Phạm Vũ Hiệp
10-8-2020
Bệnh viện C Đà Nẵng tiền thân là Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng, do tổ chức Malteser, CHLB Đức xây dựng tặng cho dân xứ Quảng Đà. Bệnh viện này chuyên về phẫu thuật điều trị.
Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng thất thủ. Sau khi chiếm đóng Đà Nẵng, “bên thắng cuộc” tiếp quản và lấy Bệnh viện Việt Đức giao Ban dân y Trung bộ để chăm sóc sức khỏe cán bộ từ trên rừng về, đặt tên là Bệnh viện C.
Ngày 26-5-1976, Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn, ký quyết định 515-QĐ/BYT thành lập Bệnh viện C (BV C) Đà Nẵng, trực thuộc Bộ Y tế. Nơi này dành khám chữa bệnh riêng cho cán bộ cấp trung và cao cấp của Đảng, Nhà nước khu Trung Trung bộ, gồm các tỉnh từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Khánh Hòa và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Kiểu đặc quyền đặc lợi y hệt BV Thống Nhất, lấy từ bệnh viện Vì Dân của phu nhân TT Nguyễn Văn Thiệu. Nhiệm vụ của Bệnh viện C chủ yếu được giao:
– Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước nghỉ hưu trên địa bàn.
– Tổ chức cấp cứu khám chữa bệnh nội trú. Ngoại trú cho cán bộ trung cao cấp đương chức lẫn nghỉ hưu của Đảng.
– Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho các đoàn khách Quốc tế của trung ương Đảng và Chính phủ vào công tác tại khu vực miền Trung.
Theo hướng dẫn số 52 HD/BTCTW ngày 2/12/2005 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, diện cán bộ nằm ở đây được hưởng đặc quyền, đặc lợi theo tầng nấc chức vụ. Nhóm A1 khác A2. Nhóm A2 tất nhiên đặc quyền sẽ nhiều hơn hẳn nhóm B. Uỷ viên Trung ương, bộ trưởng, trưởng các ban đảng, bí thư, chủ tịch tỉnh thành… được xếp nhóm A1. Trong khi đó, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… chỉ được xếp vào nhóm B.
Nhà nước cộng sản luôn tự hào rằng, họ xoá bỏ giai cấp bóc lột, chỉ còn giai cấp vô sản, mang lại bình đảng và công bằng xã hội. Thật ra, chính họ phân chia giai tầng và khoét sâu hố ngăn cách giữa họ, giai cấp thống trị với dân nghèo, giai cấp bị trị.
Dù được hưởng đặc quyền, đặc lợi khi nằm viện như thế, nhưng đôi khi bị bệnh, họ không dám vào bệnh viện dành riêng cho họ, vì họ sợ bị “đồng chí” của mình ám hại. Năm 2010, “lãnh chúa” Nguyễn Bá Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thành uỷ, bị đau ruột thừa, ông ta sợ không dám vào Bệnh viện C phẫu thuật. Bá Thanh không tin nơi điều trị “dành cho cán bộ”, sợ kẻ thù giấu mặt tiêm độc dược, ám sát ông. Vì vậy, ông vào bệnh viện Đa khoa (BVĐK), nơi “đệ ruột” của mình làm giám đốc để mổ.
Năm 2014, khi bệnh viện Hoa Kỳ bó tay với bệnh án nhiễm độc phóng xạ ARS, quay trở về Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh vẫn chọn BVĐK để nằm những ngày cuối đời.
Những năm trước đây, khi các bệnh viện khác thiếu trước hụt sau, thì Bệnh viện C này không thiếu bất kỳ biệt dược, trang thiết bị y tế hiện đại nào. BVĐK kế bên dành cho dân chúng. Cách nhau một bức tường, BVĐK có cả chục giường, trong đó có từ 3 đến 5 bệnh nhân chen nhau một giường. Ở Bệnh viện C, các “đại ca” nằm mỗi người một giường, phòng hai giường máy lạnh.
***
Bệnh viện “đặc quyền” thì nhân sự cũng đặc biệt. Năm 2007, chỉ là bác sĩ khoa Mắt, nhưng N.H.Q.N được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện C nhờ có người thân là cán bộ chủ chốt Bộ Y tế. Chỉ gần 6 năm làm quản lý, vị bác sĩ này đã kịp gom khối tài sản hơn cả trăm tỷ đồng. Có lẽ “ăn” dày quá, nên khi vừa xây xong biệt thự 6 tầng ở mặt tiền Nguyễn Thiện Thuật thì ông mắc bệnh ung thư tuỵ, đi theo Các Mác, bỏ lại người vợ trẻ xinh đẹp, cùng hệ luỵ phân chia gia tài vào năm 2013.
Giám đốc hiện nay là Nguyễn Trọng Thiện, sinh năm 1967, tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, trong một gia đình cộng sản nòi. Bố Thiện là ông Nguyễn Trọng Thọ, cựu Hiệu phó trường Chính trị QN-ĐN. Khi còn là học sinh PTTH, Nguyễn Trọng Thiện đã được nhà trường ưu ái kết nạp Đảng cộng sản, dù không phải là học sinh xuất sắc hay đạt giải trong kỳ thi tỉnh hoặc quốc gia.
Dù có trong tay 4 đến 5 điểm ưu tiên, Thiện vẫn thi rớt Đại học quân Y năm 1986. Năm 1987, Thiện đỗ dự bị Đại học Y Huế. Học hành trầy trật mãi, Thiện vẫn không thể hoàn thành nghiên cứu sinh để trở thành tiến sĩ, mà chỉ dừng ở thạc sĩ. Chán, Thiện quay sang kiếm tấm bằng, loại mà một gã bác sĩ “chuyên tu” ất ơ, phọt phẹt cũng có được: Bác sĩ chuyên khoa II.
Trong khi đó những bác sĩ giỏi, xuất thân trong gia đình khoa bảng như Tiến sĩ y khoa Võ Đắc Truyền, Nguyễn Tấn Dũng… đều phải làm cấp phó cho ông Giám đốc BV Nguyễn Trọng Thiện.
Trong việc bổ nhiệm Thiện làm Giám đốc Bệnh viện C, ít ai biết rằng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị tác động bởi hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng Tuấn Anh, vốn là học trò của ông Nguyễn Trọng Thọ thời ở trường Chính trị Quảng Nam-Đà Nẵng. Ngoài ra, Nguyễn Trọng Thiện và Hoàng Tuấn Anh còn có dây mơ rễ má: Ông nội của Trọng Thiện là anh ruột của bà nội Tuấn Anh.
Mặc dù không có văn bản nào của Đảng cộng sản quy định, nhưng mặc nhiên, ở bệnh viện hay các trường đại học, cứ trưởng cấp khoa phòng, phải là Trung cấp chính trị. Lãnh đạo, ban giám đốc phải có Cao cấp chính trị. Một sự thật khó hiểu, là bất kỳ ai từ trong các trường lý luận bước ra, nhân cách con người quay ngoắc 180 độ. Bỗng dưng họ trở thành gian hùng, có khi lưu manh, thậm chí như côn đồ. Tấm “giấy thông hành” Cao cấp chính trị để chinh phục quyền lực, hình như khiến con người ta tàn bạo hơn, tham lam vô độ và bất nhân hơn…
Bạn bè thuở hàn vi kể rằng, từ khi có Cao cấp lý luận và ngồi lên ghế Giám đốc, Nguyễn Trọng Thiện đã biến thành một con người khác. Khi gặp lại bạn xưa, ông ta nhìn từ đầu đến chân như họ từ hành tinh khác đến. Lạnh lùng, không một nụ cười và gằn giọng “Có việc gì không?”, rồi tìm cách đuổi khéo. Thầy giáo cũ gọi, ông ta không thèm trả lời điện thoại. Sợ cô thầy xin xỏ, hay mất dạy và vô ơn là bản chất của ông ta?
Ông ta tránh xa các cuộc hội trường và không bao giờ đến phúng viếng khi “tứ thân phụ mẫu” của bạn học, hay đồng hương nối khố thời thơ ấu qua đời.
Rất dễ hiểu, Nguyễn Trọng Thiện sợ bạn bè, thầy cô, họ hàng nhờ vả. Rất khó lấy tiền người quen (mà họ chắc gì có tiền) trong khi một suất vào viên chức bệnh viện, Thiện và bộ sậu của mình bỏ túi trung bình từ 200 đến 300 triệu đồng.
Biệt thự hai mặt tiền hoành tráng ven biển của vợ chồng Thiện, cửa chính chỉ dành đón quan chức và cấp trên. Họ hàng và bạn bè tìm đến, chỉ được cho vào nhà ở lối cửa sau, nơi dành đậu ô tô.
Nhân cách con người gắn liền với đạo đức. Khi đạo đức suy đồi, thì nhân cách chỉ còn là cụm từ xa xỉ.
Nhiều năm liền, Thiện là “Chiến sĩ thi đua cấp TP”, đảng viên ưu tú. Có lẽ đạo đức mà Thiện có được là thứ “đạo đức Cách mạng, đạo đức HCM” chứ đạo làm người thì rõ ràng là không.
Nguyễn Trọng Thiện có em ruột là Nguyễn Anh Thi, quan nữ vừa được bầu làm Bí thư quận uỷ Ngũ Hành Sơn. Cái ghế Anh Thư có, được Phó bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Võ Công Trí “quy hoạch” cho nàng trước khi Trí nghỉ hưu hồi tháng 12/2019.
Làm quan ngay chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, nhưng nàng đằng đằng sát khí chèn ép dân, cưỡng chế, tìm cách đưa vào tù những ai chống lại các vụ “giải toả cướp đất”, bồi thường rẻ mạt. Ngay cả người trong gia tộc là công chức, cũng bị nàng gởi văn bản đề nghị kỷ phê bình, kiểm điểm đến cơ quan vì tội khiếu kiện, không chịu đập nhà, di dời mồ mả cha ông đi nơi khác, để có đất cho “nhóm lợi ích” của nàng giao cho Tập đoàn FPT phân lô, bán nền.
***
Quay trở lại Bệnh viện C. Ngày 8/6/2018, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố Kết luận số 77/KL-TTrB do Chánh Thanh tra Đặng Văn Chính ký. Kết luận nêu rõ sai phạm tại Bệnh viện C:
– Không chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, phòng chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế.
– Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… có vấn đề.
– Vi phạm trong đấu thầu mua thuốc. Nâng khống tiền mua thuốc lên từ 4 đến 6,5 lần; số tiền nâng khống lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Thế nhưng ông giám đốc Nguyễn Trọng Thiện vẫn cãi chày, cãi cối không chịu nhận trách nhiệm, cho dù trước đó, tháng 3/2018 giám đốc Bệnh viện C đã bãi chức Trưởng khoa dược Nguyễn Tấn Sĩ, “đệ ruột” của Nguyễn Trọng Thiện. Đây là ông “trùm” chuyên ăn chặn 10 đến 15% hoa hồng trên tổng giá trị tiền thuốc nhập vào bệnh viện từ các cty dược phẩm.
Cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện C cho rằng, hàng trăm tỷ đồng kiếm được từ xà xẻo ngân sách và “bóp cổ” các nhà cung ứng dược phẩm, trang thiết bị y tế… Nguyễn Tấn Sĩ phải ăn chia với giám đốc Nguyễn Trọng Thiện và được ông ta bật đèn xanh.
Chưa dừng lại ở đó, họ còn cho rằng, đến kỳ bổ nhiệm cán bộ, sắp xếp nhân sự, mỗi đợt tuyển viên chức vào bệnh viện, giám đốc Thiện còn vẽ ra chuyện “thi tuyển”. Thi thố chỉ là bình phong, chấm ai trúng là quyền của Nguyễn Trọng Thiện. Số tiền trên đầu người mà Thiện lấy “xâu”, được cho là con số khổng lồ.
***
Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng cuối tháng 7/2020. Bệnh viện C Đà Nẵng là nơi phát hiện trường hợp đầu tiên, bệnh nhân số 416. Tiếp theo 2 ca nữa, là BN 420 và BN 445. Tối 23/7, Bộ Y tế đã quyết định áp dụng cách ly toàn bộ bệnh viện này. Rất nhanh, giám đốc Nguyễn Trọng Thiện cho chuyển các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vào thời điểm đó sang BVĐK kế bên và chuyển đi Huế điều trị.
Vì thế, cho đến tối 9/8/2020, Đà Nẵng có gần 300 bệnh nhân nhiễm Covid-19, chưa kể số ca bệnh ở các tỉnh thành khác, nguồn gốc lây nhiễm có liên quan ổ dịch Đà Nẵng, nhưng ngược lại Bệnh viện C không phát sinh ca nhiễm mới nào nữa.
Nguy hiểm chết chóc, lây lan bệnh tật… cán bộ đảng viên cao cấp đều dành cho dân đen. Họ chỉ muốn tránh xa dân, như tránh loài virus đe doạ họ, để được bình an và trường sinh bất lão.
Cưỡi trên đầu trên cổ dân để hưởng “đặc quyền đặc lợi” đã là tội ác. Nhưng đẩy thần chết về phía nhân dân, là tận cùng của tội ác.
Cuối năm 2019, thành phố biển này từng làm dư luận xôn xao với loạt bài “Đà Nẵng, nơi những ‘con kền kền’ ăn trên xác người” của Quế Hương, đăng trên Tiếng Dân. Trong khuôn khổ một bài viết này, khó có thể lột tả hết chân dung một con người, chúng tôi muốn chỉ ra thêm một điều, phía sau lớp áo “Thiên thần blouse trắng” kia, đôi khi vẫn là bóng dáng của loài ác quỷ. Đây đó, lũ kền kền, những tên lưu manh thời đại đeo “gọng kính trí thức” vẫn nhởn nhơ như thách đố xã hội.
Chúng là những “hạt giống đỏ” vẫn lãnh đạo, khoan thai cười nói và bình tĩnh vơ vét những đồng bạc vấy máu dân lành để làm giàu, mặc kệ đớn đau của bệnh nhân, mặc cho sự dè bĩu, khinh khi và nguyền rủa, sỉ nhục của ngàn năm bia miệng.
“Kền kền” ở Bệnh viện C Đà Nẵng và thói lưu manh thời đại…
CHÂN THÀNH CẢM ƠN Tác giả Phạm Vũ Hiệp một bài viết thât hay phân tích sâu sắc quan sát lỹ HANG Ổ SÀO HUYỆT bọn lưu manh – đặc biệt tại ĐÀ NẴNG – vào Thời đại Đồ đểu HỒ CHÍ MEO !!!…