“Trung Quốc đích thị Đông Á bệnh phu”

Đỗ Hùng

25-2-2020

Ảnh: WSJ

Trong khi Trung Quốc đang tơi tả do dịch bệnh phát khởi từ Vũ Hán, bên trong tòa soạn tờ Wall Street Journal cũng xảy ra một cuộc nội chiến không tiền khoáng hậu. Mới đây, 53 phóng viên và biên tập viên của tờ báo đã yêu cầu các lãnh đạo sửa tít một bài báo và đưa ra lời xin lỗi chính thức.

Bài báo đang được nói đến có nhan đề: “China Is the Real Sick Man of Asia” (tạm dịch: Trung Quốc đích thị là con bệnh châu Á, người Trung Quốc bèn dịch bài báo này: 中国是真正的亚洲病夫 – Trung Quốc thị chân chính đích Á châu bệnh phu).

“Sick man of Asia” hay chúng ta thường biết đến với khái niệm “Đông Á bệnh phu” (東亞病夫) là một điển cố đau đớn của Trung Hoa.

Thế kỷ 19, Trung Hoa vốn dĩ là một quốc gia rộng lớn nhưng bạc nhược, yếu hèn, nhân dân chìm trong á phiện, bị ngoại quốc khinh khi gọi là “Sick man of Asia” hay “Sick man of East Asia”.

Xem phim Tinh võ môn – Fist of Fury hẳn nhiều người còn nhớ cảnh này: một gã Hán gian dẫn theo một gã Nhật tới tặng võ đường mà Trần Chân (Lý Tiểu Long đóng) đang thụ học tấm biển có chữ “Đông Á bệnh phu” để nhục mạ. Sự nhục mạ đó, theo ý đồ của đạo diễn, là nhằm đẩy cơn phẫn uất lên cao trào để mà từ đó dẫn tới nắm đấm cuồng nộ (Fist of Fury) của Trần Chân Lý Tiểu Long.

Tóm lại, “Đông Á bệnh phu” là nói đến một Trung Hoa yếu hèn, bạc nhược. Ai nói điều này hẳn nhiên là chửi Trung Quốc.

Bây giờ thế kỷ 21, Trung Quốc đang dịch bệnh hoành hành. Lại có nhiều cáo buộc nhằm vào dân Trung Quốc, chẳng hạn dân nó ăn tạp, ăn dơi ăn quạ nên dính bệnh. Lại có nhiều cáo buộc nhằm vào chính quyền Trung Quốc, chẳng hạn bưng bít thông tin để đến khi tọa họa rồi mới công bố dịch nên không chỉ nước này phải lao đao mà thế giới cũng khốn khổ. Lại có cáo buộc chẳng hạn thậm chí Trung Quốc đã làm sổng chuồng con vi rút từ một phòng thí nghiệm.

Trong bối cảnh đó, một bài bình trên mục ý kiến của Wall Street Journal lấy điển cố “Sick Man of Asia” ra để giật tít thoạt nghe là một ý tưởng có vẻ hay ho thâm nho.

Cơ mà sau khi bài viết được đăng tải, Wall Street Journal đã bị ăn chửi. Còm men sau bài viết trên website của tờ báo toàn là còm chửi (sai đúng chưa nói, nhưng nó để còm vậy thì thấy nó bản lĩnh và tự do lắm lắm). Nghiêm trọng hơn cả là hai chuyện: 1. Bắc Kinh đòi trục xuất ba nhà báo Wall Street Journal thường trú tại Trung Quốc; 2. Sự phản đối ngay bên trong Wall Street Journal: các biên tập viên, phóng viên kêu ban biên tập sửa tít và xin lỗi.

Có nhiều chuyện trớ trêu trong vụ này.

Thứ nhất, website của Wall Street Journal vốn dĩ bị Trung Quốc chặn, ấy vậy mà giờ tờ báo này viết bài thì lại bị chính phủ Trung Quốc phản đối. Chứng tỏ cũng đọc báo cấm chứ chả đùa.

Thứ hai, thực ra vấn đề của bài viết chỉ là cái tít, còn nội dung thì không hẳn gây hấn. Bài viết của Walter Russell Mead, như phần dẫn nhập đã gợi mở rằng “thị trường tài chính của Trung Quốc thậm chí còn nguy hiểm hơn cái chợ động vật hoang dã kia” (khéo khen cho kiểu lồng ghép đầy ý nhị, link cái vụ chợ Hải sản Hoa Nam bị nghi là nguồn dịch với thị trường, là cái chợ rộng lớn và trừu tượng hơn!), là nhân vụ dịch bệnh mà nói về những vấn đề kinh tài của Trung Quốc, rằng có quả bom nổ chậm trong sự vận hành kinh tài từ đất nước này.

Nếu như tranh cãi trong nội dung bài viết, có chăng, chỉ là chuyên môn, là góc nhìn về kinh tế, thì tranh cãi về cái tít lại liên quan đến một khía cạnh nhạy cảm hơn: sự kỳ thị chủng tộc.

Chính vì thế mà một mặt chính quyền Trung Quốc chửi WSJ, mặt khác dân tình ném đá, còn mặt khác nữa đó là ngay trong nội bộ WSJ cũng phê phán cách giật tít.

Phóng viên WSJ tại Bắc Kinh, là người Úc và người Mỹ gốc Hoa, khốn đốn bởi nhiều lẽ. Một người kể rằng khi thực hiện phỏng vấn người dân trên phố thì anh ta bị chửi “đồ phản phúc”. Một bác sĩ ở Hồ Bắc đã liên lạc với tòa soạn WSJ yêu cầu rút lại bài trả lời phỏng vấn ông và kêu đồng nghiệp không hợp tác với tờ này.

Tất nhiên là khi chửi WSJ, dân tình bèn ném đá nhiệt tình bạn Mead, tác giả bài báo. Căng quá, bạn này bèn lên twitter phân bua: Bên Mỹ này á, nội dung là của người viết, còn tít là do biên tập viên đặt, có chửi thì chửi cho đúng địa chỉ nha! (*)

Thực ra tranh cãi về cái tít của WSJ không hẳn là tranh cãi điển hình giữa một bên ủng hộ tự do báo chí với bên kia chống lại hoặc cảm thấy khó chịu với tự do báo chí. Nhiều nhà báo trong WSJ vốn là các phóng viên điều tra thấm nhuần tự do báo chí, từng bị Trung Quốc làm khó dễ thậm chí không gia hạn giấy phép hành nghề sau khi làm bài điều tra về người bà con của Tập Cận Bình, nhưng với cái tít này họ cũng cảm thấy không ổn. Những người thảo thư chửi ban biên tập viết “cái tít đó công kích rất nhiều người, chứ không chỉ tại Trung Quốc”.

Trầm Dật (Shen Yi, 沈逸), giảng viên tại Đại học Phục Đán Thượng Hải, biên một bài dài nói cái tít này bộc lộ sự ngạo mạn, cái thói thượng đẳng dân tộc và rằng trong thế kỷ 21 vẫn có những quan chức và tinh hoa trí thức Mỹ tư duy theo cái khung mẫu quốc – thuộc địa hồi thế kỷ 19.

Nhưng tòa soạn WSJ đến nay vẫn cứng: một mặt thả cho còm men chửi mình xuất hiện, mặt khác không sửa tít, mặt khác nữa là lấy lập trường tự do báo chí để biện minh.

“Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc xứng đáng được đối xử như một siêu cường, nhưng vào hôm thứ Tư, đất nước ông đã trục xuất ba nhà báo chỉ vì một cái tít. Vâng, là một cái tít. Hay ít ra là lý do được công khai đưa ra là vậy,” tờ báo viết trong một bài đập lại.

_____

(*) Chuyện rằng có cô vợ là phóng viên cãi nhau với chồng. Khi hết lý lẽ để cãi lại, tức quá cô vợ bèn chửi: “Đcm cái đồ biên tập!”

Nguồn bài:

1. Bài gây tranh cãi trên WSJ

2. Bài trên NYT

3. Bài của anh Trầm Dật

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Dưới bài của WSJ có một ý kiến đáng chú ý của bà Susan Shirk, chủ tịch Trung Tâm Trung Hoa Thế Kỷ 21 thuộc trường đại học University of California, San Diego: “Chính quyền Trung Quốc quen thói áp bức trong việc đòi hỏi lời xin lỗi từ mọi loại tổ chức quốc tế về những vấn đề chủ yếu là chính trị nội địa. Điều này có tác dụng can thiệp vào quyền tự do diễn đạt trong các quốc gia của chúng ta.”

    Ý bà Shirk là tờ báo không nên chiều theo ý Bắc Kinh, để cho họ phải chừa bớt thói áp bức ấy đi! Một ý kiến mà nhà cầm quyền ở Hà Nội cũng cần phải nghe.

  2. Hầu hết lời bình luận dưới bài xã luận của giáo sư Walter Mead trên tờ WSJ đều thuộc loại có trình độ chứ không chửi bới hạ cấp. Điều này cho thấy WSJ có người trông nom phần bình luận và có lẽ họ đã không cho hiển thị những lời bình tục tĩu, tâm thần, hoặc được viết một cách vụng về bằng kiểu tiếng bồi. Tôi đi tới kết luận này vì đã nếm thử loại ý kiến của dư luận viên Trung Quốc trên nhiều diễn đàn khác nhau.

    WSJ đăng bài xã luận của Mead là phù hợp với lãnh vực chuyên môn của tờ báo. Cách giật tít đã tạo tác dụng mà họ muốn có: gây tranh cãi để thu hút thêm sự chú ý! Có lẽ vì vậy chủ nhiệm William Lewis hồi tuần qua chỉ nói ông “hối tiếc” về bất cứ thương tổn nào do cái tựa gây ra, mà không đưa ra lời xin lỗi chính thức.

    Một trong những luận cứ bảo vệ cho tự do ngôn luận trong những trường hợp phát ngôn gây sốc cho người nghe là “thuốc đắng dã tật”. Lời lẽ có thể thô bạo, lập luận có thể thiếu mạch lạc, nhưng đâu đó trong phát ngôn vẫn có thể hàm chứa một vài điều đáng nghe.

  3. “China Is the Real Sick Man of Asia” ( Trung Quốc đích thị là con bệnh châu Á) – là hoàn toàn chính xác, hoàn toàn đúng theo nghĩa đen – vì bị dịch bệnh Covid-19, có đến hơn 2 ngàn người chết, TQ không phải người bệnh thì là cái giống gỉ?
    Chỉ có kẻ bệnh hoạn đang cầm quyền ở TQ mới suy dĩễn, rằng trong cái tít ấy có sự “kỳ thị chủng tộc”.
    Chính những kẻ bệnh hoạn ấy, cũng như lũ lợn cầm quyền ở VN, là những kẻ coi thường nhân dân, đồng bào của mình nhất! Chúng có bản chất của lũ cướp – cướp quyền làm chủ đất nước của nhân dân!
    Chúng to mồm phản đối WSJ, là theo bản năng “gái đĩ gìa mồm”, và để kích động nhân dân.

    Lũ lợn cầm quyền đối có coi trọng nhân dân chút nào đâu mà đòi thế giới phải tôn trọng chúng?
    Ban biên tập WSJ đã xử sự rất đúng.
    Cho lũ Lợn cầm quyền – không có lời xin lỗi. Chỉ có sự khinh bỉ vừa có lý, vừa có tình!

Comments are closed.