Ai đã khiến giá gạo rẻ như bèo?

Blog VOA

Trân Văn

30-3-2020

Tuần này, sự bất nhất của chính phủ trong việc xuất cảng gạo đã tạo ra một trận bão mới trong dư luận (1).

Giữa bối cảnh cả thế giới chao đảo vì tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán và nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điêu đứng vì hạn hán, nước mặn từ biển tràn vào sông rạch, ruộng vườn, mất mùa, thiếu đói là nguy cơ nhãn tiền, xuất cảng hay tạm dừng xuất cảng gạo không chỉ là vấn đề thời sự, đòi hỏi sự khôn ngoan, bản lĩnh của hệ thống công quyền mà còn là dịp để người ta nhìn ra bao điều bất cập, thân phận khốn khổ của nông dân lẫn sự bất ổn của hệ thống chính quyền!

***

Trương Châu Hữu Danh – một trong những nhà báo đeo bám ĐBCSL rất chặt và rất rành rẽ khu vực này tường thuật trên facebook: Việt Nam không thiếu gạo. Gạo vẫn còn đầy trong các kho từ kho của Cục Dự trữ Quốc gia đến kho của các doanh nghiệp, chưa kể nguồn lúa đang thu hoạch. Ngay sau khi có lệnh tạm dừng xuất cảng gạo, giá lúa gạo lập tức giảm 500 ngàn đồng/tấn nhưng thương lái vẫn ngưng thu mua. Cấm xuất cảng gạo vào lúc này thì nông dân chết trước, thương lái chết sau, kế đó là các ngân hàng (2)…

Vũ Kim Hạnh – một trong những người được xem là rành rẽ thị trường Việt Nam và ĐBSCL, chia sẻ trên facebook: Việc nhấn mạnh sự kiện Trung Quốc tăng mức nhập cảng gạo của Việt Nam đến 600% không có ý nghĩa vì mức nhập cảng gạo Việt Nam của Trung Quốc trước đó rất thấp. Thành ra có tăng 600% cũng chỉ chừng 66.000 tấn gạo, trị giá chừng 37 triệu Mỹ kim. Năm nào Việt Nam cũng dư sáu, bảy triệu tấn gạo, năm nay cũng vậy. Bà Hạnh thắc mắc: Lúa trong kho còn. Doanh nghiệp cần đảo kho. Nông dân cần trả nợ ngân hàng, chuẩn bị vụ mới. Lúa được giá, không thiếu gạo, vụ Hè Thu chỉ 100 ngày nữa sẽ có lúa mới, sao đột nhiên dừng xuất cảng gạo? Bà Hạnh kể: Lệnh tạm dừng xuất cảng gạo làm giá lúa rớt, nước mắt nông dân rớt theo vì họ biết, sắp tới, giá lúa có… trớn sẽ… rớt tiếp (3).

Phương Dung Nguyễn Thị – một facebooker kinh doanh lúa gạo trong nước, không tham gia xuất cảng gạo, góp ý với những người ủng hộ chủ trương tạm dừng xuất cảng gạo: Năm 2008, Việt Nam đang xuất cảng gạo với giá 900 Mỹ kim/tấn thì đột nhiên có lệnh dừng xuất cảng, giá gạo rớt xuống chỉ còn chừng 300 Mỹ kim/tấn. Trong khi Thái Lan mở kho xuất ào ạt thì nông dân lầm lũi chở gạo đi bán lẻ trước cổng các khu công nghiệp. Các bạn có thể dùng nhiều nguồn để kiểm chứng rằng từ 2008 đến nay, Việt Nam luôn thừa gạo và xuất cảng với giá cực rẻ. Lượng gạo làm ra, sau khi dùng để chế biến bia, rượu, thức ăn gia súc, dân mình chỉ ăn một nửa, nửa còn lại bán cho thiên hạ với giá rẻ hơn bèo.

Cô khẳng định: Cho dù năm nay hạn hán, nước mặn xâm nhập ruộng vườn hết sức khốc liệt, người trồng lúa điêu đứng nhưng lúa gạo do nông dân cả nước làm ra vẫn thừa. Giá gạo tăng lên chỉ vì lợi dụng tâm lý tích cốc phòng cơ khi có dịch, còn giá lúa tại ruộng, giá gạo tại kho vẫn thấp vì không hề thiếu. Thiếu làm sao được khi lúa thu hoạch quanh năm chứ không chỉ hai vụ/năm như cách đây một vài thập niên. Theo Phương Dung: Tạm dừng xuất cảng gạo vào lúc này, khi nông dân đang thu hoạch trong cảnh mất mùa thì nông dân lãnh đủ. Đa số phải bán lúa ngay tại ruộng để trả nợ cho các đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp, trả nợ ngân hàng. Có người còn “bán lúa non” – ăn trước trả sau. Thành ra đừng để cảm xúc chi phối, hoan hô lệnh tạm dừng xuất cảng gạo. Giá lúa có giảm giá bán lẻ gạo vẫn thế, người tiêu dùng cũng chẳng được hưởng chút lợi nào (4).

Huy Nguyen – một trong những facebooker thuộc nhóm bất bình với lệnh tạm dừng xuất cảng gạo, đặt vấn đề: Tại sao nông dân luôn là đối tượng phải chịu thiệt thòi dù mất mùa hay được mùa vì phải bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, thậm chí cho… toàn cầu? Ngay cả khi nhu cầu tích trữ lương thực trên thế giới gia tăng, giá gạo tăng, tại sao lại đóng cửa, cấm xuất cảng gạo dù lượng gạo dư thừa vẫn ở mức rất cao? Tại sao lại hành xử theo kiểu, giá gạo thế giới có cao thì nông dân Việt Nam vẫn phải bán với giá thấp? Nhân danh an ninh lương thực, phải bảo đảm cho mọi người no đủ nhưng vì sao trách nhiệm đó lại chỉ đặt lên vai nông dân, trong khi đó là nhóm có mức thu nhập trung bình thấp nhất so với tất cả các ngành nghề khác trong xã hội và dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh (5)?

***

Ông Nguyễn Đức Thành – thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, nhận xét trên facebook của ông: Lẽ ra khi gạo là mặt hàng Việt Nam có thể chủ động về nguồn cung trong những chu trình từ ba đến bốn tháng, nên khi nhu cầu lúa gạo thế giới đột ngột tăng cao, ít nhất Việt Nam nên tranh thủ đón làn sóng đầu tiên, tức là bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng lượng mua, tăng giá này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh trong các tháng 4 và 5 nhưng nên chủ động đi theo làn sóng đó. Giá trong nước có thể tăng theo nhưng về cơ bản, việc tăng giá gạo nội địa là lợi nhiều hơn hại vì tầng lớp được hưởng lợi căn bản vẫn là nông dân và ngành nông nghiệp. Các nhóm khác có thể bị thiệt vì giá gạo tăng lên, nhưng gạo chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong ngân sách của họ.

Ông Thành cho rằng, việc vội vã ra lệnh đóng cửa thị trường xuất cảng gạo vào thời điểm này, chỉ sau một cuộc họp của Thường trực Chính phủ là hết sức vội vàng, thiếu cân nhắc, thiếu tầm nhìn, thiếu tính toán và do đó là thiếu trách nhiệm. Ông tin là sự bối rối, bất nhất trong chính sách xuất cảng lúa gạo ngay lúc này là một phần của tính lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp trong việc ra các chính sách quan trọng hiện nay. Ông đề nghị Thủ tướng lập tức rút lại việc can thiệp vào lúc này đối với thị trường gạo nói chung, xuất cảng gạo nói riêng. Theo ông, chính phủ cần tiếp tục quan sát, theo dõi thị trường và ra những quyết định theo lộ trình, có bài bản, bình tĩnh, sáng suất và THỰC DỤNG vì đây là một cơ hôi tốt cho không chỉ nông nghiệp Việt Nam hồi phục trong mùa dịch, mà còn cải thiện vị thế của Việt Nam như một nước luôn xuất cảng ròng lúa gạo (6).

***

Ngày 26 tháng 3, tờ Tiền Phong dẫn ý kiến hàng loạt viên chức hữu trách, biện bạch cho quyết định tạm dừng xuất cảng gạo. Ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Quốc gia bảo rằng quyết định này cần thiết vì: Không thể để doanh nghiệp xuất giá đắt, Tổng cục mua về giá càng đắt hơn, thiệt hại cho nhà nước (7).

Nói cách khác, nhà nước quyết định tạm dừng xuất cảng gạo để ép giá, buộc nông dân phải bán lúa gạo cho nhà nước thu mua, dự trữ! Ông Nguyễn Đức Thành tâm tình, ông thấy xót xa vì cách ứng xử đó của nhà nước. Việc mua gạo dự trữ không sai nhưng tại sao nhà nước không mua như một đối tượng tham gia thị trường mà lại dùng quyền lực để can thiệp như vậy? Ngay cả khi chính phủ thực sự khao khát bảo đảm an ninh lương thực thì cũng không cần phải vội vã đến vậy với một lệnh cấm xuất cảng gạo đột ngột và thô bạo đến lạ kỳ như thế (8)!

Vì sao lại đột ngột ra lệnh tạm dừng xuất cảng gạo “thô bạo đến lạ kỳ như thế”? Trương Châu Hữu Danh vừa cung cấp một lời giải: Khi thảo luận về tạm dừng xuất cảng gạo, chỉ có hai tập đoàn nhà nước là Vinafood 1 và Vinafood 2 tham dự. Do phản ứng của công chúng, khi thảo luận trở lại về việc có nên tạm dừng xuất cảng gạo hay không, ngoài hai tập đoàn nhà nước vừa kể, có thêm đại diện 18 doanh nghiệp nữa. Chỉ có Vinafood 1 và Tổng cục Dự trữ Quốc gia ủng hộ tạm dừng. Lãnh đạo Vinafood 1 hiện nay là lãnh đạo cũ của Tổng cục Dự trữ Quốc gia. Tổng cục Dự trữ Quốc gia chưa trữ đủ gạo đúng với chức trách còn Vinafood 1 thì mua chưa đủ lượng gạo theo hợp đồng đã ký. Nếu giá gạo không giảm và phải bán cho Malaysia với giá đã cam kết (chỉ 333 Mỹ kim/tấn), Vinafood 1 sẽ lỗ 540 tỉ đồng khi phải giao cho Malaysia 300 tấn gạo (9)

Danh dẫn những dữ kiện vừa kể để khẳng định mafia gạo đang lũng đoạn hệ thống quản trị – điều hành quốc gia và lũng đoạn thị trường. Facebooker này còn một lưu ý khác, để dọn đường cho mafia gạo bóp cổ nông dân, đã xuất hiện một chiến dịch dẫn dắt dư luận do truyền thông bẩn khởi xướng. Khai thác sự cảnh giác của người Việt khi luôn phải đối diện với “mưu hèn, kế bẩn” của “bạn vàng”, truyền thông bẩn đã vẽ ra viễn cảnh thiếu đói nếu chấp thuận cho Trung Quốc tăng lượng gạo nhập cảng từ Việt Nam lên 600%. Truyền thông bẩn lờ đi tổng lượng gạo mà Trung Quốc hỏi mua chỉ chừng hơn 60.000 tấn, trong đó chỉ có 2.000 tấn gạo, còn lại là nếp và tấm nếp!

Chú thích

(1) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-danh-tin-hieu-lan-lon-ve-tam-ngung-xuat-khau-gao/5344959.html

(2) https://www.facebook.com/100002712488476/posts/2522766364490422

(3) https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10158510367781122

(4) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=624103908431824&id=100024966618074

(5) https://www.facebook.com/1389595810/posts/10221941158703300/

(6) https://www.facebook.com/ndt105/posts/10219364879664430

(7) https://www.tienphong.vn/kinh-te/tam-dung-xuat-khau-gao-la-can-thiet-1629722.tpo

(8) https://www.facebook.com/ndt105/posts/10219382712990252

(9) https://www.facebook.com/huudanh.truong.5/posts/2528579257242466

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Phải có cơ chế đi kiện mới chấm dứt kiểu quyết định hời hợt thiếu cân nhắc của những quan to nhờ lý lịch hồng đậm nhưng tay mơ về kinh tế như thế này.

  2. – Bài này rất hay. Tác giả nêu ra những con người hết lòng vỉ nông dân, đứng đầu là nhà báo Trương Châu Hữu Danh.
    Những tội phạm khiến nông dân điêu đứng cũng được vạch mặt chỉ trán.
    – Kính mời mọi người đọc để mở tầm nhìn.

    Tôi ghi lòng mãi mãi: Ở diễn đàn này, nghiemnv chửi bới tàn tệ Trương Châu Hứu Danh. Do vậy, hễ người này chưởi ai, tôi đều tìm hiểu rất kỹ về người bị anh ta chưởi.

  3. Trong Đại dịch cúm Tàu do siêu vi trùng coroChina Vũ Hán nếu kéo dài CHẮC CẦN nhiều gạo LÀ NHU YẾU PHẨM để nếu thoát được Đại dịch thì PHẢI ĂN CƠM để sống còn !!!
    Cho nên đã có những âm mưu thâu tóm mua gạo rẻ do thương lái Tàu …chúng tìm mọi cách phá giá GẠO như chúng đia qua Việt Nam hàng triệu qua DU LỊCH GIÁ bằng 0
    Kẻ thù rất thâm độc sống trên MỒ HÔI NUWOWSC MẮT Người nông dân Việt DO BỌN CẦM QUYỀN vịt vộng a tòng tòng phạm với bọn thương lái Tàu

Comments are closed.