Martin Knobbe và Wolf Wiedmann-Schmidt
10-8-2017
Vụ tình nghi bắt cóc một cựu chính trị gia Việt Nam là một xì-căng-đan chính trị. Bây giờ thì một nhân viên của Sở Người Tỵ nạn Bamf bình luận về vụ việc này trên Facebook hoàn toàn theo ý của chính phủ Hà Nội.
Ông ấy được giới thiệu là “chuyên gia luật”, người hiện nay đang làm việc trong “bộ máy của chính phủ Đức”: Ho Ngoc T., một nhân viên của Sở Liên bang về Nhập cư và Người Tỵ nạn (Bamf), được phỏng vấn trên trang Facebook của sếp đài phát thanh nhà nước “Voice of Vietnam“ về vụ doanh nhân Trịnh Xuân Thanh rõ ràng là bị bắt cóc. Nhưng ông đánh giá vụ việc này một chiều và hoàn toàn theo hướng của chính phủ Việt Nam.
Trịnh bị dùng bạo lực lôi vào trong một chiếc ô tô ở công viên Tiergarten tại Berlin vào ngày 23/7. Một vụ cứ giống như từ một truyện điệp viên ly kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn của ông trên Facebook, T. lên tiếng cáo buộc nặng nề chính phủ Đức, nữ luật sư của Trịnh và chính bản thân Trịnh nhưng không chứng minh được những điều đó: Cơ quan nhà nước không đưa ra được “bất cứ bằng chứng nào” cho một vụ bắt cóc. Bộ Ngoại giao dựa chủ yếu vào thông tin từ bà luật sư của Trịnh. Nhưng người này lại là người hưởng lợi nhiều nhất từ vụ việc này, vì nó quảng cáo không mất tiền cho bà.
Trịnh là một chính trị gia địa phương, người nổi tiếng “tham nhũng và sống xa hoa”. T. cũng quả quyết rằng đơn xin tị nạn của Trịnh bây giờ thì đã không còn có hiệu lực nữa, vì ông ấy đã rời khỏi nước. Một quan điểm mà các chuyên gia về Luật Tỵ nạn không chia sẻ: một vụ bắt cóc không tự động chấm dứt thủ tục pháp lý xin tị nạn.
Vụ tình nghi bắt cóc bởi tình báo Việt Nam đã dẫn đến nhiều xáo trộn đáng kể giữa Chính phủ Liên bang và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa: Đại sứ Việt Nam bị triệu tập, một nhân viên của tình báo bị trục xuất. Hiện nay Ban Điều tra án mạng thứ tư của Cảnh sát Berlin đang điều tra vụ này và đang cố gắng nhận dạng tổ được cho là đã bắt cóc người. Ban Điều tra án mạng cũng chịu trách nhiệm khi sự toàn vẹn thân thể bị đe dọa.
Trịnh, cho tới 2013 là giám đốc một công ty con của tập đoàn dầu và khí đốt nhà nước PetroVietnam, được cho là phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát tròn 150 triệu đô la. Ở Việt Nam có một lệnh bắt giam ông. Tuy vậy các luật sư Đức của ông phỏng đoán có những trò chơi chính trị nằm phía sau vụ truy tố này: vì Trịnh là cán bộ lãnh đạo của đảng Cộng sản cả một thời gian dài và thuộc bên phái hiện đại. Năm 2016 ông đến Đức và nộp đơn xin tỵ nạn. Cuộc phỏng vấn ông ở tại một văn phòng của Bamf được dự định tiến hành vào ngày sau vụ bắt cóc.
Làm việc cho báo của đảng Cộng sản
Người được phỏng vấn Ho Ngoc T. theo các bài viết trên trang Facebook của ông cũng cộng tác cho báo đảng của đảng Cộng sản và đã được khen thưởng vì việc này. Theo thông tin của chính ông, ông học đại học về luật ở Đại học Friedrich Schiller tại Jena và theo thông tin từ giới cơ quan nhà nước thì đã làm việc lâu nay cho Bamf, ví dụ như là người phỏng vấn những người xin tỵ nạn. Trên trang Facebook riêng của ông, ông đã đưa ra một công văn nội bộ của cơ quan này đề ngày 7 tháng 7 mà trong đó người ta đã cảm ơn ông vì công việc làm của ông. Là nhân viên của Bamf, T. có thể tiếp cận đến các hồ sơ nhạy cảm của những người đang xin tỵ nạn và cả vào sổ đăng ký trung tâm của người nước ngoài. Mặc dù vậy, ông vẫn phát biểu công khai quan điểm của mình về những vụ việc mà cả Bamf cũng tham gia vào trong đó.
Ngay từ tháng 10 năm 2016, nhân viên T. của Bamf đã viết tỉ mỉ về việc biến mất của Trịnh trên trang Facebook của ông và phỏng đoán rằng người cựu giám đốc này đang ở Đức. Ông có những thông tin mà người khác không có không?
Cho đến tối thứ tư, T. không trả lời những câu hỏi của báo Spiegel. Bamf cho biết rằng sở đã biết và hiện đang xem xét vụ việc này. Liệu T. có phải là một nhân viên của Bamf hay không, điều này thì cơ quan không muốn xác nhận lẫn phủ nhận. “Nguyên tắc chúng tôi là không cung cấp thông tin gì về dữ liệu có liên quan đến cá nhân”, một phát ngôn viên báo chí nói.
Phan Ba dịch từ Spiegel