Trúc Nguyễn
1-3-2020
Khách du xuân chùa Tam Chúc năm nay ngỡ ngàng chứng kiến sự hoành tráng của Đền Tứ Ân, ngôi đền mới xây để thờ bà Phạm Thị Lan vợ quá cố của đại gia Xuân Trường, mất vì bạo bệnh năm 2018 hưởng dương 57 tuổi. Theo tường thuật của báo mạng Infonet đăng kèm hình ảnh nhiều góc chụp cho thấy Đền Tứ Ân là một công trình quan trọng trong tổng thể cảnh quan của chùa Tam Chúc, kiến trúc nguy nga lộng lẫy không khác một cung vua… [1]
Được biết vợ chồng bà Lan và ông Xuân Trường có công xây nhiều khu du lịch tâm linh dưới danh nghĩa “chùa” như quần thể danh thắng Tràng An Bái Đính, chùa Tam Chúc… Khi mới mất, bà Lan đã được lập bàn thờ trong điện chính thờ Phật Tam Thế, sau đó được chuyển ra khi Đền Tứ Ân xây xong. Việc thờ phượng này đã gây dư luận trái chiều, mạng xã hội có rất nhiều ý kiến bỉ bôi không những nhắm tới vị đại gai mà còn gây ảnh hưởng uy tín của nhà chùa.
Thi ơn-báo ơn là một căn bản của đạo lý làm người cũng là điểm giáo lý của đạo Phật. Các chùa theo Phật giáo Đại thừa vào ngày Sóc-Vọng có lễ Thù ân, tưởng nhớ “Bốn ân lớn”: Ơn quốc gia đã cai quản bình yên đất nước cương vực, ơn thầy tổ dạy dỗ, ơn mẹ cha đã cho hình hài và nuôi khôn lớn và ơn chúng sanh xã hội bố thí tài vật…
Một số chùa cổ trăm năm và chùa mới xây vài chục năm tuổi có bàn thờ các vị “tiền bối hữu công”, anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, chúa bà Liễu Hạnh… cũng không ngoài ý nghĩa mục đích này. Nhưng trong nhiều kinh, luật Phật dạy: người thọ Tam quy Ngũ giới thì không được mập mờ đức tin về phật pháp, người thọ giới ở cấp độ cao đứng vào hàng Tăng già (giới Tỳ kheo) thậm chí không được lễ lạy cha mẹ… Cho nên trong chùa, ngoài bàn thờ Phật, Tổ, Bồ tát thì các bàn thờ khác thường có hình thức khiêm tốn, không đặt ở các vị trí chính… chứng tỏ tiền nhân rất ý thức tính chất phương tiện của đạo Phật mà dung nạp văn hóa địa phương ở mức độ thích hợp để không xảy ra xung đột đức tin tôn giáo, phù hợp tinh thần từ bi tùy duyên của đạo Phật. Việc thờ phượng như thế xưa nay không có ai chất vấn, phản đối, “dư luận”…
Việc bà Phạm Thị Lan xứng đáng lập đền thờ riêng trong một ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á như Tam Chúc hay không, là người phật tử chân chính thì việc thờ phượng nên làm theo cách trên, thậm chí phải thông qua sự kiểm xét của một hội đồng khoa học, ngoài ra cần rà soát Giấy phép đầu tư nhà nước cấp cho doanh nghiệp Xuân Trường có hạng mục xây dựng đền để thờ vợ lớn như thế hay không…? Tự ý dựng tượng bà Lan ngồi tòa sen tay kiết ấn rồi thờ ở một ngôi đền nguy nga có vị trí chính trong chùa không biết là căn cứ điểm giáo lý, chuẩn mực văn hóa nào, luật nào?
Điều tra của báo Tuổi Trẻ cho hay: “Từ năm 2007 DNTN xây dựng Xuân Trường đã ký với UBND huyện Hoa Lư 4 hợp đồng số 13, 14, 82, 90 thuê khoảng 2.912.300m2 (291,2ha) đất để xây dựng quần thể du lịch tâm linh Bái Đính. Đến nay DN này vẫn nợ khoảng 25 tỉ đồng tiền thuê đất. Từ năm 2010-2012, DNTN Xuân Trường không nộp báo cáo tài chính. Các năm 2014, 2015, 2016, 2017 không nộp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi xây dựng các công trình, doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định Nhà nước nghiệm thu khối lượng hoàn thành, thanh toán vốn đầu tư“… [2]
Báo Dân Việt cũng từng chỉ ra tài chính mập mờ của doanh nghiệp Xuân Trường: “Dự án Nạo vét bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê với giá trị hợp đồng là 72 tỷ đồng và qua 4 lần điều chỉnh “nở” lên 2.595 tỷ đồng. Trong khi Chính phủ đang cắt giảm dự án thì tỉnh Ninh Bình vẫn cấp vốn cho Xuân Trường gần 700 tỷ đồng và doanh nghiệp này vẫn đang “cầm” 400 tỷ đồng trong suốt 5 năm qua mà không phải trả một đồng lãi nào” [3]. Phải chăng lúc sinh thời bà Lan đồng sở hữu một doanh nghiệp có dấu hiệu phạm luật, lạm dụng tài sản công sản của nhà nước?
Năm 2019 dư luận lên tiếng việc nhà chùa bán vé thu tiền người đi lễ (chùa BOT), một chức sắc phật giáo phát biểu trước quốc hội: “Tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do GHPGVN và GHPG các địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý, không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này” [4] [5] [6]… Vậy việc xây Đền Tứ Ân đã thông qua ý kiến của giáo hội hay chưa? Nếu đã thông qua rồi thì nên nêu ý kiến để rộng đường dư luận.
Chính quyền tỉnh Long An và vài trang báo đang điều tra vụ “lạm danh tu sĩ” của cơ sở tư nhân “Thuyền am bên bờ vũ trụ” [7] thì những sự việc như xây đền Tứ Ân, xe Lexus xuất hiện ở chùa Tam Chúc dịp tết: “Theo Cục Cảnh sát giao thông biển số xanh 80A cấp cho một đơn vị thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam; còn biển 30A màu trắng gắn ở phía sau xe là biển số giả” [8] cũng làm ảnh hưởng uy tín đạo Phật không kém nên kiến nghị làm sáng tỏ để gìn giữ sự tôn nghiêm của chùa chiền và của pháp luật nhà nước.
Nếu tôn kính phật pháp và có lòng với vợ thì ông Xuân Trường nên tách bạch không gian phật giáo với việc cá nhân để tránh gây tổn thương tâm linh cho người đi chùa… Nếu xây đền thờ vợ trong khuôn viên gia đình riêng tư của ông thì tôi sẵn lòng mang hoa đến viếng để tỏ lòng hâm mộ tình chung thủy nghĩa vợ chồng của ông, tôi tin tưởng có nhiều người sẽ làm như vậy với lòng hoan hỷ! Âm dương lưỡng lợi ấy là năng lượng tích cực cho vong hồn của người quá cố.
_____
Chú thích:
[4] https://tuoitre.vn/khong-co-chuyen-kinh-doanh-chua-bot-20190606091616258.htm
[5] https://tuoitre.vn/chua-ong-tram-be-gay-phan-cam-542363.htm
[7] https://giacngo.vn/thoisu/tintuc/2020/02/28/3242D2/
Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng.
Nếu thờ “lãnh tụ” được, thì ai thờ ai – cũng là quyền tự do của họ.
Còn ai không thích đến chỗ thờ cúng ba lăng nhăng ấy, hãy bịt mũi, tránh xa!
Gần đây thấy nhiều người gợi ý dung các chua mới xd như Tam chúc, Bái đinh… Để làm nơi cách li các bệnh Nhân covid. Thấy rất hay nhất cử lưỡng tiện, chùa rộng thoang mát, dễ hồi phục sức khỏe lại được nhà chua cung vong giai han không phai dung thuốc mà khỏi bệnh! Nhaf nước ko phai tốn Tiền xây bv mới, đề nghị ông TT suy nghi và áp dụng ngay
Người Vn quá thấm nhuần đạo Phật, quá lí tưởng hóa về Phật đạo, trong khi lại coi thường việc thực hiện Bát Chánh Đạo trong hiện thực cuộc sống. Họ nghĩ rằng niềm tin của họ là ghê gớm, có tin là có thực , lại ưa thích những hoạt động xoa hoa vẽ vời, ưa cúng bái. Chùa chiền nó thế nào , là do tăng ni và Phật tử thế ấy , không phải do ơn Trên mà ra như vậy. Mạt Pháp không phải ở Chùa, mà là ở con người, thế thôi, đóng góp và tư tưởng mỗi người định hình nên tư tưởng cộng đồng. Những tệ hại dị đoan trong tôn giáo hiện nay không phải là tự dưng, mà nó âm thầm sống trong cách thức người VN tín ngưỡng Thần Phật.
Phật Thich Ca đã từng noi” tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”
Người việt tin Phật nhưng chẳng chịu hiểu Phật. U mê lắm đảng trí thức ta ơi
Mê tín, nhố nhăng, lố bịch, trơ trẽn, bi hài.
Than Sân Si nhà Phật gọi là TAM ĐỘC
U MÊ LẮM THĂNG NHIỀU TIỀN Ạ.