19-4-2020
“Cô ơi tha cho cháu đi, con cháu thì bé, không có tiền nong cô đừng lấy của cháu nữa”- người dân van xin mong cứu lấy gánh rau của mình.
“Con này, mày có bị điên không, thu giữ đưa hết về phường… không nói nhiều nữa”- cán bộ đanh giọng quyết tâm thu bằng được gánh rau.
Xem clip, nghĩ thật lâu, uống thật chậm một cốc nước và thở dài. Những hình ảnh ở Hạ Long, Quảng Ninh ấy đâu phải lần đầu được biết. Có những hình ảnh thậm chí gai góc hơn, nhói lòng hơn được lưu truyền trên Youbtube, Facebook lâu nay.
Nhìn thật sâu vào đấy để thấy rằng một đất nước còn nghèo, người dân còn nghèo sau mấy chục năm thống nhất. Nhìn thật sâu để thấy điều trịch thượng cao trào của kẻ được gọi là “đầy tớ” và sự yếm thế của những thân phận mang danh “người chủ đất nước”. Nhìn đủ rộng để thấy cả nước dư giả tượng đài, thừa mứa các công trình nợ lỗ, đầy ắp đại án trong cách “tham nhũng ổn định”. Nhìn đủ gần để thấy những giọt nước mắt lăn xuống uất ức, những giọt máu đổ xuống giữ đất, những sinh mệnh chết vì ô nhiễm,…
Chỉ là một người viết, tôi buộc phải đưa một góc nhìn “bình tĩnh hơn” (ảnh 2) để nhắc rằng bất cứ cá nhân quyền lực nào hôm nay cũng có thể gặt quả tương xứng sau này theo cách họ đã gieo nhân. Khi không có công cụ quyền lực trong tay, không còn lực lượng hỗ trợ bên mình thì tin chắc rằng, cuộc “chạm mặt” có chủ ý chỉ có một kết cục.
Có công cụ hỗ trợ, có lực lượng hỗ trợ bên mình khi đương chức thì đã sao? Có một ví dụ về tô phở úp đầu tham quan về hưu tại Gia Lai, có ví dụ về trùm bao bố đập ác bá hết thời ở Đà Lạt. Khi về hưu rồi, cũng hoá dân, thì nghĩ những hành vi tàn ác với dân năm xưa sẽ không ai nhớ hay sao?
Nhắc lại một câu chuyện cũ. Có ngày càng nhiều những người vẫn “chép sử” theo cách của riêng mình trên giấy chứ không phải smartphone hay máy tính. Cách thủ công ấy thì lực lượng an ninh giỏi nhất thế giới cũng bó tay. Có những bữa cơm mà gia chủ trong căn nhà thuê tồi tàn gằn giọng nhắc các con nhìn về phía tờ giấy liệt kê những cái tên cướp đất tổ tiên, đánh đập gia đình đổ máu; rằng: “Mấy đứa nhỏ phải nhớ cho kỹ…”
Tôi chỉ quan sát và ghi chép trung thực lại những gì đã thấy. Có rất nhiều điều như vậy tại quốc gia cười nhiều nhưng ít vui và lắm đỗi đau lòng này.
Nên bất cứ hành xử nào của hôm nay của mỗi người cũng nên nghĩ lại phần sau này. Đi quá tận bao giờ cũng là tự diệt vong!
Bài viết rất hay và nhân văn cho những người còn chưa về hưu..