng (và hơn thế nữa, một tu sĩ Phật giáo tiêu biểu của thế giới đến nỗi được xem như đại diện chân chính hiếm hoi còn lại của tôn giáo lớn này) vừa có một đợt phát biểu quan trọng trong tháng 7 vừa rồi, và vẫn còn tiếp tục qua tháng 8. Từ trụ sở ở Ấn Độ, nơi mà người dân Ấn đã rộng lòng đón tiếp và dung chứa ngài trên đường lưu vong, những người trí thức thao thức trước thời đại, từ Ấn, từ châu Âu, châu Úc, châu Mỹ… đã phỏng vấn để được nghe – trực tiếp hay trực tuyến – những suy tư của ngài về thế giới hôm nay.

“Bất Bạo Động và Từ Bi” – đó là chìa khóa đấu tranh của vị tu sĩ tuổi đã ngoài tám mươi. “Ngày nào còn sống, tôi sẽ vẫn còn tuân theo và kêu gọi tinh thần đó. Đó là con đường chữa lành và cứu nguy duy nhất không chỉ cho người Tây Tạng, mà cả cho các dân tộc đang đói nghèo và khốn khổ vì áp bức và bất công trên toàn thế giới, ở thời đại khủng hoảng đặc biệt này“.

Bất Bạo Động và Từ Bi không phải là điều gì mới, cũng không phải của riêng Phật giáo. Đó đã là chìa khóa có từ xa xưa, nơi nền minh triết Ấn Độ, chưa kể các nền minh triết khác của loài người. Lịch sử cho thấy, chính những cuộc cách mạng của tinh thần Bất Bạo Động và Từ Bi mới đem lại hoa trái tốt lành, sâu xa, triệt để và bền vững. Hãy nhìn Gandhi ở Ấn, Martin Luther King ở Hoa Kỳ, Nelson Mandela ở Nam Phi…

Người dân ngồi trên sân cỏ phía Tây trước tòa nhà Quốc hội Mỹ, để nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về hòa bình và tôn giáo “Kalachakra for World Peace”, ngày 8/7/2011. Nguồn: Wonderlane

Đại dịch toàn cầu cùng hiểm họa Biến đổi Khí hậu đã làm cho mọi quốc gia, dân tộc, tôn giáo trên Trái Đất này phải suy nghĩ lại và xét lại lối sống cùng hướng đi của mình. Diệt vong hay tồn tại, cùng chung sống hòa bình hay cùng chết… là ở chỗ, loài người có biết tương nhượng, đối thoại, hòa giải và hợp tác hay không.

Cách riêng ở bán đảo Ấn Độ rộng lớn, ở Trung Hoa lục địa cùng các quốc đảo ven bờ Đông Bắc Á, ở bán đảo Đông Nam Á… triết lý Phật giáo đã bám rễ rất sâu trong tâm thức các dân tộc ở vùng đất này. Bất Bạo Động và Từ Bi là điều có thể đánh thức và quy tụ lòng người để vượt qua khủng hoảng và dựng xây một thời mới.

***

Người dân Việt chúng ta cũng đang trong cơn lốc của thời đại. Bây giờ, những chủ nghĩa đảng phái, quốc gia, dân tộc hay cả tín ngưỡng tôn giáo mà bó rọ hẹp hòi, mà ích kỷ chỉ biết đến mình… sẽ không còn đất sống trong lòng người nữa. Mọi quốc gia, dân tộc đều đang phải đối phó với những thách thức mang tính khu vực và mang tính toàn cầu. Chúng ta đấu tranh cho quê hương, nhưng sẽ không thể thành công nếu chúng ta chỉ đâm đầu vào những ích kỷ cục bộ và chỉ biết mình mà không nghĩ đến ai.

Chúng ta không thể chống Trung Quốc – nói chính xác hơn là chủ nghĩa bá quyền của giới lãnh đạo TQ – một mình. Đất nước chúng ta cũng không thể đứng vững và sống sót một mình trước những hiểm hoạ thời đại. Lấy thí dụ đơn giản thôi: Chúng ta có thể một mình giải quyết vấn đề Biển Đông hay vấn đề Đồng bằng Sông Cửu Long được đâu?

Đấu tranh bằng “sức mạnh mềm”, bằng tinh thần Bất Bạo Động và Từ Bi, là điều dân ta – cả trong nước lẫn hải ngoại – rất thiếu, thiếu trầm trọng. Người Việt chúng ta có quá ít khả năng đó. Sự “thiểu năng” ấy giam chúng ta mãi trong tình trạng “nước bốn nghìn năm mãi trẻ con”.

Để cứu quê hương trong thời đại đầy sóng gió này, người Việt chúng ta không những cần “anh em xa” mà còn cần hơn, những “láng giềng gần” nữa. Làm sao chúng ta có thể đánh động được lòng người dân ở các “hàng xóm” anh em Đông Nam Á, ngay cả những anh em gần chúng ta nhất như Lào, Campuchia và Thái… nếu chúng ta tỏ ra là một dân tộc “chơi không vô”, một dân tộc ai cũng ngán ngẩm vì các đức tính tốt đẹp lâu đời như Bất Bạo Động và Từ Bi đã để mất tăm mất tích từ lúc nào?

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Trước hết tôi xin Tiếng Dân xóa còm của tôi đã trả lời ông bạn NTT
    Tôi Bắc kỳ lai. Cha bị bắt tham gia kachs mệnh từ tuổi 13.
    Tôi sinh ra, lớn lên trên đất Bắc. Học hành dưới mái trường xhcn.
    Chưa vào Đoàn, Đảng. Vì đ.. muốn vào. 23 tuổi đã được trao khẩu súng K54 dù chưa phải đảng viên.

  2. Tác giả viết thế này thì động chạm tói xh ” sinh sự” , khai trí đành đạch của giớ Trí lợ rồi.
    Cách đây khoảng 2 năm có một vị Trí thức việt Kiều tại Pháp, có nhã ý tặng 1 triệu Usd cho trang Bô sít để tổ chức ra các lớp thanh niên học về dân chủ, nhưng đã bị các vị Bô Sít từ chối với lý do là bận. Hehe triệu đô nghĩa lý gì so với tài sản của mấy vị trí thức xã nghĩa nước đảng, rồi lại ” nguy hiểm” tới An nguy của họ.
    VÕ MỒM FUN MẮM TÔM LÀ SỞ TRƯỜNG CỦA TRÍ THỨC XÃ NGHĨA.

    • Học ở đâu, ai giảng dạy, học xong làm gì tiếp thưa bác ? Xin bác một cái tên ngoài những ” trí lợ ” ở nước ngoài có khả năng dân chủ và xây dựng , hay các bác no bụng bít tết rồi kiếm chuyện nói phét hết thời giờ ?

      • Bạn hỏi ko rõ nghĩa thì làm sao tôi trả lời bạn được.
        Tôi là ng ko thích ăn thịt. Mỗi khi ăn thịt heo, gà, tôi thấy rất hôi.

      • Tôi đã động vào tổ ong.
        Môn võ thuật tôi thích khi phỏng giái miền Nam là môn Atemi và nhu thuật.
        Điểm huyệt trên thân thể ng đã khó, điểm huyệt ” võ mồm” khó hơn. Hihi. Trí lợ các bạn đã dậy tôi như vậy

  3. Thế nào là sức mạnh mềm ?
    Ít ai thấu hiểu tâm trạng ngài Đạt Lai Lạt Ma. Mang thân phận một kẻ sống lưu vong lạc loài ở Nepal, trong khi tổ quốc Tây Tạng bị TQ chiếm đóng từ thập niên 50 đến nay, Ngài biết rõ dân tộc của Ngài đã bị đắm chìm trong Vô Minh vì chịu ảnh hưởng Phật Giáo Mật Tông (thần thánh bùa chú) quá nặng đến giờ mất sức đấu tranh và chịu khuất phục, chịu đồng hóa dần theo thời gian.
    Bao nhiêu giáo điều cổ hủ nặng tính chất thần thánh tâm linh đâu có giúp cho người dân Tây Tạng nhận thức về thế giới bên ngoài về những tiến hóa văn minh nhân loại, chưa nói là học hỏi KHKT để phát triển kinh tế, giáo dục, y tế và xã hội.
    Dân tộc VN có rút tỉa được bài học gì từ Tây Tạng chưa ?

Comments are closed.