Hiếu Bá Linh
31-1-2020
Đầu năm mới vụ Trịnh Xuân Thanh lại trở thành đề tài nóng trên báo chí Việt Nam và Đức. Mở đầu là báo Dân Việt trong nước, đã giật tít “Trần Quốc Vượng: Kiểm tra vụ Trịnh Xuân Thanh mở đầu sự đổi mới” trong số báo ra ngày 10/01/2020.
Đó là trích lời ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, được tổ chức hôm 10/01/2020.
Ý ông Vượng, cánh tay phải của TBT Nguyễn Phú Trọng, nói rằng, tầm quan trọng của vụ Trịnh Xuân Thanh là “củi” khai trương cái “lò đốt” của TBT Trọng trước kia: “Có thể thấy rằng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư ngày 9/6/2016, yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan kiểm tra, kết luận vụ việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh, tuy tưởng như là một việc vi phạm nhỏ, nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm tốt việc này và có ý nghĩa như hoạt động mở đầu cho sự đổi mới công tác kiểm tra đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng”.
Đến mồng bốn Tết Canh Tý, tức 28/1 trang Tiếng Dân có bài: “Luật sư Schlagenhauf yêu cầu Chính phủ Đức can thiệp trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh” nói về Thông cáo báo chí của bà Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh tại Đức.
Sang ngày 29/1 luật sư Schlagenhauf từ văn phòng mình ở Berlin đã trình bày với đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng vấn đề giữa Đức và Việt Nam lúc này không còn nằm ở phần pháp lý nữa, vì nếu đúng theo luật, thì Hà Nội lẽ ra phải trả Trịnh Xuân Thanh lại Đức từ ngày đầu tiên.
Hiện nay bà kỳ vọng vào sức ép ngoại giao của Chính phủ Đức: “Nhưng vấn đề nằm ở lãnh vực ngoại giao. Sau vụ việc, phía Đức đã đóng băng quan hệ với Việt Nam, thế nhưng giờ mối quan hệ hai nước đang dần quay lại vì những lợi ích kinh tế… Tuy nhiên trường hợp thân chủ của tôi hãy còn là vấn đề trong quan hệ song phương. Quan hệ song phương không chỉ có mặt pháp lý mà có cả mặt ngoại giao nữa”.
Đến ngày 30/1 trả lời đài BBC, luật sư Schlagenhauf khẳng định rằng, bằng quyết định bác bỏ đơn kháng cáo của Nguyễn Hữu Long, Tòa án Tối cao liên bang Đức đã xác nhận rằng việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh – thân chủ của bà – là trái luật pháp quốc tế:
“Với quyết định này, Tòa án Tối cao liên bang Đức đã xác nhận rằng, việc bắt cóc thân chủ của tôi là trái luật pháp quốc tế và việc giam giữ thân chủ của tôi tại Việt Nam, từ quan điểm pháp lý của Đức, là bất hợp pháp.”
“Với quyết định này, việc Việt Nam phải trả tự do cho thân chủ của tôi là điều không còn có gì cần bàn cãi nữa“, luật sư Schlagenhau nhấn mạnh.
Đó là báo chí truyền thông tiếng Việt trong và ngoài nước, còn báo chí Đức nói gì?
Ngoài nội dung “luật sư yêu cầu Chính phủ Đức tiếp tục nỗ lực để Trịnh Xuân Thanh được trả tự do“, bài viết trên nhật báo TAZ tại Berlin, số ra ngày 29/01, còn đề cập đến những nội dung khác:
– Việc bị cáo Nguyễn Hải Long thú tội trước tòa án đã làm tổn hại đến uy tín của Nhà nước Việt Nam, bởi vì đây là lần đầu tiên một người tham gia vụ bắt cóc đã thừa nhận rằng Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc. Cho đến nay, chính quyền Hà Nội vẫn phủ nhận điều này và tuyên bố rằng, Trịnh Xuân Thanh ăn năn hối lỗi tự nguyện trở về đầu thú.
Không phải vô cớ mà ông Stephan Bonell, luật sư của Nguyễn Hải Long, khi đó đã phát biểu với trang TAZ rằng, “nếu không có việc thú tội này, thì ở Việt Nam thân chủ của tôi sẽ không bị coi như là một kẻ phản bội“.
Có lẽ vì vậy mà sau đó, Nguyễn Hải Long đã làm đơn kháng án, mặc dù hầu như không có hy vọng thành công.
Hơn nữa, việc kháng án này rốt cuộc đã làm hại chính bản thân mình, bởi vì bị cáo Long phải ở lâu hơn (cả 1 năm rưỡi trời) trong nhà tù tạm giam, nơi điều kiện giam giữ khắt khe hơn so với các nhà tù bình thường cho người thi hành án.
– Trong phiên tòa xét xử năm 2019 tại Berlin, rõ ràng là Viện Công tố Liên bang đang điều tra ít nhất 4 người đàn ông khác tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trong đó có Trung tướng CSVN là Đường Minh Hưng. Nhưng hiện nay không rõ có còn bị điều tra hay không, bởi vì Viện Công tố Liên bang không cung cấp bất kỳ thông tin nào về các cuộc điều tra.