Mấy ý kiến tạm thời về vụ Hồ Duy Hải

Ngô Ngọc Trai

10-5-2020

1. Qua theo dõi báo chí thì tới lúc này mình vẫn chưa thấy có một chứng cứ vật chất nào cho thấy Hồ Duy Hải là thủ phạm. Điểm duy nhất mình thấy có liên quan là cuộc gọi điện thoại lúc 11h 30 phút trưa ngày hôm đó (đến tối hoặc đêm thì xảy ra án mạng). Mình cũng không rõ là cuộc gọi đến hay cuộc gọi đi từ bưu điện. Còn về nhân chứng nhìn thấy Hồ Duy Hải tối hôm đó ở bưu điện thì có vẻ như lời xác nhận cũng mơ hồ không rõ ràng.

2. Cơ sở để kết tội thì dựa vào những lời khai nhận của bị cáo và những lời khai này được cho là phù hợp với hiện trường, phù hợp với các vấn đề khác trong hồ sơ. Nhưng đừng quên là các tài liệu tố tụng đó cùng được viết bởi một hoặc một nhóm nhân viên điều tra, nên chịu sự tác động bởi ý chí nhận thức của họ, nên sự phù hợp cũng khó nói được điều gì.

3. Về lời nhận tội có sự có mặt của luật sư bào chữa, gặp bà Lê Thị Nga tử tù cũng nhận tội, đơn kháng cáo thì xin giảm nhẹ hình phạt. Mặc dầu vậy, mình vẫn cho rằng không nên tin lời thằng Hồ Duy Hải, mà vẫn cần yêu cầu phải có chứng cứ vật chất chứng minh nó là thủ phạm. Là một luật sư từng minh oan cho tử tù thành công mình suy nghĩ như thế đấy, còn vì sao thì có rất nhiều lý do mà nói ra đây thì không hết được. Pháp luật cũng đã dự liệu phòng ngừa rồi là không được sử dụng lời khai nhận tội của bị cáo là bằng chứng duy nhất để kết tội.

4. Nhiều người trong chúng ta đưa ra nhận định trong sự thiếu hụt kinh nghiệm hiểu biết, sự thể không đơn giản mà bản chất là hoàn toàn thiếu vắng cơ chế bảo hộ cho sự bào chữa. Hầu hết các bạn không biết được những gì xảy ra trong bốn bức tường giam giữ các nghi phạm nói chung và nơi giam giữ tử tù nói riêng như thế nào đâu. Nếu đó là những nơi không quá bí mật, những nơi thường xuyên được giám sát kiểm tra bởi các đoàn đại biểu Quốc hội, các đoàn thể dân sự và báo chí thì còn tin được. Đằng này thì, thôi khỏi nói các bạn tự hiểu.

Các bạn của mình có thể tìm đọc cuốn sách “Về Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long”, trong đó mình đã chỉ ra nhiều vấn đề của nền tư pháp mà theo đó án oan là rất dễ xảy ra.

5. Thời điểm này mình vẫn không khẳng định là Hồ Duy Hải có đúng là thủ phạm sát hại hai cô gái hay không, nhưng với vấn đề về năng lực điều tra rất đáng trách trong vụ án này, cùng những thực trạng về giam giữ con người, về các vấn đề của nền tư pháp nói chung, mình cho rằng công luận nên buộc cơ quan tư pháp phải trả tự do hoặc tối thiểu là giảm án cho Hồ Duy Hải, như một cách buộc cơ quan tư pháp phía nhà nước phải trả giá cho những vấn đề của họ.

6. Vụ Hồ Duy Hải dù sao cũng đã đạt được dấu ấn trong công luận, đã đạt được dấu ấn trong dòng chảy phát triển của nền tư pháp, để phát huy những giá trị mà nó đã có được, mình nghĩ nên từ vụ án này một lần nữa phải chỉ ra các vấn đề của nền tư pháp, để công luận thấy được và cần phải ý thức sâu sắc về sự nguy hại của những bất cập lạc hậu, từ đó hối thúc nhà nước tập trung sửa đổi kiện toàn, kiến tạo môi trường pháp lý lành mạnh, khoa học, văn minh.

7. Chiều hôm qua mình có buổi gặp gỡ với mẹ và em gái của tử tù Hồ Duy Hải, cùng một số nhà hoạt động xã hội, biết mình từng minh oan cho tử tù nên gia đình muốn nhờ. Thật khó nói là mình có thể giúp được gì nên mới bảo với mọi người là để mình suy nghĩ đã. Tới đây khi mình nhận được hồ sơ tài liệu gia đình gửi, sau khi nghiên cứu kỹ, lúc đó có thể sẽ có ý kiến xác đáng hơn.

LS Ngô Ngọc Trai (thứ tư từ trái) cùng những người trong gia đình Hồ Duy Hải và các nhà họa động. Nguồn: NNT

_____

15h40: Đính chính thông tin liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải

Sau bài viết của mình lúc sáng một người có cương vị đã kiểm tra lại biên bản làm việc cho biết: Tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với tử tù Hồ Duy Hải trước đây có trao đổi hỏi han về việc nhận tội, nhưng không phải là Hồ Duy Hải đã nhận tội với bà Lê Thị Nga, tức là Hồ Duy Hải không thừa nhận khẳng định mình là thủ phạm.

Trong buổi làm việc đó bà Lê Thị Nga có hỏi Hải vì sao nhận tội thì Hải có chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến cá độ bóng đá nợ số tiền 20 triệu, sự túng quẫn tiền bạc và những bí bách áp lực gặp phải trong quá trình điều tra.

Hồ Duy Hải có lần làm đơn xin chết, có lần tự tử không muốn sống, nhưng việc lấy lý do Hồ Duy Hải có đơn xin thi hành án để chứng minh rằng Hải không oan, là sai.

Về điều kiện giam giữ thì Hải cho biết vẫn được đọc báo, tại buổi làm việc trông vẫn béo, hồng hào, khi làm việc được hỏi Hải có mệt không thì nghỉ một lát thì Hải nói cháu không mệt, cô mệt thì nghỉ, buổi sáng cháu vừa uống cafe.

Buổi làm việc cũng trao đổi nhiều nội dung khác nữa như Hải cho biết là hoàn cảnh mẹ (bà Loan) thì đi làm ở Đài Loan còn Hải ở nhà với dì Len, khi học cao đẳng điện lạnh trên thành phố HCM thì ở với bà nội. Những nội dung này mình đã hỏi lại dì Len là người đi cùng với bà Loan mẹ Hải hôm qua đến chỗ mình thì được xác nhận là đúng.

Do vậy qua thông tin được cung cấp mình xin đính chính và cũng là chia sẻ để đông đảo mọi người biết được về thông tin sai tồn tại lâu nay trên mạng xã hội.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. 1 bài trên mạng có tiêu đề: TÒA ÁN KHÔNG ĐƯỢC NHẮM MẮT TIN VÀO THÚ NHẬN CỦA BỊ CÁO đăng lại 1 vụ án do Tòa án Liên Bang Đức xử và tuyên án ngày 29/12/2015, số hồ sơ 2 StR 312/25
    https://www.haufe.de/recht/weitere-rechtsgebiete/prozessrecht/beweismittel-gericht-darf-einem-gestaendnis-nicht-blind-folgen_206_357610.html
    Xin được tạm dịch mấy ý chính:
    • Nghĩa vụ giải trình về mặt pháp lý và khách quan bao gồm cả nghĩa vụ cung cấp đầy đủ lời khai của bị cáo, nhất thiết phải đủ nội dung
    • Điều đó cũng thực hiện khi bị cáo rút lại lời tự thú
    • Thú nhận của bị cáo không giải phóng cho thẩm phán khỏi nghĩa vụ kiểm tra kỹ càng về khía cạnh có lí lẽ hay không và có thể chấp nhận được hay không và phải đưa nó vào mối liên quan với các bằng chứng khác
    Và đó là Nhà nước Đức mà chỉ cần nhân viên điều tra dọa hành hạ nghi phạm để moi tin tức thì cũng đã bị xử lý – chứ không như ở Việt Nam, điển hình vụ Nguyễn Thanh Chấn: mớm cung, ép cung, tra tấn, nhục hình ngày đêm ép tội cho người vô tội … mà nếu không vô tình phát hiện thủ phạm thì chắc hẳn Án oan đó đã là thành tích cho cơ qua tố tụng và biết bao nhiêu người đã thăng chức, khen thưởng trên xác của Nguyễn Thahh Chấn.
    Và nhân đây tôi nghĩ cũng nên nhắc tới cả chính Bộ luật hình sự 2009 (khi dựa vào đấy để lấy lời khai của Hải) cũng đã trái ngược với luật hình sự các nước pháp quyền ở điểm: Điều 299. Tội bức cung
    1. Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù …“.
    Các nước pháp quyền luật hình họ không cho dùng „thủ đoạn trái pháp luật“ kể cả để khai đúng sự thật – trong khi đọc kỹ luật Việt nam nếu khai đúng (nên nhớ các lời khai như của Nguyễn Thanh Chấn họ cũng coi là khai đúng) thì nhân viên tố tụng không những vô tội theo luật mà còn được khen thưởng và lên chức.
    Chưa kể 1 loạt tội hoạt động tư pháp cũng chỉ xử lý được khi họ: „mà mình biết rõ là trái pháp luật“ là điều tôi cho cũng là không thể thực hiện được (thực tế từ khi chính quyền Việt nam ra đời đến nay hỏi có mấy người bị xử lý?! – nên những điều này đề ra theo tôi chỉ là cho có vẻ dân chủ, pháp quyền mà không có giá trị trong thực tế!). Nói đùa nếu xử tội giết người, buôn ma túy, ăn cắp cũng kèm theo câu đó thì cũng chả ai phải chịu tội – vì ai cũng lem lém mồm: Khi làm điều đó tôi không biết rõ đó là trái pháp luật.

  2. Tất cả cũng đều liên quan đến sự lãnh đạo toàn diện nghìn tay nghìn mắt của đảng. Không khí trước ĐH số 13 nóng lên từng ngày, toàn cục quyết định kết cục, Nguyễn hòa Bình và Lê minh Trí đang thể hiện mình trong cuộc chạy đua không mệt mỏi. Sinh mạng con người đã được làm vật thí nghiệm và hy sinh cho sự nghiệp vĩ đại. Không có gì là đảm bảo minh bạch trong thời đại HCM đỏ rực.
    Cụ Lê đình Kình cũng là một nhân chứng chết cho sự nghiệp vĩ đại của chúng nó.

  3. Vụ này đầy thách đố, thách thức, không biết luật sư có “phấn khích” không. Nếu tham gia, với kinh nghiệm của mình, chắc sẽ khám phá không ít đâu.

Comments are closed.