Blog VOA
27-2-2020
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Việt Nam vừa dùng toàn bộ “sự khiêm tốn của người Việt” để tuyên bố: Việt Nam đã kiểm soát được dịch từ COVID – 19 (1)! Tuy nhiên càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, trong quản trị – điều hành công việc phòng ngừa COVID-19 lây lan ở Việt Nam, “khiêm tốn” dường như là… hèn!
***
Ngày 23 tháng 2, sau khi xác nhận có 556 người nhiễm COVID-19 và năm người đã thiệt mạng, ông Moon Jae-in, Tổng thống Nam Hàn, tuyên bố đặt Nam Hàn vào tình trạng “Báo động Đỏ” về y tế, đồng thời sẽ áp dụng tất cả các biện pháp nghiêm ngặt mà chính phủ Hàn Quốc thấy cần thiết để ngăn chặn COVID-19 lây lan rộng hơn (2).
Một ngày sau – 24 tháng 2, Trung tâm Chỉ đạo phòng – chống dịch bệnh Đài Loan tuyên bố xếp Nam Hàn vào mức 3 trong “Khuyến cáo du lịch”. Yêu cầu dân chúng Đài Loan không đến Nam Hàn và từ 27 tháng 2 sẽ buộc tất cả những người từ Nam Hàn đến Đài Loan tự cách ly với cộng đồng nơi họ cư trú và sẽ bị kiểm dịch trong vòng 14 ngày (3).
Ông Trần Thời Trung, Bộ trưởng Y tế, kiêm Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo phòng – chống dịch bệnh Đài Loan, tuyên bố: Đài Loan xếp Thái Lan, Ý, Iran vào mức 1 và Nhật, Singapore,… vào mức 2 trong “Khuyến cáo du lịch”. Những người đến Đài Loan từ các quốc gia mức 1 và 2 phải “tự quản lý sức khỏe”.
Đài Loan định nghĩa “tự quản lý sức khỏe” là giữ tay sạch, đo thân nhiệt hai lần/ngày, ghi chép chi tiết về thân nhiệt, hoạt động cá nhân, hạn chế lui tới nơi công cộng, ra khỏi nhà phải mang khẩu trang. Nếu viêm đường hô hấp, sốt, cảm thấy khó chịu thì phải đi khám bệnh, thông báo cặn kẽ cho bác sĩ về lịch trình du lịch, lịch trình cư trú,…
***
Cũng trong ngày 24 tháng 2, một phi cơ chở 80 hành khách từ Daegu – Nam Hàn đến Đà Nẵng. Daegu là một trong hai ổ dịch bị chính phủ Nam Hàn xếp vào diện “kiểm soát đặc biệt”. Mức độ lây lan của COVID-19 ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang đã khiến chính phủ Nam Hàn phải đặt quốc gia này vào tình trạng “Báo động Đỏ” về y tế.
58/80 hành khách của chuyến bay vừa kể là người Việt. Họ sang Nam Hàn làm thuê hoặc du học. Về đến Đà Nẵng, 58 người Việt này được chuyển ngay đến khu cách ly do quân đội kiểm soát, trong 22/80 hành khách còn lại có 20 công dân Nam Hàn và hai công dân Thái Lan được chuyển đến Bệnh viện Phổi ở Đà Nẵng.
58 người Việt và phi hành đoàn (được cách ly tại một bệnh viện của Bộ Công an) không có vấn đề về cách ly nhưng 20 công dân Nam Hàn thì khác. Họ không muốn bị cách ly, không muốn vào Bệnh viện Phổi và lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng không dám cưỡng ép nên phải nhờ các viên chức ngoại giao của Nam Hàn tại Việt Nam thuyết phục.
Bất kể Bệnh viện Phổi của Đà Nẵng đã dành cho 20 người Nam Hàn một khu vực riêng nhưng một số đòi quay về Nam Hàn, một số muốn được cách ly tại khách sạn, một số dứt khoát không chấp nhận cách ly vì chỉ đến Đà Nẵng chơi trong hai ngày… Chuyện cách ly 20 người Nam Hàn cứ thế nhùng nhằng từ trưa 24 tháng 2…
Có lẽ vì không muốn làm phật lòng nhóm khách Nam Hàn, Sở Y tế Đà Nẵng liên lạc với một khách sạn ở quận Sơn Trà, thuyết phục khách sạn tiếp nhận nhóm này. Tuy Sở Y tế Đà Nẵng cam kết thanh toán chi phí lưu trú cho 20 người Nam Hàn trong hai tuần cách ly nhưng một số lại không ưng vì không được chăm sóc y tế và phải trả tiền ăn uống…
Nhân viên của cả Đại sứ quán Nam Hàn và Tổng Lãnh sự Nam Hàn cùng tham gia thuyết phục cho đến năm giờ chiều, khi 20 người Nam Hàn từ Daegu đến đồng ý với đề nghị cách ly tại khách sạn mà Sở Y tế Đà Nẵng đề nghị thì khách sạn ở quận Sơn Trà đổi ý. Chính quyền Đà Nẵng đành phải mời họ “ăn nhẹ” trong khi đi tìm khách sạn khác!
Đến sáu giờ chiều, chính quyền Đà Nẵng quyết định đưa 20 người Nam Hàn đến một khách sạn 4 sao ở quận Hải Châu và lần này cho biết Đà Nẵng sẽ thanh toán cả tiền ăn! Tuy nhiên, 20 người Nam Hàn từ Daegu tới vẫn phải lưu lại Bệnh viện Phổi cho đến 10 giờ đêm vì giới hữu trách cần chuẩn bị thêm cho việc cách ly tại khách sạn (4)…
***
Tuy đang quản trị – điều hành một quốc gia độc lập và có chủ quyền nhưng cách hành xử trong tình huống khẩn cấp (đối phó với những mầm bệnh tiềm ẩn đến từ bên ngoài, có thể lây lan, đe dọa dân tộc, quốc gia) hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam đã hành xử… nhũn nhặn mà cả thiên hạ lẫn dân chúng Việt Nam cùng… chưa từng thấy!
Xưa nay, dường như chưa có quốc gia nào sau khi phải dựng hàng rào phòng ngừa dịch bệnh lại… “mềm mỏng” như Việt Nam, vừa tìm đủ mọi cách thuyết phục những ngoại nhân đến xứ mình từ vùng có dịch chịu cách ly, vừa đôn đáo tới lui khắp nơi để tìm chỗ cách ly sao cho ngoại nhân hài lòng, chưa kể còn cam kết sẽ dùng công quỹ để bao ăn, ở!
Tại hội nghị trực tuyến, thảo luận về việc “Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19” hôm 25 tháng 2 – dịp mà ông Đam sử dụng toàn bộ “sự khiêm tốn của người Việt” để tuyên bố: Việt Nam đã kiểm soát được dịch từ COVID-19 – đại diện Sở Y tế Đà Nẵng than rằng, họ chịu áp lực rất lớn vì “phải vừa bảo đảm ngoại giao, vừa bảo đảm yêu cầu cách ly, phòng chống dịch hiệu quả” (5).
Rõ ràng không thể so Việt Nam với Đài Loan – vùng đất chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận như một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đài Loan tuy nhỏ, vị thế trong cộng đồng quốc tế rõ ràng kém hơn nhưng hành xử rạch ròi, quyết liệt hơn Việt Nam. Khi đến Đài Loan giữa mùa dịch bệnh, chắc chắn những công dân Trung Quốc bị chính quyền sở tại buộc phải cách ly sẽ không thể và cũng không dám tự tiện rời khỏi nơi bị chỉ định cư trú, thản nhiên tới lui bất kỳ đâu họ muốn, khiến cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lúng túng không biết phải làm gì như tại Việt Nam (6)?!
Sau ngày 27 tháng này, khi đến Đài Loan, chắc chắn không công dân Nam Hàn nào dám hay có thể “làm mình, làm mẩy” đòi phải như thế này, thế kia mới đáp ứng yêu cầu cách ly của chính quyền sở tại giống như 20 đồng bào của họ vừa thể hiện tại Việt Nam.
Đài Loan tuy nhỏ, vị thế rõ ràng kém hơn Việt Nam nhưng khi COVID-19 bùng phát thành dịch tại Trung Quốc đã không hề ngần ngại khi tuyên bố cấm xuất cảng khẩu trang để bảo đảm nhu cầu phòng dịch của dân chúng Đài Loan. Bất chấp chuyện bị Trung Quốc chỉ trích là “bệnh hoạn về nhận thức” (7), lãnh đạo Đài Loan tiếp tục gia hạn lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang đến cuối tháng Tư (8).
Đài Loan cũng là nơi không hề ngần ngại khi vừa cấm nhân viên y tế đến Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, vừa nhấn mạnh là “không hoan nghênh” nếu họ đi du lịch ở Nhật, Nam Hàn,… vì ngoài việc khống chế lây lan còn phải ngăn chặn sự gia tăng nhu cầu về y tế và giảm thiểu sự hao tổn về nhân lực y tế vì việc thay thế nhân lực y tế là chuyện không dễ dàng (9)!
***
Cổ nhân từng khuyên: “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Người Việt nên dùng “tất cả sự khiêm tốn” mà ông Vũ Đức Đam mới dùng, tự hỏi chính mình và tự hỏi lẫn nhau “gia” của Việt Nam như thế nào, “giang” của Việt Nam ra sao mà càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy thiên hạ không thèm màng đến cả đặc điểm của “tục” lẫn “khúc” khi “nhập” hoặc “đáo” Việt Nam?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-da-kiem-soat-duoc-dich-20200225092847338.htm
(3) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=172158
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/nhom-khach-han-quoc-khong-muon-vao-khu-cach-ly-4059755.html
(5) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(7) http://global.chinadaily.com.cn/a/202002/17/WS5e4a928aa3101282172782a6.html
Khi hèn kém, đảng viên CSVN đeo bị chống gậy để ngoi lên. Khi ti toe mọc chút lông nách, đảng viên CSVN dùng dùi cui để … lên mặt cai trị dân.
Kết luận, những ông bà kém năng lực thì cần dựa vào đảng để sống chiến đấu lao động theo gương HCM cho đến khi xộ khám.